undefined

Học Toán bằng Tiếng Anh tốt hơn học Toán bằng Tiếng Việt?

23 Tháng 9, 2021

Đó chỉ là một trong số nhiều quan niệm sai lầm hay gặp khi xem xét việc dạy học song ngữ trong môn toán. Hãy cùng ThS. Trần Quốc Dân, Thành viên Ban Giám Hiệu & Phụ trách chuyên môn THPT, Phụ trách chương trình bộ môn Toán Olympia chia sẻ chi tiết về những quan niệm này dưới đây:

- Học toán bằng tiếng Anh tốt hơn học toán bằng tiếng Việt: Đây là một ngộ nhận thường gặp. Thực tế cho thấy trong giai đoạn đầu của việc học tập, tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ hiệu quả hơn cả để truyền tải kiến thức. Về cấu trúc số đếm, tiếng Việt nói riêng và ngôn ngữ châu Á nói chung có câu trúc số đếm logic và dễ nhớ hơn tiếng Anh (mười một, mười hai dễ nhớ hơn so với "eleven", "twelve", một phần mười - lấy một phần trong mười phần - dễ hiểu hơn so với "one tenth"). Nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em Á đông có thể đếm thành thạo các số trong phạm vi 100 từ trước khi vào lớp 1 trong khi đó trẻ em ở Anh hay Mỹ trẻ em mẫu giáo thường chỉ đếm thành thạo trong phạm vi 20. Điều này có thể lí giải phần nào việc học sinh châu Á có thành tích học tập môn toán tốt hơn học sinh châu Âu, châu Mỹ trong những năm đầu. Lợi thế của việc học toán bằng tiếng Anh cũng chính là việc học sinh có thêm phương tiện, thêm công cụ để tiếp cận các nguồn học liệu tiếng Anh và môi trường học tập quốc tế, thứ không thể có được nếu các em chỉ học tập bằng tiếng Việt.

- Chương trình Toán tiếng Anh hay hơn chương trình toán Tiếng Việt. Bản chất Toán học cũng như các môn khoa học là hệ thống kiến thức chung có tính thống nhất trên thế giới. Các kiến thức toán học được truyền dạy trong nhà trường ở bậc tiểu học và THCS có sự tương đồng rất cao giữa các quốc gia. Không thể phủ nhận là cách trình bày và diễn giải trong sách giáo khoa tiếng Anh hấp dẫn và sinh động hơn và giúp học sinh hiểu được liên hệ thực tế của môn học tốt hơn. Nhưng để mang những ưu điểm này đến học sinh thì điều quan trọng nhất là phải có lực lượng giáo viện có tay nghề cao và thạo ngoại ngữ. Việc có những bộ sách giáo khoa nhập ngoại nhưng không hiểu ý đồ sư phạm và không biết cách khai thác phù hợp thì cũng không phát huy được hiệu quả.

- Trẻ học toán Tiếng Anh phải viết và trình bày lời giải bài toán bằng tiếng Anh. Quá trình dạy học song ngữ cũng như quá trình học ngoại ngữ. Trẻ cần có đủ thời gian làm quen và thực hành để có thể thành thạo một ngôn ngữ. Ban đầu học sinh chỉ biết tiếp nhận, học từ vựng, sau đó biết sử dụng các từ, cụm từ đơn giản, biết đọc các từ khóa và suy đoán dựa vào ngữ cảnh. Qua giai đoạn này học sinh mới bắt đầu nói và viết những mẫu câu đơn giản và quen thuộc. Mức độ thành thạo về ngôn ngữ của trẻ sẽ tăng lên theo thời gian và cần khoảng vài năm từ khi bắt đầu học tiếng Anh thì học sinh mới có để đọc, hiểu và trình bày lời bài toán Toán phù hợp với lứa tuối bằng tiếng Anh. 

Vậy chương trình Toán song ngữ mang lại những điều gì cho học sinh?
Như chúng ta đều biết sự phát triển kinh tế và xã hội khiến cho ngoại ngữ mà cụ thể là tiếng Anh trở thành năng lực thiết yếu các thế hệ công dân trẻ tuổi ở Việt Nam. Để bước vào môi trường học tập và làm việc quốc tế, việc thành thạo các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết với tiếng Anh là chưa đủ. Học sinh cần được trang bị kiến thức tiếng Anh học thuật (Academic English) đủ tốt để có thể sử dụng trong học tập. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho hệ thống đào tạo của Olympia khi đầu ra của học sinh của chúng tôi hầu hết là các hệ thống đại học quốc tế trong và ngoài nước. 

 

 

Xác định được yêu cầu đó bên cạnh việc xây dựng chương trình tiếng Anh có tính hệ thống từ bậc tiểu học đến hết lớp 12 với chuẩn đầu ra IELTs trên 6.5 chúng tôi còn đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong các môn Toán và Khoa học theo mô hình dạy học song ngữ.

Ở nhiều nơi trên thế giới, dạy học song ngữ được xem là một cách hiệu quả giúp học sinh học một ngoại ngữ. Việc học sinh được làm quen và thực hành ngôn ngữ mới cùng với kiến thức môn học giúp học sinh có nhiều hơn thời lượng và cơ hội thực hành ngoại ngữ đồng thời có thêm hứng thú hơn do được thực hành ngôn ngữ trong ngữ cảnh khác nhau với những nỗ lực nhằm lĩnh hội kiến thức mới của môn học. Tuy nhiên việc dạy học song ngữ cũng có những điểm yếu nhất định khi mục tiêu môn học có thể bị ảnh hưởng bởi mục tiêu ngôn ngữ lồng ghép, ngoài ra yêu cầu về thời lượng cũng là một bài toán khó khi tổng thời lượng học tập của trẻ ở trường luôn bị hạn chế. 

 

 

Việc triển khai Toán Song ngữ tại Olympia đang diễn ra như thế nào?
Qua nhiều năm triển khai và kiên trì đi theo định hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ  (Content and Language Intergrated) chúng tôi đã xây dựng được một chương trình Toán học phù hợp trong đó có sự tích hợp giữa chương trình Toán Việt Nam và chương trình Toán Quốc tế một cách khoa học, vừa đáp ứng các năng lực toán học theo chuẩn đầu ra của chương trình Việt Nam, vừa đáp ứng chuẩn Common Core của Hoa Kì. Chương trình này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc:

  • Đảm bảo tính thống nhất của việc sử dụng một chương trình nhưng giảng dạy bằng hai ngôn ngữ với tỉ lệ thời lượng phù hợp với năng lực ngôn ngữ của học sinh.
  • Mục tiêu đầu ra là học sinh vừa có kĩ năng tiếng anh Toán vừa đảm bảo kiến thức học thuật toán học ở cả hai ngôn ngữ.
  • Giáo viên là những người có thể sử dụng hai ngôn ngữ trong toán học, thậm chí có khả năng giảng dạy môn học bằng cả hai ngôn ngữ, nhằm hỗ trợ các em sử dụng tiếng Anh trong mọi tiết học.

 

 

 

Ở bậc Tiểu học, vốn từ vựng tiếng Anh của học sinh còn ít, kiến thức toán được truyền tải bằng tiếng Anh sẽ trở nên khó hiểu hơn so với việc dạy học bằng tiếng Việt. Với những điều kiện này tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ giúp trẻ hình thành kiến thức và kĩ năng. Sau khi trẻ thực sự thành thạo một kiến thức, kĩ năng toán học, tiếng Anh được đưa vào giúp trẻ có thể học các thuật ngữ toán học và thực hành với các bài toán tiếng Anh với mục tiêu là trẻ có thể nghe hiểu và đọc hiểu các bài toán bằng tiếng Anh và đưa ra đáp án dạng câu trả lời ngắn. Tỉ lệ thời lượng sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt/Tiếng Anh là 80/20. Học sinh học 4 tiếng toán tiếng Việt và 1 tiết toán Tiếng Anh trong một tuần, tuy nhiên bắt đầu từ lớp 2 giáo viên toán sẽ sử dụng học liệu tiếng Anh trong tất cả các giờ dạy giúp thời gian tiếp xúc với tiếng Anh qua đọc, viết nhiều hơn.   

Ở bậc Trung học cơ sở, năng lực ngôn ngữ của học sinh đã tốt hơn, các em đã đạt chuẩn Flyer theo khung năng lực châu Âu. Lúc này thời lượng tiếng Anh được sử dụng trong giảng dạy toán tăng lên 40%. Mỗi tuần học sinh có 3 tiết Toán tiếng Việt, 2 tiết Toán tiếng Anh. Đi kèm với thời lượng, học liệu cũng được nâng cao. Các phiếu bài tập tiếng Anh sẽ tập trung vào các bài toán giải quyết vấn đề thực tiễn đòi hỏi học sinh phải đọc, phân tích tình huống và mô hình hóa. Các dạng toán có liên hệ thực tiễn vừa kích thích học sinh học toán vừa giúp các em tăng cường kĩ năng ngôn ngữ khi phải phân tích ngữ cảnh trong bài toán và  tăng cường năng lực mô hình hóa toán học. 

Ở bậc Trung học phổ thông, khi này học sinh tại trường Olympia đã đạt điểm số tối thiểu 147 điểm trong kì thi PET. Khi đó cùng với quá trình học toán tiếng Anh từ trước học sinh đã có thể tự đọc các kiến thức toán quá các nguồn học liệu tiếng Anh. Trong giai đoạn này bên cạnh chương trình toán theo chuẩn Việt Nam, nhà trường cung cấp các khóa học PSAT và SAT toán giúp các em luyện tập các kĩ năng thực hiện bài thi chuẩn hóa SAT trong năm lớp 10 hoặc 11. Với lộ trình này học sinh Olym có thể tham gia thi SAT từ cuối lớp 10 hoặc trong năm lớp 11 và đạt điểm số tốt trong phần thi Toán. Ngoài ra trong quá trình học trên lớp các em cũng được thực hành và luyện tập với hệ thống học liệu tiếng Anh tương đương với các giáo trình Algebra 1 và Algebra 2 của Mĩ.    

 

 

Thực tế triển khai qua các năm cho thấy các học sinh Olympia có điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia cao hơn mức trung bình của thành phố Hà Nội, năm học 2019-2020 điểm thi tốt nghiệp trung bình môn toán đạt 7.3/10. Trên cả các điểm số là năng lực học tập của học sinh Olympia khi ra trường. Việc có thể sử dụng tiếng Anh học thuật để đọc tài liệu cũng như nghe giảng và thảo luận giúp các em đều có thể thích nghi và thành công với các môi trường học tập tiếp theo. Kết quả này có được nhờ sự xây dựng triển khai đồng bộ chương trình môn Toán qua các cấp học với tỉ lệ thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Việt được điều chỉnh dựa trên năng lực ngôn ngữ của học sinh đi kèm với một hệ thống học liệu được lựa chọn và biên soạn bài bản.

Trên đây là một số chia sẻ rút ra từ kinh nghiệm của người viết trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình dạy học toán theo mô hình song ngữ trong nhà trường. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm thông tin để đồng hành cùng con trong quá trình học tập.
                                                                                    
ThS. Trần Quốc Dân
Thành viên Ban Giám Hiệu & Phụ trách chuyên môn THPT, Phụ trách chương trình bộ môn Toán Olympia, Tổ trưởng tổ Toán THPT Olympia.
 

Share:

Bài liên quan