undefined

Phạm Hoàng Duy - Olympian đam mê Vật lý nuôi ước mở trở thành kỹ sư cơ khí

03 February, 2023

“Ngày còn bé, em có một giấc mơ, đó là trở thành siêu nhân. Và giờ đây em biết, mình có thể sử dụng khoa học để làm được những điều phi thường có giá trị với cuộc sống con người…”. Đó là điều mà Phạm Hoàng Duy (lớp 12 SBQT) đã viết trong bài luận gửi tới một số đại học Mỹ để apply du học ngành Kỹ sư. Olympian yêu thích môn Vật lý và Toán học này mang khát khao được khám phá và hiểu biết thật nhiều về thế giới xung quanh, cách chế tạo, hoạt động của các loại máy móc hiện đại, như: máy tính, ô tô, máy bay… Với kiến thức học được từ đại học Mỹ, em cũng mong muốn đóng góp vào việc giải quyết một số vấn đề khó khăn của Việt Nam như: thiết kế nhà chống lũ, phổ biến năng lượng tái tạo...


Học sinh xuất sắc đam mê giải quyết các vấn đề của cuộc sống

Gia nhập Olympia từ năm học lớp 8, Phạm Hoàng Duy cho biết, em đã được trải nghiệm rất nhiều hoạt động ở đa dạng lĩnh vực, từ đó bồi đắp sâu rộng kiến thức học thuật, phát triển các năng lực, phẩm chất và từng bước định hướng được ngành nghề tương lai. Đó là những giờ học gắn lý thuyết với thực tế, các dự án học theo hướng giải quyết vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đó là những các buổi học cùng chuyên gia Glocbal Connect, học tập trải nghiệm tại doanh nghiệp và trao đổi với đại diện của các công ty như: Vinamilk, Mckinsey, PIHMS. Những chương trình “Ngày hội tìm hiểu nghề nghiệp” Career Exploration là cơ hội để Olympians được lắng nghe câu chuyện thực tế của các ngành nghề từ chính nhân sự làm trong lĩnh vực đó; triển lãm du học trong nước và quốc tế - nơi các bạn được nói chuyện với đại diện các trường để tìm hiểu rõ chương trình đào tạo, cơ hội việc làm cho tương lai…

“Những hoạt động này không trực tiếp liên quan đến ngành kỹ sư em lựa chọn, nhưng sự đa dạng của lĩnh vực trải nghiệm giúp em có cái nhìn tổng thể về xã hội, thế giới, các vấn đề của ngành nghề. Điều này rất quan trọng vì các kỹ sư cần phải có góc nhìn đa chiều này mới có thể đưa ra những phát minh đa dụng được. Em cũng loại bỏ được một số nghề nghiệp không phù hợp với bản thân và định hướng rõ hơn về công việc mình muốn theo đuổi trong tương lai”, Olympian Phạm Hoàng Duy nói.

Theo Olympian, ngành kỹ sư mà cụ thể hơn là kỹ sư cơ khí được sinh ra từ nhu cầu giải quyết vấn đề; nó khiến em có cảm hứng và “đối đầu” một cách hiệu quả hơn với các vấn đề cần giải quyết.

Phạm Hoàng Duy (ngoài cùng bên phải) làm chủ tọa tại OLMUN năm học 2021-2022.

Là một người yêu thích môn Vật lý, Phạm Hoàng Duy đã áp dụng nhiều kiến thức học được ở môn học này vào đời sống thường ngày của mình. Em dùng kiến thức phần mô men quán tính để sửa được tư thế phát bóng của bản thân khi chơi tennis, giúp tạo được lực phát bóng mạnh nhất. Dùng định luật Bernoulli, Duy giải thích được lý do quả bóng có thể xoáy khi chơi trong các môn thể thao, hay từ kiến thức nhiệt động lực học giúp, em hiểu được cấu trúc của bình nóng lạnh và vì sao nó lại có một ống ngắn và một ống dài...

Từ giữa năm lớp 11 đến hết hè năm học này, Hoàng Duy tham gia làm việc cùng các sinh viên của câu lạc bộ (CLB) Robotic trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, em được tiếp cận với nhiều kiến thức và công cụ của nghề kỹ sư như: Solidworks, MATLAB, ROS. “Tuy đóng góp của em với CLB không quá đáng kể, nhưng đây là một trải nghiệm đáng nhớ và quan trọng trong quyết định chọn nghề Kỹ sư của em”, Olympian chia sẻ. Kỳ thực tập mùa hè trước khi lên lớp 12, Hoàng Duy làm trợ giảng tại một trung tâm STEM để học hỏi thêm nhiều điều về kiến thức Vật lý, cũng được bồi đắp nhiều kỹ năng liên quan đến ngành kỹ sư sau này.

“Duy là có khả năng định hướng rất tốt cho bản thân, biết tự thiết kế các hoạt động cần thiết cho lộ trình học tập và phát triển của mình. Em cũng có khả năng tự học, tự tìm tòi mở rộng kiến thức tốt. Các bài học trên lớp luôn được Duy chủ động huy động nhiều nguồn lực, từ học liệu trong và ngoài trường, hỏi các thầy cô… để bồi đắp sâu-rộng nhất có thể hiểu biết của bản thân”, cô Phạm Thùy Giang - giáo viên Vật lý cấp THPT Olympia nói.

Năm học 2020-2021, Hoàng Duy đạt danh hiệu “Học sinh xuất sắc”. Năm học 2021-2022, em là “Học sinh vượt trội” và đạt danh hiệu “Học sinh vượt trội” trong các môn Vật lý, tiếng Anh, Công nghệ thông tin và Truyền thông. Trước đó, Olympian lớp 12 SBQT này còn là một trong 15 học sinh xuất sắc nhất, trong số hàng trăm thí sinh đến từ 27 trường THCS khác nhau trên địa bàn Hà Nội dự thi và nhận được học bổng danh giá Griffin Scholars năm 2020 của trường Olympia.

Olympian Phạm Hoàng Duy cùng các bạn tham gia Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc.

Hoàng Duy cũng là cái tên được vinh danh trong nhiều Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc, như giải “Đại biểu danh dự” tại hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc trường Olympia, giải “Đại biểu xuất sắc nhất” tại Hanoi Model United Nations (HMUN). “Nếu như không được tham gia Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc trong chương trình học của trường Olympia, có lẽ em khó có cơ hội tiếp cận được tiếp cận với một sự kiện học tập ý nghĩa như thế này”, Phạm Hoàng Duy nói.

Chàng trai truyền cảm hứng, tích cực đóng góp cho cộng đồng

Quan sát và làm việc với Hoàng Duy kể năm em mới bước vào trường, cô Phạm Lệ Thủy - Phụ trách chương trình SBQT và IB của Olympia đã chứng kiến nhiều đóng góp đặc biệt của Olympian này cho bản thân, Nhà trường và cộng đồng xung quanh. “Duy không chỉ gây ấn tượng mà còn truyền cảm hứng cho cô bởi sự đam mê mãnh liệt của bạn ấy đối với việc học hỏi kiến thức, tham gia các hoạt động xã hội, những ý tưởng sáng tạo và thiết thực, đặc biệt là sự chỉn chu, trách nhiệm khi thực hiện các công việc được giao nhằm đạt kết quả tốt nhất”, cô Phạm Lệ Thủy chia sẻ.

Cô cho biết, rất tự hào về cậu học trò vừa học tập xuất sắc, tài năng trong việc nghĩ ra nhiều ý tưởng ứng dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tế, lại rất thân thiện, tích cực giúp đỡ mọi người. Trong dự án học tập “Business case study”, Hoàng Duy đã đóng góp ý tưởng đặt tên các địa danh Việt Nam trên vỏ hộp sữa, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống vận hành khách sạn tại PIHMS. Khi thấy có tình trạng lãng phí thực phẩm ở trường, Duy đã cùng nhóm bạn đã thực hiện một dự án để theo dõi lượng thức ăn và loại thực phẩm dư thừa mỗi ngày, từ đó giúp Bếp trường có thêm dữ liệu tham khảo khi sửa đổi thực đơn.

Phạm Hoàng Duy được bạn bè, thầy cô đánh giá là hòa đồng, tốt tính, hay giúp đỡ mọi người.

Trưởng khối 12 năm học 2022-2023 từng là thành viên năng nổ trong nhiều sự kiện của trường như: General Knowledge, Olympia Film Festival, OLMUN… Em tham gia nhiều dự án thiện nguyện và tự tổ chức 2 dự án: gửi áo ấm vào dịp Tết cho các em nhỏ vùng cao và quyên góp máy tính cũ cho trẻ em nghèo trong đại dịch COVID. Hiện Duy đang ấp ủ kế hoạch xây thư viện cho trường tiểu học Vĩnh Đồng, Hòa Bình bằng việc bán sách “Miếng xoài hi vọng” mà em trong vai Tổng Biên tập đã cùng các học sinh chương trình SBQT niên khóa 2019-2023 biên dịch - xuất bản.

Với sự xuất sắc trong cả học tập và hoạt động cộng đồng, đặc biệt là khả năng ứng dụng lý thuyết vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống, Phạm Hoàng Duy đã nhận được thư chấp thuận nhập học từ 6 đại học danh tiếng nước Mỹ như: Case Western Reserve University (#42 National Universities), Ohio State University (#30 Best Engineering Schools), Purdue University (#9 National Engineering Program), University of Maryland, College Park (#11 Public Colleges) … Trong đó, đại học Michigan State đứng top 12 nước Mỹ về đào tạo kỹ sư nông nghiệp,- ngành Hoàng Duy sẽ học nếu quyết định học tại đây - đã cấp cho em học bổng 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng) cho 4 năm đại học. Trường Worcester Polytechnic Institute (#5 Robotics Engineering) cũng hỗ trợ 88.000 USD cho Olympian nếu theo học tại trường.

Chúc mừng Olympian Phạm Hoàng Duy (K12 SBQT) với những thành tích và trải nghiệm ấn tượng. Chúc em sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường học tập sắp tới và có những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, cuộc sống xung quanh.

Share:

Related post