undefined

Từ nước Pháp về Việt Nam: Câu chuyện của chuyên gia tâm lý học trẻ em Phương Hoài Nga

22 Tháng 9, 2021

Thạc sĩ Phương Hoài Nga - chuyên gia về tâm lý học trẻ em và vị thành niên với gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tại nước ngoài và Việt Nam, một người đã gắn bó với Olympia trong suốt hơn 10 năm qua, đã có những chia sẻ về tâm lý học đường - ngành nghề vẫn còn khá mới tại Việt Nam .

Điều gì mới mẻ cũng đi kèm với thách thức, và chắc chắn nghề nghiệp của một chuyên viên tư vấn tâm lý trường học cũng vậy?

Tôi nghĩ nghề nghiệp nào cũng khó khăn, một chuyên gia tư vấn tâm lý trường học cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Tâm lý học trường học là một ngành mới. Đa phần những người làm tâm lý trường học đến từ các mảng chuyên ngành tâm lý khác nên sẽ cần có sự biến chuyển cho phù hợp.

Công việc của người làm tâm lý trường học đôi khi cũng chưa được nhìn nhận một cách chính xác. Từ “tâm lý” được gắn với nhiều thứ, kể cả tâm lý khách hàng hay tư vấn tâm lý cho người trưởng thành. Đôi khi những mong đợi cao nơi các chuyên viên tâm lý học đường khiến mọi người không nhận diện được bản chất thật của công việc này. Cái khó của nghề tâm lý học đường là các chuyên viên tâm lý phải biết khu trú được mảng công việc của mình, tập trung vào sức khỏe toàn diện của học sinh là điều quan trọng nhất.

Khi làm trong trường học, người làm nghề Tâm lý học đường được mong đợi làm nhiều nhưng đôi khi hơi đơn độc. Công việc của chuyên viên tâm lý không phải ai cũng hiểu, nhưng người khác đều mong các chuyên gia tâm lý hiểu được họ. Chúng tôi làm việc độc lập nhiều, đòi hỏi mỗi người phải thực sự bản lĩnh và vững vàng mới có thể dấn thân được với công việc. 

 

 

Có điều gì khác biệt trong công việc của một chuyên gia tư vấn tâm lý trường học và một giáo viên?

Một trong vấn đề người làm Tâm lý học trường học hay cảm thấy khó chịu là bị gọi là “giáo viên tâm lý”. Mỗi một nghề nghiệp trong trường học sẽ có chức năng riêng. Giáo viên làm công việc chính là dạy học, chuyên viên tâm lý làm công việc chính là hỗ trợ, tư vấn, đảm bảo sức khỏe tinh thần toàn diện cho học sinh. Cả hai công việc có những điểm tương đồng khi cùng phải làm việc với trẻ với mục đích nâng đỡ mỗi học sinh nhưng có những điều rất khác biệt.

Người làm tâm lý không đánh giá người mình giúp đỡ mà giúp người được giúp đỡ có thể tự đánh giá quá trình của họ. Điều này cũng khác với các giáo viên khi người dạy học vẫn thường xuyên đánh giá năng lực của học sinh. 

Tại sao chị Hoài Nga lại chọn tâm lý học đường chứ không phải các mảng tâm lý khác?

Tôi nghĩ điều khiến mình chọn tâm lý học đường để gắn bó chứ không phải các ngành tâm lý khác là vì tình yêu học sinh, đặc biệt là những đứa trẻ ở Olympia khi tôi đã dành nhiều năm tháng tại đây. Đây cũng là điều tôi tin chắc các chuyên viên tư vấn tâm lý khác cũng cảm thấy. 

Hồi mới trở về Việt Nam từ Pháp, tôi cũng băn khoăn không biết nên làm công việc gì hay làm ở đâu. Nghề tâm lý học gắn nhiều với nghề giúp đỡ nên thời gian đầu, tôi chọn đi theo nhánh làm việc với các nhóm yếm thế trong xã hội như người có HIV, nạn nhân buôn người...

Sau một thời gian, đâu đó trong tôi vẫn trăn trở với mảng giáo dục nên đã quyết định chuyển sang mảng này và bắt đầu làm đại học. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình thực sự muốn làm với các đối tượng nhỏ hơn, đối tượng học sinh. Sự thay đổi trong mỗi đứa trẻ là điều có thể dễ dàng nhìn thấy và khi đó, mình thấy công việc đang làm có ý nghĩa hơn rất nhiều. Tôi nhận ra đây là đối tượng mình muốn làm việc nhất khi mình có thể tạo ra những thay đổi trên hệ thống và từng cá nhân, tạo được sự chuyển hóa sâu sắc tới từng con người. 

Ở Olympia, tôi gặp những con người khao khát một chất lượng sống tốt và giáo dục tốt hơn cho trẻ nhỏ. Sự đồng điệu trong tình yêu cho trẻ nhỏ là điều đã giúp chúng tôi thành công hơn với mô hình này.  

Tâm lý học đường là một trong những lĩnh vực vẫn còn mới ở Việt Nam, các chuyên viên ở Olympia đã làm thế nào để có thể tiếp cận những điều mới? 

Không có lịch sử lâu đời với hàng loạt chuyên gia như các bộ môn khác, tâm lý học đường vẫn còn là một nhánh mới mẻ, nhân sự mỏng cũng như cơ hội học tập ít hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nỗ lực để không ngừng nâng cao chất lượng. Sinh hoạt chuyên môn được phân làm ba cấp: Với các chuyên viên trong chính Olympia, tham gia sinh hoạt chuyên môn với các trường đại học trong nước và tích cực  tham gia vào nhiều hiệp hội tâm lý học quốc tế. Đây là cách để mọi người bắt kịp với xu thế liên quan tới tâm lý học đường trên thế giới và áp dụng tại Olympia. 

Mỗi năm, các chuyên viên tâm lý tại Olympia tham gia khoảng 4-5 hội thảo với báo cáo và bài tham luận. Gần đây, tôi cũng vừa có bài báo cáo “mô hình tâm lý học học đường tại trường Olympia” trong hội thảo quốc tế “Tâm lý học - Giáo dục học vì sự phát triển của học sinh và nhà trường hạnh phúc”.

Bước vào thế giới tâm lý của học sinh đòi hỏi các chuyên gia tâm lý cũng cần tâm lý vững vàng. Chị phải làm gì để luôn sẵn sàng khi học sinh cần tới mình?

Là một chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, tính chuyên nghiệp là điều cần thiết. Phải luôn đánh giá xem mình có đang sẵn sàng giúp đỡ hay không và mình có thể tiếp nhận được những vấn đề của học sinh không. Tính chuyên nghiệp cho phép mình được trì hoãn hoặc tìm những giải pháp khác. Nếu nghĩ mình không thích hợp với học sinh hoặc vấn đề quá phức tạp thì có thể hẹn lại hoặc chuyển cho một chuyên viên khác. 

Làm việc với con người chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt với học sinh khi mọi tác động đến lũ trẻ, nếu không phù hợp sẽ để lại hậu quả lâu dài. 

Xin cảm ơn chị Hoài Nga vì cuộc trò chuyện.

Share:

Bài liên quan