undefined

Olympians lớp 5 cải biên truyện cổ tích để thay đổi góc nhìn về giới

08 Tháng 3, 2022

Học kỳ vừa qua, trong khuôn khổ dự án liên cấp (khối 4-5), liên môn (Tiếng Việt, Mỹ thuật) với chủ đề “Tự tin là chính mình”, Olympians khối 5 khi tham gia câu lạc bộ Viết đã thực hiện một hoạt động đặc biệt với mục tiêu xây dựng thế giới quan về xã hội bình đẳng giới. Theo đó, các học sinh được sáng tác hoặc cải biên một câu chuyện có sẵn để góp phần thay đổi cái nhìn khuôn mẫu dành cho 2 giới trong các tác phẩm này. 

 

Dưới sự hướng dẫn của các giáo viên Ngữ văn THCS, Olympians khối 5 đã nghiên cứu bộ truyện “Thế hệ bình đẳng - Những câu chuyện cổ tích về bình đẳng giới dành cho thiếu nhi”, do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cùng ChildFund Việt Nam, Đại sứ quán Ireland và Crabit Kidbooks biên tập, minh hoạ, xuất bản. Các bạn sau đó cùng thảo luận về điều mình hay nghe mọi người nói liên quan đến định kiến về giới và nêu quan điểm cá nhân về sự định kiến này.

 

 

Có bạn đã chia sẻ rằng: “Tớ thường nghe mọi người nói việc bếp núc là của phụ nữ, nhưng tớ thấy đó là công việc chung cần sự chia sẻ của cả gia đình”; bạn thì viết: “Tớ thường nghe mọi người nói con trai trang điểm là giống con gái; nhưng tớ thấy trang điểm đơn giản chỉ là để đẹp hơn”… Cứ như thế, khi đã khẳng định được quan điểm cá nhân về giới, mỗi Olympians sẽ lựa chọn hoặc cải biên một truyện cổ tích có sẵn hoặc sáng tác câu mới để thể hiện góc nhìn của mình.

 

Đưa cổ tích đến gần hơn với thực tế cuộc sống, nhân vật Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám qua góc nhìn của Quang Huy (lớp 5H3) không còn là cô gái theo đuổi hạnh phúc đôi lứa với hoàng tử mà thay vào đó là nỗ lực thực hiện ước mơ du học và có một cuộc sống độc lập. Cũng là câu chuyện Tấm Cám đó, Gia Bách (lớp 5H3) khi xây dựng tác phẩm “Bình yên luôn chờ đợi” đã chuyển buổi dạ hội trong nguyên tác thành kỳ thi tuyển sinh vào Đại học. Bên cạnh khai thác câu chuyện một cách hiện đại, Olympian còn “bỏ” vào mạch kể những câu khẳng định về bình đẳng giới như “nam, nữ, ai ai cũng được đi học”.  

 

Một điểm nổi bật trong tác phẩm của Olympians khối 5 khi thực hiện hoạt động là tập trung xây dựng nhân vật nữ có tri thức, độc lập, mạnh mẽ và giàu tình yêu thương. Điều này có thể thấy qua tác phẩm “Người đẹp và quái vật” của Minh Anh (5H1); “Cô gái mù Laura và cuộc hành trình tìm chú chó trên mặt trăng” của Bảo Phúc (5H2); “Sống trong một thế giới đầy định kiến” của Minh Trang (5H3) và “Công chúa ngủ trong rừng” của Khôi Nguyên (5H3).  

 

Ngoài ra, để làm nổi bật tinh thần bình đẳng giới khi cải biên truyện, Olympians đã tráo đổi vai cho nhân vật, như chuyển người đẹp ngủ trong rừng từ công chúa thành hoàng tử (tác phẩm “Hoàng tử ngủ trong rừng” của Tường Minh lớp 5H1), biến Thạch Sanh từ một chàng trai thành nhân vật nữ trong “Cải biên cổ tích Thạch Sanh” của Bảo Long (lớp 5H2).  

 

Hăng hái truyền đi thông điệp phá bỏ định kiến giới thông qua cải biên truyện cổ tích, Olympians còn trổ tài vẽ tranh minh hoạ và làm poster tuyên truyền.

 

 

“Trẻ em biết hết” - đó là những gì tôi thấm thía hơn trên hành trình cùng Olympians khối 5 thực hiện dự án này. Những quan điểm, góc nhìn của các con về định kiến giới đang diễn ra trong đời sống hiện nay; cách các con đọc - hiểu, nhận diện ý nghĩa của những chi tiết mới mẻ trong câu truyện và đề xuất thay đổi góc nhìn về giới thông qua tác phẩm cổ tích cải biên… làm tôi bất ngờ, xúc động”, cô Nguyễn Diệu Hoa nói.

 

Cô cho biết, qua hoạt động cải biên truyện cổ tích và làm poster tuyên truyền bình đẳng giới đã giúp Olympians khối 5 bước đầu hình thành thế giới quan về sự bình đẳng giữa hai giới. Tại trường Olympia, đây là một trong nhiều nội dung được lồng ghép linh hoạt trong nhiều chương trình từ chính khóa, đến hoạt động câu lạc bộ, hoạt động học sinh và các dự án.  

 

Thông qua hoạt động cải biên truyện này, các Olympians cũng rèn được kỹ năng soi chiếu thực tế đời sống vào những kiến thức tưởng như đã quá quen thuộc (cổ tích) để nhận diện vấn đề, phản biện và đề xuất hướng giải quyết mới. Đây là những năng lực cần thiết cho người học ở thế kỉ XXI. Đối với các giáo viên và phụ huynh học sinh, thông qua dự án này mỗi người đã nhận thức rõ hơn rằng trên hành trình giáo dục trẻ nhỏ mỗi tín hiệu, thông điệp truyền ra cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh mang đến những định kiến và áp đặt. 

 

Các thầy cô giáo, phụ huynh quan tâm có thể đọc thêm:

Share:

Bài liên quan