undefined

Hướng nghiệp tuổi Teen: Đi tìm điểm giao nguyện vọng giữa con cái - bố mẹ và những thách thức không nhỏ trong thời đại 4.0

23 September, 2021

Hướng nghiệp tuổi Teen: Đi tìm điểm giao nguyện vọng giữa con cái - bố mẹ và những thách thức không nhỏ trong thời đại 4.0

 

Trong tọa đàm “Con tuổi teen, hướng nghiệp sao cho khéo” diễn ra tại trường PTLC Olympia vào ngày 18/06/2021, các chuyên gia khách mời đã đồng hành cùng nhà báo Tạ Bích Loan khai mở những vấn đề mới mẻ của chủ đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. 

 

Những xung đột tuổi teen: Khi con cái lựa chọn điều bố mẹ không muốn

 

Teen là một từ tiếng Anh, chỉ giai đoạn từ tuổi 13 - 19. Trong mắt mỗi khách mời, tuổi teen được định hình bằng những hình ảnh khác nhau nhưng đâu đó có những điểm chung như dở dở ương ương, nổi loạn, khó bảo, cảm xúc bộc phát, đôi khi là thay đổi tính cách rất nhanh và đầy mong muốn thách thức bố mẹ. Theo Thạc sĩ Nguyễn Vũ Thanh An tốt nghiệp Đại học Harvard chuyên ngành Khoa học và thực hành phòng ngừa trong giáo dục, “Trong giai đoạn tuổi teen, học sinh sẽ bớt thần tượng hóa bố mẹ. Đôi khi con sẽ có hành vi mà bố mẹ cho là láo. Về mặt cảm xúc, các bạn sẽ bộc phát nhiều hơn với những nỗi buồn vu vơ trong giai đoạn khoảng từ 14-18 tuổi. Các bạn bắt đầu cảm thấy cô đơn khi lớn lên, tách rời ra khỏi những người chăm sóc. Các bạn có nhiều cảm xúc để thể hiện nhưng không có đủ ngôn từ. Khả năng học thuật ở giai đoạn này nhanh nhưng khả năng có thể dừng lại để điều chỉnh bản thân thì hạn chế.”

 

Với anh Lê Việt Thọ - Giám đốc, luật sư điều hành CBS Legal, tuổi teen của của thế hệ anh rất khác so với tuổi teen bây giờ khi thế hệ trẻ ngày nay trưởng thành một cách “quy củ” hơn, không tự nhiên như thế hệ đi trước. Chính vì vậy, ai cũng đã đi qua tuổi teen nhưng không dễ để bố mẹ hiểu được tuổi teen của con.

 

 

Các khách mời chia sẻ trong chương trình


Và khi không hiểu được tuổi teen của con, việc hiểu được sở thích, đam mê cũng như hướng nghiệp cho con phù hợp ở tuổi teen lại càng khó. Con đang đi tìm con đường cho tương lai, bố mẹ cũng phải dò dẫm, cố gắng hiểu những thứ quá xa lạ như Youtuber, Streamer… một hệ thống nghề nghiệp, tư duy và thế giới quan khác biệt với bố mẹ. Khi con chọn một thứ mà bố mẹ không muốn thì sẽ thế nào? 

 

Anh Lê Việt Thọ cho biết quá trình hướng nghiệp sẽ khó khăn khi con bắt đầu có chính kiến riêng. Từ kinh nghiệm cá nhân với con trai vừa tốt nghiệp lớp 12 tại Olympia, anh Thọ cho biết việc xung đột là điều sẽ xảy ra với các tranh luận xoay quanh con muốn làm gì, bố mẹ hướng nghiệp ra sao. Tuy nhiên, anh không áp đặt con cái mà để con lựa chọn công việc có ý nghĩa với con.

 

Anh Lê Việt Thọ - Giám đốc, luật sư điều hành CBS Legal

 

Từ góc nhìn của người vừa bước qua tuổi Teen, Lê Diệu My - Du học sinh ngành đạo diễn sân khấu đại học New York, thời điểm tuổi 15-20 của bố mẹ đã hoàn toàn khác xa với tuổi teen bây giờ. Có những công việc chưa xuất hiện cách đây 20 năm nhưng giờ đây lại trở nên phổ biến. Thế giới đang tiếp tục chuyển động và có rất nhiều ngành nghề mới xuất hiện như Youtuber, Streamer… Phụ huynh phải thực sự hỏi “Điều gì từ Youtube khiến con thực sự thích làm” mới hiểu được động lực với công việc và hướng nghiệp cho con phù hợp. Phụ huynh không nên loại trừ bất cứ nguyện vọng nào của con; thay vào đó hãy cho con trải nghiệm để có nhiều cơ hội lựa chọn cho bản thân.

 

Theo chia sẻ của anh Phan Minh Đức, cựu Quán quân đường lên đỉnh Olympia, nghiên cứu sinh kinh tế tại Úc, xung đột giữa bố mẹ và con cái trong việc hướng nghiệp diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ đâu. Xung đột diễn ra khi một trong hai bên không thể đưa thông điệp mình mong muốn tới đối phương. Sự bất đồng trong việc thấu hiểu diễn ra do sự bất đồng trong quan điểm, kinh nghiệm, mong muốn của hai phía. Đôi khi sẽ cần tác động của một bên thứ ba, người đứng giữa để làm hòa, để giúp học sinh và phụ huynh tìm ra điểm giao trong nguyện vọng của cả hai bên.  

 

Sự mông lung của cả bố mẹ lẫn con cái

 

Trong nhiều trường hợp, cả phụ huynh và học sinh đều mông lung, học sinh không biết muốn làm gì và phụ huynh không biết hướng nghiệp cho con ra sao. Cô Thanh An cho biết, có nhiều lý do khiến việc định hướng nghề nghiệp khó khăn: Có thể là bạn học sinh giỏi ở nhiều môn, có thể cái gì học sinh cũng thấy không giỏi. Trong trường hợp con không biết mình làm gì, bố mẹ nên trò chuyện thêm với giáo viên trong trường. Là một người làm hướng nghiệp, cô Thanh An đã đưa ra mô hình phát triển Garcia để học sinh và phụ huynh có thêm công cụ để hiểu bản thân. Có thể thấy, khi “quyết tâm” và “trải nghiệm” đều không có, học sinh sẽ rất vô định. Khi “quyết tâm” nhiều nhưng thiếu “trải nghiệm”, học sinh dễ đưa ra các quyết định bồng bột. Cái đích của việc phát triển là phải giúp học sinh vừa có nhiều trải nghiệm, vừa có quyết tâm cao để đạt tới trạng thái tường minh trong lựa chọn của bản thân.

 

Mô hình phát triển Garcia

 


Trạng thái “tường minh” trên có thể đạt được khi học sinh có thêm trải nghiệm và đầy quyết tâm. Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp để đưa đến cho con nhiều hơn các trải nghiệm thực tế. Để con cái không mông lung, bố mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con, đồng hành cùng con trong tiến trình hướng nghiệp. Theo anh Thọ, đây không phải việc đơn giản khi phụ huynh còn bận rộn với công việc và đôi khi không thể sát xao từng chút. Đưa con đi thực tập ở các công ty bên ngoài là điều cần thiết để giúp con có thêm trải nghiệm. Khi có thể trực tiếp làm việc, tăng trải nghiệm, học sinh sẽ hiểu hơn về lựa chọn của mình.

 

Đồng tình với quan điểm của anh Thọ, cô Thanh An chia sẻ rằng phụ huynh không nên để con cái đơn độc trên hành trình hướng nghiệp. Tuy nhiên, khi con đã có thể chủ động, tự tìm hiểu, bố mẹ có thể lùi về một bước để hỗ trợ con. Giống như một đứa trẻ tập đi, nếu không buông tay thì con không thể tự đi được. Mong đợi nào của bố mẹ cũng xuất phát từ tình yêu thương con. Lựa chọn đi bên cạnh, đi đằng sau sẽ phụ thuộc vào thông điệp giáo dục mình muốn truyền tải cho con. 

 

Cô Nguyễn Vũ Thanh An, tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành khoa học và thực hành phòng ngừa trong giáo dục, tập trung vào mảng tư vấn lứa tuổi vị thành niên tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ

 

Còn với Diệu My, tất cả những điều phụ huynh nói đều là khách quan. Phụ huynh cần hiểu là mình đang tư vấn cho con, khi nào sự trợ giúp của mình đang là sự trợ giúp hay là phụ huynh đang ngáng đường con. 

 

Hướng nghiệp tuổi Teen: Thách thức và Thành công

 

Hướng nghiệp tuổi Teen đặt ra nhiều thách thức cho tất cả các bên. Thứ nhất, đây là lứa tuổi thay đổi cảm xúc nhanh chóng, tâm sinh lý thay đổi khiến việc đưa ra quyết định gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, trong thời đại 4.0, luồng thông tin học sinh phải tiếp nhận quá nhiều dẫn tới khả năng tự định hướng hạn chế, nhiễu loạn thông tin. Với bố mẹ, thích ứng với giai đoạn chuyển giao nổi loạn không phải đơn giản khi còn nhiều nỗi lo về công việc và cuộc sống. Con trưởng thành là lúc bố mẹ phải học tính kiên nhẫn cũng như trau dồi thêm chuyên môn. Bố mẹ cảm thấy căng thẳng, học sinh cũng thấy căng thẳng. Thanh An chia sẻ rằng, mình “làm tư vấn hướng nghiệp nhưng hộp giấy ăn trong phòng lúc nào cũng hết nhanh vì có nhiều nước mắt trong quá trình tư vấn.” Trong quá trình thỏa hiệp giữa con cái và bố mẹ, đôi khi bố mẹ phải “làm gương” trong phần thỏa hiệp vì ở độ tuổi teen, thỏa hiệp là điều gì đó rất khó với trẻ. Khi cần nhún nhường, bố mẹ hãy lùi một bước kèm theo chỉ dấu rằng sẽ có những giới hạn mà bố mẹ không thể thỏa hiệp nữa. 

 

Điều quan trọng khi hướng nghiệp cho con thành công, theo anh Thọ, là hãy đặt đứa trẻ là trung tâm của vấn đề. Người lớn cần thay đổi để hiểu đứa trẻ, cần phối hợp nhịp nhàng với các bên liên quan để hỗ trợ trẻ. Có những lúc hãy để con tự quyết định. Dù thế nào đi chăng nữa, bố mẹ cũng phải rõ ràng tâm thế rằng: Con có thể mắc sai lầm và mắc sai lầm mới giúp con nhận ra bài học. Dù thế nào đi chăng nữa, bố mẹ vẫn dang tay ra khi con cần. 

 

“Mỗi đứa trẻ là một đặc thù riêng không ai giống ai… Chúng ta không thể áp đặt bất cứ nghề nghiệp nào của người khác vào một đứa trẻ cụ thể. Sẽ không có công thức chung nào cho mỗi người.”

 

Với kinh nghiệm đã làm việc với học sinh ở nhiều cấp, Phan Minh Đức cho rằng để hướng nghiệp thành công cần cả hai phía. Bố mẹ cần trau dồi thêm kiến thức, tự hỏi xem mình đã hiểu con cái chưa. Học sinh cũng cần phải xác định rõ lựa chọn của mình với con đường tương lai là một quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng hay bị tác động từ bên ngoài (do bạn bè). 

 

“Nếu đã là tuổi teen, cứ thử và sai đi, càng thử nhiều càng sai nhiều chắc chắn sẽ đúng.”

 

Tuy nhiên để giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải nếu sự “sai” đi quá xa, cô Thanh An đưa ra một mô hình hướng nghiệp tuổi Teen để phụ huynh có thể tham khảo. 

 

“Thứ nhất, học sinh cần trả lời câu hỏi tôi là ai, bố mẹ cũng cần trả lời câu hỏi con mình là ai. Thứ hai, học sinh cần hỏi câu tôi đang đi tới đâu, bố mẹ cũng vậy. Đó có thể là mục tiêu, đích đến, những kỹ năng xây dựng được trong quá trình trưởng thành. Thứ ba, khi đã xác định được mình là ai và đi tới đâu, học sinh sẽ trả lời cho câu hỏi tôi làm thế nào để đi tới đó.”

 

Trong một xã hội với sự thay đổi là điều bất biến duy nhất, sẽ có những sự thay đổi nhất định trên hành trình đó nhưng việc đi ngược lại ba câu hỏi này dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ giúp việc đi tới con đường hướng nghiệp đúng đắn của học sinh và phụ huynh trở nên dễ dàng hơn. 

 

 

 

 

 

 

 

Share:

Related post