undefined

Đi tìm bản chất của việc học Tiếng Anh

23 Tháng 9, 2021

Trong buổi talkshow “Toán và Tiếng Anh: phát triển thế hệ tài năng mới” do Olympia tổ chức ngày 16/05/2021, câu chuyện về bản chất của việc học tiếng Anh qua chia sẻ từ Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã mang đến những góc nhìn mới mẻ, ý nghĩa cho các bậc phụ huynh trong hành trình nuôi dạy con trẻ.

 

Hãy để trẻ học tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất

Sự phát triển vũ bão của Internet cùng với nguồn học liệu ngày càng dồi dào và nhận thức về việc học ngôn ngữ của các bậc phụ huynh ngày càng cao là nguồn lực rất tốt để phát triển tiếng Anh cho học sinh. Tuy nhiên, thay vì để trẻ được “tưới” và “thấm” mình trong thế giới ngôn ngữ đầy thú vị, cho trẻ học tiếng Anh một cách tự nhiên nhiên nhất thì đa số học sinh Việt Nam đang bị “nhồi nhét” quá nhiều để chạy theo các mục tiêu điểm số, thi cử.

 

 

Ts Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ Kinh tế Stanford, Giám đốc học thuật trường PTLC Olympia

 

Hiện nay, chúng ta chẳng xa lạ gì với việc học sinh mới lớp 1, lớp 2 đã được đặt kỳ vọng phải biết giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc nói tiếng Anh như gió. Có lẽ, chúng ta cũng chẳng còn lạ lẫm với việc học sinh từ lớp 3, lớp 4 luôn phải vùi mình trong vô vàn bài tập với cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh phức tạp. Kết quả là, khi bắt đầu lên cấp hai, đối mặt với càng nhiều kỳ thi, con lại được đào tạo làm sao để giải đề thật nhanh mà không được dạy cách biến những kiến thức đã học, đã đọc thành tài sản tri thức của bản thân. Thậm chí, đôi khi con giải đề một cách máy móc mà không hiểu bài đọc, bài nghe đó nói những nội dung gì. Lối dạy và học này đang bào mòn tình yêu học tập trong con trẻ, khiến đứa trẻ học tiếng Anh một cách gượng gạo, cưỡng ép, thiếu động lực và ngày càng chán ghét.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: “Việc học tiếng Anh giống như là ăn một món ăn bổ dưỡng. Dù món ăn đó có bổ đến mấy thì cũng chỉ nên dung nạp một lượng vừa phải. Nếu chúng ta cứ ăn quá nhiều trong thời gian dài: một là sẽ bị ngấy, hai là bội thực và ba là có thể gây ra tác hại ngược lại cho cơ thể của mình. Nếu muốn con say mê học tiếng Anh, hãy để trẻ được đắm mình trong thế giới sinh động, đầy màu sắc của ngôn ngữ một cách thật tự nhiên”.

 

Giáo dục phải khơi gợi được niềm đam mê học tập của học sinh

Không ít các bậc phụ huynh và thậm chí là giáo viên có suy nghĩ tiêu cực rằng học sinh vốn ham chơi, nếu không đưa trẻ vào khuôn khổ, tạo ra áp lực thì rất ít đứa trẻ chủ động với việc học. Tuy nhiên, theo nghiên cứu và kinh nghiệm từng đào tạo hơn 20.000 học sinh - sinh viên trên toàn thế ở mọi cấp học, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu cho rằng: Muốn biết chúng ta có làm đúng về giáo dục hay không thì phải xem đến niềm yêu thích học tập của  đứa trẻ. Bản chất của một người khi sinh ra là thích học, thích tò mò, thích tìm hiểu và khám phá. Giáo dục thực chất phải khơi gợi được niềm đam mê học tập một cách tự nhiên của đứa trẻ. Dù chúng ta có làm mọi thứ và nghĩ nó là tốt nhưng lại rút đi niềm yêu thích tự nhiên với học tập của học sinh để khi càng lớn lên, chúng càng không thích học nữa thì chắc chắn cách tiếp cận của chúng ta là chưa đúng”.

 

 

Cách học giải đề, quá tập trung vào ngữ pháp cao siêu cũng như việc đẩy rất nhiều mục tiêu cho trẻ là phải vượt qua các kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi vào trường chuyên lớp chọn, kỳ thi Quốc tế,… thì rất có thể sẽ biến một đứa trẻ xuất phát điểm vốn yêu thích tiếng Anh, khi càng lên cao, mọi sự học của chúng chỉ mang tính chất đối phó. Nhiệm vụ của người làm giáo dục là phải làm sao để khi con nghỉ hè, khi không có áp lực thi cử, áp lực điểm số, con vẫn tự giác mang sách vở ra tập đọc, tập viết, học nghe, luyện nói,… một cách tự giác, say mê. Đó mới là thành công của giáo dục.

Khi đào tạo các bạn học sinh của chương trình Song bằng Quốc tế tại Olympia, để tối ưu mọi tài năng của học sinh, khơi gợi niềm đam mê học tiếng Anh của các bạn, Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu luôn đặt học sinh vào những thử thách, những bài toán thực tế như: “Xây dựng thư viện hạnh phúc 0 đồng” cho người nghèo của APEC Group; Kế hoạch Marketing giữ chân khách hàng lớn tuổi của Vinamilk; Mở rộng chuỗi cửa hàng 7-Eleven,… Quá trình làm dự án gần như 100% bằng tiếng Anh từ nghiên cứu thị trường, lập kế hoạch, phân tích khách hàng, tự làm slide, thuyết trình,… sẽ giúp các bạn thấy được ý nghĩa, giá trị của việc học nói chung và việc học tiếng Anh nói riêng. Từ đó, rất tự nhiên, các bạn thay đổi tinh thần, thái độ với việc học và lại quay lại học một cách say mê.

 

Học sinh SBQT Olympia báo cáo dự án hoặc đi trải nghiệm tới các doanh nghiệp

 

Tiếng Anh không phải là đích đến…

Học là để phục vụ công việc trong cuộc sống, dù các con có theo học các trường đại học, tiếp tục đi du học hay để đi làm thì tất cả các kiến thức của nhân loại cũng cần dùng những công cụ tư duy để đi tìm hiểu và khám phá. Tiếng Anh cũng vậy. Ai cũng nói tiếng Anh quan trọng, ai cũng muốn con phải học tiếng Anh thật giỏi, nhưng bản chất cuối cùng của việc học tiếng Anh là gì thì không phải ai cũng biết. Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu chia sẻ: “Tiếng Anh không phải là đích đến, nó chỉ là cái sinh ngữ, là phương tiện để chúng ta đi tìm tòi, khám phá tất cả lĩnh vực khác. Không phủ định vai trò của việc học ngữ pháp, từ vựng hay luyện kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, tuy nhiên, nếu như các bạn học sinh đã biết các kỹ năng đó rồi mà không dùng nó để đi đào sâu, hiểu kỹ những tri thức về kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử,… thì cũng làm mất đi giá trị đích thực của việc học tiếng Anh”.

Cuối cùng, bản chất của việc học tiếng Anh không phải không phải điểm 9, điểm 10, không nên chỉ để phục vụ cho bất cứ một kỳ thi nào đó mà là dùng tiếng Anh để truy cầu kiến thức ở các lĩnh vực khác, để phản biện tư duy, để đúc kết và để giải quyết vấn đề. Khi học sinh làm như vậy thì những kỹ năng tiếng Anh không những có thể phát triển song hành mà còn được đào sâu hơn.


 

 

 

Share:

Bài liên quan