undefined

Duy trì sự tò mò để nuôi dưỡng tình yêu với Toán học

23 Tháng 9, 2021

PHÁT TRIỂN THẾ HỆ TÀI NĂNG MỚI: DUY TRÌ SỰ TÒ MÒ ĐỂ NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU VỚI TOÁN HỌC

Trong buổi talkshow “Toán và Tiếng Anh: phát triển thế hệ tài năng mới” phát sóng lúc 20:00, ngày 16/05/2021 trên fanpage chính thức của trường PTLC Olympia, Ths. Trần Quốc Dân đã có những chia sẻ vô cùng bổ ích đối với việc dạy và học Toán cho học sinh bậc phổ thông.

Ngày càng nhiều học sinh có cảm xúc tiêu cực với Toán học 
Giáo dục Toán tại Việt Nam được đầu tư và triển khai bài bản từ rất sớm với hệ thống trường chuyên lớp chọn và các cuộc thi học sinh giỏi diễn ra đều đặn trong từng năm học. Với Toán học, nước ta đã đạt được không ít thành tựu đáng tự hào. Trong đó, phải kể đến việc đội tuyển thi Olympic Toán Quốc tế thường xuyên đạt thứ hạng cao, trở thành cái nôi của nhiều nhà Toán học tài năng, uy tín trên tầm quốc tế như: GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn,... Chính vì thế, Toán học ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, ngành giáo dục và các bậc phụ huynh.

 

Ths Trần Quốc Dân - Thành viên Ban Giám Hiệu THPT, Phụ trách chuyên môn THPT, Phụ trách phát triển chương trình Toán học, có kinh nghiệm 2 năm nghiên cứu tại Viện Toán học Việt Nam, đồng thời kinh nghiệm hơn 10 năm giảng dạy toán tại cấp THPT và Đại học.

 

 

Trong công tác đào tạo Toán học, chúng ta có nhiều ưu điểm, lợi thế nhưng cũng tồn tại những tiêu cực mà điển hình là chạy đua vào trường chuyên lớp chọn, luyện thi, bệnh thành tích,... Việc có nhiều người ngộ nhận Việt Nam là một đất nước giỏi Toán cũng dẫn đến sai lầm trong việc dạy Toán ở trường phổ thông khi học sinh bị nhồi nhét những bài Toán với kỹ thuật quá khó mà chỉ phù hợp với học sinh trường chuyên. Phong trào luyện thi và học thêm tại Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều, các lò luyện thi mở ra chủ yếu để rèn luyện cho học sinh kỹ thuật giải Toán mà không dạy các em về bản chất và các khái niệm Toán học. 

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào con đối với môn Toán. Trong mắt nhiều cha mẹ, đôi khi, việc con không giỏi Toán là một vấn đề tương đối lớn. Điều này vô tình khiến các con có suy nghĩ sai lầm rằng nếu bản thân không giỏi Toán thì sẽ kém cạnh với bạn bè, gây ra áp lực không đáng có cho trẻ. Thậm chí khiến học sinh hình thành suy nghĩ tiêu cực rằng môn Toán là môn học khô khan, vô bổ, xa rời thực tế, phủ nhận vai trò quan trọng của tri thức Toán học trong cuộc sống và ngày càng chán ghét học Toán. 

 

 

Đâu là đích đến lâu dài của việc học Toán?
Có thể không sai khi nói rằng trong quan điểm của nhiều phụ huynh và học sinh, kết quả của việc học Toán đơn thuần được đánh giá qua các kỳ thi chuẩn hóa, thước đo điểm số, các chứng chỉ, giải thưởng. Những mục tiêu rời rạc và sai lệch đó cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến cho thực trạng học sinh mất hứng thú với Toán học. Vậy mục tiêu của việc học Toán thực chất là gì? Đâu mới là đích đến cuối cùng của việc học Toán?

Ths. Trần Quốc Dân chia sẻ: “Cùng với ngôn ngữ thì Toán học là cơ sở tạo nên các công cụ tư duy cơ bản của con người. Sẽ rất khó cho một người nếu như trong cuộc sống hàng ngày mà không có hiểu biết cơ bản về các con số, hình khối, các mối quan hệ đại lượng,... Vì vậy, đích đến đầu tiên của môn Toán tất nhiên phải là những tri thức. Cùng với đó, trong quá trình thực hành Toán học, học sinh có thể hình thành các năng lực đặc thù như: năng lực tư duy, lập luận logic; khả năng tư duy định tính định lượng; khả năng mô hình hóa các quan sát để tìm ra quy luật, cấu trúc; khả năng giải quyết vấn đề; hay đơn giản là sự kiên trì theo đuổi mục tiêu giống như việc học sinh kiên trì đi tìm lời giải cho bài Toán. Đó là những năng lực cốt lõi và là những giá trị thực tế mà trong quá trình dạy học chúng ta cần phải  hướng đến cho học sinh”. 

 

Ths Trần Quốc Dân trong buổi chia sẻ

 

Học Toán hay bất kỳ bộ môn nào cũng vậy, đều có những năng lực chung và năng lực đặc thù cho mỗi học sinh rèn luyện và phát triển suốt đời. Chúng ta dạy Toán cho trẻ không phải để chúng trả bài hay trở thành “thợ giải”. Sau cùng, trẻ có giữ được tình yêu với Toán học, có thể ứng dụng những tri thức Toán học, năng lực Toán học vào thực tiễn như thế nào mới là điều quan trọng.

Làm thế nào để giữ được niềm say mê với Toán học của trẻ?
Mỗi đứa trẻ về mặt tự nhiên đều mang trong mình tính tò mò, thích khám phá và hứng thú với học tập.Trước thực trạng không ít học sinh học Toán theo cách đối phó lấy điểm, sợ Toán, ghét Toán, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để trẻ có thể yêu thích bộ môn Toán học và học tập một cách say mê?

Như đã nói kết quả của việc học Toán không nên chỉ dừng lại ở điểm số, giải Toán không đơn thuần là việc tìm ra đáp án. Thay vì chỉ sa đà vào các kỹ thuật cao siêu, sau mỗi bài Toán, học sinh cần có khoảng thời gian để đào sâu suy nghĩ, phát triển bài Toán, phát triển những năng lực đặc biệt mà Toán học mang lại. Khi Toán học không làm các em bị “bội thực” thì mới có chỗ cho tình yêu nảy nở. 

Trong thực tế quan sát và nghiên cứu, Ths. Trần Quốc Dân nhận ra rằng kể cả những học sinh không thích môn Toán nhưng khi nhận được các nhiệm vụ Toán học được giao dưới dạng trò chơi, đòi hỏi hợp tác nhóm hoặc các hoạt động kết hợp liên môn thì các bạn ấy đều hào hứng và tìm cách giải đề hết sức hăng say. Vì vậy, giáo viên nên đa dạng hóa các phương pháp học tập, mở rộng biên giới lớp học, liên hệ được những kiến thức Toán học vào thực tiễn để khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh. 

Nói về vấn đề làm sao để học sinh có thể yêu thích Toán học, Ts. Nguyễn Chí Hiếu cũng chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ tôi đã không đặt quá nhiều áp lực về việc tôi phải học xuất sắc môn Toán. Vì thế, bản thân tôi xuất thân là học sinh lớp chuyên Anh, là một người không thích môn Toán nhưng vẫn giữ được các kiến thức nền tảng để chạy theo sự vận hành của toán học. Sau này, khi đi du học, được học những kiến thức Toán học thực tế, thấy được tính ứng dụng của Toán trong cuộc sống thì tôi bắt đầu học Toán một cách say mê và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Điều này để nói rằng, khi chúng ta cho trẻ thấy được những giá trị cốt lõi và ý nghĩa thật sự của Toán học, tự khắc chúng sẽ hứng thú, học tập một cách chủ động, tích cực hơn.

 

Ts Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ Kinh tế Stanford, Giám đốc học thuật trường PTLC Olympia. 

 

Có nhiều cách mà giáo viên Olympia thường sử dụng để biến việc học Toán trở nên hứng thú. Đó là các trò chơi học tập, các hoạt động thực hành với vật thật, đặt học sinh vào những tình huống, câu chuyện quen thuộc để từ đó nảy sinh nhu cầu giải quyết, liên quan đến kiến thức bài học. Có thể lấy ví dụ cụ thể như việc ôn tập số đếm từ 1 - 10 của các bạn học sinh lớp 1 Olympia được tổ chức ngoài vườn thông qua chuỗi trò chơi thi đua thu hoạch đậu để tìm đội chiến thắng, khi đó nhu cầu đếm và so sánh các số sẽ nảy sinh một cách tự nhiên. Điều đó sẽ tạo cơ hội để học sinh trải nghiệm, áp dụng Toán học vào thực tiễn, là cách tốt nhất để khiến việc học trở nên hứng thú và có ý nghĩa. Đối với học sinh cấp THCS, THPT, các đề Toán được xuất phát từ các vấn đề trong thực tiễn và được đưa ra dưới dạng dự án giúp học sinh mở rộng tư duy, vận dụng Toán học vào thực tế một cách tự nhiên nhất, cho các bạn trẻ thấy được tính phổ dụng vô cùng hữu ích của Toán học trong cuộc sống, để các bạn không cảm thấy học Toán là khô khan, vô bổ.

Để khép lại câu chuyện về việc học Toán của trẻ, Ths. Trần Quốc Dân muốn gửi gắm tới quý phụ huynh rằng: “Hãy giữ gìn và nuôi dưỡng sự tò mò của trẻ con, khơi mở cho các bạn ấy những cánh cửa, những con đường mới mẻ để cho các bạn thấy việc học Toán và học các môn khác là có ý nghĩa”.

 

Share:

Bài liên quan