Đưa công nghệ vào dạy học: Kinh nghiệm thành công của giáo viên Olympia
24 January, 2022
Ngày 22/1, trường phổ thông liên cấp Olympia tổ chức Hội thảo trực tuyến chuyên đề “Olympia Edutech 2022 - Thích ứng và đột phá”. Chương trình nhằm tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm mang tính “đột phá” của thầy cô trường phổ thông liên cấp Olympia trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đặc biệt ở bối cảnh học sinh phải học trực tuyến kéo dài. Đây đồng thời là dịp để truyền “lửa” khát vọng, tạo động lực đổi mới, sáng tạo cho các giáo viên trường Olympia nói riêng và giáo viên phổ thông trong cả nước nói chung; từ đó phát triển và nâng cao chất lượng cộng đồng giáo viên sáng tạo.
Hội thảo có sự tham gia của Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia - TS. Nguyễn Chí Hiếu; Phó Ban chuyên môn -Ths. Trần Quốc Dân; các thầy cô trong Ban Giám hiệu phụ trách chuyên môn các cấp; cùng đông đảo giáo viên nhà trường và gần 100 thầy cô thuộc các trường phổ thông khác ở cả ba miền đất nước.
Dạy học dự án - phương pháp phát huy hiệu quả trong bối cảnh online
Là diễn giả của một trong 7 phòng trao đổi chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại Hội thảo, cô Nguyễn Diệu Hoa - Phó Bộ môn Ngữ Văn, trường Phổ thông liên cấp Olympia với kinh nghiệm nhiều năm dạy học theo dự án cho biết, đây là phương pháp phát huy được hiệu quả tốt trong bối cảnh dạy học online; đồng thời hình thành và phát triển được cho học sinh nhiều năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như yêu cầu của thời đại.
Nhóm giáo viên trường phổ thông liên cấp Olympia chia sẻ kinh nghiệm ưng dụng mô hình triển lãm ảo trong dạy học dự án trực tuyến các bộ môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý.
Theo cô, khi tham gia dự án, học sinh sẽ được làm việc nhóm và cá nhân trong khoảng thời gian dài để nghiên cứu và trả lời cho câu hỏi phức hợp, vấn đề có thật trong thực tiễn. Những câu hỏi, vấn đề này bám sát nội dung kiến thức trong chương trình các em đang học, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để tạo sản phẩm cụ thể. Với việc vừa phải chủ động, vừa hợp tác nhóm trong lập kế hoạch, nghiên cứu, tạo ra sản phẩm và báo cáo, thuyết trình; tự kiểm soát, lên lịch trình của cá nhân để làm thế nào đảm bảo được lịch trình chung của nhóm và của dự án… học sinh đã rèn luyện và phát triển nhiều kỹ năng từ tư duy, nghiên cứu, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề sáng tạo… Đây đều là các năng lực cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành cho học sinh.
Trong bối cảnh dạy học online, với yêu cầu cốt lõi là giải quyết vấn đề thực tế và sáng tạo ra sản phẩm, phương pháp dạy học theo dự án kích thích được trí tò mò, tinh thần ham khám phá và mong muốn được làm ra một sản phẩm có thật để bạn bè, thầy cô ghi nhận… ở học sinh. Kho dữ liệu trực tuyến cung cấp nguồn tài liệu khổng lồ, phong phú để các em tham khảo, sử dụng cho việc giải bài toán của dự án.
Đặc biệt, khi học tập trực tuyến đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động giao tiếp của người học, thì việc có một dự án với thời gian đủ dài cho phép học sinh làm quen, thảo luận, cùng nhau giải quyết vấn đề và tạo ra sản phẩm, chính là cơ hội tự nhiên và tích cực nhất để các em giao tiếp, tăng cường năng lực hợp tác. Với những giá trị thực tiễn đó, thời gian qua khi học trò phải học online kéo dài, thì giáo viên các bộ môn Khoa học xã hội trường phổ thông liên cấp Olympia vẫn nỗ lực triển khai những dự án học tập cho học sinh.
Theo cô Trần Xuân Hương - một diễn giả của phòng chuyên đề “Dạy học dự án trong bối cảnh online”, dù phương thức này có nhiều lợi thế khi thực hiện online, nhưng giáo viên, học sinh sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Đối với giáo viên, đó là việc khó kiểm soát việc thực hiện dự án học tập của học sinh. Đối với người học, các em có thể gặp khó khăn trong vận dụng các phầm mềm/ứng dụng trực tuyến để hoàn thành dự án; các học sinh tiểu học chưa có được sự tập trung, tính tự chủ trong học tập, nghiên cứu.
“Làm thế nào để các em đảm bảo được trách nhiệm trong chuỗi dự án và có đủ động lực theo đuổi đến cùng”? Câu hỏi này được Phó Bộ môn Ngữ Văn, trường Phổ thông liên cấp Olympia - cô Nguyễn Diệu Hoa chia sẻ kinh nghiệm giải quyết. Đó là: cần thống nhất rõ ràng các nguyên tắc chung và lộ trình thực hiện ngay khi bắt đầu dự án; phân hoá cá nhân và nhóm để có những hỗ trợ kịp thời.
“Các thầy cô cần thông tin rõ ràng đích đến học sinh phải đạt được; thống nhất các quy ước ban đầu của quá trình làm dự án để các em ý thức được vai trò, trách nhiệm, giá trị của mình trong chuỗi các hoạt động của dự án, hiểu được nếu một người hẫng nhịp không hoàn thành nhiệm vụ thì ảnh hưởng tới cả hệ thống ra sao; đồng thời biết lộ trình công việc cần đảm bảo…”, cô Hoa nói và nhấn mạnh giáo viên với vai trò định hướng, hỗ trợ cần theo sát quá trình thực hiện của học sinh để có những gỡ rối, khích lệ kịp thời.
Triển lãm thực tế ảo - giải pháp dạy học tích hợp liên môn online
Trăn trở trước những thiệt thòi của học sinh khi học kỳ vừa qua không thể tham gia các chuyến trải nghiệm thực tế và giao lưu, thực hiện dự án, giáo viên bộ môn Lịch sử, Mỹ thuật, Ngữ văn khối THCS trường phổ thông liên cấp Olympia đã cùng ra đưa ra dự án triển lãm thực tế ảo “Rời đô - Quyết định vượt thời đại”. Ở dự án này, các học sinh khối 7 sẽ được học các kiến về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X - XV trong môn Lịch sử; các tác phẩm thơ văn thời đại Lý-Trần trong trong môn Ngữ văn; tìm hiểu về mỹ thuật Việt Nam thời đại này ở môn Mỹ thuật. Trên nền tảng giao hòa các kiến thức từ 3 bộ môn ấy, học sinh sẽ xây dựng thành bảo tàng - triển lãm thực tế ảo.
Chân dung nhân vật lịch sử thời đại Lý - Trần do học sinh trường phổ thông liên cấp Olympia sáng tác trong dự án xây dựng bảo tàng triển lãm ảo “Rời đô - Quyết định vượt thời đại”.
Làm rõ về yêu cầu đầu ra cho sản phẩm bảo tàng tích hợp liên môn, cô Trần Thị Hội cho biết, ở môn Lịch sử, các em được định hướng làm timeline các dòng sự kiện từ thế kỷ X đến XV và tạo các thẻ giới thiệu nhân vật lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn đó. Ở bộ môn Văn học sinh có thể làm các video ngâm thơ, bình tác phẩm văn học của thời kỳ Lý-Trần hoặc thuyết trình về tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc. Yêu cầu của môn Mỹ thuật trong dự án xây dựng bảo tàng triển lãm ảo “Rời đô - Quyết định vượt thời đại” là vẽ chân dung các nhân vật lịch sử tiêu biểu với trang phục, hoa văn, hoạ tiết đặc trưng của thời đại Lý-Trần.
Vậy là dù không thể được đi thực tế ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng thầy trò khối 7 trường phổ thông liên cấp Olympia năm học này vẫn được thăm quan, trải nghiệm văn hoá, lịch sử thời Lý-Trần theo một cách độc đáo khác thông qua bảo tàng triển lãm ảo. Triển lãm vừa là cơ hội để học sinh, giáo viên được tăng cường giao lưu trong bối cảnh trực tuyến; cung cấp nguồn học liệu giá trị cho những năm học tới; đồng thời là một cách hướng nghiệp sáng tạo cho học sinh.
Một góc bảo tàng triển lãm ảo “Rời đô - Quyết định vượt thời đại” của học sinh trường phổ thông liên cấp Olympia.
Một số vấn đề kỹ thuật trong lựa chọn và sử dụng ứng dụng, phần mềm để thực hiện sản phẩm dự án, được các diễn giả giới thiệu, giải đáp rõ cho “khách” dự hội thảo.
“Tôi học được nhiều điều từ Hội thảo này; có thêm nhiều gợi ý hữu ích để dạy học dự án tại trường mình; đặc biệt là có động lực, niềm tin để vượt lên những khó khăn về điều kiện thực hiện của nhà trường và tổ chức dạy học tích cực để hình thành, phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh”, cô Dung - một giáo viên cấp THCS tại Bà Rịa -Vũng Tàu nói sau khi tham dự chương trình.
Công nghệ là xu hướng tất yếu trong giáo dục
Chia sẻ “bên lề” các phòng hội thảo chuyên đề, TS. Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia khẳng định: việc công nghệ bước vào đời sống giảng dạy, học đường là xu hướng tất yếu. Trước khi Covid-19 xuất hiện, các giải pháp công nghệ giáo dục đã được dự đoán tăng 20 lần từ năm 2019 đến 2025. Điều đó có nghĩa là dù không có Covid thì việc dùng công nghệ làm đòn bảy hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học sinh vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận các bài giảng của thầy cô ở nhiều nơi trong đất nước và trên thế giới, giúp học sinh vươn tầm ra kết nối với bạn bè quốc tế… là xu hướng của thời cuộc.
Tuy nhiên thực tế vừa qua phần lớn hệ thống trường học trên thế giới vẫn bị đánh giá là chậm trong chuyển đổi số và gặp khó khăn nhất định khi thích ứng với đại dịch Covid-19. “Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh rằng chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ từ tâm thế, năng lực giảng dạy, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học… để sẵn sàng cho những thay đổi”, Ts Hiếu nói.
TS. Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia.
Dẫn nghiên cứu của các công ty công nghệ và định hướng phát triển của ngành giáo dục Việt Nam, Giám đốc học thuật trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết sau Covid-19 dù học sinh đi học trực tiếp thì các nhà trường vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng công nghệ để hỗ trợ dạy-học trực tiếp và nâng cao hiệu quả giáo dục. Vì thế, việc trau dồi, tăng cường kỹ năng công nghệ của giáo viên là cần thiết.
5 nguyên tắc được TS Hiếu nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc tạo đột phá khi ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả dạy học, đó là: “yêu vấn đề muốn giải quyết trước”; “đặt mục tiêu lớn hơn nhiều lần”; “ưu tiên giải quyết vấn đề lớn nhất”; “đề cao tinh thần đội nhóm”; “kiên định và can đảm theo đuổi mục tiêu”. Theo đó, công nghệ chỉ là một giải pháp và để thực hiện hiệu quả giải pháp đó nhằm mang lại lợi ích đột phá cho giáo dục, thì phải xuất phát từ tình yêu nghề và mong muốn của giáo viên trong việc giải quyết tốt nhất các vấn đề thực tiễn của ngành nghề mình theo đuổi. Đặc biệt, “đột phá” tức là cái mới, mà bất cứ cái mới nào cũng có người thích và không thích; có những cản trở, khó khăn trong hành trình thực hiện. Do đó, nếu không đủ can đản và kiên định thì làn sóng của cái cũ sẽ kìm bước chân ta.
“Giáo dục đang cần cuộc cách mạng từ gốc rễ và cuộc cách mạng này đến từ chính các nhà giáo. Chỉ cần mỗi thầy cô làm cách mạng với chính mình để bản thân tốt hơn; biết lựa chọn có chủ đích những cái mới để thử nghiệm và đúc kết giá trị…, thì dù chưa thay đổi được cả hệ thống, hay một trường học, tổ bộ môn thì ít nhất chúng ta cũng thay đổi được những trải nghiệm của các học sinh trong lớp mình phụ trách”, Ts Nguyễn Chí Hiếu nói và mong muốn tinh thần dám đổi mới, sáng tạo đó sẽ đi vào mỗi giáo viên tham dự hội thảo hôm nay và lan toả ra cộng đồng giáo viên Việt Nam./.