undefined

Olympian chọn theo đuổi đam mê ở đại học: Thành Tín và con đường thiết kế - lập trình game

23 September, 2021

Không bó buộc trong những chuyên ngành học truyền thống ở đại học, nhiều Olympian đã chọn cho mình các ngành học mới mẻ để khẳng định khả năng, theo đuổi đam mê, đúng như cách nhà trường vẫn luôn khuyến khích các bạn học sinh. Với Thành Tín, dù Thiết kế và Lập trình game (Game design) còn là một ngành mới mẻ, đó vẫn là con đường em muốn theo đuổi trong tương lai.

Với series về những câu chuyện của học sinh Olympia nhiều thế hệ, chúng tôi muốn gửi đến những lát cắt trong hành trình tương lai của các Olympian muôn màu muôn vẻ. Đó có thể là câu chuyện về những lựa chọn ngành đặc biệt, theo đuổi đam mê một cách tích cực, là con đường từ Olympia tới cổng trường đại học với những bước ngoặt quan trọng, là lựa chọn một quốc gia đi du học khác biệt hay đơn giản là chọn ở Việt Nam… Chúng tôi tin rằng, mỗi học sinh sẽ có một câu chuyện để kể và đó sẽ là những bài học, nguồn tham khảo trực quan nhất cho các Olympian khóa dưới cũng như phụ huynh học sinh trước một mùa tuyển sinh đại học mới lại bắt đầu.

 

 

Nếu như cách đây chỉ hơn chục năm, game - hay các trò chơi điện tử, được coi là một hoạt động vô bổ, ẩn chứa nhiều nguy cơ với học sinh thì ở thời điểm hiện tại, người ta đã nhìn vào game với thái độ cởi mở hơn; trong đó có rủi ro nhưng đi kèm với nhiều cơ hội. Nhận thấy những tiềm năng đó ở game, Thành Tín - cựu học sinh Olympia khóa 2019 đã chọn cho mình chuyên ngành lập trình và thiết kế game tại trường đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) - nơi đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành “hot” này. 

Đi “ngược dòng” với những ngành học phổ biến được nhiều bạn trẻ yêu thích, Thành Tín lựa chọn thiết kế và lập trình game một cách chủ động và hiểu được những cơ hội mở ra trước mắt mình để có thể thành công. 

“Lý do em quyết định lựa chọn ngành thiết kế và lập trình game một phần vì có được sự gợi ý từ bố mẹ và sau đấy là em có tìm hiểu một chút ít về ngành game design. Từ bé đến lớn, em đã gắn bó với game nói riêng và công nghệ thông tin nói chung nên với em, đây là một quyết định đã có sự tính toán kỹ lưỡng”, Thành Tín chia sẻ. 

Game design - lối mở ngành sáng tạo cho học sinh

Lựa chọn con đường học của Thành Tín có được sự ủng hộ từ bố mẹ, một điều em cho rằng khá bất ngờ. Bố mẹ chính là người đã gợi ý về ngành học cho Thành Tín nên em đã không phải mất thời gian thuyết phục bố mẹ. Với suy nghĩ tích cực và cởi mở về game, bố mẹ Thành Tín luôn ủng hộ con trai trong sự lựa chọn ngành học tương lai của mình. Với Thành Tín, lựa chọn thiết kế và lập trình game không hẳn là một hành trình đi ngược dòng - tuy số lượng người học còn khá ít nhưng đây là một ngành đi đúng xu thế ở thời điểm hiện tại. Trong nhiều năm trở lại đây, những ngành liên quan đến sáng tạo lại đang đón nhận được sự quan tâm lớn từ các bạn trẻ; các chuyên ngành liên quan tới game cũng đang trở thành thị trường tiềm năng và triển vọng lớn trong tương lai. 

Theo Vietnamnet, ngành công nghiệp game toàn cầu đang chứng kiến sự bùng nổ trong thời đại số với thị trường được định giá 137,9 tỉ đô la Mỹ; trong đó trò chơi điện tử (digital games) chiếm 91% thị phần (theo báo cáo từ Newzoo năm 2018). Báo cáo của Clairfield International về xu hướng phát triển ngành công nghiệp game cũng cho thấy quy mô của thị trường game toàn cầu sẽ tăng trưởng 14,6% từ trong vòng 4 năm từ 2017 đến 2020, với các thị trường game lớn nhất tập trung ở Trung Quốc, Mỹ và Nhật.

 

Thành Tín và các bạn học tại trường PTLC Olympia.

 

Nhìn nhận về ngành học mình đang theo đuổi, Thành Tín cho rằng game design không hẳn là một ngành dễ nhưng cũng không quá khó. Để thành công, điều đầu tiên cần có là đam mê với game, không chỉ chơi nhiều mà còn tìm tòi và cảm thấy thú vị với nhiều yếu tố mà game tạo ra. Ngoài ra, tư duy logic và khả năng tư duy nghệ thuật cũng giúp ích khá nhiều cho các bạn muốn theo đuổi ngành này. Những kỹ năng bổ trợ quan trọng trên được nhà trường xây dựng nền tảng cho học sinh trong suốt nhiều năm để phù hợp với mọi lựa chọn ngành nghề sau này. 

Game đang được coi như một ngành nghệ thuật và ngày càng tạo được nhiều ảnh hưởng giống như phim ảnh. Để sản xuất và tạo ra được một tựa game cũng mất rất nhiều công sức và thời gian giống như các loại hình nghệ thuật khác.

Tư vấn hướng nghiệp: Cá nhân hóa con đường của mỗi học sinh

Hiểu được sự đa dạng của các ngành nghề trong tương lai, tại trường PTLC Olympia, định hướng tư vấn hướng nghiệp không chỉ tập trung vào những ngành “hot” của học sinh mà còn chú trọng vào năng lực, đam mê của học sinh cùng với các xu hướng của tương lai. Điều quan trọng được các thầy cô luôn lưu tâm chính là khả năng tự chủ, tự ra quyết định của học sinh; thầy cô và phụ huynh sẽ song hành cùng các em trong quá trình này để đưa ra quyết định cuối cùng. Với Olympia, tính cá nhân hóa được thể hiện trong các hành trang hướng nghiệp vì nhà trường hiểu rằng, không có con đường nào của học sinh là giống nhau và mỗi Olympian sẽ viết câu chuyện tài năng của mình theo cách riêng. 

 

Thành Tín trong lễ tốt nghiệp tại trường PTLC Olympia.

 

“Tại trường Olympia, em cũng có khá là nhiều định hướng cho tương lai. Trước đây, em định học về truyền thông vì em thường xuyên làm và sản xuất video cho các hoạt động của trường hoặc của khối. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần tìm hiểu và nghiên cứu, em cảm thấy không ưng ý với ngành mà mình chọn, có lẽ là vì nó hơi rộng và không cụ thể với em. Vì thế, em thấy rất may mắn khi được bố mẹ gợi ý cho về ngành game design.”

“Ở Olympia, các thầy cô vẫn luôn động viên rằng học sinh hãy làm những gì mình thích và cảm thấy thoải mái nhất, vì khi đó thì mình sẽ không bị bó buộc vào bất cứ thứ gì và có thể tự do quyết định,” Thành Tín chia sẻ. Chỉ khi tin tưởng vào những gì học sinh làm, các thầy cô mới trở thành những người đồng hành tin cậy cho các bạn trẻ trong hành trang bước vào đời. 

Share:

Related post