undefined

3 CÁCH GIÚP CHA MẸ GIỮ MÙA HÈ AN TOÀN CHO CON

23 Tháng 9, 2021

 

Chia sẻ từ thạc sĩ Tô Thị Hoan phòng Tâm lý Olympia tới các bậc phụ huynh:

Năm học vừa qua, các bạn học sinh đã trải qua hai đợt học online tại nhà do dịch Covid-19. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có những thống kê hay nghiên cứu chính xác về tác động của đại dịch Covid-19 đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Trên thực tế, đã có rất nhiều những câu chuyện về việc trẻ cảm thấy chán nản và mất động lực học tập khi gặp khó khăn. Điều này cũng xuất phát từ nhiều yếu tố như việc trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ, việc học qua màn hình khiến trẻ khó tiếp thu và dễ bị phân tán hoặc trẻ có thể cảm thấy thiếu hụt kết nối xã hội với bạn bè, thầy cô khi học tập từ xa. Ngoài ra, những căng thẳng từ người lớn trong gia đình trước đại dịch cũng có thể tác động đến trạng thái cảm xúc của trẻ. 

 

Một bài viết tổng hợp về tác động của Covid-19 lên gia đình và trẻ em đăng trên tạp chí Pediatric Psychology vào tháng 12/2020 chỉ ra rằng cách ly xã hội có tác động tiêu cực đáng kể đến sự lành mạnh về mặt cảm xúc của trẻ và gia đình. Các nghiên cứu kiểm tra kết quả của cha mẹ và gia đình chỉ ra rằng cha mẹ phải trải qua nhiều căng thẳng, lo lắng và gánh nặng tài chính trong thời gian xảy ra đại dịch. Họ cũng có nỗi sợ hãi đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con cái họ, lo ngại về khả năng mất việc làm và sắp xếp việc chăm sóc, hỗ trợ con. Những lo lắng ấy đều có thể tác động lên trẻ.

 

Nhận diện "nguy cơ" với trẻ khi nghỉ hè trong điều kiện dịch bệnh?

 

Chính vì vậy mà thời gian nghỉ hè là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng để trẻ có thể phục hồi năng lượng là vô cùng quan trọng. Mùa hè đến là khoảng thời gian cho các bạn nhỏ và gia đình thư giãn, khám phá và thử những hoạt động mới ở những nơi mới với những người mới. Những chuyến du lịch, dã ngoại, cắm trại để tận hưởng thiên nhiên hoặc khám phá những vùng đất và những nền văn hóa mới đều là những trải nghiệm tuyệt vời của mùa hè. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc giãn cách xã hội đang được triển khai ở nhiều nơi thì cơ hội thực hiện những trải nghiệm như vậy dường như bị bó hẹp lại.

 

 

 

Thứ nhất, việc giãn cách xã hội tiếp tục được thực hiện trong kỳ nghỉ hè vẫn tiếp tục là một rào cản làm giảm cơ hội cho trẻ được kết nối xã hội với nhiều người. Và việc thiếu hụt các kết nối xã hội tích cực sẽ tác động đến sự lo lắng, căng thẳng của trẻ.

 

Thứ hai, các khu du lịch hay trung tâm vui chơi, giải trí thường là những nơi đông người và chúng ta không thể đến đó trong tình hình dịch bệnh này. Điều này làm giảm cơ hội để trẻ được trải nghiệm những hoạt động thú vị, hữu ích ở nơi đây.

 

Thứ ba, một số gia đình do cha mẹ vẫn bận rộn đi làm vào mùa hè nên thường gửi con tham gia các chương trình trại hè của các trường hay trung tâm giáo dục. Tuy nhiên, vì dịch bệnh mà trường học đóng cửa và các chương trình trại hè cũng bị trì hoãn. Điều này có thể cũng là một mối lo ngại với nhiều gia đình và thiệt thòi cho trẻ.

 

Thư tư, từ những hạn chế gây “khan hiếm” hoạt động cho một mùa hè như trên, nhiều phụ huynh có thể sẽ chỉ còn cách để con ở nhà mà không có sự theo sát của cha mẹ trong cả một mùa hè. Tình huống này có thể tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn cho những hành vi không mong đợi hoặc thói quen không lành mạnh của trẻ. Trẻ có thể sử dụng các thiết bị điện tử quá mức khi ở nhà hoặc có những thói quen ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi thiếu lành mạnh như ăn đồ ăn vặt không tốt, ăn quá nhiều hoặc quá ít, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, thời gian ngủ nghỉ và vui chơi không phù hợp. Đặc biệt, nhiều phụ huynh có thể lo lắng cho vấn đề sức khỏe của con mà có những sự “cấm túc” nghiêm ngặt thì có thể cũng khiến trẻ căng thẳng hơn.

 

Với những gia đình vẫn cố gắng để tạo điều kiện cho con được đi đây đó, tham gia hoạt động trải nghiệm ở nhiều nơi với nhiều người thì cũng có thể đối mặt với một nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch nếu không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch một cách chặt chẽ. Và thực tế là ngay cả khi chúng ta có thực hiện tốt các nguyên tắc bảo vệ sức khỏe thì nguy cơ mắc bệnh vẫn có thể tiềm ẩn đâu đó, nằm ngoài tầm nhận biết và kiểm soát của chúng ta.

 

Giải pháp giúp trẻ vượt qua những "nguy cơ" với trẻ khi nghỉ hè

Các phụ huynh không nên quá lo lắng khi nghĩ đến những nguy cơ như trên. Có rất nhiều giải pháp giúp trẻ có một mùa hè tuyệt diệu mà vẫn an toàn trong phạm vi gia đình.

Hãy làm cho những đứa trẻ trở nên bận rộn!

 

 

 

Tục ngữ có câu “nhàn cư vi bất thiện”, chính vì vậy để tránh việc trẻ có những hành vi không mong đợi thì các bậc phụ huynh hãy giúp cho các con trở nên bận rộn.

 

Với những gia đình có người lớn ở nhà vào mùa hè thì đây là một điều lý tưởng. Hãy cùng trẻ lên danh sách những việc yêu thích của cả hai. Nếu là việc trẻ không yêu thích thì trẻ sẽ không tham gia và nếu là việc mà bố mẹ không hứng thú thì khó lòng họ có thể làm cùng trẻ với một nguồn năng lượng “wow”. Đó có thể là: cùng tập khiêu vũ, cùng chơi thể thao, nấu ăn cùng nhau, cùng nhau tham gia một hoạt động nghệ thuật hay bất kỳ cái gì mà cả hai có hứng thú. Mỗi một ngày, người lớn hãy cùng trẻ lên một danh sách những việc làm như vậy và trao đổi về khả năng tham gia cùng của mình với trẻ. 

 

Với những gia đình mà người lớn phải đi làm, cha mẹ vẫn có thể giúp trẻ được bận rộn. Vào buổi tối ngày hôm trước hoặc đầu buổi sáng, bố mẹ hãy ngồi cùng trẻ và giúp trẻ lên một lịch trình ngày mà trong đó bao gồm những việc vặt trong nhà mà trẻ được giao, một số hoạt động yêu thích (và nhớ là phải có tính lành mạnh) mà trẻ muốn làm trong ngày. Sau đó, bố mẹ hãy hẹn trẻ một vài khung giờ nào trong ngày để gọi điện trao đổi, check-in cũng như lắng nghe tiến độ hoạt động trong ngày của trẻ. Với những trẻ có tính tự lập cao thì điều này đôi khi có thể không nhất thiết.

 

Thời gian lý tưởng thay thế

Vì các gia đình buộc phải hủy bỏ những chuyến về quê, du lịch hay dã ngoại thì thời gian hè là thời điểm lý tưởng để dạy trẻ một điều gì đó mà khi trẻ còn bận rộn với việc học tập ở trường, cha mẹ chưa có cơ hội làm. Đó có thể là cách tự nấu ăn, trồng cây hay bất kỳ điều gì mà cha mẹ thấy nó là cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Để biến quá trình đào tạo này trở nên thú vị và ý nghĩa thì hãy cùng thảo luận với trẻ và lên kế hoạch cho nó giống như đây là một “dự án phát triển cá nhân” của trẻ được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bố mẹ vậy.

 

 

 

Bố mẹ cũng có thể hỗ trợ để trẻ tự lên một dự án cá nhân dài hạn trong mùa hè này thay thế cho những chuyến du lịch, trại hè. Đó có thể là dự án làm đồ dùng học tập từ rác tái chế, trang trí lại phòng ngủ hay nhà, nuôi một con vật, tìm hiểu về một loài cây, viết một cuốn truyện tranh…

 

Kế hoạch an toàn cho mùa hè

Một kế hoạch an toàn cũng là điều cần thiết để trẻ có một mùa hè trọn vẹn. Bố mẹ hãy dành thời gian để cả gia đình có thể ngồi cùng nhau và dạy trẻ về các kỹ năng an toàn cũng như thiết lập được những ranh giới an toàn.

 

 

 

Dưới đây là một số chiến lược an toàn trong chương trình KidPower được triển khai đến học sinh và phụ huynh ở trường Olympia mà các phụ huynh có thể tham khảo:

  1. Luôn nhấn mạnh với trẻ nguyên tắc “An toàn là trên hết”.
  2. Dạy trẻ cách nhận biết các mối nguy cơ. Những mối nguy cơ tiềm ẩn có thể đến từ một người lạ, một nơi tối vắng, một khu vực xa lạ, hay nơi có yếu tố nguy hiểm (công trường, đường phố đông người qua lại, ao hồ, nơi có yếu tố dịch bệnh…).
  3. Dạy trẻ những hành động hiệu quả để đảm trách sự an toàn của bản thân. Ví dụ như:
  • Tránh xa nơi nguy hiểm
  • Rời xa khỏi tầm với của một người lạ mặt hay người có ý định tấn công mình
  • Lên tiếng vì sự an toàn của bản thân bằng cách đề nghị người khác dừng lại hay nói lời từ chối.
  • Tìm kiếm sự giúp đỡ đến cùng.
  • Luôn hỏi ý kiến người lớn khi muốn đi đâu hay khi có điều gì đó diễn ra nằm ngoài kế hoạch đã được thống nhất.

Và một điều quan trọng để tất cả những điều kia có thể ngấm vào trẻ một cách hiệu quả thì bản thân người lớn phải luôn là tấm gương làm mẫu việc “An toàn là trên hết”. Nếu những đứa trẻ trong cuộc sống của các bậc cha mẹ đang làm điều gì đó vượt qua ranh giới của mình - có thể bằng cách trèo hoặc nhảy lên người bố mẹ, ném bóng vào nhà hoặc sử dụng những từ ngữ mà bố mẹ cảm thấy xúc phạm - hãy nói với chúng một cách rõ ràng và tôn trọng, ngay khi các bậc phụ huynh có thể.


 

Share:

Bài liên quan