undefined

Dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”: Hành trình khám phá những chiều cạnh bản sắc Việt cùng dự án liên môn lớn tại

23 Tháng 9, 2021

Học tập liên môn là một hình thức độc đáo đã được thực hiện trong nhiều năm trở lại đây tại trường PTLC Olympia và thu được những hiệu quả giáo dục tích cực. Với dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” dành cho học sinh khối 11 được thực hiện tại Mộc Châu vào tháng 11/2020, các bạn học sinh đã có cơ đi ngược dòng thời gian, khám phá một “bản sắc Việt” mới mẻ hơn và bước thêm một bước dài trên hành trình tìm căn tính bản thân giữa lòng dân tộc.

 

Tuy nhiên, “bản sắc Việt” là gì khi dân tộc Việt Nam là nơi tụ hội của 54 dân tộc anh em? Chúng ta không chỉ dạy lũ trẻ về những mảnh văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ và khái quát lên thành bản sắc Việt. Ở sơ khởi của câu chuyện bản sắc Việt, những người giáo viên Olympia luôn muốn nhắc nhở học sinh rằng: Bản sắc Việt là một sự tổng hòa của nhiều nét văn hóa, nhiều tộc người và ít nhất, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải nhận thức được điều đó cũng như bước ra ngoài kia học tập, trải nghiệm, khám phá những câu chuyện vốn ít quen thuộc với giới trẻ thị thành.

 

Chính vì vậy, liên môn Ngữ văn - Âm nhạc nghệ thuật - Mỹ thuật - Tin học đã đưa các Olympian khối 11 đến với một “bản sắc Việt” khác biệt hơn cùng không gian văn hóa của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Mộc Châu, Hòa Bình. 

 

Học tập liên môn kết hợp Ngữ văn - Âm nhạc nghệ thuật - Mỹ thuật - Tin học

 

Chuyến đi tới huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La dành cho khối 11 là “chương hai” trong dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” đã được triển khai lần đầu vào năm lớp 10 khi các bạn học sinh được tìm hiểu về văn hóa Mường. Hành trình lần này đã mở ra những tri thức bản địa và văn hóa đặc trưng của người Thái trên địa bàn huyện Mộc Châu. 

 

Cô Minh Thủy, tổ trưởng môn Ngữ văn Trung học phổ thông Olympia, đồng thời là trưởng ban tổ chức chuyến đi chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn học sinh sẽ biết và hiểu thêm về văn hóa một tộc người, có thêm một góc nhìn và cách tiếp cận giá trị, bản sắc văn hóa của một vùng miền, xứ sở để có cái nhìn toàn diện, tổng quan, trung thực hơn khi bàn về văn hóa các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Người Thái sinh sống và cư trú chủ yếu ở miền núi phía Bắc và tây Bắc các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Được trải nghiệm thực tế sẽ giúp học sinh nhận diện được cả đặc điểm tộc người lẫn văn hóa, địa lý, không gian văn hóa.”


 

Với mỗi học sinh Olympia, quá trình hình thành danh tính cá nhân được đặt trong một khuôn khổ lớn hơn với căn tính dân tộc. Hiểu một cách đơn giản hơn, các em không chỉ hiểu mình là ai mà còn hiểu mình thuộc về nơi nào, những giá trị Việt đang ươm mầm và lớn dần theo các em ra sao? Căn tính cá nhân không thể tách rời căn tính dân tộc và ngược lại, căn tính của một dân tộc là tập hợp của bao thế hệ người dân cùng sống chung trên một mảnh đất. Bản sắc Việt - điều học sinh Olympia luôn tự hào mang theo bên mình, là một giá trị được vun đắp trong suốt 12 năm học.

 

 

Một trong những điều các thầy cô đặc biệt nhấn mạnh và coi trong khi thực hiện các chương trình học tập trải nghiệm là góp phần thay đổi quan niệm và nhân sinh quan của học sinh trong nhiều lĩnh vực, bao gồm câu chuyện về các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam.   Điểm nhìn về văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam với học sinh Olympia nói riêng và học sinh thành thị nói chung còn hạn hẹp, dễ dẫn đến những thiên kiến. Tuy nhiên, thông qua chuyến đi, học sinh đã có cái nhìn mở rộng hơn; cộng đồng các dân tộc thiểu số có đóng góp lớn trong việc gìn giữ văn hóa bản địa, diện mạo và tích cực bảo tồn, truyền bá các nét văn hóa đặc sắc ấy tới với đông đảo mọi người. Chính họ và văn hóa của họ đã góp phần tạo nên nhiều mảng màu đa dạng của cội nguồn văn hóa Việt.

 

Trở lại với câu chuyện học tập liên môn cùng dự án ý nghĩa với học sinh khối 11, việc các môn học được kết hợp với nhau trong các chương trình liên môn không còn là điều xa lạ tại Olympia. Việc kết hợp 4 môn tạo nên một dự án lớn và đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, khác với các chương trình thiên về khối xã hội, dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc” đã lồng ghép cả môn Tin học vào trong chương trình. 

 


 

Với môn văn học, học sinh được học tác phẩm Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xôn xao) của dân tộc Thái. Môn âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn dân gian với những nhạc cụ dân tộc và những làn điệu dân ca vùng miền của người Thái. Mỹ thuật gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của người dân từ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như nông cụ, đồ dùng sinh hoạt gia đình, trang phục của của con người, hay kiến trúc nhà ở cũng rất độc đáo, tạo nên cái đẹp của một vùng không thể trộn lẫn vào đâu. Chương trình Tin Học giúp học sinh trang bị những kỹ năng lập trình, thiết kế và ứng dụng tin học trong đời sống thực tế, kỹ năng thiết kế các sản phẩm văn hoá dân gian trong dự án với mục tiêu lưu trữ, quảng bá văn hoá Việt Nam cho thế hệ trẻ nói riêng và cho bạn bè thế giới nói chung. 

 

 

“Mô hình học tập liên môn cùng học tập trải nghiệm thực tế, ở đây là trải nghiệm cuộc sống của người Thái, giúp học sinh chủ động vượt qua khỏi giới hạn lớp học thông thường, của những giờ học thuần sách vở trên lớp để có thêm kỹ năng, thái độ ứng xử phù hợp cũng như năng lực nhận thức, giải quyết vấn đề,tình huống thực tiễn. Các bài học được đưa tới thông qua chương trình không chỉ là lý thuyết đơn thuần hay trong khuôn khổ các tác phẩm văn học nghệ thuật, học sinh cũng có cái nhìn thực tế hơn nhờ truyền thông, du lịch, âm nhạc...

 

Trên tất cả, học sinh được chủ động kết nối về thời gian lịch sử, không gian địa lý và không gian văn hóa, ứng dụng nền tảng công nghệ để tìm kiếm, tổng hợp thêm thông tin, tri thức và quan trọng nhất ở đầu ra là tạo lập các sản phẩm cá nhân/ nhóm có chất lượng, sáng tạo và thể hiện tính hội nhập, toàn cầu mà luôn luôn có bản sắc của cá nhân, cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Từ đó, học sinh biết mình là ai, sinh ra từ đâu, sẽ làm gì, làm như thế nào và đi đến đâu trong bước đường tương lai sắp tới,” cô Minh Thủy nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình cũng như tầm quan trọng đối với học sinh. Chương trình học tập trải nghiệm không chỉ mở ra những chân trời kiến thức mới mà còn giúp học sinh bước vào thế giới bên trong mình để tự trả lời những câu hỏi hiện sinh về cuộc sống. 

 

Những trải nghiệm thực tế quý giá

 

Song song với học tập liên môn, các chuyến đi trên mang đến cơ hội học tập trải nghiệm quý giá cho học sinh cũng như tạo cơ hội để học sinh triển khai các dự án cộng đồng có ý nghĩa. Chuyến đi đã giúp nâng cao năng lực chung (năng lực tổng quát) và năng lực chuyên môn (riêng trong từng môn học). 

 

 

 

 

Với dự án “Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”, các bạn học sinh khối 11 đã được khám phá bảo tàng không gian văn hoá Thái. Đây là nơi trưng bày rất nhiều hiện vật, tại hiện cuộc sống của cộng đồng người dân tộc Thái. Không chỉ đem đến cơ hội học tập, chương trình còn giúp học sinh thực hiện các dự án cộng đồng service learning. Sau khi tới bản Dọi tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Olympian khối 11 đã thực hiện dự án cộng đồng, giao lưu văn nghệ với các em học sinh trường tiểu học xã Tân Lập, trao tặng quần áo cùng với sách truyện cho học sinh. Thời điểm buổi tối là không gian cho các hoạt động văn nghệ, đốt lửa trại, thưởng thức các loại hình âm nhạc truyền thống của người Thái cũng như dành thời gian để phản chiếu lại một ngày.

 

 

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động hai ngày, học sinh đã được trực tiếp thực hành những hoạt động văn hóa, nông nghiệp bản địa gắn liền với sinh hoạt của người Thái như học đan lát, thêu thùa, trải nghiệm thử trang phục của người Thái, tìm hiểu về nghề trồng chè - một sản vật nông nghiệp nổi tiếng gắn liền với huyện Mộc Châu, tham gia thu hái chè dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Với đa phần học sinh, đây là lần đầu tiên em được biết tới hái chè, được trao cơ hội thực làm và tự mình khám phá. Các trải nghiệm được giáo viên Olympia thiết kế nhằm tối ưu những trải nghiệm của học sinh, tiếp cận đa dạng các lĩnh vực và khía cạnh đời sống văn hóa của người Thái. 

 

Chia sẻ về chương trình, một bạn học sinh khối 11 cho biết: “Những người trẻ thế hệ chúng mình sẽ nhanh chóng thích nghi với sự giao thoa của các nền văn hóa thế giới nhưng sẽ giữ vững những giá trị tốt đẹp của người Việt và hiểu được trách nhiệm tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc để cùng nhau gìn giữ và phát huy. Đó là hành trang để chúng mình tự tin giới thiệu về Việt Nam với bạn bè thế giới, một Việt Nam đa chiều với nhiều câu chuyện ấn tượng. 

 

Dự án này đã cho chúng mình thêm những kiến thức và hiểu biết về một trong số 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc anh em với những nét văn hóa độc đáo đã được in dấu trong những trang sử sách, thơ văn đã góp phần tạo nên một Việt Nam độc đáo, tươi đẹp.”

 

 

 

Chuyến đi hai ngày khép lại nhưng mở ra nhiều chân trời kiến thức, trải nghiệm mới cho học sinh. Với những người tổ chức như cô Thủy, cô Khánh Linh và rất nhiều giáo viên khác, không có điều gì tự hào hơn khi nhìn thấy những chuyển biến tích cực của học sinh sau dự án.

 

“Dự án thực sự đã làm thay đổi ý thức và thái độ của học sinh nhiều lắm. Trước khi đi, có vài học sinh cũng không thoải mái khi phải ngủ nhà sàn, phải tham gia các hoạt động ngoài trời hay đơn giản là bước vào thế giới mới mẻ. Tuy nhiên kết thúc chuyến đi, các bạn chỉ mong hy vọng lần sau sẽ được đi nữa, được đi dài hơn, khám phá những nét văn hóa mới mẻ của dân tộc”, cô Thủy cười.

 

Ngần đó điều, là đủ làm nên thành công cho một dự án học tập. 

 

 

 

Share:

Bài liên quan