undefined

Học sinh lớp 3 làm sách về kỳ quan thế giới khi học môn Tiếng Việt

22 Tháng 4, 2022

Không đơn thuần là học ngôn ngữ hay cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, ở Olympia, các học sinh Tiểu học khi học môn học này còn được thỏa sức khám phá về thế giới bao la, lịch sử, văn hóa toàn cầu… thông qua những chủ đề học tập phong phú cùng cách tổ chức hoạt động giáo dục thú vị của giáo viên. Các giờ tiếng Việt mà học sinh lớp 3A3 đang trải qua trong kỳ học này là một trong nhiều minh chứng sinh động cho điều đó.


Cụ thể, ở tuần này, khi học về chủ đề “Tôi là công dân toàn cầu”, Olympians lớp 3A3 đã được giáo viên giới thiệu tổng quan 7 kỳ quan thế giới cổ đại, 7 kỳ quan thế giới mới, 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Các con sau đó được đọc tài liệu do giáo viên chọn lọc và biên soạn lại, về 8 kỳ quan trong số đó; rồi tự mình vẽ tranh - viết nội dung cho cuốn sách giới thiệu kỳ quan em yêu thích.

 

 
Olympian Vi Cầm đã viết về vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, với truyền thuyết con rồng hạ cánh xuống vùng biển Đông Bắc, tạo nên bức tường thành chắc chắn ngăn bước tiến của thủy quân giặc; tháp nghiêng Pisa là một trong những biểu tượng du lịch của Italy. Võ Tuyết Anh giới thiệu vườn treo Babylon là món quà mà nhà vua Nebuchadnezzar dành tặng hoàng hậu Amyitis để nàng nguôi đi nỗi nhớ quê nhà; hay rừng Amazon - khu rừng nhiệt đới mưa lớn nhất, có đa dạng sinh học và trải dài qua 8 quốc gia Nam Mỹ. Cuốn sách của Trương Quỳnh Lâm giới thiệu chi tiết kim tự tháp Giza, Vạn lý trường thành, tháp nghiên Pisa, vịnh Hạ Long. Thông qua câu chuyện kể về chuyến du lịch của 2 nhân vật, Olympian Thùy Dương cũng dẫn dắt người đọc đến với thế giới của thông tin và truyền thuyết liên quan đến những kỳ quan cổ đại của thế giới.


“Con cảm thấy rất vui khi làm cuốn sách này vì được vẽ và tô màu các bức tranh về kỳ quan thế giới. Lúc đó, con thấy mình như đang được tô màu cho những kỳ quan và là người sáng tạo cho những kỳ quan ấy”, Nguyễn An (lớp 3A3) nói.


Từng được đến thăm Kim tự tháp Ai Cập nhưng phải đến khi học tiết Tiếng Việt này, An mới biết rằng, đây không phải ngôi nhà để ở mà là mộ của các Pharaon. Và để làm được cuốn sách giới thiệu các kỳ quan này, ngoài đọc bài đọc mà giáo viên cung cấp, Olympian này còn vào wikipedia tra cứu để mở rộng thêm hiểu biết. Kết hợp với những hình ảnh trong trí nhớ và sức tưởng tượng, sáng tạo, Nguyễn An đã mang đến một thế giới sống động cho bức tranh Kim tự tháp giữa sa mạc cát bao la.

 

 
“Hoạt động làm sách về kỳ quan thế giới mang đến cho con những hiểu biết sâu sắc về các kỳ quan; luyện kỹ năng viết và nâng cao khả năng đọc hiểu. Để có được nội dung trong cuốn sách này, con đã phải đọc thật kỹ các tài liệu, đánh dấu và ghi chép lại những thông tin quan trọng, sau đó viết đoạn văn có chứa các thông tin đó với cách diễn đạt riêng của mình”, Olympian lớp 3A3 Trương Quỳnh Lâm chia sẻ.


Vậy là với cách tổ chức hoạt động học tập khác lạ, thay vì chỉ cho học sinh đọc văn bản rồi trả lời các câu hỏi liên quan, như phương pháp thông thường; việc để học sinh tự làm cuốn sách về Kỳ quan thế giới, đã mang đến nhiều hơn các giá trị hữu ích cho Olympians khi học về đọc hiểu trong môn Tiếng Việt này. Việc học của các con đã trở nên chủ động và thú vị hơn, khi trí tò mò, óc tưởng tượng, khả năng tự do sáng tạo của những cô cậu đang tuổi lên 8 được kích thích và phát huy không ngừng.


Thông qua 4 lần ghi nhớ - từ đọc tài liệu, tự lựa chọn và ghi chép nội dung quan trọng, viết thành bài giới thiệu của riêng mình, và vẽ tranh minh họa…, các kiến thức, hình ảnh về Kỳ quan thế giới cứ thế được khắc sâu vào tâm trí mỗi học sinh.


Tuy nhiên, bài học của Olympians lớp 3A3 không dừng lại ở đó. Trên đà say mê khám phá và hình thành tình yêu với thiên nhiên, văn hóa, thông qua các Kỳ quan thế giới của học trò, cô Phạm Hải Hà - giáo viên môn Tiếng Việt cấp Tiểu học đã “đẩy” thêm một bước - cho các con xem phim về hành trình giải cứu “mẹ thiên nhiên” của nhân vật hoạt hình Moana. Hoạt động “bên lề” bài học chính này đã kích thích thêm cảm nhận của học sinh về vẻ đẹp thế giới nói chung và tự nhiên nói riêng.

 

 

Thông qua việc thảo luận về lý do sứ mệnh giải cứu hòn đảo mà bộ lạc của Moana sinh sống lại được trao cho cô bé 17 tuổi này, chứ không phải người già kinh nghiệm, thanh niên trai tráng…, các học sinh đã nhận thức được rằng: “Vì Moana cũng như chúng con là tương lai của thế giới, của loài người”. Và các bức thư gửi “mẹ thiên nhiên” ngay sau đó đã được các học sinh lớp 3A3 viết ra với lời cảm ơn, sự trân trọng những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Các con đồng lời liên hệ thực tế về thiên nhiên, môi trường hiện nay và đề ra giải pháp mà bản thân và cộng đồng cần thực hiện để giảm ô nhiễm môi trường, ngăn xả rác bừa bãi và ngừng nạn chặt phá rừng...


Gọi tên và hiểu giá trị của từng bài học; nhận biết được mình đang lớn lên; biết yêu thương, trân quý các giá trị mà thiên nhiên, thế hệ đi trước để lại, từ đó nhận thức được việc mình cần làm để giữ gìn - phát huy các giá trị ấy, đồng kiến tạo tương lai mới tốt đẹp hơn; đó chính là những giá trị sâu hơn mà các giáo viên Olympia đang nỗ lực mang đến trong mỗi tiết học cho những công dân tương lai của thời hội nhập toàn cầu.

Share:

Bài liên quan