undefined

[Glocal Connect] K10 khám phá nghệ thuật tuồng với các nghệ sĩ chuyên nghiệp

22 Tháng 1, 2024

Nghệ thuật Tuồng bắt nguồn từ đâu, có nội dung, ý nghĩa như thế nào và khác biệt gì so với Chèo? Vì sao Tuồng được ví như “báu vật” quốc gia, tinh hoa nghệ thuật sân khấu Việt? Tham gia buổi giao lưu với đoàn nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam ngay tại Olympia vào cuối tuần qua, Olympians K10 đã tìm được lời giải cho những câu hỏi này. Không chỉ nghe các nghệ sĩ chia sẻ, giải đáp thắc mắc, các bạn còn được xem cô chú biểu diễn một số trích đoạn trong các tác phẩm nổi tiếng như: “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”, “Ngũ biến”. Dưới sự chỉ dẫn của các nghệ sĩ, Olympians K10 đã thực hành diễn xuất trên sâu khấu, tập luyện 1 số đoạn thoại của nhân vật.

Học sinh khối 10 giao lưu cùng nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam.

“Em thật sự bất ngờ khi những thứ tưởng chừng rất đơn giản mà hàng ngày ai cũng làm, khi đi vào Tuồng lại đòi hỏi nhiều kỹ thuật đến vậy. Ví dụ như tiếng cười trong Tuồng cần hít thật sâu, lấy hơi từ họng, nâng tông giọng và giữ cho thanh âm có sự liền mạch”, Olympian Khánh Linh chia sẻ. Bày tỏ sự ngưỡng mộ với các nghệ sĩ Tuồng, Olympian Bảo An cho biết, thông qua buổi giao lưu, em đã hiểu lí do Tuồng được ví như “báu vật” quốc gia, bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kĩ thuật công phu và sự đầu tư lớn, để có thể tạo ra một vở diễn trọn vẹn.

Hiểu hơn về vai trò, tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu dân gian trong đời sống Việt và dòng chảy văn hóa Việt, buổi giao lưu với các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng nói riêng và chuỗi hoạt động của dự án liên môn “Âm vọng ngàn xưa” nói chung, đã khơi dậy thêm trong Olympians K10 niềm tự hào cùng ý thức bảo tồn - phát triển nghệ thuật truyền thống trong kỉ nguyên mới. Đây cũng là nền tảng vững chắc để những công dân toàn cầu tương lai này tự tin đem theo bản sắc Việt, bước ra thế giới và hội nhập với toàn cầu. 

Share:

Bài liên quan