undefined

Vì trẻ cần nhiều hơn một điểm 10

23 Tháng 9, 2021

Trong buổi talkshow “Vun đắp phẩm chất, năng lực nền tảng cho trẻ” diễn ra tại trường PTLC Olympia ngày 24/06/2021, 4 vị khách mời đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện nuôi dạy trẻ ở giai đoạn Tiểu học. 

 

Trường học đang lấy đi năng lực sáng tạo của học sinh?

 

Nhà báo Kim Hải, người dẫn dắt chương trình tọa đàm đã mở đầu câu chuyện khi giới thiệu những dụng cụ học tập quen thuộc. Liệu đây có phải những điều duy nhất cần chuẩn bị cho con vào Tiểu học?

 

Từ từng món đồ vốn gần gũi ấy, các vị khách mời đều đồng ý rằng, các hình mẫu gắn với việc học tập truyền thống đó cần thiết nhưng chưa đủ. Theo nhà báo Phạm Thị Hoài Anh, điều chị mong muốn con có được khi vào Tiểu học là năng lực tự phục vụ, khả năng tập trung cũng như tâm thế rằng đến trường, đi học là điều rất vui. 

 

 

4 vị khách mời tham gia tọa đàm “Vun đắp phẩm chất, năng lực nền tảng cho trẻ” .


Năng lực với nhiều phụ huynh vẫn là khái niệm trừu tượng, đặc biệt với học sinh Tiểu học. Theo Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, nhiều phụ huynh vẫn đang dùng điểm số làm thước đo cho năng lực. Tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là “các bài kiểm tra đang đánh giá năng lực nào của con.” Các năng lực cần thiết cho học sinh bao gồm: Năng lực tổng quát và năng lực chuyên biệt - tổng hợp các năng lực tổng quát ở trên để áp dụng vào việc học của mình. Cấu phần thứ ba của Năng lực được các nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng cần thiết với học sinh chính là động lực học tập tự nhiên của trẻ và mức độ cam kết với việc học. Yếu tố thứ tư cần thiết là năng lực sáng tạo tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, việc học ở trường, ở các trung tâm đang dần lấy đi năng lực sáng tạo này. 

 

“Với tôi, hình ảnh một đứa trẻ phải khóc vì việc học là một hình ảnh phản giáo dục.” Tiến sĩ Chí Hiếu chia sẻ khi đề cập tới câu hỏi tại sao nhiều trẻ em mất dần động lực học tập khi tới trường.

 

Việc học không nên là để trẻ đi tìm câu trả lời đúng mà thay vào đó nên mở ra cơ hội để trẻ khám phá. Việc học cần phải cân bằng với sự sáng tạo, không nên chỉ tập trung vào việc đi tìm đáp án đúng - sai cho các vấn đề. 

 

“Nếu không có sự trân trọng những thứ tự nhiên, trân trọng suy nghĩ của trẻ thì từ từ chúng ta sẽ giết chết sự sáng tạo của trẻ.”

 

Cô Hoàng Khánh Phương, giáo viên Toán Tiểu học Olympia, việc dạy học theo cách tiếp nhận kiến thức và kỹ năng sẽ khiến học sinh nhanh quên, học máy móc. Tuy nhiên nếu dạy học theo cách phát triển năng lực, học sinh sẽ hiểu được bản chất của việc học, có động lực suy nghĩ, phát triển năng lực giải quyết vấn đề. 

 

“Việc học Toán theo phương pháp phát triển năng lực sẽ giúp học sinh cải thiện bốn năng lực chuyên biệt của môn Toán: Năng lực tư duy và lập luận, Năng lực mô hình hóa toán học, Năng lực giao tiếp toán học và năng lực giải quyết vấn đề.”

 

Cô Phương cho rằng, việc học theo định hướng phát triển năng lực sẽ đem lại nhiều lợi ích cho học sinh.

 

Bỏ điện thoại xuống, nói chuyện với con đi mẹ ơi

 

Bên cạnh năng lực, phẩm chất là điều được nhiều bậc phụ huynh và nhà trường chú trọng xây dựng cho trẻ trong giai đoạn chuyển tiếp từ tiền Tiểu học lên Tiểu học. Với con gái đang học Tiểu học, nhà báo Hoài Anh luôn khuyến khích con giúp đỡ mọi người, lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn cũng như phát triển khả năng đồng cảm. Lắng nghe là thứ trừu tượng nhưng con cái có thể học theo bố mẹ. Ví dụ, thay vì vừa nói chuyện với con vừa bấm điện thoại thì bố mẹ nên tập trung vào câu chuyện của con hơn.

 

Từ kinh nghiệm dày dạn của bản thân, Tiến sĩ Chí Hiếu nhận thấy có hai xu hướng xây dựng chương trình giáo dục: Chú trọng vào học thuật và chú trọng vào phát triển môi trường xã hội, xây dựng phẩm chất. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu trên thế giới, khoảng cách về khả năng học thuật của hai nhóm càng ngày càng bị thu hẹp. Từ đó, họ đưa ra kết luận rằng việc xây dựng phẩm chất cho học sinh, đặc biệt trong giai đoạn Tiền Tiểu học và Tiểu học, rất quan trọng.  

 

Hãy để trẻ học cách chung sống và biết lắng nghe - chia sẻ là điều quan trọng.

 

Có ba chùm phẩm chất tính cách cơ bản cần thiết cho các bạn học sinh: chùm phẩm chất hướng nội - học sinh với chính mình (tự chủ - sự bền bỉ - kiên định), chùm phẩm chất hướng ngoại - học sinh với người khác (trí thông minh cảm xúc xã hội - sự trân trọng và biết ơn), chùm phẩm chất tư duy (sự tò mò - lạc quan hy vọng - sự hăng hái và nhiệt thành). 

 

Hiểu trẻ từ những năm đầu đời

 

Hiểu trẻ là một từ khóa quan trọng với bố mẹ và nhà trường, đặc biệt trong những giai đoạn nền tảng như Tiểu học. Chị Hoài Anh cho rằng, điều quan trọng khi học sinh bước vào tiểu học là hành trình tách dần khỏi bố mẹ. Con cái bắt đầu không cần sự giúp đỡ của bố mẹ nhưng vẫn có nhu cầu gắn bó tình cảm. Đâu đó sẽ có sự giằng co trong chính mỗi bạn học sinh giữa việc thể hiện tình cảm và việc thể hiện bản thân độc lập, “hôn bố hôn mẹ có xấu hổ không?”, “có nên nhờ bố mẹ giúp đỡ không?”. Sau giai đoạn tiểu học khi lên cấp hai, nhiều trẻ sẽ tách ra khỏi bố mẹ hoàn toàn. 

 

“Điều quan trọng nhất bố mẹ nên làm là luôn luôn để cho con cảm nhận được cho dù có thế nào thì con luôn luôn có bố mẹ… bố mẹ phải luôn luôn là người bảo vệ con.”

 

Đồng tình với chị Hoài Anh, nhà báo Kim Hải cũng cho rằng để hiểu con cái, cha mẹ phải thực sự gần con cái. Nếu không sẽ tạo ra khoảng đứt gãy, như cách Tiến sĩ Chí Hiếu miêu tả, khi bố mẹ và con cái không thể kết nối với nhau nữa. Thời gian kết nối cùng con trẻ là điều vô cùng quan trọng. Một khi kết nối đã đứt gãy, đặc biệt trong giai đoạn cấp Hai, sẽ rất khó để hàn gắn. 

 

 

Từ góc nhìn của một người giáo viên, cô Khánh Phương cho biết ở bậc Tiểu học, trẻ sử dụng rất nhiều giác quan trong việc hình thành thế giới quan của mình thông qua việc bắt chước. Người lớn sẽ là tấm gương cho trẻ khi ở độ tuổi này, các con thường học qua hành động, nhìn người lớn làm và học theo. Bên cạnh đó, trẻ em cũng có khả năng tưởng tượng rất phong phú, đôi khi vượt ra ngoài khả năng hiểu của người lớn. Chính vì vậy, trong các hoạt động trên lớp, thầy cô thường xuyên tạo ra hoạt động để học sinh có thể sáng tạo không ngừng. Đặc điểm thứ ba là trẻ có khả năng vận động trong giai đoạn này, đòi hỏi các thầy cô cần đan xen nhiều hoạt động động - tĩnh. Cảm xúc của con sẽ gắn liền với biểu hiện bên ngoài của cơ thể. Trên thực tế, đó là biểu hiện hết sức tự nhiên chứ không phải hành động “thái quá” như cách nhiều phụ huynh vẫn nhận định.

 

Trí thông minh xã hội 

 

Mượn câu chuyện làm gì khi con đánh bạn, nhà báo Kim Hải muốn đề cập tới năng lực hợp tác, trí thông minh xã hội của học sinh. Tiến sĩ Chí Hiếu đưa ra nhận định rằng sự phát triển xã hội mang lại cả tác động tích cực và tiêu cực cho trẻ. Khi các tương tác của học sinh với con người thật ít hơn, khi môi trường sinh sống giới hạn từ nhà tới lớp học thêm cùng với việc không có sự hướng dẫn làm gương từ người lớn, nhiều học sinh không có đủ cơ hội để phát triển trí thông minh cảm xúc.

 

“Các bạn đang đói những cơ hội được tương tác với rất nhiều người nên không có cơ hội được bộc lộ đủ cảm xúc còn người lớn không nhìn thấy vấn đề để điều tiết.”

 

“Nghề khó nhất thế gian này là nghề làm cha mẹ nhưng cái nghề hạnh phúc nhất thế gian này cũng là nghề làm cha mẹ.”

 

 

 


Để phát triển trí thông minh xã hội cho con cái, cha mẹ cần điềm tĩnh trong mọi tình huống. Sau đó, phụ huynh nên nói chuyện cùng con và hướng con đến những suy nghĩ tích cực. Từ phía nhà trường, thầy cô có thể đồng hành cùng con tìm ra nguyên nhân để giải quyết vấn đề.

 

“Người lớn hãy cố gắng kiên trì một chút, nhẫn nại một chút để con có thời gian cân nhắc cho những lựa chọn của mình,” cô Khánh Phương chia sẻ.

 

Khi được hỏi về kinh nghiệm và lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh, cả chị Hoài Anh và chị Kim Hải, đọc sách cho con sẽ là một cách để trẻ có thể bước ra ngoài khám phá thế giới, giúp phát triển trí thông minh xã hội cho con trẻ. Tiến sĩ Chí Hiếu đề xuất phụ huynh nên tạo ra không gian sáng tạo cho trẻ con tại nhà để con có cơ hội phát triển năng lực cốt lõi và tự nhiên nhất. Khép lại câu chuyện là một chia sẻ cho những bậc phụ huynh vẫn đang đeo đuổi nghề nghiệp “ý nghĩa nhất” cuộc đời mình.

 

“Nghề khó nhất thế gian này là nghề làm cha mẹ nhưng cái nghề hạnh phúc nhất thế gian này cũng là nghề làm cha mẹ.”

 

 

 

Share:

Bài liên quan