undefined

Olympia trong mắt các phó giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Giáo dục - ĐHQG hà nội

21 Tháng 10, 2024

“Rất ấn tượng”, “nhà trường đã làm rất tốt”, “Olympia xứng đáng là ngọn cờ đầu của đổi mới giáo dục”; đây là vài trong số rất nhiều chia sẻ của các Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa Quản lý Giáo dục - trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội trong buổi giao lưu tìm hiểu về “Phát triển chương trình nhà trường” tại Olympia, tuần qua.

Xuyên suốt phần chia sẻ của thầy cô trưởng bộ môn của "trường tím”, 30 giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên khoa Quản lý Giáo dục đã rất hào hứng lắng nghe, trao đổi nhiệt tình. Các “vị khách” đặc biệt ấn tượng với cách Olympia xây dựng chương trình nhà trường, mà theo PGS.TS Nguyễn Văn Hồng là: “rất thực chất, thực tế, có mục tiêu - định hướng rõ ràng và có những tiêu chuẩn cao của cả Việt Nam - quốc tế để đánh giá”. Theo thầy, trong khi nhiều trường phổ thông ở nước ta còn khó khăn trong thực hiện chương trình nhà trường, đặc biệt là triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, thì Olympia đã làm rất tốt. Cả chương trình trải nghiệm vốn khó thực hiện, cũng được “trường tím” tổ chức một cách rất ý nghĩa, thực tiễn và hiệu quả, với kế hoạch rõ ràng, bài bản, và có đánh giá cụ thể.

Cô Vũ Thị Loan - Trưởng bộ môn Lịch sử - Địa lý - một trong các diễn giả của buổi trao đổi - chia sẻ chương trình môn học này.

 

Chỉ ra 4 điểm “cực kỳ ấn tượng” trong chương trình nhà trường của Olympia, PGS.TS Trịnh Văn Minh giảng viên cao cấp của trường Đại học Giáo dục đồng thời khẳng định: "Olympia xứng đáng là ngọn cờ đầu của đổi mới giáo dục”.

PGS.TS Trịnh Văn Minh giảng viên cao cấp của trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội chia sẻ tại chương trình.

 

“Tôi có cảm giác như được nghe các chuyên gia nói chuyện và tôi muốn nhắc lại một vài điều mình đã đọc được trong các tài liệu về giáo dục của thế giới. Nền giáo dục mới hiện nay muốn thực hiện tốt, phải từ bỏ một số quan điểm cũ. Đó là, học sinh không phải là thực thể duy nhất trong trường học nhưng mỗi em là một cá thể duy nhất, riêng biệt, có tính cách và tiềm năng riêng. Điều này là cực kỳ hay và tôi thấy các thầy cô đã làm rất tốt thông qua các hoạt động của nhà trường.

Thứ hai, kiến thức phải đến từ khắp nơi và thầy cô không phải những người duy nhất mang lại kiến thức cho học trò; các em cần tự mình chiếm lĩnh kiến thức ấy. Chuyện các thầy cô chia sẻ về cách làm của nhà trường, tôi thấy cực kỳ ấn tượng.

Thứ ba, nhà trường không phải nơi duy nhất để giáo dục con trẻ mà “cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”... Khi đến đây, tôi nhận rõ được điều này khi biết rằng Olympia đã có được sự đồng thuận và phối hợp rất tốt của phụ huynh cùng các bên liên quan trong những hoạt động của nhà trường.

Thứ tư, phương pháp giáo dục và hình thức dạy học không chỉ có duy nhất để chúng ta luôn bám vào nó mà phương pháp giáo dục cùng hình thức dạy học luôn luôn biến đổi. Trường Olympia đã làm rất hay việc này. Bên cạnh đó, từng môn học không phải cái duy nhất - riêng rẽ - để học sinh có thể tiếp thu được tri thức. Vậy nên chuyện tích hợp, liên môn ở Olympia đã được triển khai và thực hiện rất hiệu quả, công phu.

Cuối cùng, Việt Nam không phải nơi duy nhất để học sinh chúng ta có thể phát triển bản thân và Olympia đã - đang có rất nhiều công dân toàn cầu ở khắp trong nước và quốc tế”, PGS Trịnh Văn Minh chia sẻ.

Các giảng viên, sinh viên trường Đại học Giáo dục chụp hình kỷ niệm cùng thầy cô Olympia.

 

Cảm ơn các thầy cô khoa Quản lý Giáo dục - trường Đại học Giáo dục đã dành những đánh giá tích cực cho Olympia. Thầy trò trường tím sẽ tiếp tục cố gắng để làm tốt hơn nữa những hoạt động mà trường đang theo đuổi.

Share:

Bài liên quan