Học sinh lớp 4 vận dụng kiến thức liên môn để thiết kế mô hình ngôi nhà mơ ước
27 March, 2022
Lên ý tưởng; lập kế hoạch; thiết kế bản vẽ; tính toán diện tích khu đất, căn nhà; làm nội thất; dựng mô hình 3D…; các Olympians khối 4 với kiến thức liên môn Toán, Công nghệ, Mĩ thuật, Tin học đã trải nghiệm học tập như một kiến trúc sư để dựng lên ngôi nhà mơ ước.
Ngôi nhà của tình yêu, sự háo hức và kiên trì thực hiện mục tiêu
“Các bạn thân mến, nhà là nơi thiêng liêng và chắc hẳn ai cũng có một ngôi nhà trong mơ” Đức An đã mở đầu bài thuyết trình về mô hình “Ngôi nhà mơ ước” của mình như thế, sau phần hát rất dễ thương bài “Đường về nhà” của chú Đen và JustaTee.
Mong muốn tạo ra một không gian gần gũi với thiên nhiên, đầm ấp và vui tươi, để gia đình thoải mái sum vầy sau mỗi ngày làm việc, học tập, Đức An đã thiết kế ra An’s home - mô hình ngôi nhà một tầng, gần biển với vườn rộng và nhiều cây xanh. Tổng khu đất của An’s home rộng 1.000m2, trong đó ngôi nhà chiếm 70m2. Nhà có phòng khách, phòng ngủ, khu nấu ăn với nội thất tiện nghi như: tivi Plasma, bàn ghế sofa, bàn ăn, tủ sách, bàn học, bàn trang điểm cho mẹ, tủ rượu cho bố, xích đu cho các con... Trên bức tường màu đỏ, nổi bật lên là những bức ảnh gia đình hạnh phúc. Nội thất có tông màu chủ đạo là hồng điểm hoa văn; sàn nhà là gạch men trắng.
Để thực hiện sản phẩm này, Đức An đã sử dụng kiến thức môn Toán để đo lường diện tích, chu vi các phòng và tính toán tỷ lệ giữa ngôi nhà theo bản thiết kế với mô hình 3D. Nhờ quy trình thiết kế được học từ môn Công nghệ cùng với khả năng tạo hình, phối màu có được từ môn Mỹ thuật, em đã cắt ghép, sơn màu và biến những vật dụng tái chế như vỏ hộp bánh, giấy ăn, sợi len… thành mô hình nhà 3D có nội thất hiện đại và sắc màu tươi sáng.
Không yêu cầu tích hợp kiến thức môn tiếng Việt, nhưng để phần thuyết trình sản phẩm được sinh động hơn, Đức An đã vận dụng một số nội dung bài học. Em đồng thời sử dụng năng lực công nghệ được tích lũy từ môn Tin học lớp 3 để tạo ra một powerpoint giới thiệu ý tưởng, vật liệu, cấu trúc ngôi nhà và quá trình thực hiện mô hình 3D thật ấn tượng.
Cũng công phu và tỉ mỉ như Đức An, Đỗ Việt Hà (lớp 4A1) mang đến mô hình “Ngôi nhà mơ ước” cao 2 tầng làm bằng bìa, giấy, băng dính, đồ chơi cũ… Mẹ của Olympian này cho biết, từ lúc bắt tay làm dự án đến khi hoàn thành sản phẩm, con đã rất hào hứng, kiên trì, quyết tâm.
“Con thu thập các vật dụng có sẵn để tái chế làm mô hình, như vỏ của các hộp collagen mẹ uống để làm sàn, tường; các mẩu cây nhựa đã hơi gãy mẹ trang trí trong nhà tắm được cắt ra làm cây trang trí trong ngôi nhà; sử dụng đồ chơi cũ để làm giường, tủ, bàn ghế… Con rất tích cực và quyết tâm làm một mô hình nhà thật đầy đủ các phòng chức năng, đồ đạc, y như căn nhà thật. Thấy con lọ mọ mấy tuần liền, mỗi ngày chỉ gắn được một chút, có lúc bố mẹ đã bảo: con có thể làm đại khái cho xong. Tuy nhiên, con đã rất kiên trì để thực hiện mục tiêu; bao gồm cả việc kiên trì năn nỉ để bố mẹ đưa đi mua thêm dụng cụ thay vì nghe lời bố mẹ là làm đại khái”, mẹ của Việt Hà nói.
Cùng được lựa chọn từ hơn 90 mô hình để vào vòng chung kết dự án học tập liên môn “Ngôi nhà mơ ước”, Uyên Nhi (lớp 4A1), Đức Anh (lớp 4A2); Kỳ phương (lớp 4A3); Ngọc Ánh (lớp 4A4); Quỳnh Anh (lớp 4A3); Khánh Chi (lớp 4A2), mỗi bạn lại mang đến một sản phẩm ấn tượng cùng phần thuyết trình dễ thương, khiến giám khảo và đông đảo học sinh, phụ huynh trầm trồ tán thưởng.
Trao đổi với giám khảo tại chung kết, Quỳnh Anh (lớp 4A3) bày tỏ niềm vui, sự tự hào, hạnh phúc khi được thể hiện ý tưởng của bản thân cũng như biến ngôi nhà trong mơ thành mô hình có thật. “Con mong muốn những người thân yêu khi sống trong ngôi nhà này sẽ luôn được hạnh phúc, vui vầy”, Olympian nói.
Con trưởng thành và tích lũy thêm nhiều giá trị to từ dự án học tập
Triển khai từ tháng 01/2022 đến ngày 18/03/2022, dự án “Ngôi nhà mơ ước” được giáo viên các bộ môn Toán, Công nghệ, Mỹ thuật lên ý tưởng, tổ chức thực hiện, với mục tiêu giúp học sinh khối 4 kết nối kiến thức trong chương trình với thực tiễn, đồng thời rèn luyện các kỹ năng mềm như: lập kế hoạch, thuyết trình, sử dụng công nghệ thông tin. Thông qua dự án "dài hơi" này, học sinh cũng được trau đồi để phát triển các hệ giá trị trong chân dung người học mà Olympia theo đuổi; đó là: kiên định, trách nhiệm, ham học hỏi, tư duy và sáng tạo xuất sắc, tôn trọng, tự hào, thấu cảm.
Là một trong những giáo viên khởi xướng dự án, cô Trần Xuân Hương (Phó bộ môn Toán Tiểu học) hạnh phúc khi được nhận về nhiều sản phẩm công phu, sáng tạo của học trò khối 4. Cô cho biết, các con đã bước đầu vận dụng linh hoạt kiến thức được học vào giải quyết vấn đề thực tế.
“Không chỉ thế chúng tôi nhìn thấy những giá trị mà Olympia đang hướng tới đã thấp thoáng trong mỗi câu chuyện của học sinh. Đó là sự kiên định khi con kiên trì thực hiện mỗi ngày một chút; không bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Đó là tinh thần ham học hỏi khi chủ động nhờ bố mẹ chỉ bảo thêm cách cắt bìa sao cho đẹp mắt. Đó là giá trị xuất sắc khi làm mọi thứ thật chỉn chu; là ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi lựa chọn làm mô hình từ vật liệu tái chế; là sự tôn trọng khi các con sử dụng những bình luận tích cực để phản hồi sản phẩm cho các bạn.
Đó đồng thời cũng là sự thấu cảm yêu thương được gửi gắm trong ngôi nhà mơ ước khi các con nghĩ đến người thân, như Ngọc Ánh muốn thiết kế một ngôi nhà nhỏ bên suối để bố mẹ có không gian yên tĩnh nghỉ ngơi, Đức Anh thông qua căn bếp đã hiểu hơn về tình yêu thương mẹ dành cho gia đình. Đó còn là niềm tự hào khi hoàn thành sản phẩm vượt xa kì vọng ban đầu, như lời Quỳnh Anh chia sẻ. Tất cả giá trị ấy thể hiện qua câu chuyện của từng học sinh, khiến giáo viên chúng tôi thấy rằng công sức mình bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng”, cô Xuân Hương nói.
Mẹ của Đức An (lớp 4A4) cũng cho biết, sau khi tham gia dự án “Ngôi nhà mơ ước” con đã biết chủ động lên kế hoạch để thực hiện công việc; bắt đầu biết tư duy nên làm gì, không nên làm gì khi quyết định làm việc này mà không làm việc kia. “Bên cạnh đó, con còn xây dựng được ý thức tiết kiệm đồ dùng để tái sử dụng. Đặc biệt, kỹ năng thuyết trình và sử dụng các ứng dụng để thiết kế bài trình chiếu của con tiến bộ lên rõ rệt”, mẹ của Olympian Đức An nói.
Nhìn con từ một cô bé nhút nhát, hay xấu hổ, khi tham gia “Ngôi nhà mơ ước” đã tự tin diễn thuyết rất hay trước gia đình và bạn bè, thầy cô, bố của Nguyễn Khánh Chi (lớp 4A2) vui mừng, xúc động. “Con hoàn toàn tự lập, chủ động trong công việc của mình. Bố mẹ cám ơn các thầy cô giáo đã giúp con tiến bộ từng ngày”, phụ huynh chia sẻ.
Rất ấn tượng với dự án dạy học liên môn “Ngôi nhà mơ ước”, các bố mẹ học sinh khối 4 càng thêm tin tưởng vào định hướng giáo dục của nhà trường. Đó là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh; kích thích niềm đam mê học tập và khai mở tiềm năng riêng của mỗi học sinh thông qua chương trình học tập giàu tính trải nghiệm, cân bằng lý thuyết với thực hành và ứng dụng thực tế.