undefined

Olympian THPT trò chuyện về biển Đông với chuyên gia pháp lý về luật biển

21 Tháng 10, 2022

"Biển Đông được bao bọc bởi 9 quốc gia, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Brunei, Phillipines, Campuchia, Singapore, Thái Lan, Indonesia... Vừa may, vừa không may, trên biển Đông có một số nhóm đảo… trong đó có nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa”. PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện Biển Đông (Học viện Ngoại giao), đã mở đầu như thế cho phần trao đổi về lịch sử tranh chấp trên biển Đông, với Olympians K9 và K11, tại sự kiện Glocal Connect số 01 “Biển Đông - Cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 14/10 vừa qua.

Viện trưởng Viện Biển Đông - PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ với Olympians K9 và K11 tại sự kiện Glocal Connect số 1 "Biển Đông - Cơ hội và thách thức" 

Không nặng về sự kiện, con số hay các mốc ngày giờ, chuyên gia pháp lý về luật biển đã kể cho Olympians nghe những câu chuyện về việc từ thế kỷ 17 vua triều Nguyễn đã cho quân ra khai khẩn tài nguyên ở biển Đông. Những hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải thời đó, khi thu lượm sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa trở về, đều phải nộp thuế cho triều đình. Ở đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) có những ngôi mộ gió, bên trong là đất thiêng trên miệng ngọn núi lửa, là cách người dân thờ cúng và tưởng nhớ những người lính đi biển thu lượm hải vật ngày xưa không thể trở. Lễ hội “Khao lề thế lính” vẫn được dân đảo duy trì đến tận ngày nay, cũng bắt nguồn từ tục lệ làm lễ cầu bình an cho hải đội của triều đình đi khai khẩn tài nguyên trên biển Đông…

Những hoạt động diễn ra với danh nghĩa nhà nước nói trên, theo Viện trưởng Viện Biển Đông - Nguyễn Thị Lan Anh, là minh chứng rõ ràng cho việc Việt Nam từ rất sớm đã xác lập chủ quyền trên biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo thời gian và những biến động của lịch sử, câu chuyện tranh chấp trên biển Đông đã xuất hiện và kéo dài đến tận ngày nay với “5 nước 6 bên” có tham gia, gồm: Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Phillipine và Đài Loan. Nhà ngoại giao nhà đàm phán - chuyên gia nghiên cứu các tranh chấp ở biển Đông - Nguyễn Thị Lan Anh tiếp tục chia sẻ về Hiệp ước Hòa bình San Francisco (năm 1952) buộc Nhật Bản phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa; về việc tòa Trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách 'đường lưỡi bò' của Trung Quốc… Những thông tin về tầm quan trọng của biển Đông đối với địa chính trị, giao thương hàng hải quốc tế và nguồn tài nguyên thiên nhiên - năng lượng, cũng được Viện trưởng Viện Biển Đông làm rõ với Olympians thông qua các mô hình và câu chuyện.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh trao đổi với 2 MC chương trình

Bị lôi cuốn theo những câu chuyện nhẹ nhàng, thú vị của PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Olympians K9, K11 đang tìm hiểu chuỗi chủ đề “Địa lí một số khu vực, quốc gia” và “Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông” cứ chăm chú lắng nghe. Thi thoảng những tiếng “à ồ” lại vang lên trước những thông tin bất ngờ, thú vị mà diễn giả mang tới.

Lăng Nhã Hân (K12) cho biết, em đã có cái nhìn tổng quát và sâu rõ hơn về lịch sử, địa lý biển Đông, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này - điều ít khi được đề cập trong sách giáo khoa hay bài giảng của cô thầy giáo. Đỗ Nguyễn Linh Chi (K11) cũng bày tỏ sự thích thú với buổi trao đổi thoải mái, thân thiện, nhiều thông tin thú vị - hữu ích mà diễn giả mang tới. “Những vấn đề và thuật ngữ Lịch sử, Địa lý phức tạp đã được cô Lan Anh đơn giản hóa bằng hình ảnh, câu chuyện. Điều đó giúp chúng em dễ dàng tiếp nhận thông tin và hiểu sâu về các chủ đề khác nhau như tranh chấp trên biển Đông, bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam có chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa”, Olympian nói.

Cảm ơn Viện trưởng Viện Biển Đông - Nguyễn Thị Lan Anh vì buổi chia sẻ thật thú vị, hữu ích trong Glocal Connect số 01 “Biển Đông - Cơ hội và thách thức”.

Với tinh thần “Learn Smart”, “Go Global”, mang thế giới đến gần lớp học và đưa lớp học ra ngoài thực tế cuộc sống, Olympia sẽ tiếp tục tổ chức những buổi gặp gỡ giữa các bạn học sinh với chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, để các bạn có thể “đào sâu” hiểu biết và nắm bắt được những biến động đang diễn ra trong lĩnh vực này.

Share:

Bài liên quan