undefined

Tuổi dậy thì: Bố mẹ nói chuyện thế nào với con về giới tính?

07 October, 2022

“Mẹ ơi, bạn con đã mặc áo chip rồi”
“Hôn nhau thì có em bé không ạ?’
“Rụng trứng là gì ạ?”

Bất kỳ câu hỏi hay thông tin nào con chia sẻ, đều là cơ hội để bố mẹ có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện về giới tính một cách nghiêm túc với con. Không bao giờ là quá sớm để nói với trẻ về chủ đề này. Nói chuyện với con về giới tính khi trẻ bước sang tuổi dậy thì, chính là bố mẹ đang giúp con hiểu rằng: những vấn đề con băn khoăn, đặt câu hỏi kể trên là một phần tất yếu và lành mạnh của cuộc sống.

 

Ảnh minh họa: Phụ huynh trò chuyện cùng con trong tổng kết trại hè Step up 2022.

 

Nguyên tắc khi trò chuyện về giới tính với con:

- Cởi mở và trung thực

Thái độ cởi mở và trung thực của bố mẹ khi trò chuyện về giới tính, sẽ giúp con hiểu rằng mình hoàn toàn có thể tìm đến phụ huynh để hỏi han các thông tin mà không phải cảm thấy sợ hãi hay xấu hổ. Tin tốt với bố mẹ là, nói về giới tính không phải là cuộc trò chuyện chỉ có một lần. Đó là cuộc trò chuyện lâu dài, liên tục và phát triển dần cho đến khi con đã lớn lên.

- Giải thích mọi thứ phù hợp với lứa tuổi của con: 

Cùng là giải thích về rụng trứng, với trẻ 6 tuổi, bố mẹ có thể nói “đó là hiện tượng sinh lý diễn ra trong cơ thể người phụ nữ trưởng thành như mẹ hoặc đã dậy thì như chị con, một tháng 1 lần”, nhưng với trẻ 12 tuổi, bố mẹ đã có thể giải thích nhiều hơn về cơ chế của hiện tượng này. Nói ngắn gọn, tích cực, dễ hiểu và phù hợp độ tuổi của con, là một nguyên tắc bố mẹ cần ghi nhớ khi trò chuyện với con về giới tính. Và bố mẹ yên tâm là với sự cởi mở của bố mẹ cùng sự lớn về cả thể chất lẫn hiểu biết của con, bố mẹ vẫn có cơ hội để chia sẻ kỹ lưỡng hơn những thông tin mình từng nói ngắn gọn trước đây, khi con đã lớn hơn và có thể quay lại hỏi các vấn đề con cần.

- Sử dụng từ ngữ khoa học, chính xác khi nói về bộ phận cơ thể

Bố mẹ nên sử dụng tên chính xác khi nói về bộ phận cơ thể và chức năng của chúng. Điều này giúp con hiểu rằng, việc nói về các bộ phận cơ thể là lành mạnh và con có thể trao đổi rõ ràng về cơ thể mình nếu cần.

3 bước để bố mẹ có thể bắt đầu trò chuyện cùng con

Bước 1: Tìm hiểu những gì con đang biết.

Ví dụ, khi con nói “bạn con đã mặc áo chip”, bố mẹ có thể hỏi: con nghĩ thế nào về việc này; theo con, khi nào thì bạn gái nên mặc áo chip; tại sao con gái lại cần mặc áo chip....

Bước 2: Cung cấp thông tin chính xác và chỉnh sửa thông tin sai lệch mà con đang có

Ví dụ: “Hôn nhau không tạo ra em bé. Em bé được tạo ra khi trứng ở người phụ nữ kết hợp được với tinh trùng của người nam giới, tạo ra phôi thai. Phôi thai lớn dần lên trong tử cung người mẹ, phát triển thành em bé như con nhìn thấy khi em được sinh ra”.

Bước 3: Sử dụng cuộc trò chuyện như một cơ hội để nói về những suy nghĩ và cảm xúc của bố mẹ

Ví dụ: “Con trai khi vào tuổi dậy thì, đôi khi con sẽ thấy bị ướt quần khi đang ngủ mà không phải do tè dầm. Đó là do tinh dịch trong cơ thể con được xuất ra ngoài lúc con ngủ. Hiện tượng này còn có tên là mộng tinh. Nhưng con không cần lo lắng, vì đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể và không phải ngại ngùng khi chia sẻ điều này với bố mẹ”.

Bắt đầu cuộc trò chuyện, có thể con sẽ không hỏi nhiều, song điều này không có nghĩa là con không quan tâm hoặc không muốn học hỏi, đặc biệt khi con chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì. Vậy bố mẹ hãy cho con sẽ hiểu rằng: bố mẹ rất sẵn lòng và thoải mái nói chuyện cùng con về chủ đề giới tính rất thực tế và lành mạnh này.


Phòng Tâm lý học đường Olympia

Đều đặn mỗi chủ nhật hàng tuần từ ngày 09/10 này, Olympia sẽ đăng tải seri các bài tư vấn “Cách bố mẹ làm bạn cùng con”, như một món quà gửi tới các phụ huynh, để cùng nhau chúng ta có thể hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của con trẻ.

Trong chủ nhật tiếp theo (ngày 16/10), sẽ là tư vấn “Giúp con đương đầu với những thay đổi tuổi dậy thì”. Kính mời Quý phụ huynh và Olympians cùng đón đọc nhé!

Share:

Related post