undefined

Môn Công nghệ chưa bao giờ có bài kiểm tra viết trên lớp

23 Tháng 9, 2021

MÔN CÔNG NGHỆ CHƯA BAO GIỜ CÓ BÀI KIỂM TRA VIẾT TRÊN LỚP

Học sinh khối 7 Olympia đã hoàn thành việc báo cáo bài tập lớn để lấy điểm kiểm tra hệ số 3 cho môn Công nghệ. Điều đáng nói là hoạt động kiểm tra đánh giá lại không được thực hiện theo cách thức thông thường như ở nhiều trường học tại Việt Nam. Trong cuộc trò chuyện với cô Trương Thị Hồng Huệ - giáo viên môn Công nghệ đã gắn bó với Olympia từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi được hiểu hơn về sự đa dạng hóa các hình thức học tập, kiểm tra đánh giá ở bộ môn Công nghệ.

Giảm hình thức kiểm tra đánh giá nặng nề
Với đề bài "Thiết kế và chế biến bữa ăn cho gia đình theo chế độ ăn phù hợp", Olympia thấy rõ sự hào hứng ánh lên trong mỗi học sinh khi các bạn được tự tay thực hiện bữa ăn từ đầu đến cuối. Chẳng còn sự chán nản, áp lực khi mỗi kỳ kiểm tra đến, các bạn nhỏ đã chia sẻ trong bài thuyết trình của mình rằng: "Tuy là bài hệ số 3 nhưng con làm trong trạng thái rất thoải mái và không áp lực. Con vừa làm vừa vui vì thấy việc nấu ăn cũng vô cùng thú vị, chắc chắn con sẽ nấu ăn nhiều hơn vì bố mẹ, ông bà con cứ tủm tỉm cười khi nhìn thấy con vào bếp. Thấy lạ lắm cô ạ”.

Có một điều đặc biệt là môn Công nghệ tại Olympia chưa bao giờ có bài kiểm tra viết trên lớp. Tất cả các bài kiểm tra trong môn học này đều được triển khai dưới dạng các bài tập lớn hoặc dự án nội môn, dự án liên môn từ lớp 3 đến lớp 12. Việc làm mới hoạt động kiểm tra đánh giá không những giúp các con cảm thấy hứng thú, say mê mà còn giúp giáo viên có góc nhìn đa chiều về khả năng của học sinh. 

 

 

Thành quả của học sinh chuẩn bị cho tiết công nghệ


 

Một điều thú vị nữa là phụ huynh học sinh cũng được tham gia vào quá trình học cũng như đánh giá học sinh. Điểm đánh giá của phụ huynh học sinh quyết định đến 50% kết quả cuối cùng, tức là ngang bằng với đánh giá của giáo viên. Việc được bố mẹ đồng hành cùng các con trong học tập sẽ giúp các con cảm thấy được quan tâm, thích thú với việc học hơn, tăng thêm sự gắn kết giữa các con với phụ huynh của mình. Trong bài tập lớn này, có nhiều phụ huynh đã chia sẻ với cô Huệ rằng: "Thế này là bố mẹ yên tâm đi công tác lắm cô ạ, con tự chăm lo cho mình được rồi. Cái cảm giác được ngồi yên nhìn bạn ấy nấu nướng rồi thưởng thức và cho điểm thật là hồi hộp, hạnh phúc".

 

Cô Trương Thị Hồng Huệ - Giáo viên môn Công nghệ tại Olympia


Nhìn vào quá trình báo cáo bài tập lớn vừa rồi của các con, chúng ta có thể thấy ngay những ưu điểm của việc đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá. Thông qua việc lựa chọn chế độ ăn, lên danh sách thực phẩm, tính toán chi phí bữa ăn, và thực hiện chế độ ăn đúng kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm,… các con đã thể hiện được năng lực công nghệ của mình một cách thiết thực nhất, rõ nét nhất chứ không còn dừng lại ở việc hiểu lý thuyết. Bên cạnh đó, việc kết hợp ghi lại quá trình thực hiện bữa ăn và báo cáo bằng slide hình ảnh hoặc video sẽ giúp đánh giá được tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng tin học của các con. Thông qua phong cách báo cáo, các con thể hiện được năng lực ngôn ngữ, kỹ năng thuyết trình của mình, rèn luyện tính chủ động và sự tự tin.

 

Mô hình “Lớp học đảo ngược” trong giáo dục Công nghệ tại Olympia

Tại Olympia, không chỉ việc kiểm tra đánh giá mà cả việc học cũng được đa dạng hóa để học sinh có thể học bằng cả niềm yêu thích. Thiết thực, hấp dẫn là yếu tố đầu tiên khi xây dựng chương trình Công nghệ tại Olympia. Trong môn học này, học sinh tiếp thu các kiến thức, kỹ năng chủ yếu thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm định hướng sản phẩm. 

 

Bất kì chủ đề nào trong môn Công nghệ, học sinh cũng đều được thực hành rất nhiều. Ví như khi học về chủ đề "Trang phục và thời trang", các con sẽ được thực hành để tạo ra một bản vẽ trang phục mà các con yêu thích; tới chủ đề "Nhà ở và an toàn trong nhà ở", các con lại từng bước được trải nghiệm cách làm ra một mô hình nhà ở thông minh. Thay vì chỉ giảng giải lý thuyết suông, việc thực hành giúp các con tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và có thể áp dụng tri thức vào cuộc sống ngay lập tức.

 

Ban giám hiệu cũng như tổ bộ môn Khoa học - Công nghệ ở Olympia luôn định hướng rõ nét về việc thay đổi và sáng tạo các phương pháp học tập để đưa môn học trở nên gần gũi với học sinh. Mô hình "Lớp học đảo ngược" được áp dụng hầu hết trong các tiết của năm học này để tăng thời gian học sinh thực hành, trao đổi trên lớp với mục tiêu: Lấy chất liệu học tập từ cuộc sống và sau khi học sinh học xong sẽ mang tri thức áp dụng lại trong chính cuộc sống của mình.

 

Cô Huệ giải thích: “Ở lớp học bình thường, giáo viên sẽ giới thiệu bài mới tới học sinh ở trên lớp và học sinh có nhiệm vụ làm bài tập ở nhà. Song, ở mô hình “Lớp học đảo ngược”, học sinh sẽ tìm hiểu trước các khái niệm mới ở nhà như là một bài tập và các hoạt động thảo luận, luyện tập, vận dụng thì được cô và trò cùng nhau thực hiện ở trên lớp. Việc áp dụng mô hình học tập này sẽ giúp học sinh hình thành năng lực tự chủ tự học, tư duy độc lập, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Đồng thời, khi đẩy mạnh việc thảo luận, thuyết trình ở trên lớp, thúc đẩy các con đặt câu hỏi và phản biện lẫn nhau sẽ rèn luyện các năng lực giao tiếp hợp tác, năng lực ngôn ngữ và năng lực tin học cho các con”.

 

Công nghệ  là môn học gắn liền với đời sống thực tiễn và nhu cầu nghề nghiệp của xã hội

Trong quan điểm của nhiều bậc phụ huynh và cả học sinh, Công nghệ thường được xem như là một “môn phụ” và ít được quan tâm, dành thời gian so với các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ,… Cô Huệ chia sẻ: “Trong quá trình làm nghề, sinh hoạt chuyên môn, giao lưu với một số trường học ở Việt Nam, cũng có lúc mình cảm thấy buồn vì môn Công nghệ đôi khi là do giáo viên có chuyên môn khác kiêm nghiệm và chưa nhận được sự quan tâm đúng mực. Tuy nhiên, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được công bố, ngày càng nhìn thấy sự tâm huyết từ các thầy cô cũng như sự quan tâm từ phía nhà trường, mình thật sự cảm thấy rất vui với những thay đổi tích cực như vậy”.

 

Năm 2019, cô Huệ được mời viết cuốn sách Công nghệ 6 (Chương trình GDPT 2018) - Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Hiện nay cuốn sách đã được xuất bản và sẽ đưa vào sử dụng trong các trường học bắt đầu từ năm học 2021 - 2022.

 

“Mình hạnh phúc khi ngay từ những ngày đầu mới ra trường và bước chân vào Olympia đến nay đã gần 11 năm, với Olympia không có quan niệm môn chính hay môn phụ. Bên cạnh những năng lực chung, bộ môn Công nghệ giúp học sinh phát triển những phẩm chất năng lực đặc thù để học tập, làm việc hiệu quả trong môi trường công nghệ tại gia đình, nhà trường, xã hội. Đồng thời, bộ môn này cũng mang đến một thế giới đầy màu sắc của các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề một cách chính xác”.

 

Ở mỗi độ tuổi, cấp học, môn Công nghệ lại xây dựng cho học sinh những kiến thức, kỹ năng thiết thực riêng. “Sau khi học Tiểu học, các con có thể sử dụng được một số sản phẩm công nghệ thông dụng trong gia đình đúng cách, an toàn; thiết kế được sản phẩm thủ công kĩ thuật đơn giản; nhận biết được vai trò của công nghệ trong cuộc sống. Khi kết thúc THCS, các con hoàn toàn có thể thiết kế được sản phẩm công nghệ đơn giản. Tốt nghiệp THPT, các con đã được rèn luyện về ý thức lao động, tác phong công nghiệp, có hiểu biết đại cương và định hướng nghề về công nghệ” – cô Huệ giải thích.

 

Môn học nào cũng mang lại những giá trị rất lớn trong quá trình trưởng thành của các bạn học sinh và Công nghệ cũng không ngoại lệ. Bằng việc đa dạng các hình thức học tập, kiểm tra đánh giá, lồng ghép nhiều chủ đề sát với thực tế cuộc sống, tăng tính sáng tạo và thực tiễn, giảm hình thức kiểm tra đánh giá nặng nề, Olympia đã, đang và tiếp tục trang bị cho học sinh hàng trang cần thiết cho tương lai.

 


 

 

 

Share:

Bài liên quan