undefined

Hiểu về sự học: “Học là gì” và câu hỏi quan trọng theo mỗi đứa trẻ suốt cuộc đời

23 Tháng 9, 2021

Đó chính là nội dung chính quan trọng được trình bày, bên cạnh những tâm tư chia sẻ từ cả phía trường Tiểu học Olympia và các vị phụ huynh xuyên suốt buổi Hội thảo “Khai mở tiềm năng cho trẻ ở Bậc Tiểu học” diễn ra vào ngày 23/01/2021 vừa qua tại trường PTLC Olympia. 

 

Mở đầu buổi hội thảo tuyển sinh vào cấp một Olympia, chúng tôi đã được lắng nghe những mong muốn của rất nhiều phụ huynh trước khi con bước vào lớp một. Mong con trở thành em bé can đảm, tử tế, mong con có khả năng sáng tạo, được an toàn, khỏe mạnh… là những điều được đông đảo phụ huynh chia sẻ. Liệu những mong muốn ấy của phụ huynh có được phản ánh và hiện thực hóa qua chương trình nhà trường và môi trường tiểu học Olympia? Trong bài chia sẻ của thạc sĩ Phương Hoài Nga và ban giám hiệu nhà trường về việc học nói chung và quan điểm giáo dục của trường Olympia nói riêng, đâu đó có những câu trả lời đã được tỏ tường. 

 

Hội thảo "Khai mở tiềm năng cho trẻ ở bậc Tiểu học" diễn ra tại trường PTLC Olympia.


 

 

Bàn về sự học - khai mở tiềm năng cho trẻ tại Olympia

 

Trong những năm vừa qua, đã có một sự chuyển dịch lớn trong cách các bậc phụ huynh nhìn nhận việc học của con trẻ. Thay vì việc trả lời câu hỏi “Học cái gì” với mục tiêu nhìn thấy những kết quả được số hóa, câu hỏi “Học như thế nào” đã được đưa ra để nhìn nhận vào bản chất của việc học. 

 

Khai mở vấn đề, Thạc sĩ Phương Hoài Nga đã đưa tới phụ huynh câu chuyện về một chú voi khổng lồ bị trói chỉ bằng một sợi dây thừng nhỏ. Với việc bị buộc từ khi còn nhỏ dù chỉ bằng một sợi dây thừng nhỏ, con voi tin rằng mình không thể thoát khỏi sợi dây đó cho tới lúc trưởng thành. Đây là một ví dụ cho khái niệm learned helplessness (sự bất lực học được) khi chúng ta bị kìm kẹp trong suy nghĩ rằng chúng ta không thể làm được, bị mắc kẹt trong nỗi sợ và sự lo lắng của chính bản thân. 

 

“Chúng ta sẽ có những thứ giỏi hơn, có những thứ yếu hơn nhưng không ai muốn sống với niềm tin rằng mình không thể. Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng riêng và không ai muốn tiềm năng của đứa trẻ sẽ bị buộc dây thừng từ khi còn bé, để các con nghĩ rằng mình không thể làm được.

 

Nếu chúng ta không thể hiểu việc học của lũ trẻ diễn ra như thế nào, chúng ta không tìm hiểu, nghiên cứu, trân trọng quá trình học, cái bản thể học tập ấy thì tất cả những thứ còn lại chưa thể bàn tới,” cô Hoài Nga chia sẻ. 

 

Sự học là một công trình nghiên cứu lâu dài của hai ngành Giáo dục học và Tâm lý học. Học là một quá trình tạo ra sự thay đổi ở chính bản thân mỗi người. Chỉ khi nào nhìn thấy sự thay đổi thực sự ở nhận thức và hành vi, chúng ta mới có thể nói mình đã qua được một chặng của việc học. Quá trình lớn lên của một người là quá trình học tập không ngừng. Dù muốn hay không muốn, việc học vẫn sẽ diễn ra, trong bất cứ môi trường nào, khi tiếp xúc với bất cứ ai. 

 

 

 

 

Thạc sĩ Phương Hoài Nga và những chia sẻ về "Sự học".


 

 

 

Trong vòng 20 năm trở lại đây, sự tiến bộ công nghệ y sinh đã mở ra những cái nhìn mới mẻ về việc học, được phản ánh qua các hình ảnh não bộ của mỗi người. Các nơ-ron thần kinh càng tạo những liên kết chặt chẽ với sự kết nối, chúng ta có thể nhanh chóng nhớ về một thứ, ra quyết định, chọn lọc thông tin… Khi quan sát hai bộ não; một bộ não của một đứa trẻ có đời sống bình thường và một đứa trẻ bị bỏ rơi với điều kiện sống hạn hẹp, người ta nhận ra bộ não của đứa trẻ với điều kiện sống không đảm bảo thiếu sự liên kết giữa các vùng nơ-ron. Từ đó, người ta nhận ra rằng môi trường có tác động quan trọng tới việc học của mỗi người, dù xuất phát điểm của cả hai đứa trẻ đều bình thường với những điểm tương đồng về não bộ. 

 

“Sự phát triển của mỗi người dựa vào hai yếu tố: Yếu tố tiềm ẩn của một người và yếu tố môi trường,” cô Phương Hoài Nga khẳng định. “Chính vì vậy, trường học đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của từng cá nhân trẻ.

 

Việc học sinh có thể làm chủ việc học là điều rất quan trọng nhất và trường học có thể giúp cá thể hóa việc học của từng người sẽ giúp phát triển tối đa tiềm năng của mỗi đứa trẻ. 

 

Khi tham gia vào một đời sống xã hội - trường học, học sinh sẽ được tiếp xúc với đa dạng kiến thức. Mỗi lớp học là một tập thể của những học sinh khác nhau với các gia đình khác nhau. Trong quá trình tiếp xúc và học tập cùng nhau, học sinh sẽ được trải nghiệm những kiến thức mới mẻ, những điều vượt ngoài kỳ vọng của phụ huynh hay giáo viên. Những nguồn lực khác nhau (giáo viên, phụ huynh hay bạn cùng lớp) sẽ tạo ra cho học sinh cơ hội để tiếp cận với trải nghiệm đa dạng. 


 

Mỗi đứa trẻ đến với việc học sẽ trải qua cả hai quá trình là tiếp nhận và thay đổi. Đây là những điều giáo dục đã làm trong suốt hàng chục năm qua để tăng tính hiệu quả cho cả đầu ra và đầu vào; thường xuyên thay đổi phương pháp để giúp học sinh tiếp nhận tốt hơn, thường xuyên thay đổi cách đánh giá để xem việc đánh giá sự thay đổi đã chuẩn chưa. 

 

Bản chất của sự sáng tạo nằm ở sự hiểu; việc học không chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông thường mà đòi hỏi học sinh phải tiếp nhận với sự hiểu rõ gốc gác của vấn đề. Chúng ta không đơn thuần dạy học sinh 1+1=2 hay thuộc lòng bảng cửu chương. Học sinh tiếp nhận thông tin với việc hiểu tại sao nó lại như vậy, tại sao con người lại mặc định phép cộng 1+1=2 hay bảng chữ cái chỉ có ngần đấy ký tự. Sáng tạo nằm ngoài những giới hạn, sự áp đặt; từ việc thông tỏ về bản chất của một sự vật, sự việc, học sinh có thể bứt ra ngoài ranh giới của những hạn chế để thỏa sức tưởng tượng, từ việc hiểu một câu chuyện có cấu trúc ba phần, sáng tạo nằm ở việc đưa ra một phần thứ 4 vượt ngoài những điều cơ bản. 

 

Giáo dục một đứa trẻ không chỉ nằm trong 5 năm Cấp một, việc học Cấp Một không chỉ đưa cho trẻ em những kiến thức cần thiết cho những năm Tiểu học. Học sinh cần hiểu về cách sự học vận hành để có thể làm chủ việc học của bản thân, dù ở Cấp một hay bất cứ giai đoạn nào, ở Olympia hay một ngôi trường nào khác. Học tập không chỉ diễn ra trong khuôn khổ lớp học khi chúng ta nhìn rộng ra bản chất của việc học; đứa trẻ học được sự tử tế khi tiếp xúc với mọi người xung quanh, một đứa trẻ học được lòng can đảm khi được trao cơ hội làm những điều mình mong muốn và phát huy tiềm năng của bản thân dù đi ngược với những điều xã hội kỳ vọng, các con biết tư duy sáng tạo khi hiểu rằng việc học không có những khuôn khổ hạn chế năng lực của mỗi người…

 

Phụ huynh ghi danh sau Hội thảo "Khai mở tiềm năng cho trẻ ở bậc Tiểu học" .


“Cái thú vị của việc học và sự phát triển không ngừng đấy là không phải nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ không còn cơ hội khác; chỉ cần chừng nào còn nuôi hy vọng, nuôi ý nghĩ rằng chúng ta còn có thể làm được thì mọi thứ đã khác rồi. Việc học là không bao giờ ngừng nghỉ; đó là điều tôi mong đợi nhất khi nói về việc học,” lời kết của Thạc sĩ Phương Hoài Nga với bài chia sẻ của mình.

 

Tại trường PTLC Olympia, sự học của mỗi đứa trẻ cũng được xây dựng theo một lộ trình khoa học. Với những năm tháng Tiểu học, học sinh sẽ được khai mở tiềm năng, bộc lộ những năng lực của bản thân và hiểu rõ bản chất của các vấn đề liên quan tới học tập để làm nền tảng cho những cấp học trên. Với học sinh Trung học cơ sở (THCS), tiềm năng của mỗi học sinh được phát triển và tiếp tục mở rộng để có thể tối ưu hóa trong giai đoạn Trung học phổ thông (THPT). Với những mục tiêu khác nhau nhưng cùng chung quan điểm, triết lý về tư tưởng giáo dục và tầm quan trọng của việc học, các cấp học tại Olympia sẽ trang bị cho học sinh không chỉ kiến thức, kinh nghiệm mà cả khả năng tự học, tự nghiên cứu để việc học với mỗi học sinh thực sự mang tính trọn đời. 


 

 

 

 

 

Share:

Bài liên quan