undefined

Vượt hơn 1,000km, K12 vào khám phá đại ngàn Tây Nguyên

03 March, 2023

Gần 1 tuần sau khi đoàn học sinh K12 trở về từ Tây Nguyên trong chuyến học tập trải nghiệm mang tên “Âm vang đại ngàn”, những câu chuyện về chuyến đi xa Hà Nội hơn 1.000 Km ấy vẫn được thầy trò râm ran chia sẻ cùng nhau với nụ cười và niềm hạnh phúc. 

Đặt chân đến miền đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột ngày đầu tiên, Olympians K12 đã đến làng cà phê Trung Nguyên, thăm bảo tàng thế giới cà phê để khám phá nguồn gốc, quy trình chế biến thức uống làm say đắm bao người này. Các bạn cũng được tìm hiểu lý do gì đã đưa cây cà phê và ngành công nghiệp cà phê trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của Tây Nguyên.

Thầy trò Olympians K12 khám phá ngành công nghiệp cà phê nổi tiếng của Tây Nguyên.

Buổi học tập trải nghiệm ở buôn Ako Dhong với những nếp nhà sàn mang đặc trưng kiến trúc của người Ê Đê nằm kề bên những ngôi nhà cao tầng hiện đại, mang đến cho Olympians góc nhìn mới về cách thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc được tận mắt thấy, tay chạm, tai nghe người dân bản địa chia sẻ những nét đặc trưng trong kiến trúc, văn hóa, đời sống của người Ê Đê, cũng giúp các kiến thức trong bài học môn Địa lý, Mỹ thuật, Ngữ văn mà các bạn được học trước đó trở nên sinh động, dễ tiếp nhận, dễ ghi nhớ hơn.

Khó Olympians K12 nào có thể quên tối lửa trại ở Tro Bư (huyện Buôn Đôn) nơi các bạn đã trực tiếp được chiêm ngưỡng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - một trong những Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận. Không chỉ được biết thêm nhiều điều về các loại nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê qua phần hỏi đáp cùng nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng, tối lửa trại còn là dịp để bè bạn, cô trò được sát lại gần nhau, sẻ chia, gắn kết.

Những ngày học tập tiếp sau tại ngã sáu Ban Mê, nhà đày Buôn Mê Thuột, nhà máy thuỷ điện Yaly, biển Hồ T’nưng, núi lửa Chư Đăng Ya… mỗi nơi lại mang đến biết bao dấu ấn tri thức và cảm xúc mới mẻ cho các bạn học sinh.

Các giáo viên và học sinh K12 chụp ảnh kỷ niệm sau khi học tập trải nghiệm về mảnh đất kháng chiến Tây Nguyên.

“Nếu không có chuyến đi này, có lẽ quãng đời học sinh chúng em chỉ được học về Tây Nguyên qua sách giáo khoa, các bài báo, video youtube… mà thầy cô cung cấp. Chuyến đi 4 ngày 3 đêm tại Tây Nguyên đã mang đến cho K12 chúng em cơ hội được biết thêm bao điều về mảnh đất đại ngàn hoang sơ, tuyệt đẹp, nơi lưu giữ bao di sản văn hóa truyền thống, và có sự kết hợp thú vị giữa văn hóa Ê Đê với người Kinh. Qua chuyến đi, đặc biệt là buổi trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng, giúp em nhận ra nét văn hóa truyền thống này đang bị lu mờ và những người trẻ như em cần đóng góp một phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của dân tộc”, Olympian Trần Xuân An chia sẻ.

Nói thêm về lý do ra đời và mục tiêu của chuyến học tập trải nghiệm ở Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh K12, cô Vũ Thị Loan - Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lý cho biết, từ sự gặp gỡ trong nội dung chương trình học các môn Lịch sử, Địa lí, Ngữ văn, Mĩ thuật, Âm nhạc của khối 12, đều liên quan đến chủ đề khám phá Tây Nguyên, các giáo viên đã “ngồi” với nhau và xây dựng lên dự án trải nghiệm liên môn mang tên “Âm vang đại ngàn” này. Dự án nhằm mang đến cho góc nhìn mới về Tây nguyên huyền ảo cho các bạn học sinh, đồng thời giúp các bạn hiểu sâu sắc hơn các nét đặc trưng và sự khác biệt về thiên nhiên, văn hoá, kinh tế, con người Tây Nguyên với những vùng miền khác. Chuyến học tập trải nghiệm tại mảnh đất đại ngàn cũng là cơ hội lớn để kết nối quá khứ với hiện tại, giúp bồi đắp thêm tình yêu, sự tự hào của các bạn học sinh với các giá trị truyền thông dân tộc, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống trong thời kì hội nhập ngày nay.

Olympians K12 phục vụ cộng đồng tại trường Tiểu học Lê Đình Chinh xã Pơng Đrang, huyện Krong Buk.

Song song với hoạt động học tập tại các địa danh nổi tiếng của Tây Nguyên, Olympian K12 còn tham gia phục vụ cộng đồng tại trường Tiểu học Lê Đình Chinh thuộc xã vùng 3 có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện EaH'leo - nơi có hơn 300 học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số theo học. Với số quỹ gây được trước đó từ các hoạt động bán hàng trong những chương trình thi đấu thể thao, thiết kế - in ấn bao lì xì dịp Tết, K12 đã gửi tặng nhiều phần quà là cặp sách, đèn học, sách vở, sách cho thư viện... Mang những gì đã học được từ môn Mỹ thuật, các bạn đã vẽ tranh tường trang trí cho không gian thư viện trường Tiểu học Lê Đình Chinh trở nên sinh động, đẹp mắt hơn. Bên cạnh việc cùng nhau trồng cây cho sân trường thêm xanh mát, Olympians K12 còn tổ chức kể chuyện, chơi trò chơi dân gian với các em nhỏ Tây Nguyên. Đây vừa là món quà tinh thần đặc biệt dành tặng các em nhỏ vùng khó, vừa kết nối chặt chẽ những con người của 2 vùng đất cách xa nhau hàng ngàn km. Để rồi khi chia tay, tất cả vẫn nhớ về kỷ niệm ngọt ngào trong buổi giao lưu, phục vụ cộng đồng ngập tràn tiếng cười hạnh phúctại trường Tiểu học Lê Đình Chinh.

Đoàn học sinh, giáo viên Olympia chụp ảnh cùng các em nhỏ trường Tiểu học của Tây Nguyên.

Và để có được chuyến học tập trải nghiệm thành công cho gần 70 học sinh ở nhiều địa danh của Tây Nguyên cách xa Hà Nội hàng ngàn km, là biết bao tâm huyết, công sức, mồ hôi của các thầy cô Olympia. Đó không chỉ là việc thiết kế các nội dung học tập trải nghiệm sao cho hiệu quả, mà còn việc đi tiền trạm thực tế, tính toán các điểm đến, liên hệ với địa phương, phân chia nhau trực... để đảm bảo trên hết sự an toàn của tập thể học sinh, giáo viên tham gia trong suốt hành trình 4 ngày 3 đêm ấy. Mệt, chắc chắn là có. Nhưng đọng lên trên hết trong tâm trí các thầy cô là niềm hạnh phúc khi chứng kiến sự hào hứng học tập của Olympians, những nụ cười thỏa thích khi các bạn khám phá ra bài học giá trị và thú vị gì. Đặc biệt, điều làm thầy cô hạnh phúc còn là sự trưởng thành trong suy nghĩ và hành động của những học trò thân yêu, khi các em đã gắn kết hơn, biết cảm thông, suy nghĩ cho người khác, có thể tìm giải pháp để khắc phục những vấn đề phát sinh trong hành trình học tập xa nhà, và đã yêu thương, sẻ chia, hỗ trợ lẫn nhau hơn, cũng như hỗ trợ cộng đồng người dân vùng khó ở Tây Nguyên. Những bài học giá trị ngoài sách vở từ chuyến đi này, chắc chắn sẽ trở thành một trong những hành trang hỗ trợ đắc lực các bạn trên con đường học tập và phát triển về sau. 

Share:

Related post