undefined

18 năm gắn bó với âm nhạc dân gian và hành trình tới bục giảng

23 September, 2021

Nếu bản sắc Việt là một sợi chỉ xuyên suốt trong hành trình vun đắp nên những thế hệ học sinh Olympia, cô Quỳnh Ngọc - giáo viên âm nhạc dân gian và rất nhiều người thầy, người cô khác tại Olympia đang ngày ngày dệt nên bức tranh muôn màu muôn vẻ để kể câu chuyện về văn hóa con người Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau. 

 

Và ở đây, câu chuyện đó réo rắt trong tiếng nhạc cụ dân tộc. 

 

Hãy cùng chúng tôi bước vào thế giới âm nhạc nghệ thuật qua cuộc trò chuyện với cô Quỳnh Ngọc để hiểu hơn về hoạt động nghệ thuật tại Olympia.

 

 

 

Giữa nghệ thuật và giáo dục, cô Quỳnh Ngọc thích điều gì hơn? Tại sao cô lại chọn nghề giáo chứ không phải theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp?

 

Trước khi theo con đường sư phạm, mình đã trải qua 18 năm học tập và gắn bó với những cây đàn truyền thống Việt Nam. Với mình, quãng thời gian đó vô cùng quý giá bởi mình được khám phá vô vàn điều thú vị trong thế giới âm nhạc, được đi đó đây và tích lũy những kiến thức phong phú. Ở thời điểm đó, mình có thể mạnh dạn chọn theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng cuối cùng lại lựa chọn con đường làm giáo dục là niềm đam mê lớn nhất của mình với 3 lý do.

 

Thứ nhất, mình muốn truyền sự đam mê âm nhạc, tình yêu với những cây đàn truyền thống đến với các bạn học sinh. Thứ hai, mình luôn nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu những nhạc cụ truyền thông được các con lựa chọn trong hành trang ra thế giới, để các con cảm thấy vô cùng tự hào khi giới thiệu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với bạn bè. Và trên thực tế, nghệ thuật và giáo dục là hai yếu tố song hành xây dựng nên hình ảnh của mình bây giờ, lựa chọn giáo dục là mình sẽ đồng thời thực hiện được cả hai điều đó.

 

 

Nghệ thuật đóng vai quan trọng như thế nào trong trường học và với học sinh?

 

Giáo dục nghệ thuật là thành tố quan trọng của giáo dục toàn diện với tác động mạnh mẽ đến sự hình thành nhân cách và nhân sinh quan của các bạn học sinh ở mọi lứa tuổi. Chính vì vậy, những môn học nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật đều được các trường học đưa vào giảng dạy như một môn chính khóa. Ở trường PTLC Olympia, nghệ thuật được đặc biệt quan tâm, chú trọng, đầu tư từ mầm non đến THPT, tiếp cận sâu với âm nhạc qua các nội dung: tìm hiểu về âm nhạc Việt Nam, âm nhạc hàn lâm. Rất nhiều chuyên ngành mở ra để học sinh lựa chọn như piano, thanh nhạc, trống, guitar và nhạc cụ dân tộc. 

 

Mình hiếm thấy có một ngôi trường nào ngoài các trường nghệ thuật chuyên nghiệp được đầu tư một cách bài bản từ nội dung giảng dạy cho đến cơ sở vật chất như vậy. Khi chia sẻ về mô hình học tập âm nhạc của trường với bạn bè, mình đều nhận được sự ngạc nhiên, thích thú và điều đó làm mình thấy vô cùng tự hào về Olympia.

 

Có kỷ niệm nào trong việc dạy học nghệ thuật tại Olympia khiến cô Quỳnh Ngọc ấn tượng? 

 

Đó là vào mùa hè năm 2018, mình và các cô giáo âm nhạc đưa các bạn học sinh Olympia sang Áo tham dự cuộc thi hát Hợp xướng Quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên các Olympians tham gia một cuộc thi hợp xướng ở nước ngoài, mà lại ở nước Áo – cái nôi của âm nhạc cổ điển, hội tụ các đội hợp xướng mạnh nhất trên thế giới đến thi đấu. Để chuẩn bị cho cuộc thi, các cô giáo và các con đã phải luyện tập rất kĩ, thời gian đó căng thẳng lắm, làm thế nào để kịp tiến độ bài vở cũng như hoàn thiện về chất lượng biểu diễn là gánh nặng vô cùng lớn tới cô giáo và các con.

Khi đặt chân sang Áo, đoàn chúng mình tranh thủ luyện tập mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt các con rất thích ra công viên để luyện tập, các bạn ý đã hát rất say sưa khiến cho tất cả mọi người đi qua đều dừng lại và chăm chú theo dõi các bạn ý hát, dành cho các bạn những lời khen ngợi, những tràng pháo tay, những nụ cười ấm áp. Mình thấy được trong đôi mắt của tụi trẻ con là sự xúc động và tự hào vô cùng khi được hát bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ trên một đất nước xa xôi. Mặc dù có căng thẳng, có mệt mỏi nhưng bù lại mình tin là mọi người trong đoàn cả giáo viên và học sinh đều có những giây phút thật khó quên trong chuyến đi này.

 

 

Liệu có thử thách nào đặc biệt với các giáo viên nghệ thuật trong môi trường học đường không? nhất là với bộ môn nhạc cụ dân tộc?

 

Theo mình đó là việc ứng dụng, bổ sung các kỹ năng sử dụng máy tính và thiết kế bài giảng điện tử trong chương trình học. Đây là những việc trong trường nghệ thuật chính quy chúng mình không thường xuyên sử dụng mà vẫn đi theo khuôn mẫu, cách học cổ điển

 

Các giáo viên luôn phải nỗ lực để nâng cao năng lực; vậy còn các giáo viên nghệ thuật thì sao? Làm sao để các cô có thể cải thiện kỹ năng cả về chuyên môn và dạy học?

 

Các giáo viên trong trường đều tham gia những khóa đào tạo do trường tổ chức và các cô giáo tổ nhạc cũng không ngoại lệ. Tổ nhạc thường xuyên mời chuyên gia về trường đào tạo riêng về bộ môn âm nhạc, từ bổ sung kiến thức về chuyên môn giảng dạy chuyên ngành âm nhạc cho đến việc thiết kế bài giảng đặc thù cho môn học này. Thời điểm dịch Covid bùng phát cuối năm học vừa rồi, các giáo viên âm nhạc cũng rất cố gắng thích nghi để có thể tham gia giảng dạy online như những môn học khác. Tổ trưởng chuyên môn của mình thường xuyên dự các giờ dạy và trong mỗi buổi họp tổ chuyên môn hàng tuần sẽ cùng đưa ra để góp ý, thảo luận nâng cao chất lượng giảng dạy và đưa ra những hình thức học tập phù hợp nhằm tạo hứng thú cho học sinh hơn. 

 

 

Cảm ơn cô Quỳnh Ngọc vì những chia sẻ!


 

 

 

 

Share:

Related post