Trường học không “rào cản” và cuộc trò chuyện với cô Diệu Hoa
23 September, 2021
Làm sao để trường học không trở thành một “rào cản”, làm sao để học sinh thấy động lực học hơn trong việc học tập… là những điều chúng tôi được chia sẻ trong cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Diệu Hoa - giáo viên ngữ văn THCS Olympia.
Xin chào Diệu Hoa. Hãy bắt đầu bằng một điều gì đó hơi ngược một chút nhé: Có điều gì ở trường học khiến Hoa thấy chưa ổn?
Đôi lúc, mình thấy bản thân trường học là một rào cản. Với những cơ hội được tiếp cận với học sinh ở các môi trường khác nhau (ví dụ như Lớp học trên cây - một lớp học trò chuyện triết học dành cho trẻ em mình cùng vài người bạn nữa tổ chức, hay trong những cuộc trao đổi riêng với các bạn học sinh ngoài trường học), điều khiến mình thấy trân quý nhất là những cuộc đối thoại tích cực. Mình chỉ cần điều chỉnh và tác động một chút. Học sinh đến với tâm trí ham muốn học thực sự; trẻ con đóng góp vào cuộc đối thoại với những chia sẻ về điểm nhìn cá nhân. Nhu cầu của cuộc hội thoại không khiên cưỡng, tự nhiên thoải mái và gần như không có rào cản.
Cô Diệu Hoa (ở giữa) cùng các giáo viên trong tổ ngữ văn THCS.
Vậy trường học thực sự có rào cản?
Đúng, vì trường học là trường học, vì cô là cô giáo, vì con là học sinh. Đối với nhiều bạn nhỏ, việc học ở trường vẫn là một điều gì đó bắt buộc, một thứ được sắp định sẵn mà con không có quyền chủ động, và con không tìm thấy ý nghĩa thực sự của việc học. Mình vẫn nhớ hai cậu bạn học sinh khá thân của mình đều từng nói với mình cùng một ý “Con muốn học thứ giúp cho con kiếm tiền nhiều tiền hơn thay vì những thứ này”. Đôi lúc vì những mặc định, những hiểu lầm về việc học đó mà con nghĩ việc học là chán từ đó nảy sinh “hiềm khích” với trường học, với tiết học, thậm chí là với thầy cô.
Môi trường học lý tưởng với Diệu Hoa sẽ như thế nào?
Một môi trường học lý tưởng theo mình là không có rào cản. Học sinh đến vì học sinh có nhu cầu được học và biết rằng ở môi trường đó sẽ có điều kiện và những nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ cho việc học của mình. Học sinh không đến đó để làm vừa lòng hay chống đối ai đó cũng như không cần phải gò mình để vừa vặn với một “cái khuôn” cố định.
Nhưng rõ ràng sẽ không thể có môi trường lý tưởng như vậy?
Mình nghĩ là vẫn có. Chúng mình vẫn đang nỗ lực để có được điều đó.
Giả sử đó là ở tương lai xa, còn hiện tại, làm sao để bớt đi những rào cản ở trường học?
Mình nghĩ bản thân người học và giáo viên cần phải thay đổi. Người học cần phải thay đổi động lực học tập. Các con phải thấy mình như đang tận hưởng việc học tập chứ không phải miễn cưỡng hay ép buộc. Giáo viên cần tiếp cận với học sinh trên vai trò như những người hỗ trợ, không phải là người thể hiện quyền lực thông qua việc dạy học, không có quyền phán xét và ra lệnh.
Nhà trường có thể làm gì để học sinh thay đổi động lực học tập?
Bản thân việc học tập phải trở nên có nghĩa với từng bạn. Tức là mỗi bạn biết mình học cái gì, học để làm gì, và mình đang ở đâu trên hành trình học đó. Mình tin rằng giáo viên cần hiểu từng học sinh, dù điều này thực sự rất khó. Điều khả dĩ hơn là giáo viên thừa nhận, chuẩn bị, và sẵn sàng tâm thế cho việc mỗi lớp học sẽ có muôn vàn nhu cầu, trình độ, sự tiếp nhận khác nhau, như cách thầy cô ở Olympia vẫn đang làm với việc dạy học cá nhân hóa. Học sinh từ đó sẽ cảm nhận được việc mình đang thực sự được học, giảm thiểu các xung đột không cần thiết trong lớp học và những rào cản với học sinh.
Diệu Hoa có thể nói rõ hơn về động lực học của học sinh không?
Cuối năm học vừa rồi, khi nhận xét cho học sinh, có 2 câu mình viết trong nhận xét của một số bạn: “Cô mong con cảm thấy mỗi giờ phút đến trường thực sự có giá trị, có ý nghĩa” và “Vì bản thân con là quý giá nên cô mong rằng mỗi sản phẩm của con sẽ là tốt nhất chứ không phải kết quả của sự hời hợt hay chống đối”. Mình thực sự muốn gieo và nhấn vào tâm trí của các con điều cốt lõi: Con là chủ thể của việc học, con có trách nhiệm với việc học của mình và có nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa, động lực học tập, con có nhu cầu xác định vấn đề và tìm cách gỡ bỏ để việc học tập của con hiệu quả. Các con, dù mới học lớp 5 nhưng đã ý thức rất rõ về điều này.
Để trường học không còn là rào cản với học sinh, bản thân người học và giáo viên cần phải thay đổi.
Cả hai yếu tố đó nhà trường - cá nhân phải thực hành song song đúng không?
Đúng rồi, thực sự là cần thay đổi ở cả giáo viên và cả học sinh.
Vậy còn bản thân việc học tập thì sao?
Cốt lõi của trường học nên là từ việc học sinh được học, niềm vui của việc học. Bản thân việc học cũng phải đủ hứng khởi, đủ thử thách cho học sinh để các em luôn thấy những điều mới mẻ, khám phá được những điều mới mỗi ngày.
Điều gì khó với giáo viên khi tạo động lực cho học sinh?
Động lực là thứ nội tại, thứ bên trong, nhưng không thể chỉ phụ thuộc vào cá nhân một người, nhất là học tập khi việc học của các con phần lớn đang diễn ra ở trường học với nhiều cá nhân tác động. Trường học và người dạy đang là nhân tố tác động mạnh lên động lực học của học sinh nhất.
Với mình, điều khó khăn nhất là bước qua rào cản của định kiến về vai trò và vị trí của giáo viên, về cách đánh giá mục tiêu và hiệu quả của bài học trên đơn vị cá nhân học sinh.
Làm sao để xây dựng một mối quan hệ học sinh - giáo viên tích cực hơn?
Đến với nhau bằng chân thành. Trẻ con thực sự rất tinh tường và có khả năng đọc vị tốt. Người lớn đến với trẻ con mà có mục đích chi phối thì trẻ con sẽ biết ngay. Cô hỏi ý kiến trẻ con vì cô thực sự mong đợi câu trả lời, chứ không phải để điều hướng con. Cô tìm đến học sinh để nghe giãi bày chứ không phải để bắt ép học sinh nhận trách nhiệm hệ quả hay xin lỗi ai đó. Nó nhất quan với quan điểm giáo viên chỉ là người trợ giúp còn mọi thứ thay đổi của học sinh nên đến từ động lực tự thân. Cái này nghe có vẻ to tát nhưng thực sự nó có thể thay đổi từ từng điều nhỏ nhặt, từng hoạt động, hành vi ứng xử.
Sự chân thành có phải yếu tố duy nhất?
Sự tự kiểm soát của giáo viên cũng rất quan trọng. Là một người đi trước và đôi khi không có thời gian, mình rất dễ sa vào việc muốn chi phối, điều tiết cho nhanh công việc. Bên cạnh đó, vì lòng yêu của giáo viên mà có thể có xu hướng điều phối trẻ theo cách giải quyết mà mình nghĩ là tốt, nhưng một đồng nghiệp năm ngoài của mình (cô Tạ Hòa) đã gieo đi gieo lại trong mình câu hỏi: “Các bạn ấy có đang được chịu hệ quả (tự nhiên/logic) hay không”? Mình tin, để rèn sự tự chủ, việc cân nhắc ra - quyết định ở trước, và việc trải qua hệ quả phía sau là một điều cần thiết với trẻ.
Ngoài ra, quan điểm cá nhân phải rõ ràng. Người lớn đưa ra thông điệp với trẻ cũng phải rõ ràng. Trẻ con phải cảm thấy chia sẻ,tin tưởng nhưng cũng cần cảm thấy chắc chắn khi đặt niềm tin ở giáo viên.
Vậy giáo viên có nên là bạn với học sinh?
Mình không nghĩ giáo viên nên là bạn vì là bạn thực sự không đủ. Kinh nghiệm cho mình thấy, sự gắn kết giữa một giáo viên với học sinh không phải chỉ vì cô ấy như một người bạn luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu đâu mà còn vì cô ấy như một người trợ giúp đáng tin tưởng, là một chuyên gia có năng lực giải những bài tập khó nhất, và cho các bạn ấy vỡ lẽ với những cái nhìn mới mẻ, khác đi về một vấn đề…. Nói chung là một người bạn khiến trẻ con vừa yêu vừa nể.
Diệu Hoa làm sao để hiểu học sinh hơn?
Không bao giờ cho rằng mình đủ: đủ kiến thức, đủ kỹ năng, đủ trải nghiệm hay thậm chí là đủ thời gian, đủ đúng đắn. Mình luôn nỗ lực cập nhật những thứ đang diễn ra xung quanh bọn trẻ, xem bọn nó đang chơi gì, quan tâm gì và học những thứ đó. Đây là điều chắc không có trong mô tả công việc của giáo viên nhưng thực sự rất quan trọng.
Ngần đấy điều liệu đã đủ hình thành động lực học cho học sinh chưa?
Mình nghĩ vấn đề trường học không đơn giản như vậy. Có quá nhiều vấn đề phải xử lý, không phải chỉ quan hệ giữa giáo viên và học sinh - đó còn là vấn đề tâm lý cá nhân, mối quan hệ bạn bè và nhiều tác động khác… Tuy nhiên, mình luôn nghĩ nếu đứa trẻ thực sự có nhu cầu cao về việc học và thực sự tận hưởng việc học thì nó sẽ ưu tiên điều đó hơn.
Có điều gì Diệu Hoa muốn thay đổi trong năm tới?
Mình nghĩ thay đổi thì không, đó đều là thứ mọi người vẫn đang làm rồi, mình chỉ cố làm tốt thôi. Mình vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào chuyên môn, đặc biệt là mảng dạy học phân hóa,để bản thân tiết học và việc học môn Ngữ Văn có giá trị với từng học sinh. Sau đó, mình cũng sẽ tiếp tục chơi rubik, vật tay, nỗ lực chơi được monopoly với những người bạn nhỏ của mình, xây dựng mối quan hệ cá nhân với học sinh, trở thành người bạn -trưởng -thành đủ “ngầu” - đủ tin cậy của các bạn ấy.