undefined

Một năm nhìn lại việc triển khai chương trình Sách giáo khoa mới ở Olympia

23 Tháng 9, 2021

Được đưa vào chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm 2020, bộ sách giáo khoa mới dành cho học sinh lớp Một đã mang đến nhiều hiệu quả thay đổi tích cực. Tuy nhiên, thực tế triển khai ở trường Olympia đang diễn ra như thế nào và sau một năm triển khai, liệu có điều gì cần thay đổi?

 

Học sinh lớp Một trên cả nước và tại trường PTLC Olympia đã bước qua năm học 2020 - 2021, năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Theo Bộ GD&ĐT, trước khi đưa vào triển khai đại trà, ngành giáo dục và các địa phương đã có bước chuẩn bị suốt 5 năm. 

 

Ở Olympia, câu chuyện chuyển đổi sách giáo khoa, nhìn rộng hơn là chương trình học, không mới. Suốt 14 năm qua, nhà trường đã bền bỉ lồng ghép phương pháp giáo dục mới vào trong việc dạy và học để có những kết quả như ngày nay.

 

Chương trình Sách giáo khoa mới được xây dựng nhằm phát triển năng lực cho học sinh. Về bản chất, Giáo dục phổ thông mới được định hướng phát triển năng lực, thay vì chỉ truyền dạy kiến thức cho học sinh một cách máy móc. Học sinh không chỉ biết tính toán hay tập đọc, học sinh được phát triển năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ cùng rất nhiều các năng lực đặc thù khác tương thích với từng môn học. Gọn gàng trong vài ba dòng như vậy nhưng quả thật, đây là một sự thay đổi quá đỗi lớn lao đòi hỏi sự dày công của các chuyên gia đầu ngành giáo dục.

 

 

Chương trình GDPT mới được triển khai tại trường Olympia.


Nếu tính thời gian chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu định hướng phát triển năng lực được triển khai, khi các trường khác được tính bằng tháng thì ở Olympia, con số đó đã là 14 năm. Khi những người thầy cô đầu tiên bắt tay vào việc xây dựng trường cùng một chương trình giáo dục Olympia từ những năm 2007, tầm nhìn về vai trò của dạy học định hướng phát triển năng lực đã khai mở một phương hướng giáo dục đi trước thời đại, phù hợp với sự phát triển của học sinh. 

 

Nhìn lại một năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực tế là nhìn lại hơn một thập kỷ phát triển chương trình ở Olympia với những câu chuyện rõ nét hơn, nhiều bài học hơn, đi sâu vào bản chất hơn.

 

Cô Vũ Thị Diệu Lý - Phó Chủ tịch HĐCM, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS, đã có những chia sẻ về dạy học phát triển năng lực.

 

“Với chương trình cũ, yêu cầu cần đạt với học sinh chỉ là kiến thức. Tất nhiên, kiến thức vẫn là nền tảng dù là chương trình nào đi chăng nữa nhưng ở chương trình mới, yêu cầu cần đạt chính là năng lực. Kiến thức chỉ là công cụ để học sinh đạt được năng lực cần có. Về cơ bản, kiến thức nhìn chung vẫn không có quá nhiều khác biệt nhưng chỉ cần thay đổi cách tiếp cận, câu chuyện sẽ là phát triển năng lực.

 

Tôi thường lấy câu chuyện rất đơn giản về dạy học phát triển năng lực từ ví dụ một chiếc cốc. Cái cốc, cái ghế hay bất cứ thứ gì dù là đơn giản nhất cũng chỉ là công cụ; mình mượn những vật dụng, thông tin… đó để ngoài việc dạy kiến thức (cái cốc, cái ghế)  cho học sinh, còn phải giúp học sinh có thể tự làm ra, tự phát hiện ra những kiến thức đó một cách sáng tạo, phát huy những khả năng sẵn có của chúng.  

Đó là một chuỗi các câu hỏi để gợi mở tư duy, như là cái cốc để làm gì? ngoài cốc để uống nước thì có thể thay thế bằng cái gì để uống nước? Nếu không dùng cốc mà dùng cái lá thì thế nào? Tại sao cốc không phải hình này mà là hình kia…? Mình không chỉ dạy học sinh về câu hỏi “What” (Cái gì) mà phải học sinh về “How” (như thế nào) và “Why” (Tại sao) để đi vào bản chất vấn đề. 

 

Ngay từ đầu những năm 2007, chúng tôi đã đặt ra những câu hỏi về việc dạy học để làm gì hay làm sao để học sinh có thể phát triển năng lực, học bản chất để yêu lấy sự học, nhất là với học sinh lớp Một khi bắt đầu với môi trường hoàn toàn mới. Học sinh trước giờ vẫn học gì viết nấy, dạy gì biết đấy - như cách nhiều người vẫn đang dạy trẻ lớp Một. Nhưng cứ học như vậy thì bao giờ cho hết kiến thức? 10 năm sau các em sẽ lại quên những kiến thức đấy. Chúng tôi trăn trở về câu chuyện dạy học làm sao để chỉ dạy một thứ thôi mà học sinh có thể làm những cái khác, học những cái mới, bắt nguồn từ chính nhu cầu cuộc sống của các em.

 

Chương trình giáo dục phổ thông được triển khai cùng việc đưa bộ sách giáo khoa mới cho học sinh lớp Một đã mở ra cho trường Olympia cơ hội được phép làm những thứ mình đang làm, những điều ngày xưa vẫn được thực hiện nhưng không gọi bằng một cái tên chính thức như bây giờ. Trong một năm vừa qua, việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông và Sách giáo khoa mới vẫn nhịp nhàng như những năm trước đấy, không gặp khó khăn khi vẫn quen với phương pháp này từ trước tới nay. Giáo viên và học sinh có thêm niềm tin, khẳng định được con đường mình vẫn đi từ trước tới nay là đúng đắn. Dạy học phát triển năng lực được nhìn nhận đúng vai trò và hiệu quả, mang lại nhiều điều tích cực cho học sinh ở cả hiện tại và tương lai.

 

Định hướng phát triển năng lực là đi vào bản chất của vấn đề. Giáo viên không chỉ dạy cho học sinh kiến thức đã được các nhà khoa học dày công xây dựng, tích lũy hàng thế kỷ - nhà khoa học làm kiến ra thức thì mình cũng sẽ “làm lại”, đặt lại vấn đề. Nếu các nhà khoa học mất hàng thế kỷ để phát triển kiến thức, dưới sự định hướng của giáo viên, học sinh có thể đi lại con đường đó, nhìn vào bản chất vấn đề chỉ sau một tiết học. 

 

Học tập định hướng phát triển năng lực là mục tiêu giáo dục được chú trọng tại Olympia.

 

Sau rất nhiều năm, phụ huynh vẫn yêu thích con đường đi của nhà trường và đồng hành cùng chúng tôi để vun đắp cho hành trang giáo dục của trẻ. Từ những ngày còn manh nha hình thành từng bài học cho tới bây giờ đã thành một chương trình tổng thể, gọi tên ra được năng lực đặc thù của từng bộ môn, phụ huynh vẫn luôn ủng hộ khi nhìn thấy con mình ngày càng tiến bộ. Tất nhiên, đi vào bản chất của học tập cần một tầm nhìn xa hơn - chúng ta không thấy ngay kết quả sau thời gian ngắn mà cần kiên nhẫn để nhìn được sự thay đổi trong mỗi đứa trẻ. 

 

Nhìn lại thời gian đã đi qua, dù ở thời điểm hiện tại việc triển khai dạy học không gặp nhiều khó khăn cũng như chúng tôi đã thấy những thay đổi tích cực của học sinh sau 14 năm triển khai, dạy học năng lực vẫn cần thay đổi hơn cho phù hợp. Việc dạy học đi vào bản chất phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên. Truyền đạt kiến thức thì dễ nhưng giúp học sinh phát huy năng lực mới đặt ra các thách thức lớn. Mỗi học sinh sẽ cần có cách dạy khác nhau, kỹ năng và công cụ khác nhau, chương trình chỉ là định hướng còn cách tiếp cận từng bài lại phụ thuộc vào giáo viên. Có được một đội ngũ cùng thấu hiểu chương trình, cùng tin tưởng vào giá trị của dạy học phát triển năng lực cùng với chuyên môn vững vàng là điều trường Olympia luôn cần nỗ lực để đạt được.

 

Giáo dục vốn không có điểm dừng và không có gì là chuẩn mực vì suy cho cùng, chúng ta có nhiều cách để huy động năng lực. Giáo viên sẽ phải cùng nhau tìm kiếm, trăn trở với mỗi bài học mới, nghĩ thêm các cách tiếp cận tốt hơn. 

 

Và điều cuối cùng tôi muốn nói rằng, phát triển năng lực có thể khởi phát từ mọi điều chứ không chỉ trong các môn học. Dạy học là dạy làm người. Tất cả mọi thứ, từ chương trình mới, sách giáo khoa mới, đều là công cụ để giúp học sinh có thể phát triển thành một con người toàn diện. Chúng tôi tin rằng ở Olympia, con đường đó vẫn luôn được soi tỏ với một định hướng giáo dục nhân văn, hiện đại và bền vững.”

 

 

 

Share:

Bài liên quan