undefined

Lê Diệu My và ước mơ kịch nghệ tại New York University: Nhìn lại một năm của nữ sinh ẵm 8 suất học bổng trên đất Mỹ

23 Tháng 9, 2021

Từng dùng toàn bộ số tiền đi gia sư trong suốt nửa năm để mua vé nhạc kịch Broadway tại New York, chưa bao giờ Diệu My, nữ sinh Olympian tốt nghiệp năm 2019 hoài nghi về giấc mơ nhạc kịch của mình. Sau một năm theo học tại New York University, Diệu My đã có những bước trưởng thành đáng kể và khẳng định “tài năng” của bản thân.

Câu chuyện của Lê Diệu My từng được báo giới trong nước nhắc tới rầm rộ vào thời điểm năm 2019 khi cô nữ sinh Olympia đã giành được 8 suất học bổng trên đất Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau những thành tích tưởng như chỉ là những con số ấy là ước mơ và khát khao theo đuổi kịch nghệ của Diệu My - một con đường vốn đầy cơ hội nhưng cũng lắm chông chênh tại Việt Nam, đòi hỏi những người trẻ phải thực sự quyết tâm và đam mê với nghề. Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, Diệu My tự nhận mình là người “may mắn”; may mắn đi cùng với niềm yêu thích kịch nghệ ngay từ nhỏ dường như đã giúp Diệu My có thể tự tin với con đường tới New York University, đắm chìm trong không gian nghệ thuật tại thành phố nổi tiếng với nhạc kịch Broadway. My từng chia sẻ trên báo:

“Hồi tiểu học, em thường tham gia trong dàn hợp xướng Sol Art. Vì còn quá nhỏ nên thầy cô chỉ để em tham gia một hai bài hát trong cả tiết mục dài. Khi ấy, em đã chủ động xin thầy cô cho em được tập tất cả các tiết mục để được hát trọn vẹn trên sân khấu. Có một điều gì đó cứ cuốn hút em vào các bài hát, vở diễn”.

 

 

Ước mơ ngày nhỏ và sự khám phá ra tài năng từ nhỏ của bản thân của Diệu My được nuôi dưỡng nhiều hơn tại môi trường Olympia. Trên nhiều vai trò khác nhau như diễn viên, biên kịch, đạo diễn và cả chỉ đạo nghệ thuật, cùng với các thầy cô ở tổ âm nhạc, Diệu My đã cho ra đời nhiều vở nhạc kịch “để đời” ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường như Mamma Mia (lớp 10) mà các thế hệ Olympia vẫn còn nhắc tới nhiều về sau. 

Ánh đèn sân khấu Mamma Mia tại nhà hát Olympia vẫn còn trong ký ức của Diệu My nhưng con đường em đi giờ đây đã chuyên nghiệp và khác biệt hơn. Một năm nhìn lại, cô nữ sinh ngày nào giờ đây có nhiều câu chuyện để kể hơn - những trải nghiệm đặc biệt trên nước Mỹ và cả những bước đầu dấn thân trên con đường kịch nghệ, vốn đầy rực rỡ nhưng không trải hoa hồng. 

Xin chào Diệu My. Sau một năm học tại New York University (NYU), cảm giác của em có còn như ngày đầu nhận được tin mình được nhận vào ngôi trường danh giá này? 

Khi mở bức thư được gửi từ New York University và thấy chữ "congratulation", thực sự em em rất ngạc nhiên; ngạc nhiên vì mình đã làm được và bao nhiêu công sức của mình đã được đón nhận. Chính cảm xúc háo hức để học, để phát triển đã theo em suốt thời gian học tập tại New York University. 

Đó là một trải nghiệm hết sức đa dạng khi em được dịp “quăng mình” vào rất nhiều lĩnh vực mới để thử thách bản thân. Từ đạo diễn, biên kịch, thiết kế, diễn xuất cho tới nhảy, tất cả những lớp học đều thúc đẩy em để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, thách thức những điều em vốn dĩ đã biết. Khác với các ngành khác, những lớp nghệ thuật của em trải dài từ 9 giờ sáng đến tận 5 hoặc 6 giờ chiều. Chính yếu tố thời gian này đã cho em nhận thấy rằng đây chính là đam mê của em khi em cảm nhận được nhiệt huyết của bản thân. Em còn được làm cùng với các anh chị khóa trên cho những dự án kịch ngắn hạn tại trường nên sau những ngày học, em thường đi đến các nhà hát "black box" để làm việc tiếp đến tận 10, 11 giờ tối. 

Trong một năm qua, em đã được thử thiết kế âm thanh, thiết kế ánh sáng, quản lý sân khấu cho 4 vở kịch. Là một nghệ sĩ trẻ, em luôn có rất nhiều những sự lo âu về con đường của mình, và đôi lúc về cả khả năng của bản thân. Tuy nhiên, sau một năm học tại NYU, qua cả quá trình học nghệ thuật sân khấu trực tuyến do covid, những nỗi lo âu đấy dần biến thành những mong muốn của em cho tương lai. 

 

 


Để tới được New York University, em đã phải chuẩn bị những gì và Olympia đã đồng hành cùng em như thế nào với quá trình này?

Em nghĩ mình rất cần phải cảm ơn trường Olympia vì chính ở đây đã tạo dựng một môi trường cho em dám làm, dám thử. Từ nhỏ, em đã đi hát hợp xướng và đi thi vẽ ở nhiều cuộc thi trên thế giới. Đến cấp hai, em đã dừng nghệ thuật để tập trung vào học các môn văn hoá. Lúc đó em thật sự nghĩ rằng mình sẽ không đi lại con đường nghệ thuật nữa cho dù đấy là những niềm đam mê của em. 

Cho đến khi em được chuyển đến Olympia và được thúc đẩy để làm nhiều thứ hơn, trong đó có kịch và sân khấu. Trong khoảng thời gian cấp ba, em được nhà trường tin tưởng và cho cơ hội đạo diễn cả một chương trình khi mới chỉ là một cô bé lớp 10. Đặc biệt hơn nữa, đó chính là những học sinh, những anh chị, bạn, em trong trường mà đã cùng em thử sức mình. Một môi trường đã luôn hỗ trợ tinh thần để em có thể tiếp tục đi con đường này. Đồng thời, em còn được nhận nhiều sự dẫn dắt qua quá trình nộp hồ sơ đại học, từ các giáo viên viết thư giới thiệu cho em đến phòng UCC hỗ trợ em về các quy trình phỏng vấn và các giấy tờ cần thiết cho các trường đại học Mỹ.

 

 

Tại sao em lại chọn kịch nghệ cho sự nghiệp khi đây vốn là một ngành tuy không quá mới ở Việt Nam nhưng vẫn còn "ít đất" để thể hiện?

Đã có những lúc em lo lắng về nghề nghiệp tương lai, đặc biệt là trong thời gian Covid khi tất cả mọi hoạt được nghệ thuật sân khấu tại thành phố New York bị “đóng băng”. Những “khoảng lặng” giữa đại dịch cho em thời gian để ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm. Dù có biến cố gì đi chăng nữa, nghệ thuật vẫn là một phần tất yếu của cuộc sống. "Ít đất" hay bị đóng băng, rồi cũng sẽ có cách mở lối cho con đường phía trước. Thách thức nhưng cũng đồng nghĩa là cơ hội để em có nhiều sự tự do khám phá con đường nghệ thuật của mình trong thế giới hiện nay. 

Trong một năm qua, có điều gì khiến em thấy tự hào với con đường kịch nghệ mình đang lựa chọn?

Trong thời gian học tại New York University, em rất vinh dự khi dù là học sinh năm nhất nhưng đã được đạo diễn một dự án kịch cuối năm. Đó là dự án rất quan trọng trong con đường học của em. Nhưng chắc dự án mà em tự hào nhất chính là vở nhạc kịch Những Người Khốn Khổ của Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam, được công diễn tại nhà hát lớn. Em may mắn được thực tập ở nhà hát và sau khi được nói chuyện với anh đạo diễn chương trình, anh đã mời em lên vị trí trợ lý đạo diễn. Được làm việc trong một nhà hát chính thống cho cả một quãng đường từ cuối tháng 7, em vô cùng tự hào với những gì em làm được, và đặc biệt hơn là em được cảm nhận môi trường nghệ thuật tại Việt Nam. 

 

 

Theo Diệu My, tại sao các ngành học nghệ thuật lại quan trọng trong cuộc sống hiện đại và ngày càng có nhiều bạn trẻ lựa chọn sống theo đam mê của mình?

Đối với em, học nghệ thuật chính là học cách nhìn vào cuộc sống và phản ánh nó. Khi đời sống con người phức tạp với nhiều thách thức và thay đổi, nghệ thuật giúp chúng ta “làm hòa” với các lắng lo, tìm ra câu trả lời cho những mệt mỏi. Nghệ thuật từ trước đến nay vẫn luôn quan trọng và em nghĩ nó sẽ mãi quan trọng, vì thành quả của nghệ thuật cũng chính là thành quả cho trí óc và tâm hồn con người, nó sẽ phát triển và thay đổi cùng chúng ta. 

Tài năng và đam mê nghệ thuật, My có nghĩ đã tới lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc hơn và đặt ngang với những tài năng khác trong một xã hội vẫn coi trọng các giá trị thực tế vật chất?

Em hoàn toàn đồng ý. Em nghĩ dần dần nghệ thuật càng được đánh giá cao hơn, và nhu cầu để cảm nhận nghệ thuật của chúng ta cũng ngày càng cao hơn. 

Nhìn lại con đường đã đi qua, dù mới chập chững những bước đầu, Diệu My có hình dung về hành trình tiếp theo của mình sẽ như thế nào?

Em còn nhớ năm ngoái, khi được hỏi câu hỏi này trong phỏng vấn vào đại học, em nói em sẽ muốn sau 5 năm nữa mình sẽ có một tác phẩm nghệ thuật riêng để tạo dựng tên tuổi của mình và đưa nghệ thuật Việt Nam đi thật xa. 

Đến ngày hôm nay, tại thời điểm này, em nghĩ mình không còn muốn cứ nghĩa quá nhiều về tương lai, hay đặt mục tiêu theo năm tháng. Em chỉ cần biết và luôn nhắc nhở bản thân hãy tiếp tục làm, tiếp tục học hỏi, và cống hiến cho nghệ thuật. Tất cả các mục tiêu khác sẽ là thành quả của sự bền bỉ đi con đường của mình. 

Share:

Bài liên quan