Từ “đường băng” bản thảo đến khoảnh khắc “Cất Cánh”
24 June, 2024
Hành trình 4 năm với 200 trang sách, thành công phát hành hơn 150 bản in,… là những con số đáng tự hào của 21 “dịch giả trẻ” - những học sinh tài năng của Chương trình Quốc tế (CTQT) trong dự án dịch và xuất bản sách bản quyền “Cất cánh”. Không chỉ là hành trình dịch thuật và xuất bản chuyên nghiệp mà đối với mỗi Olympian, đây còn là hành trình trưởng thành đầy đáng nhớ.
Phát hành lần đầu tiên vào năm 2015, “Hope in a ballet shoe” là cuốn sách do Michaela DePrince và Elaine DePrince chắp bút, kể về hành trình khó khăn vượt qua khác biệt và định kiến để trở thành nghệ sĩ múa ba lê nổi tiếng. Chính nguồn cảm hứng mạnh mẽ đó đã truyền động lực lớn cho các bạn học sinh chương trình Quốc tế niên khóa 2021-2025 dịch và xuất bản cuốn sách này sang tiếng Việt với tên gọi “Cất cánh”.
Hơn 150 bản in của cuốn “Cất cánh” được xuất bản thành công
Từ những ký tự đầu tiên trên bản thảo…
“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”, đó cũng là câu nói mô tả về hành trình dịch và xuất bản cuốn “Hope in a ballet shoe”, nằm trong khuôn khổ “Dự án cuộc đời” của các Olympian CTQT niên khóa 2021-2025, với chặng đường 4 năm miệt mài và nhiều cố gắng của 24 học sinh. Đối với các dịch giả, để dịch và xuất bản được một cuốn sách bản quyền hoàn chỉnh là cả một quá trình dày công nghiên cứu, từ việc chọn ra cuốn sách ưng ý, bắt đầu quá trình dịch thuật, cho đến khi chỉnh sửa và in ấn. Điều này càng khó hơn khi các “dịch giả” còn ở độ tuổi học sinh, bắt đầu với lĩnh vực được cho là vô cùng kỳ công và chi tiết này.
Lê Tố Thi, hiện đang học lớp 11 CTQT Olympia – thường được các bạn gọi vui là “Giám đốc dự án” chia sẻ, trước khi bắt tay vào dịch, cả nhóm đã phân tích kỹ về tác phẩm, tóm tắt lại và hình dung về đối tượng khán giả cũng như phong cách viết để xác định được văn phong, cách truyền tải của tác phẩm. Khối lượng công việc cũng cần có sự phân phối, vì vậy các bạn sẽ được chia về các nhóm nhỏ, có các trưởng nhóm giám sát tiến độ và hỗ trợ công việc. Đối với công đoạn dịch - một trong những phần việc quan trọng nhất của dự án, mỗi bạn sẽ được phân công dịch từ 50- 70 trang, sử dụng các công cụ hỗ trợ dịch thuật khác nhau để hoàn thành trong 1 năm. Khi đã có bản thảo dịch hoàn chỉnh, các bạn sẽ gửi thầy Nguyễn Chí Hiếu hiệu đính, đồng thời thực hiện các khâu liên quan đến mặt hình ảnh của sách cũng như liên lạc với phụ huynh để được hỗ trợ làm việc với nhà in.
TS. Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Học thuật Olympia,
phụ trách hiệu đính các cuốn sách trong Dự án Cuộc đời
Thời điểm bắt đầu dự án năm 2021, có lẽ ít ai tin được rằng các em sẽ vượt qua và cùng nhau đi một quãng đường xa như vậy, bởi khi đó tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất căng thẳng. Những cuộc họp online kéo dài thay cho họp mặt trực tiếp, số lượng người tham gia dự án liên tục thay đổi khi có cả bạn chuyển đi và các bạn mới đến, áp lực phải cân bằng giữa việc học và các công việc của dự án,… đã thử thách các thành viên tham gia.
Hoàng Quỳnh Anh - một mảnh ghép không thể thiếu của dự án cũng chia sẻ về quá trình hoàn thiện bản thảo giai đoạn đầu nhiều gian nan: Nhiều bạn cũng có công việc riêng, không thể giải quyết hết các công việc được giao nên các bạn còn lại phải san sẻ để hoàn thiện nhanh chóng cho kịp tiến độ...
Khó khăn nối tiếp khó khăn, những cô cậu học sinh lần đầu thử sức trong vai trò mới hẳn đã không thiếu những phút giây nản lòng.
Giai đoạn đầu nhiều thử thách, các Olympians đều phải nỗ lực hết sức mình
Cùng với sự đồng hành từ thầy cô và gia đình
Đồng hành và thấu hiểu khó khăn của một dự án dày công như vậy, những ngày đầu, gia đình các em cũng không khỏi lo lắng. Anh Nguyễn Đức Tố Lưu - phụ huynh của Nguyễn Như Xuân - Olympian tham gia dịch và thiết kế bìa sách cho cuốn Cất cánh, đồng hành cùng con từ khi khởi đầu dự án nhớ lại: “Dịch và xuất bản một cuốn sách có bản quyển không phải là một nhiệm vụ học tập thông thường, đây là một hoạt động nhiều thử thách, cần các con phải nỗ lực nhiều hơn. Bên cạnh kiến thức về ngôn ngữ để hiểu và cảm thụ về nhân vật và tác phẩm, các con còn phải học cách làm việc nhóm với nhau để cùng đạt được mục tiêu.” Anh Lưu còn là người hỗ trợ các Olympian trong việc xuất bản và in ấn cuốn sách.
Cùng quan điểm với anh Lưu, chị Đào Tố Cầm - phụ huynh của Tố Thi cũng thể hiện sự băn khoăn lo lắng đối với hành trình dịch sách của các con, đặc biệt khi con đảm nhận vị trí là Trưởng dự án. Chị hiểu rằng để dịch được 1 cuốn sách cần nhiều công sức, kinh nghiệm; từ khả năng sử dụng đến truyền tải ngôn ngữ. Với tác phẩm “nặng ký” như vậy, không biết các con có thể hoàn thiện như thế nào, phối hợp và làm việc với nhau ra sao,…?
Lo lắng nhiều là vậy, nhưng thông qua các hoạt động học tập được tổ chức tại Olympia, các bậc phụ huynh vẫn luôn tin tưởng vào phương pháp giáo dục của Nhà trường, cũng như sự đồng hành và hướng dẫn từ các thầy cô tại đây.
“Áp lực tạo nên kim cương”. Thời điểm cô Phạm Lệ Thủy - Quản lý vận hành chương trình Quốc tế giới thiệu về “Dự án cuộc đời” cho các bậc phụ huynh, các bố mẹ đều đồng ý rằng phải trải qua một dự án “dài hơi” như vậy, các con mới có thời gian đủ dài để gắn bó, cùng nhau trải qua thăng trầm, phấn đấu vì một mục tiêu chung để đạt được kết quả xứng đáng.
Là một trong những thầy cô đã theo dõi hành trình của các em từ những bước đầu tiên, cô Thủy cho rằng chính bởi quy mô dự án lớn với nhiều giai đoạn, các em sẽ học thêm nhiều bài học mới trong việc phát triển chuyên môn, như sử dụng thành thạo hai ngôn ngữ Anh – Việt, hay có cơ hội tiếp xúc với văn học nước ngoài, cảm thụ tác phẩm để hiểu hơn những giá trị sâu sắc của nhân vật… Bên cạnh đó, quá trình làm việc nhóm cũng không tránh khỏi những xung đột phát sinh, chính những giai đoạn khó khăn đó cũng giúp các em học được nhiều kỹ năng mềm như cách lắng nghe và cùng giải quyết vấn đề chung để đạt được mục tiêu ban đầu.
Cô Thủy (ở giữa) cũng là người hiểu hơn ai hết những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án của các em
Được bố mẹ đồng hành, được nhà trường hướng dẫn, hành trình trưởng thành của các em càng trở nên ý nghĩa vì có những người mà các em luôn tin yêu bên cạnh ủng hộ hết mình. Vậy nên thử thách nhưng cũng là cơ hội, dự án dịch và xuất bản cuốn “Cất cánh” chính là lúc các em học cách thể kết nối với các cộng sự, giải quyết những mâu thuẫn khi làm việc nhóm; để có phát triển thêm về năng lực ngôn ngữ và cách nhìn nhận thế giới của bản thân. Cùng với đó là càng thêm trân trọng tình cảm gia đình, thêm biết ơn sự dìu dắt từ thầy cô…
… Cho đến bản in đầu tiên được phát hành
“Cầm trên tay bản in đầu tiên, em đã không khỏi xúc động. Mặc dù còn đó những lỗi cần chỉnh sửa nhưng em vẫn cảm thấy vô cùng tự hào!” - Trưởng dự án Lê Tố Thi khi nhớ về lần đầu nhìn thấy thành quả sau suốt quãng thời gian tâm huyết với dự án.
Nhìn lại khoảng thời gian gắn bó với dự án, đối với các Olympian phần khó nhất lại không nằm ở khâu dịch thuật. Chương trình Quốc tế cũng như chương trình Tiếng Anh tại Olympia đã mang lại nhiều cơ hội cho các Olympian phát triển ngôn ngữ tiếng Anh như ngôn ngữ tư duy, nghiên cứu và sáng tạo, và sử dụng tiếng Anh thành thạo như ngôn ngữ thứ nhất.
Phần mà các em cho là mất nhiều thời gian, công sức hơn cả là khâu thiết kế, xuất bản và hiệu đính - những lần sửa bản thảo không ngơi nghỉ, những ngày miệt mài lên ý tưởng và thiết kế hình ảnh cho bìa sách, và cả những lần đọc đi đọc lại bản in để kiểm tra các lỗi trình bày và chính tả… Mỗi lần chỉnh sửa và chăm chút cho sản phẩm của mình là một lần các em được trau dồi năng lực ngôn ngữ, tư duy học thuật bằng tiếng Anh, khả năng cảm thụ văn học, hay xa hơn là mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan khi sống cùng nhân vật. Để rồi khi thành phẩm đã được phát hành, đến được tay người đọc, chắc hẳn đó sẽ là khoảnh khắc các em luôn nhớ - thời khắc “cất cánh” của tương lai đầy hứa hẹn.
Như Xuân – tác giả của trang bìa cuốn sách hạnh phúc khi nhớ lại quá trình thiết kế hình ảnh cho “Cất cánh”: “Em thấy thích thú nhất với khoảng thời gian được thiết kế bìa vì lúc đó nhóm thiết kế đều có những cống hiến của từng thành viên, được chia thành các công đoạn và mỗi người sẽ đảm nhận một phần riêng. Vậy nên em được sáng tạo dựa trên những gì các bạn đã làm, từ đó vận dụng được sự ứng biến và sáng tạo của bản thân.”
Sau hành trình dài từ khi còn là những cô cậu học sinh lớp 9, giờ đây các em có thể tự hào với chính mình của hiện tại - những “dịch giả trẻ” tài năng, đầy bản lĩnh. Đây không chỉ là cơ hội để các em phát triển thêm nhiều năng lực cần thiết, tích lũy thêm trải nghiệm mà quan trọng hơn đó là đem đến những thông điệp ý nghĩa tới cộng đồng về hành trình bền bỉ với tinh thần không bỏ cuộc.
Hy vọng rằng, các em sẽ luôn giữ được tinh thần ham học hỏi, tự tin, bản lĩnh để không chỉ khiến dự án tiếp tục “cất cánh” mà còn để chinh phục những thử thách mới trong tương lai.