undefined

Trẻ lớp một không cần học chữ, học số trước: Đi “chậm” để trẻ hiểu lâu, hiểu sâu mới là quan trọng

23 Tháng 9, 2021

Nói là “chậm” với một dấu ngoặc kép, cô Thu Ngọc chỉ cười vì “chậm” và “nhanh” chỉ là những từ mang tính tương đối. Ở Olympia, học sinh đang đi đúng hướng với việc học chương trình lớp Một và đúng theo bản chất của việc học.

 

Giai đoạn cuối năm chứng kiến những cuộc “nước rút” của học sinh khi việc ôn luyện, thi cử diễn ra liên tục. Không chỉ học sinh, các phụ huynh cũng đang “nước rút” với việc tìm trường cho con cùng rất nhiều nỗi lo khi con chuẩn bị vào lớp Một. 

 

Phụ huynh lo lắng cũng hoàn toàn có lý do cả khi trong bối cảnh giáo dục hiện tại, nhiều trường tiểu học coi việc “biết chữ, biết số” trước của các em 5 tuổi là điều cần phải có để đáp ứng được với kỳ thi đầu vào của nhà trường. Dù có cởi mở tới đâu, nhiều phụ huynh cũng lấn cấn với câu chuyện “có nên cho con đi học trước không?” khi thấy bạn bè đồng trang lứa đều đã đi học, sợ con sẽ bị bỏ lại khi vào lớp Một hay không thể vào được trường chất lượng.

 

Một cuộc trò chuyện với cô Thu Ngọc - thành viên Ban Giám Hiệu Tiểu học Olympia như giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về việc học lớp Một tại trường và giúp phụ huynh hiểu được bản chất của việc học lớp Một là gì.


 

Bên cạnh việc học, trẻ cần có thời gian vui chơi, học tập qua trải nghiệm, vận động và nhiều hình thức đa dạng.

 

Xin chào cô Thu Ngọc. Với việc nhiều phụ huynh lo lắng rằng con nếu không đi học trước sẽ không theo kịp các bạn, cô Ngọc nghĩ thế nào về việc học trước của trẻ trước khi vào lớp Một?

 

Tôi nghĩ để nói về việc học trước của trẻ, chúng ta phải hiểu rõ bản chất của việc học với học sinh lớp Một là gì và việc biết chữ trước, biết số trước sẽ có ý nghĩa gì với trẻ. Tại Olympia, chúng tôi đều thống nhất với một quan điểm giáo dục rằng chúng ta mượn kiến thức để rèn luyện tư duy cho học sinh.

 

Điều đó có nghĩa là gì? rằng học về con số hay phép tính là để học sinh biết cách tư duy, hình thành khả năng suy nghĩ logic, học về con chữ giúp học sinh bắt đầu khai mở khả năng ngôn ngữ, tư duy ngôn ngữ chứ không đơn thuần chỉ là học sinh biết đếm, biết đọc chữ. Đi theo kết quả đo đếm trực diện là học sinh biết viết trước, đọc trước thì có rất nhiều cách và nhanh lắm - như cách thế hệ chúng ta đã được học, nhưng chúng tôi không muốn làm vậy. Thông qua dạy con số, học sinh cần hiểu về bản chất của tập hợp, thông qua con chữ, học sinh nắm bắt được về ngữ âm, về khả năng giao tiếp. Xây dựng khả năng tư duy cho trẻ cần phải đi từ nền tảng, học sinh trả lời được câu hỏi tại sao 1+1=2 chứ không chỉ thuộc làu làu 1+1=2. 

 

Tôi biết nhiều trường yêu cầu trẻ biết đọc, viết trước khi vào lớp Một. Chúng tôi không bài xích cách thức như vậy nhưng nó không đi đúng với phương pháp giáo dục Olympia. Tôi mong muốn trẻ con sẽ có tuổi thơ hơn, có tư duy với kiến thức nền tảng. Nhiều phụ huynh giờ đây cũng có quan điểm tiến bộ và hiểu cách nhà trường đang làm, không đặt nặng kiến thức mà quan tâm nhiều hơn tới tư duy và sự phát triển toàn diện của con trẻ. 

 

Nhưng rõ ràng, vào lớp Một là một bước rất quan trọng đòi hỏi cả phụ huynh, học sinh và nhà trường cần có chuẩn bị. Olympia sẽ làm gì để trẻ có thể vững vàng vào lớp Một?

 

Chúng tôi có triển khai chương trình “Mai con vào lớp Một” để học sinh có bước chuyển tiếp mượt mà từ chương trình mầm non lên tiểu học. Đây là bước đệm rất quan trọng từ cả việc học các môn học cho tới làm quen với môi trường - đây là điều rất quan trọng. Học sinh được làm quen với bảng chữ cái, học viết cơ bản, biết cách cầm bút. Những kiến thức tiền đề để học sinh có thể học kiến thức lớp Một Olympia rất quan trọng. Điều quan trọng hơn, nó giúp chúng tôi hiểu học sinh và có kế hoạch rõ nét hơn khi con vào lớp Một. 

 

Thông qua chương trình, chúng tôi cũng giúp học sinh hiểu một ngày ở lớp Một ra sao, hình thành các thói quen ăn uống nghỉ ngơi, đi vệ sinh như thế nào, lớp học ra sao, sắp xếp sách vở thế nào… Chúng ta không chỉ nói về con số hay con chữ khi trẻ vào lớp Một khi đây cũng là những điều rất quan trọng trẻ cần được chuẩn bị trước. Đó là quá trình tư duy và trẻ con lớn lên từ những điều như vậy; dù làm bất cứ điều gì cũng coi trọng việc phát triển tư duy của trẻ. 

 

Nếu không cho học sinh học trước, nhà trường có sợ các con sẽ đi “chậm” hơn các bạn đã học trước hay cả học sinh trường ngoài?

 

Theo tôi, đây không phải là “chậm” mà đang đi đúng hướng, đúng tiến trình. Nhìn xa hơn, đến hết năm lớp Một, bạn nào cũng biết đọc biết viết. Trên thực tế, ở trong cùng lớp học, để phù hợp với năng lực của từng học sinh, chúng tôi chủ trương dạy học phân hóa - một điều đã được triển khai ở Olympia từ rất lâu.

 

Phân hóa hay cá nhân hóa học sinh giúp chúng tôi hiểu rõ thế mạnh của từng em, bạn này mạnh chỗ này, bạn kia mạnh cái khác. Với mỗi học sinh, chúng ta cần có một cách tiếp cận khác chứ không chỉ có một khuôn mẫu áp dụng cho tất cả. Chúng tôi không dạy 1 lớp với 24 đứa trẻ, chúng tôi đang dạy 24 đứa trẻ trong một lớp. Chính vì vậy, các thầy cô cần thiết kế chương trình phù hợp để thích ứng với năng lực, tư duy của trẻ. Trong từng kiến thức, có bạn đi nhanh, có bạn đi từ tốn hơn thì giáo viên cần xây dựng chương trình ra sao để phù hợp. Ví dụ trong giờ toán, nếu bạn nào làm xong các phần cơ bản thì có thể có các phiếu tự chọn để con làm thêm. 

 

Nhìn vào kết quả học tập của học sinh Olympia trong nhiều năm qua, chúng tôi tin rằng học sinh không cần học trước nhưng vẫn có kết quả xuất sắc và quan trọng hơn cả là tư duy tốt, tinh thần tự học, đam mê tìm tòi khám phá. “Đầu ra” quan trọng với việc học không chỉ là kiến thức, đó còn phải là năng lực tự học để dù học tập ở bất cứ đâu, đã tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp, học sinh vẫn phải thấy đam mê với việc học tập chứ không sợ hãi.

 

 

Vậy cô Ngọc có nghĩ rằng việc học trước sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực hay có hậu quả gì với học sinh?

 

Hậu quả thì tôi nghĩ là không; con người có khả năng thích nghi tuyệt vời để sinh tồn. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng thời gian tuổi thơ không có quá dài còn thời gian để học thì có cả cuộc đời. Tôi mong muốn quãng tuổi thơ của các em hãy để dành cho việc kết nối với gia đình, kết nối khám phá thiên nhiên và có nhiều bài học thông qua các trò chơi và trải nghiệm chứ không đơn thuần là cắm cúi với đọc, viết. 

 

Với mỗi độ tuổi, trẻ con sẽ phù hợp với một hình thức học tập khác nhau. Trẻ 5 tuổi cần có môi trường học tập thoải mái và phóng khoáng, học tập qua vận động. Nhìn ra thế giới sẽ thấy nhiều trường học với các bạn 5,6 tuổi đâu có bắt các con ngồi trong lớp học cả ngày đâu; học sinh học thông qua 5 giác quan, học tập bằng các hình thức vận động. 

 

Chúng ta không thể nhìn rõ được những tác động nhãn tiền lên trẻ của mọi điều khi các em mới 5, 6 tuổi nhưng rõ ràng, khi đời sống tinh thần của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng, nó sẽ phần nào tác động tới các em sau này.

 

 

Share:

Bài liên quan