undefined

Hướng nghiệp sớm ở bậc Trung học cơ sở: Trải nghiệm nghề độc đáo cho học sinh khối 7 tại Olympia

23 Tháng 9, 2021

Song song với quá trình học tập, việc trải nghiệm và được định hướng về nghề nghiệp sớm sẽ giúp học sinh có thêm thông tin nền tảng, củng cố cho quá trình lựa chọn nghề trong tương lai. 

 

Chú trọng vào việc hướng nghiệp - định hướng tương lai là một trong những điểm mạnh của trường PTLC Olympia nói chung và khối Trung học cơ sở nói riêng. Với những cách tiếp cận khoa học, hợp lý, việc định hướng nghề nghiệp sớm ở bậc THCS sẽ giúp học sinh, nhà trường và phụ huynh cùng xây dựng lộ trình tương lai hợp lý cho con khi phần nào hiểu được năng lực, đam mê và nguyện vọng của mỗi đứa trẻ. 

 

Các buổi hướng nghiệp ở bậc THCS được giới thiệu trong chương trình LiFE -  chương trình Giáo dục Hướng nghiệp của Olympia. Được triển khai nhiều năm tại Olympia, chương trình LiFE là một mắt xích quan trọng không thể thiếu trong hoạt động giáo dục trường học khi mang đến cho học sinh nhiều kiến thức, nội dung học gắn liền hơn với thực tế. Với một tiến trình tổng thể đi từ các lớp dưới lên lớp trên cùng nội dung và bài học ngày càng được củng cố, chuỗi tiết LiFE chủ đề Nghề nghiệp hiện đại của học sinh khối 7 năm nay ra đời là sự tiếp nối từ chủ đề Ước mơ nghề nghiệp (khối 5) và Nghề truyền thống (khối 6). Thông qua 3 tiết học với các mục tiêu và hoạt động cụ thể, học sinh được giới thiệu về: 

 

  • Tiết 1:Tìm hiểu các nghề nghiệp mới xuất hiện gần đây và các nghề nghiệp đang là xu hướng của thời đại mới
  • Tiết 2:Trò chuyện cùng các khách mời đang theo đuổi hoặc làm những công việc/nghề nghiệp hiện đại. Tìm hiểu về lựa chọn nghề nghiệp của các khách mời, yêu cầu của các công việc cũng những giá trị trong nghề nghiệp mà khách mời theo đuổi
  • Tiết 3:Tham gia trải nghiệm hoạt động phỏng vấn xin việc, học sinh nhìn lại yếu tố sở thích, năng lực, giá trị của bản thân (làm CV) và đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp (tham gia phỏng vấn)

 

Trong một xã hội đầy biến động như hiện tại, sự xuất hiện của hàng loạt các nghề nghiệp mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho cả các bạn học sinh, đồng hành bởi cha mẹ và nhà trường. Cơ hội là khi các em học sinh sẽ có đa dạng trải nghiệm hơn, không bị gò bó trong các lựa chọn cũ, những nghề nghiệp mới xuất hiện phù hợp với người trẻ cũng như giải quyết vấn đề mà xã hội đương đại đang gặp phải. Thách thức nằm ở tính cạnh tranh cao, sự thay đổi nhanh, yêu cầu tổng hợp nhiều kiến thức và kỹ năng để thành thục công việc. Chính vì vậy, trong khuôn khổ sự kiện, các giáo viên đã đưa vào tìm hiểu các nghề vừa mới, vừa cũ để học sinh có sự tham chiếu và trả lời được cả hai câu hỏi: Nghề mới cần gì và nghề cũ sẽ thay đổi ra sao?

 

 

Các khách mời từ đa dạng ngành nghề xuất hiện trong tiết 2 của chuỗi hoạt động hướng nghiệp.

 

Xác định được tầm quan trọng của việc tư vấn hướng nghiệp, cô Hoàng Nhật Linh phụ trách hoạt động học sinh THCS chia sẻ: “Khi nào nên nói với các con về câu chuyện định hướng nghề nghiệp và nói như thế nào luôn là một trăn trở đối với chúng tôi. Hiểu rõ bản thân, hiểu rõ thế giới nghề nghiệp để có thể xác định được con đường đi tới cái đích nghề nghiệp mình lựa chọn là mô hình lý thuyết mà chúng tôi căn cứ trên, để từ đó cùng dẫn dắt học sinh trên hành trình khám phá qua 3 tiết học. Không có gì thiết thực hơn là những trải nghiệm thực tế hay những trao đổi gặp gỡ với những người thật - việc thật, đó là cơ sở để chúng tôi lựa chọn các hoạt động cho chuỗi tiết học về chủ đề nghề nghiệp hiện đại này.’’

 

Để học sinh có cái nhìn thực tế hơn, sau Tiết 1 tìm hiểu nghề nghiệp hiện đại, học sinh được trò chuyện và lắng nghe chia sẻ từ các khách mời ở những công việc như Kỹ sư ngành khoa học dữ liệu, Tư vấn viên trường học, Tổ chức sự kiện âm nhạc kiêm giáo viên toán, Tiếp viên hàng không kiêm quản lý trường học, Chuyên viên marketing, Luật sư, Kinh doanh bất động sản và cho thuê văn phòng, Tư vấn hướng nghiệp… Đây đều là những nghề khá mới mẻ trong cuộc sống hiện đại trước những thay đổi không ngừng của xã hội. Nếu như cách đây 50 năm, khoa học dữ liệu vẫn còn là điều gì đó lạ lẫm hay tư vấn viên trường học thường không được gọi tên hay chỉ xuất hiện tại các nước phương Tây thì những ngành nghề trên dần có chỗ đứng tại Việt Nam. Được trò chuyện trực tiếp với những người làm nghề trực tiếp sẽ giúp học sinh hình dung ra công việc dễ dàng hơn. 

 

“Đây là một chủ đề rất thiết thực với học sinh và phù hợp với thời đại. Thế giới nghề nghiệp luôn vận động và thay đổi, những nghề nghiệp mới xuất hiện, những nghề nghiệp cũ mất đi. Các con học sinh cần được cập nhật những thông tin đó, nhưng xu hướng nghề nghiệp đó. Và cũng thật ngạc nhiên, với một số nghề nghiệp đang là xu thế hiện nay và nhận được sự quan tâm của giới trẻ (content creator - sáng tạo nội dung, game/graphic designer - thiết kế game, đồ hoạ...), bản thân giáo viên cũng được học hỏi thêm rất nhiều từ chính những thông tin, hiểu biết của học sinh.”

 

 

Kết thúc tiết hai, các bạn học sinh được trải nghiệm thiết kế CV, chuẩn bị hồ sơ xin việc, thực hành tuyển dụng và làm việc theo nhóm. Việc đưa ra các bài toán thực tế liên quan tới công việc giúp học sinh chủ động hơn, tận dụng các kiến thức ở bài 1 và chia sẻ của các chuyên gia ở bài 2 để tự mình làm chủ việc định hướng công việc của bản thân. Rõ ràng, giống như việc tự học, bản chất của định hướng cũng nằm ở sự tự định hướng khi cuối cùng các em mới là người lựa chọn con đường cho tương lai. 

 

Điểm khác biệt của tiến trình hướng nghiệp - tìm hiểu nghề nghiệp của chương trình LiFE nằm ở (1) học sinh được tham gia vào một tiến trình tìm hiểu khoa học, logic, từ nhận diện cho tới thực hành để nắm sâu, hiểu rõ và có thời gian phản tư; (2) học sinh được tiếp xúc với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau với tần suất liên tục trong một năm học, từ những hoạt động hướng nghiệp trong lớp nhỏ cho tới các ngày hội hướng nghiệp; (3) các mô hình mô phỏng buổi phỏng vấn, trải nghiệm viết CV… được thiết kế như trên thực tế để học sinh phần nào có bức tranh toàn cảnh về công việc. 

 

Ba bài học về định hướng nghề nghiệp trôi qua để lại trong học sinh những ấn tượng tích cực. Trong những tờ phiếu đánh giá, đa phần học sinh đều để lại những lời nhắn như con muốn trở thành tiếp viên hàng không, làm kinh doanh, làm nhà sáng tạo… cùng các tính từ miêu tả “bổ ích, thú vị…”. Với một hành trình định hướng còn dài phía trước, trao cho học sinh những thái độ tích cực và sự nhìn nhận công việc tương lai đầy nghiêm túc đã là một thành công của chương trình LiFE, làm tiền đề cho những hoạt động quy mô hơn trong tương lai của các bạn học sinh tại Olympia. 

 

 

 

Share:

Bài liên quan