Dự án “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn” - 5 năm và những chuyện chưa kể
10 April, 2023
Dự án “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn” - nét đặc trưng trong hoạt động dạy và học Tiếng Việt của Tiểu học Olympia đã đi được chặng đường 5 năm đầu tiên. 5 năm ấy, đã có rất nhiều thế hệ học sinh được truyền cảm hứng và tình yêu đối với việc học ngôn ngữ mẹ đẻ. Các em cũng phát triển được nhiều năng lực vượt ra ngoài phạm trù học thuật.
Khi học sinh “tỏa sáng” trên sân khấu lớn với những vai diễn đầu đời, phía dưới khán đài là khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của các phụ huynh, thì phía bên cánh gà và phòng điều khiển kỹ thuật, các thầy cô Tiểu học Olympia đang làm công tác tổ chức cũng trào dâng cảm xúc.
Cùng “lắng nghe” tâm sự của một giáo viên - cô Phạm Hải Hà - Biên kịch và chịu trách nhiệm nội dung dự án “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn”, để hiểu thêm về những nỗ lực thầm lặng của thầy cô phía sau khoảnh khắc tỏa sáng của các con!
Khi tôi ngồi viết những dòng này, ngày biểu diễn 8/4 - mùa 5 của Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn đã lùi lại sau lưng hơn 1 ngày. Quanh tôi:
- Ngoài sảnh, tiếng của các đồng nghiệp vẫn đang lao xao. Mọi người cần dọn dẹp toàn bộ đạo cụ biểu diễn và các đồ dùng liên quan để trả cho các bên.
- Trước bàn làm việc là chồng thư bố mẹ viết cho con - một “truyền thống” chúng tôi cùng làm sau mỗi buổi diễn hàng năm.
- Trên facebook, bài post mới của đồng nghiệp, phụ huynh… vẫn là ảnh “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn” và các dòng cảm xúc.
- Sau lưng, đồng nghiệp đang tiếp tục thảo luận nhóm để sẵn sàng tổng kết cho một dự án khác vào tháng 5.
- Và trong tim mình, tôi nghe được nhịp đập của niềm tự hào, hạnh phúc và lòng biết ơn vô hạn.
2018, theo công việc thường niên, tổ Tiếng Việt Tiểu học họp chuyên môn, lên kế hoạch cho năm học mới. Hạng mục “báo cáo cuối năm” bỏ ngỏ. Chúng tôi tự hỏi “Trẻ con sẽ được gì?” và “Mình muốn gì?”, dễ đến hàng trăm lần trong ý nghĩ.
Làm điều gì để từng khoảnh khắc trong quá trình thực hiện, tụi nhỏ đều được học và học được gì đó đáng giá?
Làm điều gì để các bạn học sinh tận dụng và vận dụng được các năng lực ngôn ngữ như đọc, viết, nghe, nói một cách tự nhiên, hữu ích?
Làm điều gì để những bài học về con người, về cái đẹp, về ngôn ngữ tiếng Việt thẩm thấu và trở thành của mỗi bạn nhỏ, có thể được các con mang theo suốt cuộc đời?
“Khi bạn thực lòng khát khao, cả vũ trụ sẽ đáp lời” - câu nói bất hủ của Paulo Coelho vừa vặn với câu chuyện khai sinh ra dự án “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn”. Trong một khoảng thời gian ngắn, chúng tôi có cơ hội được biết đến các chương trình kịch lớn-nhỏ, được gặp và chuyện trò với những nghệ sĩ uy tín-tâm huyết trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu. Tất cả những “manh mối” đã dẫn chúng tôi đến buổi họp chuyên môn sau và đồng tình lấy hình thức biểu diễn kịch nói để làm báo cáo sản phẩm cho bộ môn tiếng Việt của Tiểu học.
Cuối mùa hè năm 2018, tôi cùng chị Hồng Liên đặt những nét chữ đầu tiên trên bản phác thảo ý tưởng. Chị Liên hỏi: “Tên dự án là gì?”. Tôi buột miệng: “Mình sẽ đưa hết các bạn nhỏ lên sân khấu để thực hành các câu chuyện kể bằng Tiếng Việt. Các con sẽ giống như những nghệ sĩ nhỏ trên một sân khấu lớn!”. Chị Liên gõ một mạch, như đã có sẵn trong đầu: “Dự án học tập môn Tiếng Việt: Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn”. Khoảnh khắc ấy trở thành kỷ niệm. Nhưng đó cũng thành lời nhắc nhở để nếu có khi “nản lòng” vì những khó khăn phía trước, chúng tôi sẽ nhớ lại: vì sao ta đã bắt đầu?
Và quả thực, rất nhiều thách thức đã chờ đón chúng tôi khi thực hiện dự án này.
Đầu tiên là, tất cả giáo viên chúng tôi được đào tạo để dạy Ngữ Văn - Tiếng Việt, nguồn nhân sự có chuyên môn về kịch là bằng 0. Dù xác định rõ con đường là dạy Tiếng Việt thông qua đóng vai, không phải dạy kịch, nhưng chúng tôi đều ý thức rất rõ tính nghiêm túc và chỉn chu của dự án.
Các lớp đào tạo kịch dành cho giáo viên Ngữ Văn - Tiếng Việt Olympia được khởi động ngay sau đó. Tiến sĩ, nhà giáo Lê Mạnh Hùng - nguyên trưởng khoa Sân khấu điện ảnh, trường Đại học Sân khấu điện ảnh, cùng nhiều nghệ sĩ, các anh chị hoạt động trong lĩnh vực kịch nói… đã hướng dẫn chúng tôi như những người thầy đầu tiên. Chặng đường này truyền cảm hứng không nhỏ cho các thầy cô trong tổ bộ môn. Chúng tôi được mở rộng góc nhìn và hiểu biết về lĩnh vực mới mẻ này. Quan trọng nhất, chúng tôi hiểu rằng: để học sinh dám “phá băng”, dám thể hiện mình trong một hình thức trình bày mới, thì chính chúng tôi cũng phải “phá băng” và làm được điều đó trước tiên.
Tiếp theo là vấn đề kịch bản. Để tạo ra sân chơi và thực hành môn học đúng nghĩa, cần có những kịch bản cho tất thảy số học sinh được đóng vai. Nói cách khác, mỗi kịch bản cần thiết kế số vai diễn bằng số học sinh của một lớp (khoảng 24 - 26 bạn). Trong đó, vai diễn nào cũng cần có lời thoại, có “đất” thể hiện. Đồng thời, kịch bản phải là chuyển thể tác phẩm-truyện kể văn học. Trong lời thoại cần thể hiện hồn cốt của lời ăn tiếng nói ông cha, truyền cảm hứng cho các bạn học sinh về vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ trong truyền tải ý tứ, giao tiếp, kết nối con người, đảm bảo mục tiêu dạy học tiếng Việt ban đầu đã đề ra. Thêm nữa, các khối khác nhau, kịch bản cũng phải khác nhau, với độ khó tăng dần theo năng lực ngôn ngữ của học sinh.
Tôi đã bắt đầu “kho kịch bản” của mình - cho đến nay - bằng cách giải những “bài toán” đầu tiên như thế.
Dự án “kỳ diệu” này đã biến tất cả chúng tôi - nhóm giáo viên Tiếng Việt Tiểu học - lần lượt trở thành các “đạo diễn tay ngang”. Mỗi giáo viên chính là đạo diễn vở kịch của lớp mình. Bởi không ai khác, các cô vừa là người hướng dẫn, người truyền cảm hứng, cũng là người theo sát toàn bộ quá trình học tập bộ môn của các con. Công việc này kéo dài trong nhiều tháng và bạn không có cách nào khác ngoài thị phạm, hướng dẫn cho từng-học-sinh-một.
Bạn hãy tưởng tượng một nghệ sĩ chuyên nghiệp phải luyện tập gian khổ chừng nào, cần bao nhiêu kỹ năng, niềm đam mê cho đến khi tỏa sáng trên sân khấu trong một vở diễn. Cũng với từng ấy công việc, nhưng ở đây, những “nghệ sĩ nhỏ” của chúng tôi chỉ 6 - 7- 8 tuổi. Và mỗi giáo viên đã làm việc với hơn 20 “nghệ sĩ” cho một vở kịch như thế.
Và có lẽ, điều khác biệt lớn nhất mà chúng tôi đã tạo ra trong“Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn” là các vở kịch không phân biệt vai chính-phụ. Tất cả các bạn nhỏ đều được khuyến khích thử vai, chọn vai và được hướng dẫn cách để “1 phút cũng làm nên dấu ấn”. Các con không phân biệt ai quan trọng hơn ai, mà trong tâm thế mình chính là một phần của câu chuyện. Tính trách nhiệm và nỗ lực hết mình được chúng tôi coi trọng. Mỗi bạn nhỏ trong quá trình tập luyện cũng được học về tinh thần của một khán giả văn minh - thông qua xem kịch, học về tinh thần của một nghệ sĩ chân chính - thông qua tư duy về cái đẹp, chọn lọc thông điệp, hành xử trên sân khấu - trong cánh gà, hết mình dù chỉ một khoảnh khắc biểu diễn, và phối hợp, tôn trọng lẫn nhau…
“Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn” đã đi được chặng đường 5 năm. Tôi nhận ra điều may mắn lớn nhất khi nó được nuôi nấng đến “nhiều tuổi” thế này, đó là chúng tôi – những giáo viên thường ngày vẫn tâm tư với nghề và trẻ nhỏ - đang có được thời gian, không gian và sự ủng hộ để trăn trở lâu với 1 dự án. Nhờ việc làm đi, làm lại, chúng tôi được suy tư và cải thiện bản thân, hành động để không chỉ biến ước mơ và tình yêu với các con thành sự thực hiện hữu, mà còn - quan trọng là - đúng đường.
Mà từ đó, hạnh phúc trong học tập trở thành điều tất yếu các con được thụ hưởng - mỗi ngày.
Phạm Hải Hà - Giáo viên môn Tiếng Việt - Tiểu học Olympia
Biên kịch & Chịu trách nhiệm nội dung dự án “Nghệ sĩ nhỏ trên sân khấu lớn”