undefined

Dạy trẻ là một hành trình giáo dục con người toàn diện, không chỉ ở một kỹ năng hay môn học

23 Tháng 9, 2021

Trò chuyện với cô Hoàng Khánh Phương, một giáo viên toán tiểu học, chúng tôi không chỉ hiểu hơn về hoạt động chuyên môn mà còn biết thêm về công tác chủ nhiệm nằm trong chương trình giáo dục con người tại trường Olympia. 

 

Đến với Olympia ban đầu với mong muốn dạy học sinh cấp hai, cấp ba nhưng cái duyên đã đưa cô Khánh Phương ở lại với khối tiểu học. Càng làm lâu với trẻ, cô Khánh Phương càng thấy gắn bó với công việc của mình và học sinh hơn. Trong những điều cô Khánh Phương chia sẻ không chỉ chứa đầy đam mê với môn toán mà còn đầy nhiệt huyết với hoạt động chủ nhiệm, giáo dục con người toàn diện.

 

Cô Khánh Phương đã gắn bó với Olympia được hơn 5 năm.


 

 

Dạy học ở Olympia đã hơn 5 năm, đâu là điều Khánh Phương thấy ấn tượng nhất ở Olympia?

 

Hiện tại, mình vừa là chủ nhiệm lớp 2A2, vừa là trưởng khối 2 và vẫn đảm nhận công tác chuyên môn là dạy toán. Mình thích Olympia vì quan điểm giáo dục và con người, cách mọi người tương tác, hỗ trợ, cùng nhau thực hiện hoạt động. Tại Olympia, mọi hoạt động đều hướng tới con người. Olympia luôn cố gắng cung cấp cho học sinh những kỹ năng và vốn kinh nghiệm cần thiết trong cuộc sống để trở thành con người nhân văn, có khả năng thích ứng với xã hội. Chính vì thế khi mới vào trường, mình nghiêng về công việc chuyên môn là dạy toán nhưng sau đó chuyển hướng tới cả hoạt động chủ nhiệm vì hiểu rằng, đó là lúc mình được tiếp xúc nhiều với học sinh ở các khía cạnh nhân văn, giáo dục con người. 

 

Khi mới ra trường, mình không nghĩ là dạy tiểu học mà nghĩ là dạy cấp 2 - cấp 3. Khá tình cờ khi nhà trường lúc đó đã tuyển đủ giáo viên trung học nên các anh chị có đề xuất dạy tiểu học vì nghĩ mình hợp. Càng làm việc lâu ở khối tiểu học, mình càng yêu trẻ hơn và muốn hỗ trợ các con ngay từ giai đoạn đầu để có một gốc vững chắc. Đó là lúc mình nghĩ mình sẽ gắn bó với tiểu học lâu dài.

 

Tại sao hoạt động chủ nhiệm lại quan trọng như vậy với bản thân giáo viên và học sinh?

 

Nếu như hoạt động chuyên môn tập trung vào các kỹ năng tư duy của môn học và các ứng dụng của môn học trong cuộc sống thì hoạt động chủ nhiệm nằm trong chương trình giáo dục Olympia giúp giáo dục con người một cách toàn diện hơn. Có lẽ, cái duyên ở lại của mình với tiểu học cũng nằm ở những triết lý giáo dục tương đồng khi Olympia luôn lấy học sinh làm trung tâm và xây dựng giá trị cốt lõi. 

 

Trên thực tế, công tác chủ nhiệm và công tác chuyên môn sẽ hỗ trợ nhau qua lại. Các kỹ năng học sinh tiếp nhận từ chương trình chủ nhiệm sẽ hỗ trợ cho các con trong nhiều môn học. Ví dụ chương trình con người Olympia muốn xây dựng chân dung một học sinh tự chủ, tự giác, có khả năng làm việc độc lập. Những kỹ năng đó sẽ giúp học sinh tập trung trong giờ học tốt hơn, có khả năng tự học và hoàn thiện công việc mà không bị xao nhãng bởi những yếu tố xung quanh. 

 

Các thầy cô chủ nhiệm và bộ môn cùng đồng hành với nhau để duy trì và củng cố văn hóa, nề nếp lớp vốn được học sinh xây dựng trong hoạt động chủ nhiệm. Thông qua hoạt động chủ nhiệm, học sinh đã cùng nhau xây dựng văn hóa lớp; ví dụ như ở lớp 2A2 mình đang chủ nhiệm, học sinh xác định mục tiêu là đoàn kết - tôn trọng lẫn nhau - sống xanh. Những nội dung này sẽ liên tục được củng cố và nhắc lại trong suốt năm học.


 

 

 

 

 

Vậy ngoài công tác chủ nhiệm, chương trình giáo dục Olympia đang xây dựng một chân dung học sinh qua các hoạt động nào khác nữa?

 

Chương trình giáo dục Olympia tập trung vào 3 mảng chính: Hoạt động học sinh (các sự kiện, câu lạc bộ của học sinh), hoạt động chủ nhiệm (các giờ chủ nhiệm đầu giờ sáng để tạo tâm thế cho học sinh bắt đầu một ngày mới hứng khởi và chủ nhiệm cuối giờ chiều  để học sinh rèn kỹ năng làm việc tĩnh, tái hiện lại các bài học có được trong một ngày; ngoài ra, hoạt động chủ nhiệm cũng được thực hiện xuyên suốt năm học như việc xây dựng môi trường, mục tiêu, nội quy lớp…) và cuối cùng là chương trình LiFE chủ đề với các tiết học về nhiều mảng kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

 

Với 4 năm đại học tập trung chủ yếu vào công tác chuyên môn, phương pháp sư phạm toán học, làm sao để Khánh Phương có thể bắt nhịp và nâng cao hoạt động chủ nhiệm?

 

Quả thật, công tác chủ nhiệm không hề dễ dàng khi bản thân giáo viên phải đối diện với những điều phức tạp hơn môn toán, như tâm lý và cảm xúc của học sinh: Làm sao để đối mặt với học sinh khó? khi các con có vấn đề hay đang nóng giận? Nếu như bình thường, mình sẽ thực hiện hỗ trợ đầy bản năng, dựa trên kinh nghiệm để giải quyết. Tuy nhiên, để có thể nâng cao kỹ năng chủ nhiệm của bản thân, mình sẽ cố gắng quan sát các giáo viên giàu kinh nghiệm, cách mọi người nói chuyện với học sinh để điều hòa cảm xúc, cách hỏi sâu hơn để khai thác rõ vấn đề gặp phải của học sinh và cân nhắc lựa chọn giải pháp phù hợp. Thứ hai, mình cũng thường xuyên đọc thêm về các quan điểm giáo dục và phương pháp giáo dục khi làm việc học sinh từ 6-9 tuổi. Mình hiểu rằng mọi thứ làm cần có căn cứ khoa học để tường minh và xác đáng.

 

Quan trọng hơn cả, khi trải nghiệm trực tiếp với học sinh, mình rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Có một năm đầu khi phải làm việc với học sinh khó, chị Hoài Nga có nói với mình rằng, “chỉ cần em theo một bạn một năm thôi là đủ bằng 10 năm dạy lớp’’. Đúng là sau một thời gian dài vui buồn cùng con, mình đã có thêm nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Tuy nhiên, để có được điều đó là một hành trình dài, có lúc tưởng đã “tuột” con khỏi tay khi dùng bản năng để giải quyết vấn đề nhưng rồi với sự hỗ trợ của mọi người, mình cũng đã giúp cô trò hiểu nhau hơn. Thực sự lúc đó mình thấy hạnh phúc lắm vì cảm giác đã chạm được vào học sinh. Những năm về sau, mình tự tin hơn khi giải quyết các vấn đề của học sinh và đảm nhận công tác chủ nhiệm tốt hơn. 

 

 

 

Gắn bó với tiểu học lâu vậy, chắc Khánh Phương phải rất yêu trẻ?

 

Đến với tiểu học là một cái duyên nhưng ở lại với tiểu học là một sự lựa chọn với niềm yêu trẻ. Mình thích làm việc với trẻ con vì học sinh giúp mình luôn giữ được tâm hồn tươi trẻ và niềm vui tươi hàng ngày; những cái ôm hay cái bắt tay của các con sau mỗi ngày dài mệt mỏi thực sự giúp mình có nhiều năng lượng tích cực dù công việc có áp lực tới đâu. Việc dạy các bạn học sinh nhỏ cũng giúp mình học được nhiều thứ. Trẻ con có những cách suy nghĩ, tư duy độc đáo; làm việc với trẻ giúp mình có cái nhìn đa chiều hơn, khoan dung hơn với những điều khác biệt

 

Quan trọng hơn cả, khi tham gia trực tiếp vào việc giáo dục trẻ cả về chuyên môn và hoạt động chủ nhiệm, mình học được cách phát triển con người từ cái gốc. Dạy trẻ thực sự mang đến sự thay đổi lớn về góc nhìn, quan điểm của bản thân mình và dần dần dẫn đến thay đổi cả cách mình sống. Vì đơn giản, muốn trẻ con thay đổi thì mình phải thay đổi trước tiên và dần dần, những sự thay đổi nhỏ đó tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời mình và nhiều người xung quanh. 

 

Xin cảm ơn Khánh Phương vì những chia sẻ của cô.

 

Share:

Bài liên quan