undefined

NGƯỜI THẦY - những câu chuyện chưa kể

22 Tháng 11, 2021

Suốt 18 năm đồng hành cùng hệ thống Olympia, tiền thân là Dreamhouse từ tháng 5 năm 2003, cứ dịp tri ân trường và các thầy cô, không biết bao nhiêu kỷ niệm lại dồn dập ùa về với tôi. Thêm nữa, giãn cách xã hội dài khiến thời gian thiền định nhiều hơn, trí nhớ được tăng cường nên tôi đã lục ra được vô số chuyện trong kho ký ức để hàn huyên, chat từ xa với thầy cô của con, với các phụ huynh giờ đã thành bạn bè, mỗi khi ấm lòng được họ hỏi thăm sức khỏe và chúc an lành trong mùa dịch. Và đây “NGƯỜI THẦY - những câu chuyện chưa kể” bắt nguồn từ những mạch cảm xúc ấy.

Đầu tiên là chuyện về những “người thầy chuông gió”.

Tại sao lại có tên gọi này hay khái niệm này? Liệu có bao nhiêu phụ huynh ở đây từng quan tâm, để ý, cảm nhận và có cơ hội trò chuyện cùng con về cách các giáo viên gọi hay nhắc về con cái mình ở ngôi thứ 3 thế nào nhỉ? Khi câu trả lời là “Có”, những cha mẹ đấy đã tự kết nạp mình vào cộng đồng thấu cảm với những đồng minh như tôi và bạn bè tôi.

“Người thầy chuông gió” là người thầy của ngôn phong chỉn chu, người thầy của những thanh âm thiện lành kết nối vạn vật, kết nối các trung tâm năng lượng, chữa lành vô số những tổn thương sức khỏe và tâm lý, mang đến những niềm vui mỗi ngày ở những người xung quanh, trong đó có con cái chúng ta.

Tiến sĩ Lê Hằng chụp ảnh tại cây lưu niệm của Alumni Olympia

Thú thật, làm kiểm định giáo dục nên tôi thường quan sát, trông vào những minh chứng thực tế, những hành động cụ thể của giáo viên, ghi nhận nhiều chiều, hơn chỉ là từ những giải thưởng hay hồ sơ vinh danh. Hẳn phải có lý do nhất định khi kể về những ấn tượng khó quên mà “người thầy chuông gió” đã để lại. Vâng, ấn tượng nhất bởi họ nhắc đến học sinh của mình bằng chính tên gọi đầy trìu mến của các con (không có chuyện nhầm tên, dù mới dạy hay đã tạm biệt sang môi trường mới nhé!) và bằng đại từ “BẠN ẤY” hay “CÁC BẠN ẤY” thân thương ở ngôi thứ ba. Các con tâm sự đã rất vui, phấn khởi, tin tưởng thật sự vì thấy mình được thầy cô tôn trọng, xem là trưởng thành và đối xử công bằng, khi được nhắc đến, được đặt ở vị trí ấy thông qua cách gọi như thế trong cuộc trò chuyện, ngay cả lúc các con vắng mặt. Chưa khi nào họ sử dụng những từ ngữ “anh/chị ấy”, “ông/bà này”, “ông/bà tướng”, “ông con”, “bà nội”, “sếp” khi vui hài hước hoặc trong hoàn cảnh giao tiếp thông thường chứ đừng nói gì là không bao giờ kèm thái độ nóng giận, đánh giá thấp, nhận xét phê bình, so sánh con trước người khác. Họ chính trực, nhất quán, làm gương từ việc nhận lỗi, xin lỗi khi sai, thừa nhận mình còn khuyết (không dễ đâu nhỉ) cho đến việc luôn lạc quan, cầu tiến, thích ứng thay đổi để hoàn thiện và nhất là luôn tin tưởng vào sự hướng thiện, KIÊN NHẪN GIEO cho học sinh niềm tin lớn lao vào chính bản thân trẻ (biết vậy đấy nhưng mấy ai làm được).

Mong những người thầy chuông gió xuất hiện ngày một nhiều ở Olympia và những thanh âm thiện lành sẽ còn reo mãi.

Câu chuyện thứ 2 về những người thầy không trên bục giảng tại hệ thống Olympia.

Chắc chắn phần này sẽ được nối dài bởi những câu chuyện thú vị từ những phụ huynh Olympia khác nữa. Những người thầy này đồng hành với các con trong cuộc sống học đường và những trải nghiệm thực tế. Sẽ nhớ mãi những bác Định bảo vệ, bác Thịnh hay cô Quỳnh Anh y tế, cô Thái Hòa thư viện, cô chú tổ Bếp, bác Bích, cô Hảo, chú Thái Hưng, chú Đức cùng lặn lội đi từ thiện và biết bao phụ huynh trong cộng đồng Olympia này ở các seminar hướng nghiệp như chú Thành, cô Dương, cô Hằng...

Nhiều lúc ghé qua ngõ Lý Nam Đế, vẫn hiện rõ như in hình ảnh bác Định bảo vệ dắt tay con trai tôi từ cổng vào trường, hướng dẫn con thói quen đi bên lề phải và tránh rủi ro xe cộ ngoài cổng; Hay khi bác dặn các con, những đứa bé 4-5 tuổi, dẫu có yêu cái cổng trường màu trắng xinh xắn Dreamhouse đến đâu, cũng không đu bám đung đưa để khỏi ngã và “khỏi bị kẹp tay xinh bố mẹ đã tặng” (lời nói cũng yêu thế chứ!). Rồi bác “làm thầy” chỉ cho các con biết cách bước lên hoặc xuống từ những con thú nhún, bập bênh ở sân trường an toàn, thành thạo và linh hoạt.

Yên tâm và biết ơn làm sao với những chia sẻ, an ủi của bác sỹ Thịnh và cô y sỹ Quỳnh Anh mỗi khi con mệt, con đau nằm ở phòng y tế; nhưng đáng phải kể nhất là những bảo ban hữu ý về giữ gìn sức khỏe, kỹ năng sơ cứu ban đầu hay cách dùng thuốc an toàn cho các con từ những người thầy ấy. Tuyệt phải không? - vì ở đâu, cũng học được!

Những lần tương tác với cô Thái Hòa ở thư viện xinh xinh của trường đã chỉ dẫn các con biết các thủ tục thường quy tra cứu thông tin, mượn-trả sách để các con tự tin bước tới những thư viện thành phố/quốc gia đồ sộ hơn mà không còn choáng ngợp hay lúng túng gì.

Liên hoan trong năm hay café sáng giãn cách, được thưởng thức tô bún bày biện màu sắc hay những chiếc bánh thơm ngon (bông lan, cookies, su kem) do trẻ làm, tôi mừng thầm vì các con học được từ bếp trường qua những bữa ăn hàng ngày, qua giờ câu lạc bộ và những lần chung tay làm bánh mang đi làm quà của Olympia trong các đợt từ thiện đến các trường khó khăn. Những chuyến đi khó quên vào vùng lũ hay lặn lội dự án thắp sáng cho các trường vùng cao chính là những người thầy thực tế rèn AQ (kỹ năng/chỉ số vượt khó) tuyệt vời.

Tham gia vào cộng đồng tri thức ở Olympia, đồng hành bền bỉ cùng trường, biết bao phụ huynh hăng hái với công việc làm thầy không trên bục giảng. Ngay từ thời Dreamhouse, tôi đã mến mộ những phụ huynh lớn tuổi - bà nội, bà ngoại - hướng dẫn các cháu làm bánh trung thu (dẻo chay) trong ngày hội ở trường. Thú vị cả những khi bà của một bạn bé nào đó giới thiệu cho trẻ biết trong vườn nhà bà có cây gì, nhà bà nuôi con gì, khi các con tham gia trải nghiệm “Đến chơi nhà bạn”. Và giờ đây, cứ mỗi dịp hướng nghiệp, đông đảo phụ huynh lại dành thời gian quý báu của mình để làm thầy “mentor” với những mô tả chi tiết về nghề nghiệp, những bí kíp/knowhow thiết thực giúp các con bớt loay hoay, để bứt phá nhanh hơn, rút ngắn được lộ trình tiếp cận. Quý lắm những truyền thụ “master by master” như thế!

Tiến sĩ Lê Hằng trong buổi lễ trao thư hợp tác với đối tác quốc tế của Olympia

Sẽ thật sự thiếu sót nếu quên nhắc tới những “người thầy nhí” của nơi này. Không ít phụ huynh mừng thầm như tôi vì nhận ra một phiên bản Tomoe (*) an toàn, ấm áp tình thương yêu của Totto-chan không phải xuất hiện trong trang sách mà rất gần gũi, rất đời ở Trung Văn đây. Ở một khía cạnh nào đấy, học sinh “làm thầy” không hề thua đâu vì trẻ đã tận dụng được những yếu tố đồng điệu lứa tuổi, tâm sinh lý, sở thích… khiến các bài học bớt nhàm chán; những cái “vấp” kinh qua của đứa lớn lại là điều giúp đứa nhỏ tránh và suôn sẻ. Yêu sao những “cô giáo” Giang K11 mách bí kíp IELTS hay nhóm “sư phụ” của 9M2.1 miệt mài giảng Toán cho trò đồng lứa, ân cần gợi ý cho nhau giúp gỡ những khúc mắc môn Hóa đang dần khó lên! Đền đáp lại những nỗ lực “làm thầy” như vậy là những reo vui trong ánh mắt của THẦY NHÍ bởi những lời dạ thưa chân thành từ đáy lòng “con hiểu rồi” của học trò - chúng bạn và bản thân thầy nhí thêm vững kiến thức mỗi ngày. Chắc chắn thầy Đắc Hoàng và cô Dương Hiền sẽ rất đỗi tự hào về những “đồng nghiệp” nhỏ tuổi vậy đấy.

Câu chuyện cuối của tôi về “người thầy giá trị”

Dẫu các Olympian, thành viên cộng đồng Olympia, có đa dạng như thế nào chăng nữa, trong mỗi quyết

định của cuộc sống, “Người thầy giá trị” (**) luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, mách bảo chúng ta sống hướng thiện và có ích.

Chuyến từ thiện Quảng Bình cùng học sinh và phụ huynh Olympia 

Càng thêm sáng qua thiền và chánh niệm thực hành, “Người thầy Giá trị” thôi thúc tôi TỰ HÀO nhiều hơn về những công đồng tri thức mình thuộc về, tự tôn về phẩm chất chính trực luôn được xây đắp, duy trì TÔN TRỌNG những sự khác biệt, trân quý những bài học từ những người thầy chuông gió, những người thầy trên hay ngoài bục giảng; gieo trong tôi những THẤU CẢM với mọi người, không chút ngại ngần để chia sẻ nhiều hơn; cổ vũ tôi KIÊN ĐỊNH với triết lý và đam mê giáo dục mình đang theo đuổi, THÍCH ỨNG với thời đại chuyển đổi số, TRÁCH NHIỆM với từng lời nói, hành động và sau cùng là khuyến khích tôi làm gương cho con cái về sự cầu tiến, học hỏi không ngừng để HOÀN THIỆN.

__________________________________________________________________________________

(*) Ngôi trường mơ ước được kể trong truyện “Totto-chan bên cửa sổ” của tác giả Tetsuko Kuroyanagi

(**) 7 giá trị cốt lõi của Olympia - PREPARE – Pride/Tự hào, Respect/Tôn trọng, Empathy/Thấu cảm, Perseverance/Kiên định, Agility/Thích ứng, Responsibility/Trách nhiệm, Excellence/Hoàn thiện

Tác giả bài viết: Tiến sỹ Quản lý Giáo dục Lê Hằng - Ủy viên thường trực Hiệp hội Giáo trí châu Á – Thái Bình Dương; Tư vấn Kiểm định Giáo dục Độc lập

Bài viết nằm trong dự án "Những người thầy bước ra từ trang sách" do bạn Đỗ Quỳnh Nhi (khối 9) phát động.

Share:

Bài liên quan