undefined

Cô Khánh Linh - người bạn lớn của học sinh Olympia

23 Tháng 9, 2021

Hình ảnh cô Khánh Linh - Giáo viên Ngữ Văn cấp THPT ngồi trong sân trường trò chuyện với các bạn học sinh vốn dĩ là điều rất quen thuộc với các Olympians. Nếu không phải vì bộ đồng phục giáo viên chắc nhiều người còn lầm tưởng là một nhóm bạn học sinh trung học với nhau bởi bằng mắt thường thì khó thấy được khoảng cách thầy -trò giữa cô Linh và các bạn. Làm bạn với học trò liệu có gặp khó khăn hay thuận lợi gì? Hãy cùng trò chuyện với cô Khánh Linh.

Một giáo viên trẻ thì chắc hẳn sẽ có nhiều cơ hội từ các môi trường khác, tại sao bạn lại lựa chọn gắn bó với Olympia?
Bản thân mình thực sự thích cái không khí, môi trường làm việc tại đây. Mọi người quan tâm dìu dắt và tạo cơ hội để những người trẻ như mình được học hỏi và thể hiện bản thân. Còn với các bạn học sinh thì nghịch ngợm nhưng đáng yêu, quan tâm đến giáo viên. Các bạn ấy có những khoảnh khắc mà mình không ngờ tới, ví dụ như trong chuyến đi học tập trải nghiệm tại Mộc Châu đầu tháng 11 vừa rồi, khi mà cô nói với các bạn là tối nay sẽ trực đêm thì có bạn mang xuống cho cô 2 thanh chocolate, sáng hôm sau thì nhiều bạn hỏi xem cô trực có mệt không? Các khoảnh khắc nhỏ đó nuôi dưỡng tình yêu với học trò, với ngôi trường này nhiều hơn mỗi ngày.

 

 

Cô Khánh Linh được biết đến là một trong nhưng giáo viên ứng dụng rất tốt công nghệ vào việc giảng dạy môn Ngữ Văn. Tại sao cô lại lựa chọn công nghệ và thực hiện nó bằng cách nào?
Đầu tiên mình vẫn nghĩ rằng kiến thức thì vô bờ bến, không có biên giới nào cả. Công nghệ sẽ là cách thức giúp các bạn học sinh đi nhanh hơn trên con đường mở rộng tri thức của bản thân. Việc ứng dụng đó cũng khiến học sinh thích thú và chủ động hơn với học tập, các bạn được đặt vào trung tâm của việc học, có không gian và thời gian để nói về những điều mình tìm hiểu được chứ không còn là lắng nghe một chiều từ giáo viên như cách thức cũ nữa. Trước đây, kiến thức từ một người giáo viên, chia sẻ cho 25 bạn học sinh trong lớp thì kết thúc tiết dạy sẽ là 25 bạn với một lượng kiến thức như nhau. Nhưng với cách làm hiện tại, mỗi khi học sinh chia sẻ những kiến thức mới mình tìm được thì đã là một cơ hội để cả lớp cùng học với nhau rồi. Việc ghi nhớ kiến thức cũng tốt hơn vì đa phần đều do các con tìm kiếm đến kiến thức với tâm thế chủ động. Lúc này, vai trò của người giáo viên chỉ là kiểm soát các thông tin các bạn chia sẻ xem đã chính xác hay chưa bởi vì đôi khi từ những nguồn học liệu không tốt khiến cho thông tin các bạn tiếp nhận còn sai lệch.
Các bạn học sinh đa phần đều thích các chơi game, mình tận dụng đặc tính này của các bạn để chuyển đổi các bài ôn tập trước mỗi kỳ thi thành các trò chơi online. Bằng việc ứng dụng công nghệ vào đúng lúc đó, hoạt động chơi lúc này mang nhiều ý nghĩa hơn vì qua đó các con vô tình dung nạp được kiến thức cho bản thân.

Vậy công nghệ có phải là cách thức cô tạo cảm hứng cho học sinh trong việc học Ngữ Văn?
Đúng vậy, nhưng công nghệ không phải là tất cả. Với đặc thù của môn học là tìm hiểu những tác phẩm đã từ lâu đời, không có nhiều kết nối với thực tại xã hội nơi các con đang sống. Và học sinh đôi khi vẫn nghĩ văn học là những thứ mơ mộng, bay bổng và xa rời thực tế, việc của người giáo viên là tìm cách kéo các tác phẩm, các nhân vật về gần với thực tế đời sống hiện đại của các bạn hơn.
Ví dụ như các bạn rất hào hứng với việc xem các sản phẩm giải trí của Vlog 1977, bản thân mình thì hiểu rằng hình ảnh các nhân vật trong đó đã được cải biên hoàn toàn khác xa với nguyên bản. Thế nhưng mình không cấm học sinh xem, vì nó đang là sợi dây kết nối các nhân vật văn học gần hơn với giới trẻ. Việc của mình lúc này là đặt câu hỏi cho học sinh về việc trong video đó đã thay đổi điều gì ở nhân vật nguyên bản? Tại sao lại thay đổi? Việc thay đổi đó đã ảnh hưởng như nào đến nhân vật này cũng như ý nghĩa nguyên bản ban đầu của tác phẩm? Bằng việc trả lời các câu hỏi, học sinh sẽ buộc phải tìm đến tác phẩm nguyên bản để nghiên cứu, đồng thời nó cũng phát huy tư duy phản biện, tinh thần sáng tạo của học sinh.
Hoặc như tổ chức hoạt động đọc sách hàng kỳ, tìm kiếm những đầu sách gần với tính cách của học sinh để đọc cũng là cách các bạn hào hứng hơn với Ngữ ăn. Lúc đầu cũng sợ các bạn lười đọc sách thế nhưng không phải, các bạn lười đa phần là do chúng ta thường yêu cầu các bạn đọc những cuốn sách không phù hợp với tính cách của bạn đó. Vậy nên khi hiểu tính cách của mỗi bạn học sinh rồi thì mình sẽ biết những dạng sách như thế nào sẽ khiến cho con hào hứng cầm đọc.

 

 

Cô Khánh Linh được rất nhiều bạn học sinh yêu quý. Bí quyết nào giúp cho cô được nhiều bạn học sinh yêu quý đến vậy?
Đó chắc chắn là điều hạnh phúc nhất mình có ở đây, hạnh phúc bởi vì khi làm bạn với học sinh là được các bạn tin tưởng và chia sẻ, từ những chuyện nhỏ nhất cho đến những chuyện tưởng chừng như không thể kể với ai thì các bạn lựa chọn mình là người để chia sẻ, để hỗ trợ. Các bạn học sinh thì rất tinh ý để cảm nhận xem người nghe của mình có thực sự đang lắng nghe hay không. Do vậy phải thực sự chân thành khi trò chuyện với các con. Điều này mình may mắn được học tại Olympia, khi trò chuyện với học sinh mình thường không nói con cần làm gì, con không được làm gì? Mà mình thường làm cho học sinh biết rõ được hậu quả nếu mà làm theo các cách khác nhau là gì? Con có mong muốn điều đó không? rồi để con tự quyết định, tự tìm ra vấn đề và tự giải quyết.
Thế nhưng cũng có lúc trong mối quan hệ ấy mình gặp phải khó khăn. Đó là những lúc mình biết rõ các bạn đang sai hoặc chuẩn bị có những hành vi không đúng, mà lời khuyên của mình không có tác động thì phải buộc nhờ đến sự can thiệp, giúp đỡ của một người khác. Khoảnh khắc đó cảm giác như mình đang phụ đi sự tin tưởng của học sinh, nhưng buộc phải đưa ra quyết định để ngăn mọi thứ đi quá xa. Và để tránh những tình huống đó xảy ra thì thông thường bây giờ sau khi nghe câu chuyện của con, mình cũng sẽ cho con biết về suy nghĩ của mình cũng như những việc tiếp theo mình sẽ làm, lúc đó thì học sinh sẽ chấp nhận hành động của mình.

 

 

Thách thức lớn nhất với cô Khánh Linh khi làm nghề là gì?
Trước đây mình nghĩ nghề giáo là một nghề mà sẽ bình bình, bằng phẳng trôi qua êm đềm và cảm thấy nó phù hợp với con người mình. Vì cá nhân mình cũng là một người khá trầm, thích sự an toàn, ổn định.
Thế nhưng bây giờ khi thực sự làm nghề thì mọi suy nghĩ hoàn toàn khác, bên cạnh nhiều điều thú vị, nhiều trải nghiệm có được thì cũng là rất nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất chắc là việc phải không ngừng thay đổi và sáng tạo. Làm sao để cho ngày hôm nay lên lớp học sinh hào hứng? Làm sao để liên tục làm mới bản thân để phù hợp với các lứa học sinh trẻ hơn mình làm việc mỗi năm? liên tục trau dồi để đáp ứng các yêu cầu mới của chương trình.
Thách thức đó tạo áp lực để mình làm tốt hơn, nhưng thực sự mình không khó chịu về áp lực ấy. Với mình nó đơn giản là những thứ tự nhiên vốn như vậy mà mình cần vượt qua. Nó không phải là thứ có quyền ảnh hưởng đến cảm xúc của mình mỗi ngày đến trường, ảnh hưởng đến việc mình sẽ làm với các bạn nhỏ và niềm vui lớn nhất khi đến trường thì chắc chắn là vẫn là việc được làm bạn với học sinh và đồng hành cùng các bạn trên hành trình trưởng thành.

Share:

Bài liên quan