undefined

Tài năng debate đầy hứa hẹn của Hoàng Thiệu Như, Phó chủ tịch hội học sinh THCS Olympia

23 Tháng 9, 2021

Thiệu Như từng là một cô học trò rụt rè, nhút nhát - theo cách em tự nhận định bản thân như vậy. Tuy nhiên, chỉ sau một vài năm, Thiệu Như đã có những thay đổi tích cực, dạn dĩ và tự tin hơn trong các kỳ thi để chinh phục được những thành công trên con đường học tập và hoạt động ngoại khóa. 

 

Trò chuyện với Thiệu Như, người nghe thấy được năng lượng tích cực từ cô học trò lớp 7. Chủ động giới thiệu, thoải mái và vui vẻ; đó là những gì người ta có thể cảm nhận được ở Thiệu Như. Cũng dễ hiểu khi em đã có trong tay những giải thưởng liên quan tới tranh biện, public speaking khi mới 9, 10 tuổi và vài năm sau, khả năng ngôn ngữ, nói chuyện của Thiệu Như đã thay đổi rất nhiều.


- Tham dự 2 kỳ thi World Scholar's Cup với nhiều giải thưởng 
- Thành viên câu lạc bộ Junior D-Doxa trường Olympia
- Gương mặt trẻ xuất hiện trên chương trình Face-off của VTV7
- Phó chủ tịch Hội học sinh THCS Olympia

 

 

Thiệu Như sở hữu rất nhiều thành tích dù mới học lớp 7.

 

Tham dự cuộc thi World Scholar’s Cup (WSC) là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của Thiệu Như khi em đã bắt đầu những bước đầu tiên tới với tranh biện. Thiệu Như tham gia 2 kỳ thi vào năm lớp 4 (2018) và lớp 5 (2019) tại trường Vinschools. Quy tụ hàng trăm thí sinh đến từ nhiều trường học trên cả nước, WSC có nhiều vòng thi với các nội dung khác nhau, giúp học sinh bộc lộ và thể hiện nhiều năng lực khác nhau của bản thân. Ở cả 2 kỳ thi này, Thiệu Như đã mang về cho mình rất nhiều giải thưởng. Từ vị trí thứ 23 phần thi viết vào năm 2018, Thiệu Như đã vươn lên vị trí thứ 7 vào năm 2019, giải bạc tranh biện, School Top Scholars và rất nhiều giải thưởng khác. 

 

Không chỉ vậy, Thiệu Như còn là một trong những học sinh nhỏ tuổi tại Olympia xuất hiện trên chương trình the Face Off của VTV7. Ban đầu được các thầy cô giới thiệu, Thiệu Như cũng khá tò mò và quyết định đăng ký thử tham gia và ghi hình. Với khả năng nói chuyện thu hút và chút kinh nghiệm về tranh biện, Thiệu Như đã chia sẻ về kỹ năng tranh biện và tư duy phản biện.

 

“Em thấy rất vinh dự khi đây là một chương trình giáo dục và việc được lên sóng truyền hình cũng rất vui. Em là người đầu tiên ghi hình nhưng không phải người đầu tiên lên sóng vì trước em có một vài chị khác ở các khối trên. Trên sân khấu, bọn em được cho một chủ đề để tranh biện. Ban đầu em cũng khá run vì thời gian có hạn, chỉ khoảng 2-3 phút và đấy là 2 năm sau lần cuối cùng em tranh biện.”

 

Những bước đầu tới với tranh biện

 

Nhớ lại những kỷ niệm đầu tiên tới với tranh biện, mở đầu bằng những bước nhỏ với việc nói chuyện trước đám đông, Thiệu Như tâm sự.

 

“Cuối lớp 4, các thầy cô tổ chức một cuộc thử giọng yêu cầu các bạn tham gia đọc một bài bất kỳ và may mắn, em đã được lựa chọn. Hồi đó, em tham gia vì thấy hoạt động ngoại khóa tại trường Olympia rất vui nên cố gắng thử sức nhiều nhất có thể. Sau đó, bọn em đã bắt đầu học những kiến thức đầu tiên với tranh biện. Càng học em càng yêu thích vì thấy các kỹ năng tranh biện bổ trợ cho bản thân, giúp tăng cường khả năng giao tiếp và tư duy bằng tiếng Anh, ngữ pháp cũng sai càng ngày càng ít đi, việc học tiếng Anh thú vị và đơn giản hơn. 

 

Có bốn người đã giúp em rất nhiều với hành trình bước vào thế giới tranh biện. Cô Quỳnh là người đã giúp em có những bước đầu tiên, tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng căn bản của tranh biện. Chị Yến Minh, chị Diễm Quỳnh là những đàn chị khóa trên của D-DOXA đã giúp bọn em tự tin hơn, ôn tập miệt mài trước các kỳ thi quan trọng. Cô Sat là người đã dạy em cách nói sao cho hùng hồn, thuyết trình đầy bản lĩnh.”

 

Thiệu Như không tự nhận mình là người giỏi nhất trong lúc ôn tập. Tuy nhiên, sự tự tin đã giúp em hoàn thành tốt trong các kỳ thi, vượt ngoài sự mong đợi. Từ một người nhút nhát, giờ đây Thiệu Như đã có thể làm chủ sân khấu và tự tin thuyết trình, chia sẻ trước toàn trường. 

 

Nhìn về tương lai, em muốn tiếp tục theo đuổi hoạt động tranh biện và trở thành luật sư khi trưởng thành. 

 

Khi được hỏi về con đường với tranh biện trong tương lai, em chia sẻ.

 

“Em nghĩ mình muốn đi xa hơn với hoạt động tranh biện; tham gia câu lạc bộ và đi thi nhiều hơn. Em cũng muốn tham gia nhiều cuộc thi tranh biện khác nữa ngoài WSC. Em thấy may mắn vì ở Olympia có môi trường tốt cho hoạt động tranh biện. Các thầy cô Olympia hướng dẫn rất dễ hiểu và là người tiếp lửa cho học sinh với niềm đam mê tranh biện. Hiện tại em đang tham gia Speak out và junior D-DOXA.”

 

Ngoài thời gian tham gia tranh biện, Thiệu Như cũng rất biết cách cân bằng việc học và các hoạt động ngoại khóa. Trong thời gian rảnh, Thiệu Như còn học piano, tập Yoga và học tiếng Trung.

 

“Hiện tại, em đang học Tiếng Trung, tính đến nay đã được khoảng 6 tháng. Trong thời gian sắp tới, em muốn tiếp tục học Tiếng Trung và có thể sẽ học thêm Tiếng Pháp. Mặc dù việc học ngoại ngữ không phải dễ dàng nhưng mỗi khi gặp khó khăn, em không bỏ cuộc vì giống như lúc em học debate vậy, ban đầu có khó khăn nhưng với tinh thần nỗ lực và sự cố gắng, em tin là mình sẽ vượt qua được. Đến thời điểm này, em đã có thể làm được bài kiểm tra chứng chỉ tiếng Trung YCT cấp 4 (Cuộc thi dành cho học sinh tiểu học và trung học không có tiếng mẹ đẻ là tiếng Trung) chỉ sau khoảng 6 tháng học. Khả năng tiếng Trung của em đã đạt đến trình độ có thể trao đổi/giao tiếp thành thạo về cuộc sống, học tập, công việc và khi đi du lịch ở Trung Quốc hoặc nói chuyện được về hầu hết các chủ đề đơn giản. Mặc dù em học tiếng Trung ở ngoài trường nhưng cô Huệ - giáo viên chủ nhiệm, cũng đã hỗ trợ em rất nhiều bằng cách giúp em  đặt mục tiêu rõ ràng cho việc học tiếng Trung và sau mỗi kỳ học sẽ cùng em đánh giá lại.”

 

Nhìn về một hành trình xa hơn trong tương lai, cô học trò lớp 7 chia sẻ rằng, em mong muốn sẽ trở thành luật sư trong tương lai. Từ những bước nhỏ với các kỳ thi tranh biện, nâng cao tư duy phản biện và niềm đam mê đọc sách, chắc chắn Thiệu Như có thể hoàn thành ước mơ của mình sau này.

 

 


 

Share:

Bài liên quan