Nữ sinh Olympia trình bày nghiên cứu khoa học về chất lượng không khí Hà Nội trong dự án giao lưu quốc tế
09 March, 2022
Ngày 8/3/2022 hai Olympians khối 9 là Nguyễn Đào Phương Nhi và Đặng Khánh Linh đã hoàn thành chuỗi giao lưu quốc tế về biến đổi khí hậu, do ĐH Chiba (Nhật Bản) tổ chức. Dự án thuộc Mạng lưới trao đổi sinh viên TWINCLE (Twin College Envoys Program) được thành lập từ năm 2013 nhằm trao đổi và chia sẻ văn hóa của các quốc gia thành viên.
Chuỗi giao lưu quốc tế về Biến đổi khí hậu kéo dài từ 30/01/2022 đến ngày 13/02/2022, và hoàn thành Kỷ yếu hội thảo vào 8/3/2022. Chương trình có sự tham gia của các thầy cô, sinh viên, học sinh đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, trường THPT Khoa học giáo dục thuộc (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường phổ thông liên cấp Olympia, cùng hàng chục đại học và các trường phổ thông của Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Lào, Singapore, Phillipines. Là gương mặt quen thuộc và tâm huyết trong các dự án/hoạt động về môi trường, Phương Nhi cùng Khánh Linh đã đại diện học sinh Olympia tham gia dự án.
Bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuỗi giao lưu quốc tế về biến đổi khí hậu diễn ra hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Có 2 phần hoạt động chính là: workshop về phát triển bền vững và chia sẻ các nghiên cứu của cá nhân/nhóm về chủ đề. Bên cạnh đó, các thành viên còn thực hiện một bức tranh vẽ tay để giải thích các vấn đề khác nhau liên quan đến khí hậu, môi trường của quê hương mình.
Tại phòng trình bày nghiên cứu do giảng viên José Gutérrez (đại học Chiba, Nhật Bản) chủ trì, với sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên các nước, Olympian khối 9 Nguyễn Đào Phương Nhi đã báo cáo nghiên cứu của mình về vấn đề “Ô nhiễm không khí ở Hà Nội”. Khi nghiên cứu tài liệu và thu thập dữ liệu, quan sát về mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và biến đối khí hậu ở Hà Nội cũng như quy mô thế giới, Phương Nhi đặc biệt lưu ý đến sự khác biệt của chỉ số ô nhiễm không khí trong các giai đoạn khác nhau, nhất là trước và sau khi COVID-19 diễn ra. Quan đó, em phân tích sự tác động rõ rệt của các hoạt động do con người gây ra dẫn đến ô nhiễm không khí, như: sử dụng phương tiện giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất... Phương Nhi cũng kết luận rằng, nên duy trì đeo khẩu trang khi ra ngoài và giảm mức độ phát thải thông qua tăng cường sử dụng giao thông cộng cộng, tiết kiệm nhiên liệu và trông nhiều cây xanh, gắn các hành động này trong đời sống hàng ngày của mọi người.
Nghiên cứu của Olympian Đặng Khánh Linh tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu mối quan hệ của giao thông, ô nhiễm không khí với các vấn đề về sức khỏe con người. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhưng chưa được nghiên cứu nhiều và thấu đáo. Trong bài nghiên cứu của mình, thông qua nghiên cứu tài liệu, phân tích dữ liệu, Khánh Linh chỉ ra ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với các bệnh hô hấp ở trẻ em, tỉ lệ trẻ em nhập viện vì bệnh này qua các giai đoạn. Theo kết quả nghiên cứu của Olympian, carbon đen là một chất gây ô nhiễm khí hậu chỉ tồn tại trong vài ngày đến vài tuần sau khi thải ra khí quyển, nhưng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ hô hấp và là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn, nguy cơ chết non ở trẻ. Do đó cần có các chính sách và hành động bền vững để đảm bảo làm trong sạch không khí và bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
“Đây là lần đầu tiên con viết một bài nghiên cứu về vấn đề môi trường nên khá bỡ ngỡ. Trong báo cáo của con, các anh chị và các bạn nước khác cũng nói về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, phát triển mặt nạ dễ phân huỷ… Các bài thuyết trình đó làm con chóang ngợp bởi hàm lượng khoa học và thông tin có rất nhiều” Olympian Nguyễn Đào Phương Nhi chia sẻ.
Em cho biết, với những buổi thảo luận nảy lửa và thuyết trình căng co trong chuỗi hoạt động của dự án TWINCLE đã để lại cho em nhiều cảm xúc thú vị và bài học bổ ích. Ngoài tăng thêm hiểu biết về các vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đến đời sống, sức khoẻ con người; rèn luyện được các kỹ năng nghiên cứu, thuyết trình, báo cáo quốc tế… Phương Nhi còn làm quen được nhiều bạn mới ở các quốc gia mình chưa có dịp ghé thăm.
Hiện Olympian Phương Nhi đang cùng nhóm bạn trong khối 9 thực hiện một dự án cộng đồng về nước sạch và vệ sinh, để đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng xung quanh mình.
Chúng ta hy vọng rằng, sau chuỗi hoạt động này, Khánh Linh và Phương Nhi sẽ có thêm những kinh nghiệm hữu ích để các dự án làm cùng bạn bè sẽ góp phần không nhỏ vào giải quyết bài toán khủng hoảng khí hậu toàn cầu hiện nay nhé.