[Đầu Tư] Hào hứng trong vai “luật sư”, học sinh THPT say mê môn Giáo dục kinh tế pháp luật
19 Tháng 11, 2024
Cuộc “đấu trí” cam go
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật (ở bậc THPT) có những thay đổi đáng kể về mặt nội dung. Với 2 nội dung chính là “Kinh tế” và “Pháp luật” cùng sự mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy, các thầy cô trường THPT Olympia đã tạo nên cuộc thi “đấu trí” đầy cam go cho học sinh khối 11.
Trong vai luật sư bào chữa cho bị đơn, Phạm Nguyễn Minh Anh - lớp 11 SS1, Trường THPT Olympia hào hứng chia sẻ: “Cách đây 2 năm em đã mơ ước học ngành Luật kinh tế và gia đình em rất ủng hộ. Khi nhà trường đưa mô hình phiên tòa giả định vào và tổ chức thành một cuộc thi thì thật sự khiến em rất say mê. Em nhận ra đây là cơ hội rất lớn cho em được thể hiện mình với vốn kiến thức của môn học”.
Minh Anh cho biết thêm, để chuẩn bị cho cuộc thi, em và 3 bạn trong nhóm của mình đã đọc hơn 400 điều của Bộ luật Dân sự và hơn 300 điều của Luật Thương mại để có thể giải quyết vấn đề đặt ra.
Cuộc thi giúp các em chủ động tìm hiểu sâu các điều luật liên quan đến đề bài đưa ra để có những lập luận sắc bén, đúng tinh thần thượng tôn pháp luật. Khao khát “chiến thắng” cũng giúp cô “luật sư” Minh Anh cùng team của mình say mê suốt thời gian qua.
Đại diện phía nguyên đơn là “luật sư” Nguyễn Khánh Linh - Lớp 11SS2 đánh giá cao tinh thần làm việc nhóm thông qua hình thức tổ chức cuộc thi như thế này:
“Mỗi đội thi gồm 4 thành viên và chúng em cùng nhau lên kịch bản, phân vai từng công việc để khớp với nhau một cách nhịp nhàng. Đây là một cuộc thi với tình huống giả định nhưng thật sự chúng em cảm nhận trách nhiệm của bản thân mình trong vai trò đưa ra những bằng chứng, lập luận để bảo vệ phía nguyên đơn của mình”.
Chứng kiến các học sinh của mình thể hiện trong cuộc thi, cô Mã Thị Thanh Xuân - Giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật chia sẻ: “Các em thật sự đã trưởng thành và lớn lên rất nhiều qua cuộc thi này. Ngày hôm nay tôi và các thầy cô giáo bộ môn ở vị trí trung lập để quan sát các em và thực sự rất tự hào vì phần thể hiện của các em vô cùng xuất sắc”.
Trong vai trò là Hội thẩm nhân dân - Thành viên Hội đồng xét xử, Luật sư Lê Đình Quyết - Giảng viên Khoa Luật thương mại quốc tế - ĐH Luật Hà Nội đánh giá cao kiến thức cũng như cách thể hiện bản lĩnh của những học sinh lớp 11 trong phiên tòa giả định dưới dạng một cuộc thi như này.
Thay đổi phương pháp dạy để hiệu quả hơn
Việc đưa mô hình phiên tòa giả định vào môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật được thầy cô trường Olympia áp dụng từ năm 2023 nhưng với quy mô trong lớp học. Cô Thanh Xuân cho biết, bước sang năm 2024, lần đầu tiên mô hình này được đưa vào dưới dạng một cuộc thi trong toàn khối.
“Với bộ môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, tiền thân là môn Giáo dục công dân, chúng tôi rất trăn trở để tìm phương pháp dạy học đổi mới giúp các em phát huy được hết năng lực, tư duy sâu, cũng như các kĩ năng để làm việc nhóm với nhau từ giao tiếp, thuyết trình và phản biện”, cô Xuân cho biết thêm.
Sau một thời gian nghiên cứu và thấy rằng hoạt động mô phỏng phiên tòa rất tốt cho học sinh có góc nhìn khác nhau và biết được trong vận hành của nền tư pháp thì quy trình các hoạt động diễn ra như thế nào, cách áp dụng pháp luật trong đời sống ra sao, được nhà trường tạo những điều kiện tốt nhất, cô Xuân và đồng nghiệp đã mời giảng viên trường ĐH Luật Hà Nội sang hỗ trợ trực tiếp các cô trò.
Cùng trong tổ bộ môn dạy, cô giáo Ngô Thị Thu Hà cho biết thêm việc đưa phiên tòa giả định vào cũng xuất phát từ chính nhu cầu của các em học sinh.
“Trong quá trình dạy học, tôi nhận được nhiều chia sẻ từ các em, đó là mong muốn được đến dự ở một phiên tòa thật sự. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu, nhưng việc này thật khó khả thi. Song, niềm khao khát và mong mỏi của các học sinh đã tạo động lực để thầy cô chúng tôi tìm cách thay đổi phương pháp dạy, đó là đưa mô hình phiên tòa giả định vào lớp học, với mục tiêu - biến các kiến thức pháp luật trong sách vở vào tình huống cụ thể trong đời sống”.
Thông qua mô hình cuộc thi học sinh được thực hành tư duy pháp lý IRAC (mô hình quốc tế để phân tích và giải quyết các tình huống pháp lý) để xác định vấn đề pháp lý, hiểu sâu về luật, viện dẫn các điều luật để lập luận - phân tích vấn đề, đưa ra kết luận cũng như rèn luyện kĩ năng tranh tụng, tư duy phân tích - so sánh - tổng hợp và phản biện qua các tình huống.
Đánh giá về mô hình đưa phiên tòa giả định vào môn học, Luật sư Đỗ Xuân Đang, Thạc sĩ Luật tại khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội nhớ lại thời điểm những năm 1998,1999 khi còn đang là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội chưa có những buổi “diễn án” như thế này.
“Khi được đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại Học viện Tư pháp tôi mới được tham gia diễn án. Vì thế, chứng kiến các học sinh THPT ngày hôm nay được tham gia diễn án trong phiên tòa giả định, tôi thấy rất mừng và ấn tượng. Các con rất trưởng thành với vốn kiến thức được học kết hợp với lập luận sắc bén khiến tôi quên đi độ tuổi thật của các con đang là học sinh cấp 3".
Luật sư Đang cho rằng, qua cuộc thi, rõ ràng thấy các con “lớn lên” rất nhiều, thậm chí mang tính đột phá bởi sự tìm hiểu kiến thức trong môn học là rất lớn.
"Tôi nghĩ mô hình này cần được nhân rộng trong các nhà trường để tạo các con sự tự tin vì nền giáo dục của Việt Nam từ trước đến giờ nặng nhiều về lý thuyết, các con ít có cơ hội thực hành”.