undefined

Để vun vén tình yêu Toán học từ bản chất môn học: “Chúng tôi muốn dạy cho học sinh những điều các em có thể mang theo su

23 Tháng 9, 2021

Trong cuộc trò chuyện với cô Xuân Hương, nhà giáo đã gắn bó với trường Olympia từ ngày đầu thành lập, chúng tôi như hiểu rõ hơn phương pháp tiếp cận giáo dục đặc biệt của trường Olympia thông qua môn toán, giúp học sinh thực sự được học toán đúng bản chất và có tình yêu với môn học đặc biệt này. Đi cùng với sự phát triển của Olympia, cô Xuân Hương là người hiểu rõ hơn ai hết những tầm quan trọng của việc dạy học đi vào bản chất cũng như những thành quả phương pháp học trên mang lại cho học sinh Olympia.

 

14 năm gắn bó với trường PTLC Olympia, chắc hẳn phải có điều gì đặc biệt để níu chân cô Xuân Hương tại ngôi trường này?

 

Điều mình ấn tượng nhất ở Olympia cũng là lý do khiến mình gắn bó với trường cho đến bây giờ chính là quan điểm giáo dục nhân văn, tình yêu thương, sự tôn trọng, tinh thần tìm tòi, học hỏi được lan tỏa đến với mỗi một thành viên Olympia để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con trẻ. 


 

Học tập đi vào bản chất là một trong những triết lý giáo dục được quán triệt tại trường PTLC Olympia ở mọi cấp học.

 

Học Toán thường bị đóng khung với những cách thức truyền thống. Trường Olympia có đang đi theo lối mòn đấy hay lựa chọn cách thức khác để dạy Toán?

 

 

Có nhiều con đường khác nhau cùng dẫn đến một đích chung là giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức. Tuy nhiên, hành trình trên mỗi con đường đó sẽ mang lại những trải nghiệm và hiệu quả khác nhau. Để học sinh trở thành người kiến tạo kiến thức thay vì tiếp nhận đơn thuần, hiểu thay vì nhớ, linh hoạt thay vì máy móc, sáng tạo thay vì bắt chước, Olympia đã lựa chọn con đường tiếp cận bản chất, mà chúng tôi thường ví von là giúp học sinh “đi theo con đường của các nhà khoa học”. 

 

Lấy ví dụ, khi tổ chức cho học sinh học về diện tích, một khái niệm rất trừu tượng, chúng tôi xuất phát từ nhu cầu giải quyết một tình huống thực tiễn. Qua quá trình hợp tác tìm cách giải quyết vấn đề, các con được mày mò, đo đạc, tính toán, phân tích, suy luận, từ đó tự phát hiện ra công thức tính diện tích. Không chỉ có thế, một cách tự nhiên, các con cũng hiểu được diện tích của một hình là độ lớn bề mặt của hình đó, biết được đơn vị phù hợp để đo được diện tích là các hình vuông đơn vị vì chỉ có chúng khi xếp cạnh nhau mới có thể trùng khít và phủ kín được bề mặt của hình.

 

Hành trình này sẽ mất thời gian hơn, tốn nhiều công sức của giáo viên hơn so với việc đưa ra một công thức có sẵn để học sinh học thuộc rồi luyện giải các bài tập thực hành, nhưng giá trị của nó là niềm vui, sự tự hào của học sinh khi được tự mình tìm ra kiến thức, là sự hiểu biết sâu sắc của các con về kiến thức đó. Hơn nữa, quá trình trải nghiệm này cũng trở thành một bài học về cách giải quyết vấn đề khi con gặp một tình huống mới. Chính vì vậy, mỗi giáo viên toán ở Olympia đều có chung một suy nghĩ rằng con đường đúng nhất và dễ nhất để học Toán chính là hiểu bản chất của từng vấn đề, vận dụng những điều mình đã hiểu để giải quyết, không phải học theo dạng loại, thủ thuật hay học mẹo. Chỉ có tự trải nghiệm, tự suy nghĩ, tự mày mò khám phá mới có thể mang lại sự thấu hiểu cho các con.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, các con sẽ được tiếp tục thực hành với các trò chơi, bài tập phân hóa theo trình độ, vì chúng tôi hiểu rằng mỗi đứa trẻ sẽ có phong cách học khác nhau, nhịp độ khác nhau, sở thích và mối quan tâm khác nhau.

 

Bên cạnh việc tổ chức cho học sinh khám phá, phát hiện và giải quyết vấn đề, chúng tôi cũng hướng tới việc tăng cường vận dụng, gắn kết nội dung dạy học với thực tiễn cuộc sống. Với phương châm mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống, trong mỗi một bài học giáo viên đều lồng ghép những tình huống thực tiễn để học sinh sử dụng kiến thức vừa học để giải quyết. Ví dụ như tính diện tích tấm kính cường lực cần cắt để bảo vệ màn hình điện thoại hay tình huống tính số mét hàng rào khi học về chu vi … Thông qua đó, các con nhận ra một cách tự nhiên rằng hầu như mọi vấn đề trong cuộc sống đều ẩn chứa một bài toán cần được giải quyết.

 

Chúng tôi tin rằng cách học như vậy không chỉ đảm bảo học sinh có thể tiếp nhận tri thức một cách toàn diện, sâu sắc mà còn giúp các em thấy việc học toán thực sự mang lại nhiều niềm vui, hấp dẫn, không khô khan như những gì người ta thường nói về môn Toán

 

Thông qua việc học tập đi vào bản chất, học sinh có niềm yêu thích hơn với môn Toán và biết ứng dụng Toán học trong thực tế.

 

Việc học Toán nói riêng và học tập nói chung theo định hướng đi vào bản chất tại Olympia đang mang lại điều gì cho học sinh? Đó có phải những điều phụ huynh mong mỏi ở con mình?

 

Nếu bố mẹ kỳ vọng con mình sẽ giải những bài toán nâng cao một cách thuần thục hoặc tính toán nhanh như chớp thì có lẽ sẽ cần cân nhắc kỹ khi chọn Olympia. Nói như vậy bởi vì tại Olympia, các giáo viên không hướng tới mục tiêu đào tạo những cỗ máy giải toán cừ khôi mà luôn tâm niệm một điều phải dạy cho học sinh những gì các con có thể mang theo suốt cuộc đời. Đó không phải các công thức toán học, những bài toán nâng cao mà chính là năng lực tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, nhu cầu ĐƯỢC HỌC và KHẢ NĂNG TỰ HỌC. 

 

Với phương pháp như đã chia sẻ ở trên, học sinh Olympia có cơ hội được tiếp cận bản chất của vấn đề. Vì vậy, các con sẽ dần hình thành thói quen nhìn sự vật theo đúng bản chất của nó. Khi nhìn số 2, con sẽ nhìn nó là các tập hợp gồm có 2 đồ vật, khi nhắc đến 1, con sẽ hiểu đó là một hình vuông có cạnh 1cm. Nhờ hiểu được bản chất của các con số, các phép tính, các con cũng dần có được độ linh hoạt nhất định khi gặp các tình huống mới. Ví dụ một khi đã hiểu được quy tắc về thứ tự thực hiện phép tính thì một học sinh lớp 3 cũng có thể tính được giá trị của các biểu thức có rất nhiều phép tính bao gồm cả cộng, trừ, nhân, chia lẫn dấu ngoặc. Một trong những niềm yêu thích của một số bạn học sinh lớp tôi trong giờ chơi là được thử sức với các dãy tính chứa 10 đến 12 phép tính, hay các phép nhân, chia số có 12 chữ số cho số có 1 chữ số. Tôi thường nói với các con học 1 biết 10 là thế đó, khi đã có phương pháp, con có thể giải được bất cứ bài toán nào.

 

Ngoài ra, việc thường xuyên được đặt trong các tình huống thách thức tư duy, được đặt câu hỏi tại sao, hầu hết học sinh Olympia đã dần trở thành những đứa trẻ không dễ chấp nhận bị áp đặt, biết tự đặt các câu hỏi “Tại sao thế này?”, “Tại sao thế kia?” trước mỗi vấn đề. Các con cũng dần biết áp dụng quy trình giải quyết vấn đề toán học: xác định vấn đề, tìm kiếm dữ liệu và lựa chọn cách giải, đánh giá các giải pháp không chỉ với những bài toán trên giấy mà với nhiều vấn đề của cuộc sống khi cần đưa ra các quyết định. 

 

Đương nhiên, để những điều này được thể hiện một cách rõ nét trên từng học sinh sẽ là một quá trình rất dài. Các con cũng sẽ chưa có được sự thành thạo về kĩ năng như các bạn được học theo cách chú trọng luyện giải toán theo các dạng bài. Từng đối mặt với những câu hỏi, băn khoăn của phụ huynh như sao con tính chưa nhanh, làm bài chưa đúng, sao chương trình học dễ thế, bản thân tôi cũng có lúc cảm thấy dao động nhưng rồi lại tự nhủ rằng hãy kiên định với con đường mình đã chọn, có thể phải đi xa hơn và mất rất nhiều thời gian, đôi khi khó thấy ngay kết quả nhưng chắc chắn sẽ có giá trị bền lâu.

 

 

 

 

Toán học cũng cần hội nhập với thế giới. Tôi được biệt trường Olympia có triển khai chương trình Toán song ngữ. Vậy chương trình trên đang được triển khai như thế nào?

 

Chương trình Toán Song ngữ ở Olympia đã được triển khai trong nhiều năm. Đó là một chương trình tích hợp giữa chương trình Toán Việt Nam và chương trình Toán Quốc tế, vừa đáp ứng các năng lực toán học theo chuẩn đầu ra của chương trình Việt Nam, vừa đáp ứng chuẩn Common Core của Hoa Kỳ. Chương trình này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất của việc sử dụng một chương trình nhưng giảng dạy bằng hai ngôn ngữ với tỉ lệ thời lượng phù hợp với năng lực ngôn ngữ của học sinh.

 

Ở bậc Tiểu học, vốn từ vựng tiếng Anh của học sinh còn ít, nên việc truyền tải kiến thức toán bằng tiếng Anh không phải là một phương án tối ưu. Vì vậy các con được hình thành kiến thức và kĩ năng bằng tiếng Việt trước, sau đó được củng cố lại trong ngôn ngữ tiếng Anh thông qua việc làm quen các thuật ngữ toán học và thực hành với các bài toán tiếng Anh. Trong tiết Toán tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, các con sẽ được thực hành toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với vật liệu là các bài toán bằng tiếng Anh. Tỉ lệ thời lượng sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt/Tiếng Anh là 80/20 tức là 4 tiếng toán tiếng Việt và 1 tiết toán Tiếng Anh trong một tuần.

 

Cảm ơn cô Xuân Hương vì những chia sẻ của mình.

 

 

 

Share:

Bài liên quan