undefined

Thầy trò chúng tôi hồi ấy

19 Tháng 11, 2021

Hồi ấy là khi mới giải phóng thủ đô. Chúng tôi gồm hai khóa sinh viên Đại học Sư phạm Khoa học vào trường cách nhau vài tháng và về sau cùng tốt nghiệp trong năm 1956. Khóa đầu quen gọi là Khóa O (Zero) chỉ gồm có ba bạn Hiền (Vũ Nguyên Hiền, PhanTích Hiền,  Nguyễn Như Hiền), Mai Đình Yên, Thân Trọng Ninh, bốn bạn về sau dạy ở Đại học Nông nghiệp (Cao Liêm, Nguyễn Tử Khái, Nguyễn Đăng Phong, Nguyễn Văn Lạc). Khóa chúng tôi là Khóa I gồm hai anh em Trần Kiên, Trần Bảo, Nguyễn Quang Vinh, Đặng Ngọc Thanh, Hoàng Đức Nhuận, Phạm Văn Phái, Nguyễn Đình Giậu, Nguyễn Phúc Giác Hải (ở nội thành Hà Nội), Nguyễn Lân Dũng, Phan Kế Lộc (từ Khu học xá Nam Ninh về), từ các tỉnh khác về có Tống Duy Thanh, Nguyễn Hữu Thước, Phan Nguyên Hồng, Lê Văn Đệ, Lê Chí Phiên, Hoàng Ngọc Bạt, Ngô Ngọc Hảo, Lương Ngọc Toản,  Lê Gia Nghị, Nguyễn Như Ất, Vũ Ngọc Mai. Có bốn nữ sinh viên là Phạm Thị Thiều Hoa, Tôn Thị Tích Hương, Nguyễn Thị ngọc Bích, Nghiêm Thị Nhu.

Hầu hết chúng tôi ở nội trú tại một trong bốn ngôi nhà bốn tầng xoay quanh một sân vận động ở Việt Nam học xá (Khu Đại học Bách Khoa bây giờ). Bây giờ là một phường đông đúc dân cư, nhưng hồi ấy chung quanh còn là ruộng lúa. Các tầng trên đều không có…nhà vệ sinh (!). Sáng rủ nhau ra phố Bạch mai để ăn sáng. Ai dám ăn phở, ăn bún, thường chỉ chia nhau củ sắn, củ khoai. Ăn xong là cùng nhau cuốc bộ lên 19 Lê Thánh Tông để học. Trưa lại cuốc bộ về, không về thì lấy gì mà ăn. Bữa trưa tập thể tôi nhớ thức ăn chủ yếu là rau muống, bí đỏ. Ăn xong lại chuẩn bị cuốc bộ lên học tiếp tại 19 Lê Thánh Tông. Chả đứa nào có nổi chiếc xe đạp. Có lần bàn nhau hay là góp nhau tiền mua một chiếc xích lô để ba thằng ngồi, một thằng đạp (!), bàn thế thôi chứ làm gì có tiền mà góp. Quần áo thì có gì mặc nấy. Tôi nhớ bạn Đặng Ngọc Thanh hồi ấy còn mặc quần giải rút (chúng tôi gọi đùa là quần âm lịch) và dùng bút chấm mực (!). Nghèo và gian khổ như vậy nhưng chúng tôi học rất tốt, tốt hơn cả sinh viên của chúng tôi sau này.

Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi được học với một đội ngũ các thầy giáo thật khả kính. Các thầy ở kháng chiến về như các thầy Lê Khả Kế, Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến, Hoàng Ngọc Cang, Lê Thạc Cát, Nguyễn Văn Chiển, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long. Các thầy rủ nhau học cấp tốc tiếng Nga qua một cuốn sách tiếng Pháp là Le Russe. Thế là đọc được và sử dụng ngay bộ sách giáo khoa Sinh học của các trường Đại học Xô Viết để dạy chúng tôi. Noi gương các thầy, chúng tôi cũng ra sức học tiếng Nga với các thầy Trần Thống, Vân Long để có thể đọc được sách tiếng Nga mua ở một hiệu sách ngoại văn ở phố Tràng Tiền. Hồi ấy bên cạnh các thầy từ kháng chiến về còn có các thầy ở nội thành cũ. Đó là thầy Ngỗi (phụ trách thực tập Thực vật học). thầy Ngô Quốc Quýnh (thực tập Vật lý), thầy Vũ Văn Canh (thực tập hóa học)…

Tại sao tôi dám tự nhận là học còn hơn các bạn sinh viên bây giờ? Đúng như vậy, tôi nhớ thực tập Hóa học chúng tôi phải tự tìm xem trong một hỗn hợp có cả thẩy những nguyên tố nào bằng cách sử dụng các hóa chất và các thuốc thử khác nhau. Thi Thực vật học chúng tôi phải tự tìm tên La tinh và vị trí phân loại của 10 mẫu thực vật có hoa khác nhau. Có lớp sinh viên nào hiện nay làm được như vậy đâu? Các thầy thực sự là những tấm gương đáng kính không chỉ về chuyên môn mà còn cả về tư cách, đạo đức. Tất cả các thầy hôm nay đều đã về chốn vĩnh hằng, không trừ một ai, nhưng tấm gương của từng thầy sẽ còn sống mãi trong mỗi chúng tôi. Noi gương các thầy, chúng tôi lần lượt đảm nhiệm các cương vị khác nhau sau khi tốt nghiệp. Nhiều đứa trở thành giảng viên đại học, trở thành cán bộ nghiên cứu ở Viện khoa học Việt Nam và nhiều viện nghiên cứu khác, nhiều bạn là giáo viên phổ thông hay cán bộ quản lý giáo dục. Đến hôm nay, không chỉ có các thầy mà nhiều bạn cũng đã theo các thầy về chốn vĩnh hằng. Đó là các bạn Vũ Nguyên Hiền, PhanTích Hiền,  Nguyễn Như Hiền, Mai Đình Yên, Thân Trọng Ninh, Cao Liêm, Nguyễn Tử Khái, Nguyễn Văn Lạc, Trần Kiên, Trần Bảo, Hoàng Đức Nhuận, Phạm Văn Phái, Nguyễn Đình Giậu, Nguyễn Phúc Giác Hải, Lê Chí Phiên, Lương Ngọc Toản,  Lê Gia Nghị, Phạm Thị Thiều Hoa, Nghiêm Thị Nhu.

Bổ sung cho các giáo trình mà các thầy của chúng tôi đặt nền móng ban đầu, chúng tôi lần lượt viết các bộ sách giáo khoa, sách thực tập và sách tham khảo để hôm nay có đủ các sách giáo khoa  và sách tham khảo sinh học. Nhiều bạn có các công trình nghiên cứu có giá trị quốc tế, nhiều bạn là giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo nhân dân. Tất cả chúng tôi đều có cuộc sống trong sạch, gương mẫu, xứng đáng với tư cách nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục. Chúng tôi đã góp phần đào tạo lớp lớp sinh viên sinh học, bổ sung cho thế hệ thầy cô giáo sinh học, các nhà nghiên cứu sinh học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và cả các cán bộ của các Hội ngành Sinh học (chuẩn bị thành lập Tổng hội Sinh học Việt Nam).

Sống hết mình, học tập, nghiên cứu khoa học cũng hết mình nên chúng tôi chẳng hối tiếc gì cho một quãng đời sinh viên đầy tự hào cùng với những người thầy cao quý.

Giáo sư - Tiến sỹ Sinh học - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng

Phó Chủ tịch thường trực Hội các ngành Sinh học Việt Nam

Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực

Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN

Thầy Lân Dũng là một trong những nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng cả nước, ông từng nhiều năm làm cố vấn giáo dục cho trường phổ thông liên cấp Olympia ngay từ những năm đầu thành lập.

 

Share:

Bài liên quan