Ba quan điểm học tiếng Anh cần thay đổi: Giáo viên ngoại mới tốt, điểm IELTS/TOEFL cao mới giỏi và học ngữ pháp đầu tiên
23 September, 2021
Đó là những chia sẻ của cô Diệu Hồng - giáo viên tiếng anh Trung học cơ sở Olympia về việc học tiếng Anh trong cuộc sống hiện đại.
Tiếng Anh đã dần được trút bỏ tấm “áo khoác” của một môn học và được nhìn nhận đúng hơn trong giáo dục. Tiếng Anh không chỉ là môn học - đó là ngôn ngữ, là cách tư duy, là văn hóa, là công cụ giao tiếp. Nhiều người đánh giá, tiếng Anh là một trong những môn học có sự thay đổi mạnh mẽ nhất qua từng năm, đòi hỏi giáo viên cũng cần thay đổi và đưa vào những phương pháp giáo dục mới.
Trước những ngưỡng cửa đầy thách thức để bước vào thế giới Anh ngữ, không chỉ học sinh mà cả giáo viên cũng cần thay đổi cho phù hợp. Trò chuyện với cô Diệu Hồng, chúng tôi có thêm những câu chuyện về việc dạy tiếng Anh tại Olympia.
Cô Tạ Thị Diệu Hồng - giáo viên Tiếng anh THCS Olympia.
Xin chào chị Diệu Hồng. Sáng tạo trong học tập là điều cần thiết để thúc đẩy việc học của học sinh. Chị và các giáo viên khác đã làm gì để việc dạy-học trở nên sáng tạo hơn?
Theo mình người giáo viên sáng tạo trước hết là những người giáo viên dũng cảm, dũng cảm để chấp nhận thử thách, dũng cảm để sẵn sàng bước ra khỏi lối mòn và thử nghiệm những phương pháp dạy học mới dù mất nhiều thời gian, công sức. Ví dụ như mình và các đồng nghiệp đã thử áp dụng phương pháp “lớp học đảo ngược” (flipped classroom) đồng nghĩa với việc phá vỡ mô hình lớp học truyền thống để rèn cho học sinh việc tự tìm hiểu bài trước ở nhà, nâng cao sự chủ động và thói quen tự học. Hay như trong thời điểm học trực tuyến, các giáo viên cũng dày công tìm hiểu để sáng tạo nên những bài giảng e-learning đầu tiên – một hình thức bài giảng tích hợp đa phương tiện bao gồm video, hình ảnh, đồ họa, âm thanh… được đóng gói để học sinh có thể học mọi lúc, mọi nơi – cũng chính là những bước đầu tiên thoát khỏi khuôn khổ của một mô hình học tập truyền thống, giúp học sinh vẫn có thể tiếp cận kiến thức một cách thú vị và thuận lợi bất chấp bối cảnh dịch bệnh.
Người giáo viên sáng tạo cũng luôn vận động tối đa tư duy của mình để sử dụng đa dạng các chiến thuật dạy học khi dạy cùng một nội dung, dệt nên muôn hình muôn vẻ cho lớp học của mình. Ví dụ như thay vì yêu cầu học sinh thuyết trình đơn thuần, giáo viên TA đã giả lập một mô hình Shark Tank để học sinh đến giới thiệu sản phẩm và thuyết phục các shark đầu tư, chính là những phụ huynh, thầy cô có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh, marketing. Hay giáo viên cũng đã đưa học sinh ra ngoài bốn bức tường lớp học để thể hiện khả năng ngoại ngữ qua những tiết mục biểu diễn trên sân khấu, hoặc có những giờ đọc sách TA thú vị ngoài trời. Tất nhiên những sự “biến hình” sống động không ngừng đó đều phải xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với phong cách học, đặc trưng độ tuổi của học sinh để có thể tiếp cận và thúc đẩy được các bạn hào hứng tham gia.
Theo chị Diệu Hồng, đổi mới trong giáo dục đóng vai trò quan trọng như thế nào với việc học tập của trẻ?
Mình rất thích một câu nói: “Có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là sự thay đổi.” Điều này đúng với mọi lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là giáo dục. Cuộc sống không ngừng phát triển, thay đổi từng giờ từng phút, và để chuẩn bị cho trẻ tốt hơn trước một thế giới đầy biến động đó thì đổi mới trong giáo dục là một điều tất yếu. Vì vậy đổi mới trong giáo dục không chỉ là đóng một vai trò quan trọng, mà là một điều tất yếu bắt buộc phải xảy ra.
Điểm nổi bật trong chương trình học Tiếng Anh ở Olympia đó là hình thức học tập thông qua các dự án bộ môn và liên môn.
Là một giáo viên tiếng Anh, chị nghĩ thế nào về việc học tiếng Anh của học sinh hiện nay so với cách đây hơn chục năm?
So với cách đây chục năm, việc học Tiếng Anh của học sinh hiện nay trở nên chưa bao giờ dễ dàng hơn với nguồn học liệu đa dạng và vô cùng dễ tiếp cận. Sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội đã khiến cho những tài liệu học ngoại ngữ và nội dung văn hóa bằng Tiếng Anh có mặt ở khắp mọi nơi. Những website, fanpage, cổng thông tin điện tử phục vụ cho việc học Tiếng Anh cũng được phát triển mạnh mẽ, và từ đó những lời khuyên và phương pháp học tập ngoại ngữ cũng được chia sẻ rộng rãi. Một học sinh thực sự chủ động hoàn toàn có thể tự mình tiếp cận và hệ thống hóa được vốn kiến thức Tiếng Anh của mình. Cơ hội làm chủ kiến thức, làm chủ ngôn ngữ Tiếng Anh chưa bao giờ lớn đến thế. Đây là cánh cửa mở ra, nhưng cũng là một thách thức với học sinh, khi mà các bạn có thể dễ dàng bị ngợp, bối rối thậm chí bị phân tán với quá nhiều học liệu đến từ nhiều nguồn khác nhau. Vì vậy học sinh cần có một định hướng tốt để lựa chọn những gì phù hợp với mình, cần được tạo động lực, truyền cảm hứng, cần được dạy “cách học”. Đó chính là lúc cần đến vai trò của thầy cô và gia đình.
Việc học tiếng Anh của học sinh THCS Olympia có những điểm mạnh gì so với các trường khác?
Chương trình học Tiếng Anh ở Olympia lồng ghép việc học ngôn ngữ với phát triển tư duy, năng lực, phẩm chất, nhằm chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng của một công dân thế kỷ 21 bao gồm 4C: Creative thinking (tư duy sáng tạo), Critical thinking (tư duy phản biện), Communication (kỹ năng giao tiếp), Collaboration (khả năng hợp tác) Những nội dung nghe/ đọc (receptive skills) trong chương trình đưa học sinh tiếp cận tới những vấn đề toàn cầu, bồi đắp những hiểu biết về thế giới xung quanh, trải rộng tầm nhìn và cách tiếp cận của học sinh. Nội dung thực hành nói/ viết (productive skills) được tiến hành thường xuyên và đa dạng dưới nhiều hình thức: thảo luận, thuyết trình, phản biện, diễn kịch, viết thơ, làm văn… Một điểm nổi bật trong chương trình học Tiếng Anh ở Olympia đó là hình thức học tập thông qua các dự án bộ môn và liên môn. Hoạt động này không chỉ tăng cường tinh thần làm việc nhóm và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, mà còn kích thích các bạn liên hệ những nội dung học tập với thực tế và kết nối với những kiến thức của môn học khác.
Đưa tiếng Anh vào cuộc sống là điều cần thiết để nó không còn là một môn học đơn thuần. Trường Olympia đang làm thế nào để tiếng Anh trở nên gần gũi, thiết thực hơn?
Thầy cô và nhà trường luôn cố gắng hết sức để Tiếng Anh bước qua giới hạn của một môn học và đi vào thực tế cuộc sống. Mỗi tiết học đều được truyền cảm hứng từ một sự kiện trong cuộc sống, hoặc được dẫn dắt từ những trải nghiệm cá nhân của học sinh để các bạn cảm thấy gần gũi, thiết thực hơn. Bên cạnh đó, với hình thức học tập dự án, học sinh cũng được khuyến khích giải quyết một vấn đề thực tế hoặc sáng tạo ra những giải pháp hay sản phẩm đáp ứng nhu cầu cuộc sống, ví dụ như thiết kế một cuốn tạp chí về sức khỏe, sáng tạo một thiết bị công nghệ, làm mô hình một thiết bị có thể bay được. Ngoài ra, việc học tập qua những chuyến đi trải nghiệm, đã đưa các bạn đến với những địa điểm trong và ngoài trường học để các con thực sự chạm vào thực tế cuộc sống. Ví dụ như các bạn có khi học về chủ đề lãng phí thức ăn thì có thể được phép vào bếp trường để phỏng vấn các cô chú đầu bếp về thực trạng này ở trường. Hoặc các bạn khi học về chủ đề nghệ thuật thì có thể đi tham quan một triển lãm tranh hay đi xem một tiết mục nhạc kịch.
Cô Diệu Hồng và các bạn học sinh bên mô hình gạch sinh thái.
Dạy và học tiếng Anh đi kèm nhiều thách thức và áp lực trước kỳ vọng ngày càng lớn của phụ huynh, là một giáo viên, chị có cảm thấy điều đấy? Và mình đang giải quyết áp lực trên ra sao?
Mình có nhận thấy những kỳ vọng của phụ huynh đặt lên vai con và nhà trường, nhưng mình không bị áp lực về điều này. Mình tập trung nhiều hơn vào đứa trẻ và tìm hiểu tiềm năng cũng như lắng nghe những nhu cầu của các bạn. Mình cũng không cố gắng làm hài lòng phụ huynh nếu như đó không phải là điều tốt nhất cho học sinh. Ưu tiên số 1 của mình vẫn là việc học sinh có một tinh thần khỏe mạnh, yêu thích môn học và cố gắng không ngừng để đạt được những mục tiêu học tập, từ đó tối đa hóa được tiềm năng của bản thân. Và mình tin đó cũng sẽ là câu trả lời tốt nhất cho những kỳ vọng của phụ huynh.
Theo chị Diệu Hồng, có những quan điểm/định kiến gì về môn tiếng Anh cần phải thay đổi trong nền giáo dục hiện đại?
Thứ nhất, học Tiếng Anh thì phải học thầy cô nước ngoài mới tốt, trong khi thực tế rất nhiều thầy cô Việt Nam vừa có khả năng sư phạm tốt cộng với năng lực Tiếng Anh không thua kém người bản xứ, lại có những yếu tố bản địa làm lợi thế trong việc tiếp cận học sinh. Vì vậy, phụ huynh nên quan sát và cảm nhận sự tiến bộ của con mình thay vì có những nhận định chủ quan dựa trên quốc tịch giáo viên.
Thứ hai, học Tiếng Anh thì trước tiên ngữ pháp phải tốt đã. Đây cũng là một quan điểm khá cũ, là kết quả của hệ thống đào tạo ngoại ngữ từ những năm 1990 khi mà phương pháp dạy học truyền thống Ngữ pháp – dịch (Grammar-Translation Method) được áp dụng mạnh mẽ ở Việt Nam. Quan điểm này sẽ trở thành một rào cản trong việc học Tiếng Anh với những học sinh không giỏi nhớ những quy định, nguyên tắc. Cách tiếp cận phổ biến hơn ngày nay đó là học Tiếng Anh theo định hướng giao tiếp (Communicative Approach), trong đó học sinh tiếp cận ngôn ngữ như một công cụ để giao tiếp hiệu quả. Cách học này không chỉ tạo hứng thú cao hơn mà còn hướng người đọc tới đích đến của việc học ngoại ngữ đó là giao tiếp.
Và cuối cùng, thi IELTS, TOEFL điểm cao mới là học tốt Tiếng Anh. Việc tham gia các kỳ thi chuẩn TA hay các cuộc thi tiếng Anh khác chỉ nên được xem là một trong những công cụ để nâng cao khả năng TA chứ không phải là đích đến. Các em có thể có những lựa chọn khác để phát triển năng lực ngoại ngữ của mình như: đọc sách, viết nhật ký, làm thơ, viết truyện bằng tiếng Anh, dùng tiếng Anh để đọc sách khoa học, xem phim. Việc mang điểm số của các kỳ thi chuẩn hóa ra làm thước đo, là chuẩn mực đánh giá người học sẽ hạn chế sự phát triển ngôn ngữ của các con một cách toàn diện, đôi khi còn đưa ra những nhận định sai lầm về năng lực ngoại ngữ của các con và khiến các bạn mất đi động lực học tập.