undefined

Phát triển mối quan hệ tích cực và hiệu quả giữa giáo viên - học sinh

23 Tháng 9, 2021

Trong bất kỳ môi trường sư phạm nào, sợi dây liên kết giữa giáo viên và học sinh luôn được nhận thức là một trong những yếu tố quan trọng, thậm chí là nền tảng, để tạo nên một môi trường giáo dục nhân văn và hiệu quả. Với chương trình Đào tạo giáo viên hiệu quả T.E.T, tiến sỹ Thomas Gordon cho rằng cần thiết phải tồn tại một kiểu quan hệ đặc biệt – một kiểu kết nối, liên kết hoặc cầu nối đặc biệt giữa người dạy (giáo viên) và người học (học sinh). Đơn giản hơn, Thomas Gordon muốn chúng ta tập trung vào chất lượng của lời nói và cách nói chuyện phù hợp nhất cho các tình huống khác nhau để giao tiếp giữa giáo viên và học sinh sẽ kéo họ lại gần nhau hơn và giúp nâng cao tính hiệu quả của giáo viên trong giảng dạy, của học sinh trong học tập.

“Một bạn học sinh (…) cảm thấy không tự tin. (…) Con nói chuyện với cô qua tin nhắn để tâm sự. Thay vì đưa ra lời khuyên, mình đã lắng nghe chủ động và đặt một số câu hỏi gợi mở. Con đã trải lòng nói ra vấn đề của mình. Kết thúc buổi nói chuyện đó, mình cảm nhận được cảm xúc của con đang rất phấn khích như vừa phát hiện ra điều gì mới mẻ nhưng thực ra con vẫn là người chủ động phát hiện ra vấn đề và tự đưa ra giải pháp phù hợp với mình. Về phía bản thân, mình cảm thấy rất vui khi con đã cởi lòng để chia sẻ suy nghĩ thầm kín mà vẫn không phải đưa ra giải pháp mang tính áp đặt cho con. Cám ơn T.E.T. Cám ơn các cô giáo đã mang khóa học đến với mình và các con.” – Đó là tâm sự của một giáo viên cấp Trung học phổ thông của trường PTLC Olympia với chúng tôi sau một thời gian “sống T.E.T” của mình.

 

Các giáo viên Olympia trong buổi đào tạo T.E.T tại trường.

 

Câu chuyện nhỏ đầy ấm áp ấy là một phần của bức tranh giao tiếp giữa giáo viên và học sinh mà chúng ta quan tâm trong môi trường nhà trường – nơi được coi là một xã hội thu nhỏ và ở đó chất lượng của mối quan hệ giữa người dạy và người học có vai trò vô cùng quan trọng. 

Lắng nghe chủ động
Lắng nghe dường như là việc giáo viên thực hiện mỗi ngày. Tuy nhiên, những gì giáo viên nghe thấy liệu có phải là những thông điệp mà học sinh muốn gửi đi? Những gì giáo viên hiểu liệu có phải là điều học sinh đang cố gắng truyền tải? Với kỹ năng LẮNG NGHE CHỦ ĐỘNG được giới thiệu trong chương trình T.E.T, giáo viên không những biết cách lắng nghe, kiểm tra tính chính xác của hoạt động lắng nghe mà còn thấu hiểu những thông điệp thực sự của học sinh. Điều đặc biệt hơn nữa, là khi giáo viên lắng nghe học sinh với sự chấp nhận, chân thành và thấu cảm, học sinh sẽ có cơ hội để được phát triển bản thân mình: điều hòa cảm xúc, nhận diện vấn đề thực sự của bản thân và tự mình đưa ra những giải pháp cho vấn đề mà mình đang vướng phải. 

Đương đầu với hành vi không mong đợi
Trong mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh, có nhiều thời điểm hành vi của người này gây cản trở cho việc đáp ứng nhu cầu của người kia. Thông thường giáo viên dễ sa vào đổ lỗi, chỉ trích học sinh và đòi hỏi học sinh phải chấm dứt hành vi đó hoặc thực hiện một hành vi mà giáo viên mong muốn. Với cách đó, học sinh thường phản ứng gay gắt và không thay đổi hành vi của mình. Khi đó, tiến sỹ Thomas Gordon đề nghị giáo viên sử dụng các THÔNG ĐIỆP TÔI thay thế cho những cách tiếp cận thông thường để khiến học sinh chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc điều chỉnh hành vi của mình, cho chúng cơ hội để thay đổi hành vi xuất phát từ việc quan tâm đến nhu cầu của giáo viên. Bằng cách này học sinh sẽ trưởng thành hơn và phát triển khả năng tự chịu trách nhiệm.

 

 

Giải quyết xung đột ổn thoả
Xung đột trong nhà trường, cũng như tất cả những xung đột trong đời sống, là một phần tất yếu không thể tránh khỏi. Những xung đột chính là thời khắc sự thật trong một mối quan hệ, là bài kiểm tra tình trạng sức khỏe của mối quan hệ, là một cuộc khủng hoảng khiến mối quan hệ đó yếu đi hoặc mạnh hơn, đẩy những người liên quan ra xa nhau hoặc kéo họ lại gần nhau và tạo nên sự hòa hợp và tình thân. Vậy nên, chúng ta không thể tránh được xung đột, điều quan trọng nhất là giải quyết xung đột đó như thế nào để cả hai có thể cùng thắng và mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Cách tiếp cận cơ bản của giáo viên, cũng như phụ huynh, thường là nghĩ tới cách giải quyết xung đột theo hướng ai đó thắng và ai đó thua. Điều đó không chỉ đặt giáo viên vào tình huống băn khoăn xem mình cần trở nên nghiêm khắc (để thắng) hoặc dễ dãi (để học sinh thắng) mà còn gặp phải nhiều phản kháng và cự tuyệt từ học sinh. 

“Khi tôi đang giảng bài thì học sinh nói chuyện riêng nhiều đến mức át cả tiếng của giáo viên. Sau khi tôi yêu cầu học sinh trật tự, nhắc lại nguyên tắc về âm lượng và tôn trọng, chỉ một vài phút sau tiếng xôn xao lại nổi lên. Điều đó lặp đi lặp lại nhiều lần trong khoảng 30 phút. Trước đây tôi sẽ bắt đầu cảm thấy giận giữ vì không được tôn trọng. Nhưng sau khi tham gia khóa Đào tạo Giáo viên Hiệu quả tôi hiểu rằng đằng sau việc học sinh nói chuyện riêng như thế hẳn phải có những lý do nhất định. Tôi quyết định tạm dừng bài dạy, dành thời gian nói chuyện với các con và cùng các con sử dụng phương pháp giải quyết xung đột ổn thỏa để quản lý xung đột này. Chúng tôi mất khoảng 15 phút để nhìn ra nhu cầu của nhau, đưa ra các giải pháp cho vấn đề, phân tích đánh giá và lựa chọn giải pháp, phân công trách nhiệm thực hiện giải pháp. Sau đó tôi đã có 45 phút hoàn toàn được dạy và học với đúng nghĩa của nó và cả hai bên cùng cảm thấy thoải mái, được tôn trọng và được đáp ứng nhu cầu của bản thân. Bài học lớn nhất ở đây là sự tôn trọng học sinh và chính mình, là tinh thần dân chủ thực chất tôn trọng quyền và tiếng nói của từng cá nhân học sinh và giáo viên. Đồng thời, giáo viên cũng cần “dũng cảm” để không sử dụng quyền lực của mình trong giải quyết những mâu thuẫn về nhu cầu với học sinh.” – Một giáo viên cho biết về tình huống sử dụng phương pháp Giải quyết xung đột ổn thỏa của chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu quả trong thực tế lớp học của mình.

 

 

Rất tò mò về hiệu quả của việc xử lý tình huống đó trong lớp học, chúng tôi đã tìm tới một bạn trong lớp học của giáo viên ngày hôm đó và con cho biết “Đó là một tiết học rất tuyệt, vì giáo viên đã xử lý một vấn đề có thực trong lớp bằng chính lý thuyết mà cô dạy bọn con. Và nó rất mượt!” 
 
Với tinh thần dân chủ và sự cởi mở, chân thành trong việc giao tiếp, giáo viên và học sinh đã thể hiện sự tôn trọng những nhu cầu và giá trị của nhau cũng như quyền được đáp ứng những nhu cầu đó. Các kỹ năng như Lắng nghe chủ động, Đương đầu với hành vi không mong đợi, Phương pháp giải quyết xung đột ổn thỏa,… của chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu quả, nhờ đó được sử dụng là công cụ để phát triển những mối quan hệ lành mạnh - là tiền đề để cả giáo viên và học sinh phát triển thành những phiên bản tốt hơn của chính mình, đồng thời tiếp tục gắn kết với nhau trong tôn trọng, yêu thương và hòa thuận.
Dường như tinh thần và hiệu quả của những kỹ năng mà giáo viên trường PTLC Olympia được cung cấp từ chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu quả trong thời gian qua đang hiện diện nhiều hơn trong không gian lớp học, nhà trường, giúp giáo viên và học sinh hợp tác tốt hơn để cùng nhau đạt được những mục tiêu giáo dục của cá nhân và của cả nhà trường.

Cô Phạm Thị Hoài Thu,

Giảng viên được chứng nhận (Certitified Instructor) tại Việt Nam của Chương trình Đào tạo Giáo viên Hiệu Quả; Phụ trách chương trình T.E.T tại Olympia.

 

Share:

Bài liên quan