undefined

Tiếng anh không chỉ là môn học, nó là ngôn ngữ, là “công cụ” để mở rộng thế giới quan của trẻ

23 Tháng 9, 2021

Có nhiều phương pháp để tiếp cận và giảng dạy tiếng Anh. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với cô Phương Thảo - một giáo viên tiếng Anh tiểu học tại Olympia để hiểu hơn những suy nghĩ về môn học luôn được bố mẹ quan tâm trong bất cứ mùa tuyển sinh nào.

 

Xin chào cô Phương Thảo và cảm ơn cô đã tham gia phỏng vấn. Phương Thảo đã làm việc tại trường Olympia được bao lâu rồi?

 

Đã bước sang năm thứ ba mình làm việc tại Olympia. Hồi mới bắt đầu công việc mình làm phó chủ nhiệm, bây giờ mình làm cả chủ nhiệm kiêm công việc chuyên môn với học sinh khối 2.

 

Giữa công việc chuyên môn và công việc chủ nhiệm, điều gì khó hơn?

 

Rất khó để so sánh việc làm chủ nhiệm và làm chuyên môn. Với bất cứ người giáo viên nào, làm chuyên môn đã giúp định hình bản thân và giúp mình hiểu công việc của mình hơn, với hành trình đi học chuyên ngành tiếng Anh 4 năm, làm các công việc liên quan tới giáo dục và tiếng Anh. Cả hai công việc đều có những khó khăn và thách thức riêng nhưng để so sánh cái nào khó khăn thì chắc khó lắm. 

 

 

Với giáo viên, khó khăn nhất là tạo được hứng thú cho học sinh. Nếu học sinh không hứng thú với môn học, các giác quan của con sẽ “đóng lại”, không tiếp thu được.


Là một người gắn bó với giáo dục tiểu học và tiếng Anh nói riêng, theo cô Phương Thảo tầm quan trọng của môn tiếng Anh với trẻ như thế nào?

 

Không chỉ tiếng anh mà bất cứ ngôn ngữ nào cũng mở ra một thế giới mới với trẻ. Khoảng thời gian tiểu học là lúc giúp trẻ tiếp thu mọi thứ nhanh và tự nhiên nhất. Học tiếng Anh không chỉ là học cách giao tiếp hay một môn học. Trong quá trình trẻ học tiếng Anh song song cùng tiếng mẹ đẻ, các con sẽ có sự so sánh, nhìn ra sự giống nhau và khác nhau giữa các ngôn ngữ, giúp học sinh tư duy hiệu quả hơn, có thêm hiểu biết kiến thức, văn hóa về một đất nước mới. Học một ngôn ngữ là học cả cách tư duy, cách suy nghĩ của một cộng đồng mà thông qua đó, trẻ sẽ có cơ hội nhìn nhận thế giới đa chiều hơn.

 

Đây là một thời điểm có giá trị khi trẻ được tiếp nhận công cụ mở rộng thế giới quan, tiếp xúc với các tài liệu mới, tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên không gò bó. Người lớn học tiếng Anh đặt nặng nhiều về ngữ pháp từ vựng nhưng với trẻ, con tiếp nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ đầy tự nhiên và bản năng hơn. 

 

Mình không cổ xúy việc học tiếng Anh cực kỳ sớm ở trẻ vì còn phụ thuộc vào sở thích, điều, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, tiếp xúc với tiếng Anh càng sớm thì sẽ càng giúp học sinh đi vào thế giới ngôn ngữ tự nhiên hơn. 

 

Vậy để giúp học sinh có thể mở rộng thế giới quan thông qua việc học tiếng Anh, trường tiểu học Olympia đang làm gì?

 

Thế giới là một tập hợp các câu chuyện và thông qua kể chuyện, chúng ta tiếp thu và học kiến thức mới nhanh nhất. Trẻ em cũng vậy. Có rất nhiều điều đặc biệt ở việc dạy học tiếng Anh tiểu học Olympia nhưng với mình, tiếng Anh tiểu học có sự lồng ghép của các câu chuyện. Cá nhân mình thích dạy ngữ pháp thông qua câu chuyện, dù ngây ngô buồn cười nhưng giúp học sinh ghi nhớ dễ dàng và tiết học không bị nhàm chán. Khi được giao nhiệm vụ, các bạn học sinh sẽ phát huy sáng tạo từ các câu chuyện đó. 

 

Học sinh Olympia được hỏi nhiều câu hỏi mở rộng và tiếp xúc với các chủ đề đọc rộng hơn. Nhờ vậy, học sinh không chỉ có kỹ năng tiếng Anh mà còn mở rộng kiến thức trong nhiều lĩnh vực. Mình vẫn nhớ có một bài đọc về câu chuyện một cô gái người đạo Hồi và các bạn học sinh đã tìm hiểu về chủ đề mới rất sôi nổi. 

 

Bản chất của ngôn ngữ là sống. Ở Olympia học sinh sẽ được học những điều thực sự có tính ứng dụng trong đời sống, giúp các con ứng biến ngôn ngữ một cách tự nhiên, sử dụng các cụm từ không rập khuôn để vận dụng linh hoạt ngôn ngữ trong giao tiếp. Các chủ đề đời thường cũng được đưa vào chương trình dạy giúp tiếng Anh không còn xa lạ.

 

Có rất nhiều điều đặc biệt ở việc dạy học tiếng Anh tiểu học Olympia nhưng với mình, tiếng Anh tiểu học có sự lồng ghép của các câu chuyện.

 

Nghề nghiệp nào cũng đi kèm với khó khăn và thách thức; cô Phương Thảo nghĩ có điều gì thách thức bản thân mình ở công việc giảng dạy không?

 

Với giáo viên, khó khăn nhất là tạo được hứng thú cho học sinh. Nếu học sinh không hứng thú với môn học, các giác quan của con sẽ “đóng lại”, không tiếp thu được. Nếu như các bạn nhỏ không được giao chủ đề vừa sức, hứng thú thì sẽ khó tiếp thu. 

 

Với các môn học khác, khái niệm được diễn giải bằng tiếng Việt nhưng tại lớp tiếng Anh, giáo viên sẽ cố gắng tối đa hóa sử dụng tiếng Anh nên việc giao tiếp sẽ khó hơn so với sử dụng tiếng Việt. Giáo viên phải làm sao để cách truyền tải dù đơn giản, thú vị nhưng vẫn tối đa hóa việc tiếp nhận tiếng Anh. Chính vì thế nên mới thấy, dạy tiếng Anh trẻ con đôi khi khó hơn người lớn.

 

Điều quan trọng nhất với giáo viên là sự sáng tạo. Bản thân là giáo viên tiếng Anh cho các bạn học sinh của thế hệ mới nhưng mình lại là “sản phẩm” của nền giáo dục cũ nên dễ đi vào lối mòn của những thứ ngày xưa được tiếp nhận. Sáng tạo và tìm tòi đổi mới là những điều quan trọng với giáo viên tiếng Anh. 

 

 

Yêu cầu và nhu cầu với môn Tiếng Anh ngày càng cao có phải là áp lực đối với giáo viên?

 

Nó không chỉ là áp lực với giáo viên mà cả với học sinh. Bố mẹ sẽ sốt sắng hơn, quan tâm đến thành tích của con và đôi khi có thể dẫn đến việc dồn ép con học, thi nhiều hơn; từ áp lực lên con sẽ dẫn tới áp lực lên giáo viên với các câu hỏi như “sao bây giờ cháu còn chia sai động từ? sau giờ cháu chưa có bằng Flyers?”... 

 

Mỗi bạn nhỏ có tiến trình khác nhau nên việc học cũng khác. Không phải ai cũng hiểu rằng ở giai đoạn này trẻ cần mắc lỗi, có thể mắc lỗi và sửa sai. Việc học theo cấu trúc kiến thức chôn ốc sẽ được tăng tiến sau từng cấp học, điều này không phải bố mẹ nào cũng hiểu và con sẽ học được những kiến thức nâng cao hơn ở bậc sau. 

 

Cảm ơn cô Phương Thảo vì những chia sẻ của mình!

 

 

 

 

Share:

Bài liên quan