Lớp học ảo, trải nghiệm thật, hành động thiết thực trong tiết học về Chi tiêu thông minh
23 September, 2021
Buổi học môn Kinh tế đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết xuân Tân Sửu của khối 6 và 7 đã được khởi động tưng bừng với phần ôn lại kiến thức về Chi tiêu thông minh và một bài kiểm tra hệ số 2. Sau mấy tuần nghỉ lễ, cách xa sách vở mà các bạn học sinh chỉ cần dành ít phút cùng cô Thanh Xuân gợi nhớ lại và nhanh chóng hào hứng tái hiện được kiến thức đã học.
Có những nội dung mà chính bố mẹ, anh chị các bạn cảm thấy ao ước được học ở trường khi bằng tuổi các bạn: Thu nhập thông minh là gì, Thu nhập chủ động và thu nhập bị động khác nhau như thế nào, các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong tài chính cá nhân và gia đình. Làm thế nào để lập kế hoạch tài chính cho bản thân và gia đình hiệu quả?
Ngay sau phần ôn tập, các bạn học sinh lớp 7 được cô giáo cho làm bài kiểm tra hệ số 2 về lập kế hoạch chi tiêu cho một kỳ nghỉ của gia đình với lịch trình hoạt động cụ thể hàng ngày, chi phí phát sinh cho toàn bộ chuyến đi kèm theo ngân sách dự phòng.
Các bạn có thể sử dụng hiểu biết đã tích lũy trong môn học liên hệ với thưc tế gia đình mình, sử dụng mạng Internet để làm nghiên cứu nhanh về giá cả thị trường liên quan rồi lên KH chi tiêu, số ngày, hoạt động hàng ngày, các chi phí cho toàn bộ chuyến đi, kèm 10% ngân sách phát sinh.
Vì đề bài có những yếu tố mở, kết nối với thực tế, nên trước khi làm bài, cô trò cùng các bạn học sinh đã có thời gian trao đổi như nên chọn thời điểm nào cho chuyến đi, sự khác biệt và thay đổi nhanh chóng về giá cả và dịch vụ trong bối cảnh COVID-19 diễn ra v.v. khiến cho mỗi bạn bị cuốn hút vào từng bước thực hiện bài kiểm tra như là giải quyết một vấn đề thực tế của chính nhà mình.
Học tập trong không gian ảo, nhưng các bạn học sinh được mở ra những cơ hội cho học sinh tò mò, khám phá, học tập thật, kết nối với thế giới thực một cách tự nhiên, gắn kết các trải nghiệm ở nhiều cấp bậc giúp mỗi em củng cố và mở rộng nội dung học tập theo cách hiệu quả cho riêng mình.
Cô Thanh Xuân chia sẻ: "Đây là năm thứ hai chương trình được triển khai. Các bài học rất thực tế và khai thác được nhiều trải nghiệm của mỗi em học sinh, kể cả các bạn đã say mê về kinh tế lẫn các bạn bắt đầu tìm hiểu về bộ môn này. Bài tập rất gần gũi với học sinh như: lên kế hoạch chi tiêu cho việc tổ chức sinh nhật của mình năm nay và cách thức để có được kinh phí tổ chức sinh nhật, hay làm thế nào huy động được tiền để tham gia một trại hè con mơ ước. Các bạn đã hào hứng chia sẻ là mình sẽ làm việc nhà, bán đồ dùng cũ, có bạn đi làm thuê ở một nhà hàng, có bạn thu hoạch chanh ở trang trại để bán nước chanh, có bạn lựa chọn đầu tư mua cổ phần một game đang thịnh hành để hàng tháng thu tiền lãi về...
Phạm Trí Đức, học sinh lớp 6H5 chia sẻ: “Việc lập kế hoạch chi tiêu giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của tiền, và chúng ta sẽ rèn được đức tính quý giá là tiết kiệm, lập kế hoạch cụ thể giúp chúng ta thực hiện nó một cách chỉn chu”.
Tiết học này thuộc Học phần Kinh tế, Bộ môn Kinh tế Pháp luật cấp THCS với nội dung theo khung Chương trình của Bộ GD-ĐT và được xây dựng riêng cho Olympia bởi các chuyên gia giáo dục kinh tế uy tín và am hiểu về giáo dục tài chính cho trẻ em. Học phần Kinh tế tạo ra không gian và cơ hội nơi học sinh tìm hiểu và trao đổi về các nội dung: quản lý tài chính cá nhân, tài chính gia đình, tài chính doanh nghiệp. Phương pháp giảng dạy mang tính tương tác cao như đóng vai, giải quyết vấn đề, thảo luận – làm việc nhóm, dạy học dựa trên thực hiện bài tập lớn cũng như ứng dụng phương pháp dạy học đảo ngược.
Tại Olympia, chúng tôi không ngừng nỗ lực mang đến cơ hội học tập tốt nhất, mang tính cá nhân hóa cao nhằm tạo hứng thú và nền tảng để học sinh được trải nghiệm, tìm tòi, và ra quyết định thông minh cho chính bản thân và gia đình, có sự cập nhật với các kiến thức và xu thế trong cuộc sống. Thông qua giáo dục kinh tế, học sinh có cơ hội áp dụng kiến thức đã học để tìm hiểu, lý giải các hiện tượng kinh tế - xã hội, chủ động tham gia những hoạt động phù hợp với lứa tuổi như đưa ra quyết định chi tiêu, quản lý tài chính hợp lý cũng như điều chỉnh hành vi trong việc chi tiêu, trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, góp phần phát triển cộng đồng và phát triển bền vững.