Chương trình tiếng Anh Humanities của Olympia “tỏa sáng” tại hội thảo quốc tế TESOLution 2023
27 March, 2023
Hội thảo TESOlution năm 2023 với chủ đề ”Unleash the Power of Voice: Transforming Learner Identity” do National Geographic Learning phối hợp với IEG Global tổ chức, là diễn đàn để các chuyên gia nghiên cứu ngôn ngữ chia sẻ các phương pháp giảng dạy tiếng Anh sáng tạo nhằm hình thành bản sắc cá nhân của học sinh thông qua việc giải phóng sức mạnh TIẾNG NÓI của người học.
Là trưởng bộ môn tiếng Anh tại trường phổ thông liên cấp Olympia, với nhiều năm kinh nghiệm triển khai giảng dạy tiếng Anh tại tất cả các cấp học, cô Võ Thục Anh - Tiến sĩ Ngôn Ngữ học Đại học Nottingham đã có những chia sẻ thú vị về chương trình tiếng Anh ở Olympia để trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta, với tư cách là những nhà giáo dục có thể làm gì để giúp học sinh thể hiện tiếng nói và bản sắc cá nhân?”. “Khám phá bản thân” và “Thể hiện bản sắc cá nhân” là hai chủ đề tâm huyết được cô Thục Anh chia sẻ trong hội thảo.
Học ngoại ngữ là hành trình khám phá bản thân
Khám phá bản thân là bước đầu tiên trong cuộc hành trình suốt đời của mỗi con người để trả lời câu hỏi: “Who we are?” (Chúng ta là ai?). Hành trình kỳ diệu này bắt đầu khi con người biết nói và tiếp tục được khám phá khi chúng ta đi học. Vì vậy, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu cho học sinh suy nghĩ, tìm tòi và khám phá về những câu hỏi: “Chúng ta là ai?”, “Điều gì tạo nên mỗi con người?”.
Tại Olympia, những nhà giáo dục luôn tạo cơ hội cho học sinh để nói lên tiếng nói bản thân và thể hiện bản sắc cá nhân của chính mình. Qua đó, học sinh bước đầu hình thành nền tảng vững chắc cho nhận thức văn hóa, trân trọng bản sắc dân tộc và phát triển tư duy quốc tế. Đó là điều mang lại cho các Olympians sự hiểu biết toàn diện về bối cảnh toàn cầu và giúp kết nối các kiến thức đã được học.
Sự kết nối được thể hiện nõ rét qua một ví dụ trong chương trình lớp 12 của Olympia về nghệ thuật Phục Hưng. Sau khi tìm hiểu về châu Âu thế kỷ 15, 16, học sinh sẽ khám phá và tìm hiểu sâu về bức tranh của Michelangelo, trả lời các câu hỏi về bối cảnh toàn cầu của các bức tranh cũng như kết nối với bối cảnh hiện tại mà học sinh đang được học. Sau khi quan sát hơn 300 nhân vật trong các bức tranh, học sinh cần chọn một nhân vật thể hiện rõ nhất câu hỏi: “Who we are?”. Cách tiếp cận này đã biến một chủ đề từ các vùng đất xa xôi trở nên thân thuộc hơn với các Olympians, đồng thời liên hệ, kết nối trực tiếp đến bối cảnh vị trí hiện tại của chính bản thân học sinh đó.
Bên cạnh đó, chương trình Olympia thiết kế những cơ hội cho học sinh kết nối các vấn đề hư cấu và thế giới thực. Học sinh luôn được khuyến khích đọc và tìm hiểu nhiều tác phẩm kinh điển khác nhau, khi đọc những cuốn sách này, các Olympians không chỉ phân tích tác phẩm mà một lần nữa sẽ được đặt câu hỏi, suy ngẫm, phản tư để tự rút ra những bài học quý giá cho bản thân mình. Quá trình này giúp học sinh khám phá các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, đào sâu vào những câu hỏi và vấn đề khác nhau của con người.
Các thầy cô thường yêu cầu học sinh tóm tắt lại các cuốn sách và phản tư dựa trên ba yếu tố: Giá trị (Values), Bản sắc cá nhân (Identities) và Hành động (Actions). Những câu hỏi về giá trị mà cuốn sách mang lại, bản sắc cá nhân được thể hiện trong cuốn sách, những hành động cụ thể mà học sinh sẽ thực hiện sau khi đọc xong một chương hoặc một đoạn trích luôn là những điều các nhà giáo dục Olympia nhấn mạnh trước, trong và sau khi các Olympians đọc mỗi cuốn sách trong chương trình học.
Khuyến khích học sinh thể hiện bản sắc hàng ngày và trong dự án
Các Olympians luôn được khích lệ để thể hiện bản sắc cá nhân của mình. Khi đã trả lời được câu hỏi: “Who we are”, các con sẽ thể hiện điều đó với thế giới như thế nào? Trong chương trình học tập tại trường, học sinh được tiếp cận với phương pháp học tập truy vấn (Inquiry-based learning) khi có quyền chọn bất kỳ câu hỏi hướng dẫn nào mà các Olympians muốn làm, viết ra những câu hỏi của riêng mình và toàn quyền tự do quyết định hướng đi bài viết của bản thân. Qua đó, học sinh có khả năng thể hiện rõ năng lực và bản sắc cá nhân của mỗi người.
Một ví dụ dễ thấy là học sinh Olympia luôn được khuyến khích sáng tạo qua nhiều hoạt động mà học sinh tự điều phối (students-led activities) trong phần“ Warm-up” của lớp học. Các Olympians có thể đưa ra những câu trích dẫn ý nghĩa, chia sẻ nhanh với cả lớp điều con cảm thấy hứng thú. Đó có thể là một bức ảnh, một video, một mẩu tin tức, một bài hát, một cuốn sách… mà các con vừa đọc. Giống như thói quen phản tư mỗi ngày, hoạt động để học sinh tự dẫn dắt như vậy tuy là những hoạt động nhỏ, nhưng duy trì đều đặn mỗi ngày sẽ có tác dụng như dòng nước chảy miệt mài đánh bóng những viên đá thô ráp thành những viên sỏi trơn lấp lánh, giúp định hình rõ nét thế giới quan của từng học sinh.
Các dự án, sự kiện lớn được thực hiện trong một vài tháng hoặc cả kỳ học là một cơ hội khác để học sinh có nhiều không gian thể hiện mình hơn nữa. Trong dự án Olympia's Voice, học sinh được chọn một chủ đề mà con đam mê, phát triển các câu hỏi nghiên cứu của riêng mình, viết một bài báo cáo về câu hỏi nghiên cứu này và giới thiệu bài báo này với thế giới. Quá trình đánh giá không chỉ được thể hiện qua kết quả của bài luận mà còn thể hiện qua cả quá trình nghiên cứu của học sinh. Các tài liệu nghiên cứu của các Olympians được đăng lên các trang web, tạo mã QR để mọi người có thể đăng nhập, tìm hiểu và suy ngẫm về những bài luận đó. Trong những dự án này, lượng người đọc những bài luận của học sinh không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ nhà trường mà còn mở rộng ra trên toàn cầu, tạo động lực thực sự cho học sinh khi làm bài luận để các Olympians thể hiện tiếng nói cũng như bản sắc cá nhân của mình với tất cả mọi người. Đây thực sự là một sân chơi tuyệt vời để các Olympians thể hiện bản sắc cá nhân.
Những gì mà Olympia theo đuổi trong giảng dạy ngoại ngữ là tạo môi trường, cơ hội để giúp người học tối ưu hóa việc học tập và phát triển bản thân, vượt ra khỏi khuôn khổ “học một ngoại ngữ”.