Học sinh lớp 10 đóng vai đại diện quốc gia bàn luận vấn đề "nóng" của toàn cầu
01 April, 2022
Đầu tuần này, trong niềm vui được trở lại trường học trực tiếp, Olympians khối 10 vô cùng hào hứng khi những ngày thảo luận chính thức của Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc OLMUN 2022 (Olympia Leaders Model United Nations) đã đến “giờ G” diễn ra. Đây là sự kiện thường niên quan trọng hoàn toàn do các học sinh Olympia tự vận hành, tổ chức, dưới sự dẫn dắt và hỗ trợ của giáo viên tiếng Anh. Mục tiêu của hoạt động này là giúp học sinh nâng cao hiểu biết về các vấn đề toàn cầu, phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh, tư duy phản biện và giải quyết xung đột một cách hòa bình, rèn luyện kỹ năng đàm phán và tranh biện, kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo… OLMUN đồng thời là hoạt động kiểm tra đánh giá lấy điểm hệ số 2 của học sinh khối 10 trong bộ môn tiếng Anh. Với hình thức này, việc kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh sẽ được toàn diện hơn, đáp ứng bộ kỹ năng của thế kỷ 21.
Học sinh tự điều hành, tổ chức và cùng nhau tìm lời giải cho vấn đề nhức nhối toàn cầu
Trong vai trò đại biểu quốc gia tham gia hội nghị quốc tế của Liên Hợp Quốc, các học sinh khối 10 đã thảo luận hoàn toàn bằng tiếng Anh về nhiều vấn đề thời sự “nóng bỏng” của toàn cầu với mục tiêu tìm ra giải pháp hòa bình cho tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và tinh thần hợp tác giữa các bên liên quan. Các phiên thảo luận được điều hành, dẫn dắt bởi Tổng Thư Ký và các chủ tọa là những Olympians xuất sắc của khối 11, 12 đã trưởng thành trong kỳ OLMUN 1-2 năm trước. Đây đồng thời là người giúp đại diện từng nước hình thành lập trường của quốc gia trong mối quan hệ chung với lợi ích quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc và nội dung của Hiến chương Liên Hợp Quốc; xây dựng các Guidebook, hướng dẫn đại diện các quốc gia tìm hiểu về cách vận hành của Liên Hợp quốc và từng Ủy ban đặc thù.
Các chủ đề đã được từng Ủy ban, Hội đồng trong OLMUN 2022 thảo luận gồm: Vắc-xin COVID-19 và năng lực y tế trong thời kì đại dịch của Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Sự can thiệp quân sự đối ngoại trong các mâu thuẫn nội bộ của Ủy ban Giải trừ quân bị và an ninh quốc tế (DISEC); Chống bạo lực đối với người châu Á của Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa (SOCHUM); Trẻ em và các phương tiện truyền thông của Hội đồng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF); Nâng cao chất lượng công nghệ sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19 của Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên Hợp Quốc - Ủy ban khoa học và công nghệ (ECOSOC).
Diễn ra trong 3 buổi sáng, và sáng nào không khí thảo luận của các Ủy ban/Hội đồng cũng hết sức sôi nổi. Các “đại biểu” khối 10 đều muốn nói lên tiếng nói, bảo vệ tiếng nói của quốc gia mình đại diện bằng nhiều luận điểm sắc sảo nhưng vẫn tuân thủ nghiêm nguyên tắc chung và các giá trị phổ quát trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trong đó, khi thảo luận về chủ đề “Trẻ em và các phương tiện truyền thông” đại biểu của Hội đồng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã đặt ra nhiều câu hỏi và đề xuất giải pháp về: ảnh hưởng của mạng xã hội đối với hành vi và sức khỏe tâm thần của trẻ em; mạng xã hội có phải là tác nhân dẫn đến hành vi bạo lực của trẻ; làm thế nào để giải quyết vấn đề bắt nạt cũng như việc tràn lan các văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng...
Tìm lời giải cho những câu hỏi này, các “đại biểu” đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, như gây quỹ quốc tế hỗ trợ các nước đang phát triển mua sắm thiết bị công nghệ và lắp đặt mạng lưới internet để giải quyết bất bình đẳng trong tiếp cận các phương tiện truyền thông. Để ngăn ngừa và hạn chế việc trẻ em tiếp xúc với các văn hóa phẩm không lành mạng trên mạng, có “đại biểu” đề xuất xây dựng phần mềm quản lý các website, mạng xã hội và gửi thông tin cảnh báo mỗi khi có người sử dụng truy cập vào các trang không lành mạnh. Hành vi bắt nạt trên không gian mạng được cho là cần sự chung tay hợp tác đa quốc gia để kiến tạo môi trường học tập quốc tế và cùng bảo vệ trẻ em khỏi những hành vi tiêu cực này…
Khi trao đổi về giải pháp cho việc phân phối vaccine trên toàn cầu, “đại biểu” của Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới đề xuất điều chỉnh giá vaccine để phù hợp hơn cho các quốc gia có kinh tế kém phát triển và gửi vaccine tới các nước khó khăn trong tiếp cận… Để chống bạo lực đối với người châu Á, “đại biểu” đề xuất các trường học tăng cường giảng dạy về đa dạng văn hóa, sắc tộc cho học sinh để các em biết tôn trọng và chấp nhận các giá trị, tôn giáo của dân tộc khác…
Nghe dự một số thảo luận cũng như đọc báo cáo lập trường được viết bởi các đại diện quốc gia là học sinh khối 10 trường Olympia, anh Nguyễn Lê Minh (phòng Truyền thông toàn cầu, Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc) cho biết mình rất ấn tượng với khả năng tiếng Anh, sự hiểu biết các vấn đề toàn cầu cũng như kỹ năng tranh biện sắc sảo của các học sinh. “Các đề xuất các bạn đưa ra khá trúng với những vấn đề mà Liên Hợp Quốc đang thảo luận. Ví dụ cụ thể trong câu chuyện xung đột giữa Nga và Ukraine hay thảm họa nhân đạo ở Yemen, Siri thì giải pháp được đề ra không đơn thuần là chấm dứt chiến tranh mà còn là gìn giữ hòa bình như thế nào, hỗ trợ người dân ra sao…”, anh Minh nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) TS. Nguyễn Hải Lưu chia sẻ trong tổng kết OLMUN.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) TS. Nguyễn Hải Lưu cũng cho biết: rất ấn tượng với năng lượng, sự nhiệt huyết cũng như tinh thần chủ động, ham học hỏi của học sinh trường Olympia khi tham gia OLMUN. “Các em đã tự làm chủ được kiến thức, hoàn thiện kỹ năng tranh biện, thảo luận nhóm. Quan trọng hơn, từ những kiến thức hiểu biết đó, các em đã đề xuất nhiều giải pháp hữu ích và phù hợp với đời sống quốc tế hiện nay. Cá nhân tôi cảm thấy rất ấn tượng và đánh giá cao trình độ chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, tư duy và hiểu biết toàn cầu, cũng như kỹ năng đàm phán và tranh biện của các em”, TS Hải Lưu nói.
Hành trình trưởng thành và phát triển năng lực toàn cầu thế kỷ 21
Chia sẻ trong chương trình tổng kết, cô Satbinder Deshi, - một trong các giáo viên đã đồng hành cùng Olympians trong OLMUN 2022 cho biết, có nhiều điều các giáo viên mong muốn học sinh thu nhận được trong hành trình trải nghiệm OLMUN. Đó chính là: trau dồi thêm hiểu biết và năng lực tư tuy toàn cầu; rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, làm việc nhóm; kỹ năng đàm phán, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề mang tính vĩ mô toàn cầu… Đây đều là những năng lực rất cần thiết của công dân thế kỷ 21 - những người đã - đang và sẽ phần nào bị ảnh hưởng bởi các vấn đề nhức nhối toàn cầu mà tưởng như không liên quan đến lứa tuổi học sinh.
“Thật tuyệt khi nhìn các con đứng lên và lên tiếng về những vấn đề toàn cầu nhức nhối; lên tiếng cho quốc gia mà các con đại diện. Khi nhìn vào những giải pháp mà các con đề ra, cô thật sự đã khóc; bởi lẽ các con - những chủ nhân tương lai của thế giới đang có nhiều ý tưởng để thay đổi thế giới theo cách tốt đẹp hơn”, cô Satbinder Deshi nói.
Cô Satbinder Deshi, - một trong các giáo viên bộ môn tiếng Anh THPT đã đồng hành cùng Olympians trong OLMUN 2022.
Chúc mừng các giáo viên và học sinh đã có những ngày trải nghiệm thú vị với Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc, cô Shannon Koga - Tổng Hiệu trưởng trường Olympia đồng thời cảm ơn những nỗ lực của tập thể thầy cô và học sinh khi đã chuẩn bị và tổ chức thành công hoạt động giáo dục ý nghĩa này. Có 3 điều làm nên thành công của OLMUN 2022, theo cô Shannon, đó chính là: sự tôn trọng của học sinh dành cho các quốc gia mình đại diện; sự chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao hiểu biết toàn cầu của Olympians khối 10 tham gia thảo luận, cũng như các học sinh trong Ban tổ chức đã lên kế hoạch, chuẩn bị và tổ chức chu đáo cho sự kiện; sự can đảm của học sinh khi vượt qua vùng an toàn của bản thân để đứng trước đám đông nói lên quan điểm của mình về các vấn đề quốc tế.
Thay mặt trường Olympia, Tổng hiệu trưởng Shannon Koga cảm ơn các khách mời đã dành thời gian theo dõi phần thảo luận của Olympians và dành những đánh giá tích cực cho chất lượng chương trình, năng lực của học sinh và cả đội ngũ thầy cô đứng phía sau hỗ trợ học trò tổ chức thành công hành trình trải nghiệm ý nghĩa này.
“Con rất cảm ơn nhà trường đã đưa OLMUN vào chương trình giáo dục, để chúng con có cơ hội trải nghiệm những công việc, những vị trí rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến các quốc gia và tương lai thế giới. OLMUN đã rèn giũa cho chúng con những kỹ năng cần thiết để trở thành công dân toàn cầu hiểu biết, bản lĩnh và tự tin. Với mong muốn sau này được làm việc trong Bộ Ngoại giao, vì vậy OLMUN là một trọng tâm rất lớn mà con đã đầu tư trong những năm ngồi trên ghế nhà trường”, Chí Nam - học sinh lớp 12 đã trải qua 3 mùa OLMUN và ở mùa này được giao trọng trách phụ trách các chủ tọa và là chủ tọa của Hội đồng DISEC, nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao) TS. Nguyễn Hải Lưu chụp ảnh cùng Chủ tọa và Tổng thư ký các Ủy ban/Hội đồng trong OLMUN 2022.
Chia sẻ trong chương trình tổng kết, trao giải OLMUN 2022, cô Satbinder Deshi, giáo viên bộ môn tiếng Anh cấp THPT - một trong những thầy cô đồng hành cùng Olympians trong hoạt động này cho biết: điều các giáo viên mong muốn học sinh nhận được trong hành trình trải nghiệm OLMUN là trau dồi hiểu biết và năng lực tư tuy toàn cầu; rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, làm việc nhóm; kỹ năng đàm phán, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề…
“Chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu nhức nhối. Những vấn đề này tưởng chừng như không liên quan tới các con ở độ tuổi này, nhưng thực tế nó đang và sẽ phần nào ảnh hưởng đến tương lai của các con. Vì thế, những gì chúng ta đang làm ở OLMUN là rất đỗi quan trọng và là sự chuẩn bị hữu ích cho tương lai của mỗi học sinh”, cô Satbinder nói.
Chúc mừng các giáo viên và học sinh đã có những ngày trải nghiệm thú vị với Hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc, cô Shannon Koga - Tổng Hiệu trưởng trường Olympia đồng thời cảm ơn những nỗ lực của tập thể thầy cô và học sinh khi đã chuẩn bị và tổ chức thành công hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá ý nghĩa này.
Khởi động thành công từ năm 2019, OLMUN trở thành sự kiện thường niên quan trọng, đồng thời là hoạt động kiểm tra đánh giá lấy điểm hệ số 2 của học sinh khối 10 thuộc bộ môn Tiếng Anh cấp THPT. Thông qua sân chơi hữu ích này, học sinh không chỉ được nâng cao hiểu biết các vấn đề toàn cầu mà còn phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh, tư duy phản biện và giải quyết xung đột một cách hòa hình, kỹ năng đàm phán và tranh biện, kỹ năng làm việc nhóm và lãnh đạo… OLUMN đồng thời giúp hoạt động kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh được toàn diện hơn, đáp ứng bộ kỹ năng của thế kỷ 21.
Trong buổi tổng kết hoạt động, nhiều giải thưởng đã được trao cho các học sinh khối 10 có phần thể hiện xuất sắc nhất trong OLMUN 2022. Đó là: Hội đồng DISEC với chủ đề “Sự can thiệp quân sự đối ngoại trong các mâu thuẫn nội bộ”: Đại biểu xuất sắc nhất: Mai Hà Anh Đại biểu xuất sắc: Nguyễn Minh Khôi; Nguyễn Vũ Phương Chi Đại biểu danh dự: Đào Phương Mai; Đặng Minh Quân Bài luận xuất sắc nhất: Mai Hà Anh Hội đồng UNICEF với chủ đề “Trẻ em và các phương tiện truyền thông”: Đại biểu xuất sắc nhất: Ngô Thục Anh Đại biểu xuất sắc: Nguyễn Tường Anh; Phùng Nhật Khánh Trân Đại biểu danh dự: Nguyễn Khánh Linh; Phạm Thành Nam Bài luận xuất sắc nhất: Lê Phạm Trang Anh. Hội đồng SOCHUM với chủ đề “Chống bạo lực đối với người châu Á”: Đại biểu xuất sắc nhất: Võ Hà An Đại biểu xuất sắc: Nguyễn Bảo Linh; Nguyễn Đào Anh Thư Đại biểu danh dự: Nguyễn Cẩm My; Nguyễn Tú Thi Bài luận xuất sắc nhất: Võ Hà An. Hội đồng WHO với chủ đề “Vắc-xin COVID-19 và năng lực y tế trong thời kì đại dịch”: Đại biểu xuất sắc nhất: Võ Khải Sơn Đại biểu xuất sắc: Trịnh Trường Anh Đại biểu danh dự: Nguyễn Quốc Anh; Uông Gia Bảo Bài luận xuất sắc nhất: Uông Gia Bảo Hội đồng ECOSOC với chủ đề “Nâng cao chất lượng công nghệ sản xuất vắc xin phòng chống Covid-19”: Đại biểu xuất sắc nhất: Nguyễn Lâm Chi Đại biểu xuất sắc: Lê Quốc Thái; Nguyễn Mạnh Tiến Đạt Đại biểu danh dự: Hoàng Khánh Linh; Trịnh Văn Hoàng Anh Bài luận xuất sắc nhất: Phan Vũ Nhật Minh |