undefined

Olympia và hành trình chuyển đổi số trường học

21 Tháng 2, 2022

Ngày 19/2/2022, trường phổ thông liên cấp Olympia tổ chức hội thảo trực tuyến "Olympia - Hành trình chuyển đổi số trường học" với sự tham dự của hơn 300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong và ngoài trường. 

 

Tại hội thảo, các thầy cô đã được các chuyên gia đến từ Microsoft chia sẻ những thông tin về chương trình giáo dục tập đoàn này, khung chuyển đổi số cho trường học điển hình của Microsoft, cũng như các giải pháp tối ưu trong dạy học qua các ứng dụng của Microsoft. 

 

 

Các diễn giả đều đồng thuận rằng việc dùng công nghệ làm đòn bảy để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học cũng như công tác quản trị nhà trường là xu hướng tất yếu không thay đổi trong kỷ nguyên công nghệ số và cách mạng 4.0. Hai năm qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 là cú hích thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động chuyển đổi số trong các trường học và toàn bộ hệ thống giáo dục. 

 

Tại Olympia, công cuộc chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ, nhưng không phải từ khi Covid-19 xuất hiện mà đã bắt đầu từ nhiều năm trước. Với sứ mệnh kiến tạo môi trường học tập trải nghiệm giàu tính thử thách, để mỗi học sinh được hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết của công dân tương lai thời hội nhập toàn cầu và kỷ nguyên công nghệ số, trường Olympia lựa chọn chủ động, tiên phong chuyển đổi số trường học. 

 

Giám đốc học thuật - Trưởng Ban Chuyên môn nhà trường - thầy Nguyễn Chí Hiếu cho biết, chuyển đổi số được xác định là một trong 8 trụ cột phát triển của nhà trường. Mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2020-2025 của trụ cột này là tích hợp sâu hiệu quả công nghệ vào các mặt vận hành, quản trị nhà trường, nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy - học. 

 

Chia sẻ cụ thể các hoạt động trường Olympia đã làm trong hành trình chuyển đổi số, TS Nguyễn Chí Hiếu cho biết, khoảng 5 năm trước nhà trường đã tuyên bố tầm nhìn chiến lược này để từng cán bộ, giáo viên, nhân viên có nhận thức rõ và từng bước triển khai. Bên cạnh xây dựng chính sách, kế hoạch thực hiện, trường tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số với nhiều nền tảng công nghệ của các đối tác toàn cầu. 

 

Khẳng định công nghệ thông tin là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc của giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường, nhưng Olympia đồng thời xác định rằng, công nghệ dù tốt đến đâu vẫn phục thuộc vào người sử. Và trong bất cứ những thay đổi nào của giáo dục, thì cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, vẫn nhân tố quyết định thành công, mang đến hạnh phúc cho học trò. Với quan điểm đó, trường Olympia đặt nhiệm vụ trọng tâm là phải nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. 

 

“Chúng ta không thể trao cho học sinh những gì chúng ta không có. Nếu chúng ta muốn học sinh mai kia có thể làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để hỗ trợ và phát triển tốt nhất cho công việc, cuộc sống, thì bản thân những người thầy như chúng ta cũng phải làm chủ được công nghệ”, TS Nguyễn Chí Hiếu nói. 

 

Thầy tự hào cho biết, với sự chủ động chuyển đổi của toàn trường, đến nay 100% giáo viên đã làm chủ được việc số hoá các bài giảng, học liệu. Việc chấm-chữa bài cho học sinh, kiểm tra - đánh giá chất lượng học tập, cũng như công tác quản trị lớp… đã được thầy cô thực hiện hiệu quả, nhất là trong 2 năm qua. Nhiều hoạt động trong công tác vận hành, quản trị trường học cũng được số hoá để giải phóng sức người và nâng cao chất lượng.  

 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Hành trình chuyển đổi số toàn diện trường học, xây dựng mô hình Trường học tương lai, cũng như mục tiêu trở thành trường học điển hình Microsoft của Olympia vẫn cần những bước chuyển mạnh mẽ  và đột phá hơn nữa. 

 

Sau tất cả, trường Olympia hi vọng rằng, hành trình chuyển đổi số sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ học sinh.  

 

Làm rõ hơn những giá trị mà giáo viên có thể mang đến cho học sinh khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thầy Trần Quốc Dân - Phó Ban Chuyên môn trường Olympia cho biết, đây không đơn thuần là công cụ chia sẻ nội dung bài học mà còn có thể tạo ra môi trường học tập thú vị, trực quan, sinh động. Ở môi trường đó, học sinh sẽ học tập chủ động và hứng thú hơn; hình thành và phát triển được các năng lực, phẩm chất cần thiết của công dân tương lai trong kỷ nguyên công nghệ số, hội nhập toàn cầu.

 

“Những lớp học đảo ngược, lớp học hỗn hợp ở Olympia là minh chứng sinh động cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Ở những lớp học này, học sinh chủ động nghiên cứu nội dung kiến thức trên Canvas LMS. Còn tại lớp, các em chủ yếu trao đổi, thảo luận sâu, cùng sự hướng dẫn và hỗ trợ của giáo viên, để phát triển các năng lực cần thiết”,  Phó Ban Chuyên môn trường Olympia - thầy Trần Quốc Dân nói.

 

Thầy tâm sự rằng, bản thân cũng khó khăn trong thời gian đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và các hoạt động quản trị khác. Tuy nhiên, giống như nhiều thầy cô khác luôn lấy hiệu quả học tập của học trò là động lực làm việc, thầy Dân đã vượt qua trở ngại và tiếp tục nỗ lực trên hành trình chuyển đổi số của bản thân và trường Olympia. 

Share:

Bài liên quan