undefined

Cân bằng tâm lý cho học sinh khi trở lại trường: Lời khuyên từ Phòng Tâm lý học đường Olympia

25 Tháng 2, 2022

Hơn 1 học kỳ của năm học 2021-2022, học sinh Hà Nội đã học online kéo dài. Phải thừa nhận rằng, phương thức này mang lại nhiều lợi ích khi giúp việc học của học sinh không bị đứt gãy. Tiện ích của công nghệ tạo ra những bài giảng có hình ảnh trực quan sinh động, cũng phần nào thu hút học sinh. 

 

Tuy nhiên, một báo cáo của Unicef (Life in lockdown: Child and adolescent mental health and well-being in the time of COVID-19) năm 2021 tổng hợp kết quả của 77 nghiên cứu trên hơn 130.000 trẻ em và thanh thiếu niên đến từ 22 quốc gia đã chỉ ra bằng chứng của sự gia tăng căng thẳng, lo lắng và các triệu chứng trầm cảm, các vấn đề về hành vi của học sinh trong thời kỳ giãn cách. Thống kê của Bay Atlantic University (tại Washington DC, Mỹ) cũng cho thấy, trong số 97% học sinh toàn nước Mỹ phải học online vì dịch năm 2021 thì 62% rất mong muốn được học trực tiếp ở trường.

 

Những con số trên cho thấy nhu cầu và sự cần thiết được học tập trực tiếp trong bối cảnh của dịch Covid của học sinh là luôn tồn tại.

 

 

Ở Việt Nam dù chưa có nghiên cứu được công bố một cách chính thống và đầy đủ, thì những câu chuyện thực tế từ tâm sự của cha mẹ, học trò hay giáo viên cũng cho thấy học sinh của chúng ta cũng không nằm ngoài luồng sóng của nhu cầu được giao lưu bè bạn, được học hỏi và phát triển về mặt cảm xúc - xã hội trong một môi trường học tập trực tiếp.

 

Việc học tập trực tiếp cho phép học sinh giao tiếp tốt hơn, tiếp nhận kiến thức trực quan hơn đồng thời giáo viên cũng có thể điều chỉnh nội dung và tương tác riêng với từng đối tượng học sinh một cách phù hợp thông qua quan sát cách học sinh học tập. Những điều này bị cản trở rất nhiều trong quá trình học trực tuyến. Việc đến trường với khung thời gian cố định hàng ngày cũng giúp học sinh hình thành thói quen về thời gian và học cách quản lý thời gian tốt hơn. 

 

Hà Nội trong những tuần qua đã từng bước cho học sinh nội-ngoài thành ở các cấp quay trở lại trường học. Việc đưa con trở lại trường trong giai đoạn dịch Covid còn phức tạp này, thực sự là quyết định khó khăn cho các phụ huynh. Tuy nhiên theo quan sát và phản hồi của người học, các con rất háo hức khi được đến trường; vui hơn khi được gặp bạn bè; việc tiếp thu bài cũng hiệu quả. 

 

Trở lại trường thực sự là cơ hội tuyệt vời để tăng hiệu quả giáo dục cũng như rèn cho học sinh về sự thích ứng trong một thế giới biến động. Song sau thời gian dài ở nhà học online, khi quay lại trường và thực hiện những quy định về giờ giấc, đặc biệt trong bối cảnh các con chỉ được học nửa buổi tại trường, nửa buổi còn lại là học online tại nhà; điều này khiến không ít học sinh mệt mỏi. Các em phải di chuyển vào buổi trưa và không kịp nghỉ ngơi. Những thay đổi  rất cần có hướng dẫn và đồng hành từ người lớn, để đảm bảo tối đa sự an toàn về thể chất và tinh thần cho người học. 

 

 

Dưới đây Phòng Tâm lý học đường Olympia sẽ gợi ý một số cách thức giúp các bậc cha mẹ đồng hành cùng con hiệu quả trong quá trình chuyển đổi này.  

 

Trước tiên, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của con, cập nhật thông tin từ nhà trường và giữ kết nối với giáo viên để nắm bắt kịp thời các vấn đề về tinh thần, thể chất của con. Từ đó, bố mẹ phối hợp với nhà trường đưa ra những điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo an toàn và hỗ trợ trẻ. 

 

Các phụ huynh cũng cần thiếp lập lại giấc ngủ cho con bằng cách hướng dẫn con đi ngủ - thức dậy vào một giờ cố định tương tự như khung thời gian khi đi học trực tiếp trước ít nhất 2 - 3 ngày. Việc này giúp trẻ tạo thói quen giờ giấc và tránh mệt mỏi khi phải thức dậy theo khung giờ đến trường.

 

Lập danh sách và hướng dẫn con chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu cần mang theo khi tới trường, như khẩu trang, bình nước cá nhân, đồ dùng học tập… là vô cùng cần thiết. 

 

Mở cửa trường học đồng nghĩa với việc F0 sẽ có thể xuất hiện trong không gian trường học. Do đó, bố mẹ nên trao đổi thẳng thắn về an toàn trường học để con chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, cũng như hướng dẫn con giữ bình tĩnh trong các tình huống cần lưu tâm về y tế và liên hệ với giáo viên để được trợ giúp. Song song với đó, phụ huynh cần hướng dẫn các hành động vệ sinh cần thiết cho con, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng; tuân thủ quy tắc 5K…

 

Việc các con có những lo lắng, căng thẳng trong quá trình chuyển đổi là điều bình thường có thể xảy ra. Lúc này bố mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách:

 

+ Theo dõi các dấu hiệu căng thẳng ở con (thoái lui khỏi các hoạt động ở trường, ở nhà, thường xuyên mệt mỏi, cáu giận, sinh hoạt thiếu điều độ,…).

+ Khuyến khích con nói chuyện cởi mở về những lo ngại của mình.

+ Ghi nhận và xác thực những cảm xúc của con.

+ Đảm bảo rằng nhà trường và gia đình đã và đang làm những biện pháp tối ưu để hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho mọi người.

+ Động viên con tự tin và sẵn sàng với việc học tập trong hoàn cảnh mới.

 

Với những tư vấn trên, Phòng Tâm lý học đường Olympia mong muốn hỗ trợ được phần nào cho học sinh và các phụ huynh trong quá trình các con thích ứng lại việc học ở trường sau thời gian quá dài học trực tuyến. 

 

Một số link tài liệu tham khảo trong bài viết:

https://www.unicef-irc.org/publications/1227-life-in-lockdown.html

https://www.cdc.gov/childrensmentalhealth/features/COVID-19-helping-children-transition-back-to-school.html  

https://www.ukessays.com/essays/education/the-classroom-vs-online-classes-education-essay.php 

https://bau.edu/blog/online-learning-statistics/ 

https://www.cdc.gov/healthyschools/features/B2S.htm 

 

Share:

Bài liên quan