undefined

CEO 8X Minh Beta truyền kinh nghiệm làm “sếp” cho Olympian

24 Tháng 2, 2022

Được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ bởi những thành công trong kinh doanh và nghệ thuật, nhưng Chủ tịch Beta Group - anh Bùi Quang Minh (Minh Beta) cũng trải qua rất nhiều vấp ngã, sai lầm trên con đường khởi nghiệp, kinh doanh. Tại GloCal Connect #9 “Chuyện làm sếp” diễn ra ngày 21/2/2022, những kinh nghiệm và bài học thực tế từ hành trình khởi nghiệp ấy đã được CEO Minh Beta chia sẻ cùng Olympians cả 3 khối và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bạn tham dự. 

 

 

“Người sếp giỏi không nhất thiết phải giỏi mọi thứ”

 

Từ năm 2009, Minh Beta đã được biết đến với dự án khởi nghiệp kinh doanh chuỗi 6 cửa hàng bánh - cà phê Doco Donuts và sau đó chuyển nhượng thành công với mức giá mà nhiều người mơ ước. Tuy nhiên đối với Minh Beta, giá trị lớn nhất anh thu nhận được từ start-up này là bài học về cách quản lý, quản trị doanh nghiệp. 

 

Chia sẻ với Olympians, CEO Bùi Quang Minh cho biết, ở tuổi 26 anh luôn muốn tự tay làm mọi thứ và nghĩ rằng mình phải giỏi mọi mảng, không ai trong đội ngũ của mình giỏi được bằng mình. Minh Beta do đó luôn gồng lên, cố gắng làm được tất cả trong khi quỹ thời gian mỗi ngày chỉ có 24 tiếng và các nhân viên tốt vì tư duy trên của nhà lãnh đạo cũng không ở lại lâu với Doco Donuts. 

 

“Lúc đấy anh cảm thấy rất đuối sức, không thể tiếp tục đi và cũng không biết phải đi tiếp với doanh nghiệp như thế nào. Đó là lý do anh đã quyết định bán hết chuỗi cửa hàng, sang Mỹ học thạc sĩ Quản trị kinh doanh để mở rộng góc nhìn, kiến thức với quyết tâm trở thành nhà lãnh đạo doanh nghiệp tốt”, CEO Minh Beta nói. 

 

Quá trình học MBA tại đại học Harvard và việc chịu khó quan sát cách người khác làm công việc của họ thế thế nào, người lãnh đạo tin tưởng và trao quyền cho cấp dưới ra sao, tư duy về quản lý của Minh Beta đã thay đổi. Anh nhận ra rằng, một người sếp giỏi không nhất thiết phải giỏi mọi thứ và tự mình làm mọi việc. Một người sếp giỏi là người biết dựa vào sức mạnh của người khác, sức mạnh của đồng đội; biết động viên, trao quyền, thúc đẩy sự kết hợp của đội nhóm để cả tập thể cùng tiến bộ, phát triển.

 

Trả lời câu hỏi “phong cách quản lý của Minh Beta sau đó là gì”, anh miêu tả ngắn gọn trong 3 từ “trao quyền”, “tham vọng” và “quyết liệt”. “Đầu tiên mình phải có niềm tin và trao quyền cho người khác để xây dựng được một đội nhóm lớn. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo phải có trong mình tham vọng đủ lớn để vẽ lên bức tranh hấp dẫn, giúp nhân viên có động lực và quyết tâm phát triển bản thân. Và để làm được những việc này thì trong từng việc, người lãnh đạo phải quyết liệt cả trong hành động lẫn suy nghĩ. Nếu có đủ ba yếu tố đấy, anh nghĩ chúng ta có thể tối ưu hóa hơn khả năng thành công của những gì mình làm”, Minh Beta chia sẻ kinh nghiệm. 

 

Bất ngờ lật ngược vai trở thành người hỏi khi thảo luận về case “Starbucks” - nội dung mà Olympians đã nghiên cứu trước, Minh Beta khiến các Olympians phải “động não” hết mức để trả lời các câu hỏi về phẩm chất và hành trình Howard Schultz trở thành nhà lãnh đạo tuyệt vời của đế chế cafe quy mô toàn cầu. Olympians còn được nêu suy nghĩ của bản thân về những con đường có thể trở thành lãnh đạo doanh nghiệp và con đường mà mỗi bạn muốn đi. 

 

Chủ tịch Beata Group sau đó chỉ ra rằng, dù tiến bước theo con đường nào thì hành trình trở thành “sếp”, các Olympians vẫn cần hội tụ cho mình 10 đặc điểm của lãnh đạo chuyển đổi, mà điển hình chính là Howard Schultz tại đế chế Starbucks. Đó là: (1) có động lực bên trong và quản lý được bản thân; (2) có khả năng ra quyết định trong tình huống khó khăn; (3) biết xem xét cái tôi; (4) sẵn sàng chấp nhận rủi ro; (5) có khả năng thích ứng; (6) có ý thức tổ chức; (7) sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận ý tưởng mới; (8) có khả năng truyền cảm hứng; (9) chủ động trong mọi việc; (10) và nhìn xa trông rộng. 

 

 

Chấp nhận vấp ngã nhưng trong khoảng mình tự đứng dậy được

 

Được biết đến với nhiều start-up thành công, nhưng trước băn khoăn của Olympians về sai lầm có thể vấp phải khi khởi nghiệp, CEO Minh Beta không ngại ngần “bật mí”: quá trình khởi nghiệp anh cũng vấp ngã rất nhiều lần. 

 

Tuy nhiên, Chủ tịch Beta Group cho rằng, bài học chúng ta nhận được sau những cú vấp đó, rộng hơn là trên con đường khởi nghiệp kinh doanh, không đơn thuần là câu chuyện tài chính, mà còn là những kiến thức, kinh nghiệm, những góc nhìn rộng - thực tiễn hơn. Do đó, các bạn trẻ khi khởi nghiệp không nên quá lo sợ việc mắc sai lầm. Điều quan trọng là mỗi người phải luôn có một “ngôi sao phương Bắc” để mình biết là mình đang đi đâu, theo hướng nào và giá trị mình muốn tạo ra cho bản thân - nhân viên - và cộng đồng khi khởi nghiệp là gì, để dù vấp ngã thì bản thân vẫn có động lực để đứng dậy bước tiếp. 

 

“Mỗi khi đưa ra quyết định, các bạn cần tính toán kỹ để nếu có vấp ngã thì bạn vẫn ở trong khoảng mà tự mình có thể đứng dậy đi tiếp được. Việc lựa chọn quy mô và mô hình doanh nghiệp để đầu tư cũng nên cân nhắc trong tầm mà bản thân có thể chấp nhận rủi ro”, CEO Minh Beta tư vấn. 

 

Cùng với những tư vấn về “bí kíp” gọi vốn thành công, lựa chọn học ngành nào để có thể thành “sếp”…, buổi trò chuyện cùng Chủ tịch Beata Group đã giúp Olympians học được nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực kinh doanh, khởi nghiệp này.

 

“Con rất ấn tượng với những câu chuyện mà chú Minh Beta kể”, Nguyễn Xuân Nhi, khối 9 nói. “Chú Minh chia sẻ rất chân thật về những trải nghiệm giá trị của mình, khiến chúng con rất thích thú lắng nghe. Cách chú liên hệ, đặt câu hỏi cho các bạn học sinh cũng rất hay, thú vị” Nguyễn Ngọc Hà My, khối 9 chia sẻ. “Con học được nhiều điều về việc nên quan tâm, lắng nghe người khác nhiều hơn và chịu khó học học để bản thân ngày càng hoàn thiện”, Nguyễn Vũ Anh Thư khối 10 viết.

Share:

Bài liên quan