undefined

Cùng nhau, chúng tôi chinh phục những thử thách!

19 Tháng 11, 2022

Thời còn là học sinh phổ thông, ngày nào tôi cũng nhai nhải một câu của nhà văn Nguyễn Khải trong truyện ngắn “Mùa lạc”: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Ngày ấy, những đứa học sinh yêu Văn chúng tôi tâm đắc câu nói ấy lắm, dù chắc chắn, chúng tôi cũng chẳng hiểu hết được nghĩa của nó. Nhưng, theo thời gian, với những trải nghiệm, “va đập” của cuộc sống và công việc, dần thì tôi cũng hiểu. Giờ đây, tôi muốn dùng lại nó để nói về công việc và những đồng nghiệp cùng đội nhóm với tôi. Đội nhóm ấy, những người bạn ấy cũng có những ranh giới và cũng đã dùng sức mạnh của mình để vượt qua nhiều ranh giới. 

Cô Vũ Thị Loan (thứ 4 từ phải sang trái) và các giáo viên tổ Sử - Địa trường Olympia.

Dưới con mắt cá nhân của mình, có những lằn ranh, ranh giới tạo nên những “rào cản” trong công việc, phần lớn là vô hình. Đó có thể là “ánh nhìn” chưa thật thiện chí, là sự thiếu tin tưởng vào khả năng của các thành viên trong chính đội nhóm của mình. Điều ấy làm chúng tôi luôn giữ mình trong vùng an toàn, làm những thứ quen làm, giữ những thứ đã từng được định hình rất nhiều năm,…

Nhưng cũng bởi sự va đập trong công việc và cuộc sống mà chúng tôi hiểu được rằng, mình đứng yên nghĩa là mình “tụt hậu”. Hiểu được cái sự giản đơn ấy nên suốt nhiều năm, đồng đội của tôi cũng đã chọn cách “cùng nhau”: cùng nhau tự thay đổi mình để cùng nhau chinh phục những thử thách, cùng nhau vượt qua những giới hạn của chính đội nhóm. Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nó như thế nào?

Trước hết, chúng tôi đã luôn tìm cách giúp đỡ nhau. Dù không ai gọi tên một cách rõ ràng về cái sự giúp đỡ ấy, nhưng tôi tin, những người bạn của tôi đều chung một suy nghĩ rằng không ai có thể tồn tại và phát triển một mình mà không có sự hỗ trợ từ người khác, giúp đỡ những người xung quanh là cách giúp mình hạnh phúc hơn. Với cách nghĩ giản đơn là thế, chúng tôi đã vượt qua những xúc cảm cá nhân, những tự ti, hoài nghi,…để có thể cùng làm việc, cùng trao đổi, cùng tâm tình với những cá tính khác biệt của mỗi thành viên. Tám 8 cá tính vô cùng riêng biệt vẫn đi cạnh nhau và vẫn luôn có nhau trong mọi công việc. 

Chính cái sự gắn kết ấy đã khiến chúng tôi dám chấp nhận khó khăn, thử thách, sẵn sàng học điều mới. Với những ai từng biết đến Olympia thì ắt phải biết, ở nơi đây, những điều mới mẻ tới từng ngày. Nay phần mềm mới, mai cập nhật quy trình theo các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế khắt khe mà trường đang theo đuổi, rồi học sinh mới, các khóa đào tạo chuyên môn về những phương pháp giáo dục tiên tiến… Chúng tôi cảm thấy thế nào về những điều mới ấy? Có khó chịu không ư? Vhắc chắn là có. Chúng tôi lo lắng và thậm chí cả sợ hãi khi mỗi lúc lại nhận những thứ “mới tinh tình tình” như thế. Nhưng cũng chính những điều ấy là giống như một chất xúc tác giúp chúng tôi đi đến thành công, theo cái cách riêng mà chúng tôi định nghĩa.

Canvas “ùa” vào trường như một cơn gió, chưa hiểu lạnh, khô, ẩm ướt thế nào nhưng nhất quyết là sau vài tháng, chúng tôi phải thành thạo nó. Thế là, ba đầu sáu tay, những cá tính trong “gia đình Tổ” đã chụm đầu cùng hì hụi học, làm, bảo nhau, chỉ cho nhau những “phát hiện thú vị” trong cơn gió lùa ấy. Sau vài tháng, chúng tôi đều ổn với bộ môn Canvas cần vượt qua, và đương nhiên là tôi tin, trình độ công nghệ của những “người bạn” tôi chắc chắn nâng tầm (dù không ai chịu thừa nhận). Thế rồi chưa hết, với 8 nhân sự, chúng tôi cũng rất “chịu chơi” khi làm ra tới gần chục dự án liên môn ở các cấp khác nhau. Hết “Thăng Long tứ trấn” (Tiểu học), “Dời đô_Góc nhìn gen Z” (THCS) đến “Huế_Bản sắc và Tôi”, “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc?” (THPT)….Cứ nói đến liên môn là ai cũng hình dung ra có vô vàn những công việc, trách nhiệm không tên, cứ nói đến nó là ai cũng hiểu. Người nào trong Tổ mà gánh vai “Trưởng dự án” là sụt vài ký chứ chẳng chơi. Bởi với dự án ấy, nào là lên kế hoạch chuyên môn, nào là một lô hậu cần lỉnh kỉnh, nào là quản lí và tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm… với vô số các cuộc cuộc họp liên quan. Thế mà, những người bạn của tôi, kể cả những chị, những em chưa được 50 kí lô nhưng chẳng ai “từ” một trách nhiệm nào hết cả. Vẫn cứ yêu, cứ bon bon trên con đường gập ghềnh của những dự án nối tiếp dự án.

Giáo viên tổ Sử - Địa đưa học sinh đi học trải nghiệm tại Ninh Bình.

Cái chân bon bon ấy còn lôi chúng tôi đi và chinh phục nhiều điều mới mẻ hơn rất nhiều. Chúng tôi cùng nhau làm những kế hoạch chuyên môn Sử Địa theo năng lực Đọc - Viết - Nghe Nói. Chỉ nghe không thôi, ai cũng nghĩ, đã dạy Sử Địa, lại còn theo Đọc - Viết - Nghe Nói thì làm cái kiểu gì? Thế nên, với chúng tôi, khi vừa nghe qua không thôi cũng thấy ý tưởng có phần “không tưởng” rồi. Và…khó thì vẫn cần phải thử thôi! Vẫn cứ là như thế, vẫn có những do dự, hoài nghi. Những trăn trở ấy đã đưa đường dẫn lối chúng tôi tới một chuỗi trò chuyện cùng với các chuyên gia trong các lĩnh vực để học sinh yêu hơn “Biển Đông” của Tổ quốc, biết ơn những anh hùng dân tộc khi được nghe những câu chuyện về “Cuộc chiến trên bầu trời” với bác Phạm Tuân, cũng như trân quý bầu khí quyển đang sinh sống khi được biết nhiều hơn về biến đổi khí hậu với chuyên gia từ Bộ Tài nguyên và Môi trường…

Và cũng chính những trăn trở ấy đã giúp chúng tôi dám làm những điều tưởng chừng như không thể. Sức mạnh của sự “cùng nhau” đã cho tôi và những người bạn chinh phục từ thử thách này qua thử thách khác, dù có những lúc chưa hẳn đã là thành công. Sau mỗi thử thách ấy, khuôn mặt mỗi người có thể chưa rạng ngời hay rạng ngời theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tôi tin ánh mắt, nụ cười của họ chắc chắn rất hạnh phúc vì được học, được thử - sai và được làm những điều ý nghĩa trong công việc của mình. Và tôi cũng tin, nếu luôn cùng nhau, chắc chắn chúng tôi sẽ vẫn luôn tìm ra hơn một cách để vượt qua những thử thách, dù là chông gai nhất. 

Bài chia sẻ của cô Vũ Thị Loan - Trưởng Bộ môn Sử - Địa
Cán bộ Quản lý cống hiến năm học 2021-2022

Share:

Bài liên quan