undefined

Chuyện từ giáo viên với danh hiệu đột phá trường Olympia: “Ý nghĩa thực sự của sáng tạo trong giáo dục là gì?”

13 Tháng 11, 2021

 

 

“Đột phá hay sáng tạo là điều người ta luôn khuyến khích, luôn cố gắng tôn vinh trong giáo dục. "Mới và sáng tạo thì ai cũng thích thú và mong muốn. Nhưng vừa sáng tạo vừa kỹ càng, đủ sâu và lâu để soi chiếu và nhận ra giá trị thì thực sự là thách thức cho bất kỳ ai."

 

Cô Phạm Hải Hà là một giáo viên chúng tôi đã quen mặt tại trường Olympia. Là một người luôn tìm tòi, sáng tạo trong giáo dục, danh hiệu giáo viên đột phá trong năm học 2020-2021 là một thành tích xứng đáng. Nhưng ý nghĩa thực sự của “đột phá” là gì? và chúng ta có đang tôn vinh “đột phá” một cách ồ ạt không? Những điều cô Phạm Hải Hà chia sẻ về câu chuyện đột phá trong giảng dạy như mở ra một cách hiểu, cách nhìn nhận đúng đắn hơn về “đột phá, sáng tạo” trong giáo dục.

 

Kênh tiếng Việt tôi yêu - kết nối cả học sinh và gia đình

 

Một trong những đột phá trong năm học 2020-2021 với cô Hải Hà chính là kênh “tiếng Việt tôi yêu” - một nhóm trên Facebook nơi các bạn học sinh được “chơi với ngôn ngữ” một cách tự do, thoải mái, không nằm trong khuôn khổ chương trình bắt buộc. Cứ 1-2 tuần, cô Hải Hà sẽ đăng tải một đề tài và các con sẽ dùng Facebook của phụ huynh để tham gia trả lời.

 

 

“Sân chơi tự do này sẽ giúp các bạn học sinh yêu tiếng Việt có khả năng phát huy cao hơn còn những bạn đang thiếu động lực sẽ tìm đến tiếng Việt một cách thoải mái, không ép buộc. Vượt ra ngoài khuôn khổ một không gian ngôn ngữ, kênh tiếng Việt tôi yêu còn là nơi để kết nối gia đình và học sinh hiệu quả. Tôi yêu cầu các con dùng Facebook phụ huynh để tương tác, vừa để an toàn cho các con, vừa để bố mẹ cùng được tham gia. Đó vừa là trò chơi ngôn ngữ, vừa là trò chơi gia đình”.

 

Quả đúng như vậy, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng rất tích cực tham gia các trò chơi tìm từ láy, tìm từ đồng âm trong tiếng Việt. Sự chuyển hóa rõ rệt cô Hải Hà có thể nhận thấy không chỉ là năng lực của học sinh mà cả sự hiểu của gia đình với việc học của con trẻ.  Tiếng Việt tôi yêu giúp phụ huynh có thể tương tác tốt hơn vào quá trình học tập của con, hiểu những điều đang diễn ra trên lớp, sao sát quá trình học tập của con cái một cách thoải mái cho cả phụ huynh và con trẻ.

 

“Chúng ta vẫn nói về việc dạy học phân hóa và giúp đỡ từng học sinh, dạy học theo nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, ở trên lớp học, dù có phân hóa tốt tới đâu thì áp lực thời gian, áp lực chương trình cũng quá lớn. Một sân chơi như vậy sẽ như phần “cơi nới” của chương trình, mình muốn thêm cái gì mình cho rằng hữu ích cho các bạn thì mình thêm. Một không gian mở, tự do và vui vẻ như vậy, chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả, hỗ trợ việc học tập trên lớp cho học sinh.”

 

“Đột phá” trong phương pháp dạy học

 

Xu hướng của con người là luôn thích những điều mới mẻ, luôn tò mò và ưa khám phá. Điều này đặc biệt đúng với trẻ con. Điều này, những người làm giáo dục hiểu hơn ai hết. Trong quan điểm làm nghề của cô Hải Hà, dạy trẻ con vừa khó vừa dễ. Việc trẻ luôn háo hức và luôn tìm những điều vui mới, hứng khởi là điều dễ - vì chí ít, giáo viên hiểu được họ cần làm gì để tiếp cận học sinh. Tuy nhiên, tìm được cái mới phù hợp với trẻ, phù hợp với chương trình học đã cố định là điều khó.

 

 

“Những phản ứng của trẻ trong lớp học diễn ra một phần vì nhu cầu tìm vui, tìm cái mới của trẻ. Nhu cầu ở trẻ cũng cao hơn hẳn người lớn vì bản năng tò mò. Thế nên, khi nào cảm thấy thiếu niềm vui, thiếu cái mới, trẻ con sẽ tự khắc sinh ra phản xạ đi tìm kiếm cái mới. Chúng ta vẫn gọi nó bằng những cụm từ như “mất tập trung”, “thiếu chú ý trong giờ học”... Học sinh sẽ luôn đi tìm kiếm cái mới bằng cách này hay cách khác, đôi khi chuyển hóa thành các hành vi người giáo viên không mong đợi. Hiểu được căn nguyên của những vấn đề đấy, giáo viên sẽ biết cách tiếp cận hiệu quả hơn.”

 

Một quan điểm giáo dục vững vàng sẽ làm nền tảng cho hướng tiếp cận giáo dục. Việc đổi mới hay đột phá với cô Hải Hà cũng vậy. Từ sự quan tâm đến nhu cầu và thói quen của học sinh, cô Hải Hà luôn chú ý tới yếu tố mới và vui trong bài giảng của mình. “Nếu mình không làm mới mình, làm sao có thể đòi hỏi học sinh luôn sáng tạo, chủ động trong học tập?”.

 

Nhớ lại những điều mình đã làm, ký ức đưa cô Hải Hà đưa về câu chuyện từ những ngày đầu gắn bó với Olympia. Vào thời điểm đó, cô Hải Hà đã nghĩ về việc làm một cuốn sách để học sinh có thể lưu lại các bài viết văn của mình, vốn là các bài lẻ tẻ trên lớp. Khởi xướng ý tưởng đó, cô Hải Hà có niềm tin rằng cuốn sách đó không chỉ là nơi tập hợp các bài viết văn của học sinh - đó là một dự án trưởng thành khi học sinh có thể thấy mình đã thay đổi như thế nào qua từng bài viết. Qua từng ngày, từng tháng, từng kỳ, học sinh và giáo viên có thể phản chiếu lại những điều mình đã viết để hiểu hơn một hành trình.

 

Với một tâm thế như vậy, học sinh viết văn hào hứng hơn và thường xuyên đọc đi đọc lại. Thành quả ra đời của sáng tạo ban đầu ấy là cuốn sách “12 thế giới” - khi ấy lớp học của cô Hải Hà có 12 học sinh. Mỗi bạn sẽ có một phần riêng trong cuốn sách đặc biệt đó. Sau này, cô Hải Hà vẫn áp dụng với các lớp khác mình dạy dù không phải lớp nào cũng đóng thành tập sách. Điều quan trọng không phải ở hình thức, với cô Hải Hà đó là việc học sinh có thể phản chiếu lại bản thân và nhận ra mình đã trưởng thành, thay đổi như nào.

 

Việc thay đổi, trong mắt cô Hải Hà không phải đến từ điều to tát hay quá lớn lao. Đôi khi nó từ những điều nhỏ nhất, ngay cả việc truyền đạt cho học sinh, cô Hải Hà tin rằng mình cũng phải tìm cách để nói một cách hiệu quả.

 

Nghề dạy học có một công việc là chuyển kiến thức và kỹ năng lên người học - là những học sinh, làm sao để các con có thể thẩm thấu kiến thức một cách hiệu quả. Mục tiêu sau cùng là chuyển hóa, biến những kiến thwucs sách vở thành giá trị ngấm vào người học sinh. Bằng cách này hay cách khác, mình cũng phải nỗ lực đạt được mục tiêu đó”.

 

Trong các hoạt động sáng tạo của mình, cô Hải Hà nhớ về dự án kể chuyện bằng con rối mang tên “Khi lặng im cất lời”. Thay vì để học sinh kể chuyện miệng như bình thường trước lớp, cô Hải Hà khuyến khích học sinh kể chuyện bằng con rối, bằng hình ảnh. Đó là một quá trình tổng hợp kỹ năng khi học sinh vừa phải kể, vừa phải tưởng tượng, khó hơn rất nhiều. Cả tuần, lớp học tiếng Việt mà cứ ngỡ như một xưởng rối. Học sinh hào hứng và yêu thích vô cùng.

 

Trong con mắt của đồng nghiệp, cô Hải Hà là một giáo viên tích cực, năng động, thường xuyên tham gia nhiều hoạt động giảng dạy và giáo dục, có nhiều phương pháp đổi mới tích cực. Là một người đồng nghiệp cùng bộ môn ngữ văn, cô Ngô Hồng Liên chia sẻ: “Có nhiều điều chúng tôi học được từ cô Hải Hà, cả trong bộ môn văn hay trong công việc giảng dạy. Học sinh tiểu học luôn cần những phương pháp học tập mới và sáng tạo liên tục nên không phải ai cũng đáp ứng được nhu cầu đó. Cô Hải Hà là một trong những giáo viên luôn chịu khó thay đổi để phù hợp với công việc giảng dạy. Và việc thay đổi với cô Hà diễn ra rất tự nhiên, từ mong muốn đối với việc dạy học hiệu quả và quan điểm giáo dục, không phải chỉ vì yêu cầu sáng tạo một cách miễn cưỡng.”

 

“Đột phá”, “sáng tạo” liệu đã đủ?

 

 

Chúng ta có đang nhìn đột phá, sáng tạo như một cái đích cuối cùng của việc giảng dạy hay không? Với cô Hải Hà, chắc chắn câu trả lời là không.

 

“Tôi vẫn tin rằng tốc độ và số lượng hiếm khi có thể song hành cùng chất lượng và giá trị. Chúng ta muốn sáng tạo nhiều, nhanh hay muốn sáng tạo hiệu quả và có giá trị? Khi sáng tạo và đột phá, chúng ta có quay lại những câu hỏi bản chất về giá trị mang lại cho học sinh hay chỉ coi đó là một cơ chế đối phó với sự mong đợi với nghề giáo và người giáo viên?

 

Con trẻ rất “tinh ý” khi nhìn vào điều giáo viên làm. Các con sẽ biết giáo viên đang sáng tạo để thực sự giúp con tiếp thu kiến thức hay sáng tạo như một điều thôi thúc không đến từ nhu cầu của học sinh.

 

Sáng tạo hay đột phá cần có sự “quay vòng” - cần phải đủ lâu, đủ tĩnh, đủ thời gian để nghiền ngẫm, kiểm chứng, cho cả giáo viên và học sinh. Nếu chúng ta chỉ cố sáng tạo và thay đổi liên tục, mọi thứ sẽ hỏng. Đổi mới liên miên nhưng không có thời gian để soi chiếu thì đâu còn giá trị. Tôi không bao giờ muốn tiếp cận việc sáng tạo hay đột phá như vậy. Đó chỉ là một cách thức để giải quyết vấn đề, chứ không phải bản chất của vấn đề.”

 

 

Share:

Bài liên quan