Học Lịch sử, Địa lý theo một cách khác
02 October, 2021
Học Lịch sử, Địa lý theo một cách khác xưa
Với thế hệ bố mẹ trước đây, lịch sử và địa lý được biết đến là các môn học thuộc lòng để trả bài. So với cách học rập khuôn, các bạn học sinh Olympia đã học Lịch sử và Địa lí theo những cách rất khác xưa. Trước hết là sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận nội dung sang mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Thứ hai là hai bộ môn này tại Olympia đang tạo dựng góc nhìn đa chiều cho học sinh trong việc nhận xét, đánh giá Lịch sử, Địa lí.
Với Lịch sử, vốn là môn học tìm hiểu về quá khứ, tức là những thứ đã xảy ra và thông tin, nội dung thường mang tính định hướng và một chiều nên việc được nhìn ở nhiều góc khác nhau về các sự kiện, nhân vật, vấn đề lịch sử là điều hiếm khi xảy ra với thế hệ trước. Tuy nhiên, tại Olympia, các bạn được khuyến khích đưa ra quan điểm cá nhân về những sự kiện, nhân vật, vấn đề lịch sử đó dựa trên những bằng chứng khoa học và lập luận có tính thuyết phục. Điều này, góp phần lớn trong việc hình thành, phát triển tư duy phản biện của học sinh và cũng là tiệm cận với cách tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử chân chính.
Cô Vũ Thị Loan - Ths. Lịch sử - Trưởng bộ môn Lịch sử, Địa lý Olympia chia sẻ: "Trong chương trình Lịch sử 10, phân ban Khoa học xã hội, các con được đưa ra quan điểm của mình về vấn đề xã hội quan tâm hiện nay là "Có cần thiết phải bắt buộc học lịch sử không? Vì sao?". Nội dung này tạo cơ hội cho các con phản biện nhưng cũng là cách để con, đứng từ vị trí của mình, đề xuất được giải pháp góp phân nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử nói chung."
Cô Vũ Thị Loan trong một tiết dạy học online
Các môn học xã hội ngày nay không chỉ xoay quanh cách học thuộc lòng theo khuôn mẫu nữa. Đứng trước những vấn đề này, các bạn vừa có cơ hội được nêu quan điểm bản thân dựa trên những kiến thức được hướng dẫn cũng như thực tế chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày thông qua dư luận xã hội; vừa thể hiện được trách nhiệm của các bạn với quê hương đất nước khi chính bản thân có những hiểu biết nhất định về chủ quyền quốc gia.
Hay khi học về Chủ đề Địa lí Việt Nam, phân môn Địa lí 8, các con được đặt trước tình huống "Nếu được quyết định sinh sống và lớn lên ở một địa phương (miền núi/đồng bằng) con sẽ lựa chọn nơi nào? Vì sao?". Việc giải quyết tình huống này cần HS có những hiểu biết nhất định về những thuận lợi, khó khăn của từng loại địạ hình sinh sống khác nhau nhưng qua đó cũng cho thấy góc nhìn khác nhau ở mỗi bạn học sinh.
Phương pháp giảng dạy tại Olympia
Với định hướng xây dựng môi trường học tập giàu tính trải nghiệm, thử thách nên môn học Lịch sử và Địa lý đã có sự thay đổi lớn trong xây dựng Chương trình môn học từ khối 4 đến khối 12 trong năm nay. Trong Đề cương môn học của các khối lớp đều có những tiết nhất định (1-2 tiết) dành cho việc học sinh tự đọc, nghiên cứu có định hướng từ các tài liệu được giáo viên cung cấp, có chọn lọc. Việc Đọc của các con hướng tới việc xử lí thông tin từ nhiều nguồn khác nhau với các phong cách viết khác nhau ở mỗi văn bản. Do đó, SGK cũng chỉ là 1 nguồn thông tin đọc được cung cấp cho học sinh. Từ đó, việc đọc cũng hướng tới phát triển và hình thành tư duy phản biện, cách nêu và lập luận vấn đề trong lĩnh vực Sử Địa (mà trước nay vẫn luôn ngầm bị hiểu là không được thể hiện ý kiến, quan điểm bản thân). Việc Đọc này với bộ môn Sử Địa: vừa mới với các con, cũng là mới với bản thân giáo viên. Các thầy/ cô cũng cùng lúc đọc các nguồn tài liệu khác nhau mà trước đây chưa từng được đọc, chưa có thời gian để đọc.
Cô Loan chia sẻ: "Với chương trình Lịch sử cấp THCS, học sinh lần lượt giải quyết các câu hỏi lớn: Các vị thủ lĩnh đã chung sống với người dân và cộng đồng của mình như thế nào?(Lớp 6) -> Nhân loại chung sống với nhau như thế nào trên nền tảng văn minh nông nghiệp? (Lớp 7) -> Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã làm thế giới thay đổi như thế nào? (Lớp 8) Hoặc như Địa lí 6, các con cùng giải quyết câu hỏi lớn "Con người hay biễn đổi khí hậu?". Điều này như một quá trình "nối mạch" tư duy trong quá trình học tập lịch sử, địa lí của học sinh, cũng là vấn đề lớn cần học sinh vận dụng các năng lực đặc thù để giải quyết chúng một cách thấu đáo nhất."
Một lớp học Lịch sử của Olympia qua Teams
Khung năng lực theo tiêu chuẩn CCSS (Mĩ) với trọng tâm phát triển năng lực Đọc - Viết - Nghe Nói cho học sinh trở thành "kim chỉ nam" cho Chương trình môn học Lịch sử và Địa lý ở các khối lớp tại Olympia. Các chủ đề được đặt ra và tìm hướng giải quyết các câu hỏi lớn, tránh vụn vặt và giúp học sinh có điều kiện tốt nhất phát triển các năng lực đặc thù trên của khoa học xã hội.
Trong bối cảnh học tập trực tuyến, các con luôn nhận được nhiệm vụ với kho học liệu đa dạng, phong phú về nguồn và hình thức nền tảng khoá học bộ môn Canvas. Bên cạnh đó, cô trò vẫn luôn dùng Teams như 1 công cụ hữu ích trong quá trình tổ chức các hoạt động tương tác khi dạy và học online cùng nhiều ứng dụng khác trên nguyên tắc phù hợp với từng đặc điểm riêng của mỗi tiết học.