undefined

“Không dấu vết” - bài học mềm được nhắc nhớ với Olympians nhí mọi lúc mọi nơi

20 Tháng 9, 2021

Những người yêu du lịch có lẽ đã quá quen thuộc với khẩu hiệu “Đừng lấy gì đi ngoài những tấm ảnh. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân". Nhưng có lẽ, không cần đợi đến khi lớn lên và trở thành những người mê du lịch để biết được những điều ấy. Slogan “Không dấu vết" đã luôn hiện diện trong mọi chương trình, sự kiện, hoạt động ngoại khoá tại Olympia; để khi tuổi tác của các em dù mới chỉ ở hàng một, cũng có thể được khắc sâu và tự hào với chính bản thân về bài học trân trọng thiên nhiên xung quanh mình.

 

“Không dấu vết" được hiểu giản dị theo đúng nghĩa đen: nếu bạn đến một nơi thì khi bạn dời đi, hãy trả lại nguyên vẹn nơi đó như trước khi bạn đến. Thông điệp này bắt đầu được khởi xướng từ những ngày hè 2016, khi đội ngũ Olympia xây dựng một chương trình hè mà trẻ con được thực sự chơi và hoà mình với thiên nhiên nhiều nhất có thể. Không chỉ đặc biệt bởi “trách nhiệm” với việc phải “toàn tâm toàn ý" vui chơi và hạnh phúc (vì nhiều khi các em bị phải kiềm chế những sự nghịch ngợm của mình bởi người lớn), chương trình tạo ra những không gian và cơ hội để trẻ con nghĩ về ý thức với môi trường một cách tự nhiên. Từ đó, nguyên tắc “không dấu vết" đi vào lòng các bạn nhỏ, thuộc làu như Quốc ca và luôn được hào sảng xướng lên trong bất kỳ chương trình, hoạt động ngoại khoá nào sau này tại Olympia. “An toàn, thân thiện và không dấu vết" - hàng năm, mấy lời này được lặp lại biết bao nhiêu lần từ hàng ngàn học sinh Tiểu học.

Cách đây nhiều tháng, một giáo viên trong trường từng viết trên Facebook của cô rằng, “trong những năm qua, ngoài đi về hướng màu tím, chúng mình còn đi về hướng màu xanh”. Màu tím là màu nhận diện của Olympia từ xưa, còn màu xanh là màu của thiên nhiên bát ngát. Slogan “Không dấu vết" như củng cố thêm dòng viết trìu mến ấy. “Không dấu vết" được thể hiện trong những sự kiện dã ngoại, khi học sinh luôn được nhắc nhở mang theo bình nước cá nhân, sử dụng hộp đựng thức ăn thay vì túi ni lông, chú ý tới những gì mình bày ra và nhớ dọn lại mọi thứ trước khi đứng dậy… 

 

Học sinh mang theo đồ ăn được đựng trong hộp thuỷ tinh, túi vải... khi tham gia dã ngoại 

100% học sinh Tiểu học Olympia sử dụng bình nước cá nhân trong các hoạt động học tập trên lớp và ngoài lớp học

\

Một lần, trong chuyến học tập trải nghiệm tại Tứ Trấn (Hà Nội) của khối 4, một vài học sinh để rơi những mẩu giấy thừa trong sản phẩm của nhóm mình ở khuôn viên chùa, lúc sau đã được giáo viên chủ nhiệm và cả lớp đứng chờ đến khi dọn xong mới cùng nhau trở về trường. Slogan “Không dấu vết" trở thành một kỷ luật.

Một lần, trong chương trình THE K.N.O.T đặc trưng của Tiểu học, một bạn nhỏ từ đâu chạy tới hỏi xin túi ni lông thừa để đựng quả bóng bị bẩn nhưng… xin mãi không ai có, bởi học sinh Olympia đa phần đều mang hộp đựng thức ăn cho riêng mình. 

Một lần, khi đi dã ngoại trong khu sinh thái Mê Linh, các bạn tự bảo nhau dọn dẹp rác ở đoạn suối nhỏ, dù không phải là rác của mình xả ra. Slogan “Không dấu vết” trở thành trách nhiệm.

Trong những năm qua, Olympia đã cùng các bạn nhỏ có biết bao “một lần" như thế. Một lần là kỷ luật, một lần là yêu thương, một lần là trách nhiệm… Gọi tên ra sao cũng được, bởi thật ra, khi đã hình thành thói quen, chúng ta sẽ hiếm khi rạch ròi. Thử nghĩ mà xem, bạn quen uống nước bằng bình cá nhân, bạn sẽ quên tất cả những số liệu và thực nghiệm khoa học minh chứng điều đó tốt thế nào. Hoặc khi bạn có thói quen chạy bộ vào mỗi buổi sáng, bạn sẽ thường kể lại rằng mình chạy bao nhiêu km mỗi ngày nhiều hơn hay sẽ dành thời gian miêu tả chi tiết hoạt động của hệ cơ và não bộ trong khi chạy? Rõ ràng là điều thứ nhất. Khi giai đoạn thuyết phục bản thân đã qua đi, bạn bước tới một sự duy trì nền nếp hiệu quả. Olympia thực sự nhận ra điều này rõ nét khi có một học sinh lớp 4 thủ thỉ rằng: “Con đã từng làm một poster dự án siêu đẹp về lợi ích của việc mang bình nước cá nhân, nhưng giờ cả lớp con không ai nói về điều đấy nữa vì mọi thứ đã là chuyện hàng ngày rồi.”

Từ một câu khẩu hiệu đến một thói quen là một con đường dài cần nhiều bền bỉ và suy tư. Do vậy, những bài học mềm tại Olympia luôn được củng cố ngày qua tháng, tháng qua năm bởi không chỉ các giáo viên mà còn bởi 350 nhà giáo dục tại Olympia, với triết lý “Anyone can teach", khi tất cả cộng đồng trường học đều có trách nhiệm làm gương và truyền cảm hứng cho học sinh, để “gieo" những điều tốt đẹp nhất vào cuộc sống của con trẻ từ những năm học đầu đời.

Sự yêu mến với thiên nhiên, phải chăng nên đồng hành cùng trách nhiệm?

 

 

 

Share:

Bài liên quan